Nghe Mẹ kể chuyện


Nghe mẹ kể chuyện

Mỗi lần gặp lại mẹ, mình hay ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, phần nào chưa nghe thì mình mở iphone ra thâu. Câu chuyện mẹ mình kể thường được chia thành 2 phần; thời sau 30/04/75 và thời con gái. Khi kể thì mẹ mình ít khi ngừng như sợ quên câu chuyện. Từ hai năm nay, mình bắt đầu nhận thấy trí nhớ mẹ mình bắt đầu có những ngắc khoảng nên càng muốn nghe mẹ để sau này khi mẹ mình có trả nhớ về không thì không tiếc nuối.

Mấy cô em mình ở Việt Nam, nghe kể hoài nên khi mẹ mở đài phát thanh là mấy cô cười rồi biến mất, còn lại mình ngồi nghe. Mình xa mẹ gần hai thập kỷ mới gặp lại rồi địa lý xa xôi nên chỉ gặp nhau 2, 3 năm một lần. Từ ngày ông cụ mất thì gặp mỗi năm nhưng từ khi Covid thì chịu. Qua Tết 2023, mình sẽ về Việt Nam, đưa mẹ đi chơi ở Phuket. 

Mấy cô em không hiểu nên cứ cành nanh, cho rằng mẹ mình thương mình nhất. Mẹ đều thương mọi người như nhau nhưng thích gặp mình để kể chuyện đời xưa, mình ngồi nghe mẹ, lâu lâu thì nhắc tên ai đó ở trong họ hay ở Đàlạt để mẹ moi trong ký ức, kể thêm chi tiết cuộc đời của mẹ. Mình con đầu nên khi xưa, mẹ hay kể chuyện than thở với mình. Người già, họ thèm được có người nghe họ kể chuyện đời xưa.

Mình cảm thấy rất may mắn, bằng tuổi mình vẫn còn có cơ hội đi chơi với mẹ nhất là còn có thể nói chuyện với mẹ. Có nhiều người bạn tâm sự là khi xưa, bận lo con cái, công việc đến khi rảnh rổi thì bố mẹ đau ốm hay đã qua đời.
Mẹ mình nhìn qua đảo Phuket

Mình có anh bạn, bác sĩ than là mỗi lần về Việt Nam, không nói chuyện được với mẹ anh ta. Mẹ anh ta với thói quen hàng ngày, đi mót củi, nấu ăn,… trong khi anh ta thèm được nghe mẹ kể về cuộc sống, những đòi hỏi hay nghe anh ta kể về cuộc sống bên mỹ,… anh ta xa nhà từ năm lên 13 tuổi, được một gia đình mỹ nhận làm con nuôi, đem về Hoa Kỳ sau Mậu Thân, gặp lại gia đình sau 30 năm. Anh ta xây nhà cho mẹ ở quê, lo đầy đủ về vật chất nhưng không liên hệ được với mẹ anh ta, cho thấy có mẹ là may mắn mà nói chuyện được với mẹ là một hạnh phúc vô biên.

Ông Trần Trung Quân có kể câu chuyện về một người bạn, nói thời ông ta xa nhà, có lẻ đi bộ đội rồi sau này trở về thì mẹ ông ta bị lẫn nên có làm bài thơ “trả nhớ về không” kể lại câu chuyện này, rồi có ai sáng tác ra nhạc nhưng quên tên. Nghe rất thấm vào những chiều nhớ tới mẹ.

ngày xưa chào mẹ, ta đi
mẹ ta thì khóc , ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế ? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao...
tôi nhớ...
nó ...người ...như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng...
rồi..
đi...
ĐỖ TRUNG QUÂN

Bài thơ này cũng nói lên tâm trạng mình. Khi mình chào bà con, bạn bè ở Đàlạt, đi du học thì mẹ mình hay quay mặt đi để dấu những dòng nước mắt, trong khi mình vui vẻ, cười sung sướng khi mộng đi du học được toại nguyện. 10 năm rồi lại thêm 10, gần 20 năm sau mình mới trở lại Đàlạt. 
Mẹ ở Los  Angeles 

Mình may mắn hơn ông bạn của nhà thơ Đổ Trung Quân là khi mình về lại Đàlạt thì mẹ mình vẫn còn minh mẫn. Mình ngồi nghe mẹ kể chuyện, những khó khăn trong cuộc sống dứoi thời cách mạng, không ở bên cạnh giúp mẹ, ngoài những thùng quà.

Hình ảnh của mẹ dạo ấy mất đi cái tính đài cát của phụ nữ Huế. Thay vì bận áo dài như xưa, nay bận áo bà ba, đi khập khiễng, hỏi ra mới biết là những ngày đi thăm nuôi ông cụ mình ở trại cải tạo, bị té gãy xương hông. Mùa đông lạnh, đau, chỉ biết khóc, chịu đựng, tảo tần nuôi con và thăm nuôi chồng.

Sau này, cô em ở Pháp bảo lãnh mẹ sang Pháp để giải phẩu vì Hoa Kỳ chưa có bang giao với Việt Nam. Nhìn mẹ đi đứng lại bình thường, mẹ kêu thuốc tiên khiến mình muốn khóc.

Chuyến đi thăm vùng Đông Bắc kỳ này, chỉ có mình đi với mẹ vì đồng chí gái bận đi làm. Mẹ mình có cái bệnh là hay bị chóng mặt khi đi xe nên mình tính đi xe lửa để mẹ mình khỏi chóng mặt và biết xe hoả ở xứ mỹ này ra sao nhưng nghĩ lại bất tiện vì xứ mỹ không có xe thì như què nên phải mướn xe nên lâu lâu hỏi mẹ có mệt không. Khi nào thấy có chỗ nghỉ và đi vệ sinh là ngừng khiến tên bạn học cũ Đà Lạt xưa, cứ gọi điện thoại đền cháy máy, hỏi đến đâu rồi.

Mẹ có cái bệnh là khi được hỏi có mệt không thì câu trả lời luôn luôn là không dù là đang bị chóng mặt,… Tình mẹ lạ lắm, cứ hy sinh cho con cho chồng, không than van, không bao giờ đòi hỏi gì cả ở con cái. Đó là hình ảnh người mẹ ưu tú, người vợ nhân dân, một người mẹ anh hùng. Không dám lái xe nhanh thêm phải ngừng dọc đường cho mẹ bớt chóng mặt.

Lên xe là mẹ bắt đầu kể chuyện cho tới khi xe ngừng. Câu chuyện lúc nào cũng khởi đầu bằng “Con ơi! Thời cách mạng vào Khổ lắm con”. Hai tiếng “con ơi” tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy uẩn ức của một thời, có lẻ gian nan nhất cuộc đời mẹ. Sau đó là mẹ kể đến những thống khổ của mười mấy năm trường, chắt chiu để nuôi con, thăm nuôi chồng ở trại cải tạo. Những người CM30, tìm cách lập công, tống cổ gia đình mình đi kinh tế mới, bỏ thư nặc danh phản động,…

Có lẻ những người sống trong chế độ cộng sản thích được kể cho những người may mắn như mình, không biết mùi cộng sản. Kể cho những người cùng cảnh ngộ không phê bằng những người không đồng cảnh. Mình nhận thấy bạn bè, người thân thích kể thời bao cấp cho mình như được trải lòng những uẩn ức trong tâm can, chứa đựng từ bao nhiêu năm qua.

Rồi đến buôn bán, làm ăn được ơn trên phù hộ nên có tiền để nuôi 9 đứa con, cho hai đứa đi vượt biển. Ngày đi buôn đi bán, tối lại phải đi học tập khu phố,.. Bị dân CM30 gài những câu hỏi về phụ nữ Việt Nam, con người mới của xã hội chủ nghĩa,… những câu trả lời của mẹ mình khiến mình thán phục vì mẹ mình cả đời chưa bao giờ được đi học. Ôn ngoại đi kháng chiến, mệ ngoại nuôi một đàn con, chạy tản cư. Mẹ được xem là đầu vì người chị đầu đã vào Sàigòn giúp việc cho ông cậu, chăm sóc đàn em và giúp mệ ngoại buôn bán ở chợ Vỹ Dạ.

Mẹ mình không được đi học nhưng ôn ngoại mình, không có con với bà vợ sau, nuôi hai người con nuôi ăn học, làm đến chức thanh tra giáo dục của VNCH xưa. Mệ ngoại mình cũng không biết chữ. Khi xưa mình hay đọc sách, kinh phật cho mệ ngoại nghe, đi xi nê thì đọc phụ đề việt ngữ cho mệ, bị khán giả xung quanh cứ kêu xuỵt xuỵt hoài. Có lẻ vì vậy, sau này mình đọc sách nhiều như thể đọc dùm cho mẹ và mệ ngoạihai người đàn bà mù chữ thân thương của mình.

Chồng tôi đã sai đường lạc lối, được cách mạng cho đi học tập cải tạo, tôi hy vọng một ngày trở về, chồng tôi thành một người công dân của xã hội nghĩa. Riêng tôi, cũng dạy 10 con của tôi thành cháu ngoan của bác, trò ngoan của thầy. Riêng tôi, cố gắng thành một phụ nữ của xã hội chủ nghĩa. Chị em ta ở đây, cũng cực khổ, buôn tảo bán tần để kiếm ký gạo về nuôi con, cũng dành 5, 10 phút để khuyên chồng con đừng có đi sai đường lạc lối của cách mạng”. Mỗi lần mẹ kể lại những câu trả lời, bị dân 30 gài khiến mình ngạc nhiên vì mẹ chưa bao giờ cắp sách đến trường mà có thể trả lời theo văn thể cách mạng. Nhiều khi mình ước gì được thừa hưởng cái trí óc của mẹ, chắc cuộc đời mình đở vất vả hơn.

Hết chuyện đói khổ, cách mạng thành công thì mẹ kể chuyện ngày xưa, thời còn bé ở Huế, chạy tản cư ra sao rồi được người bà con, đem vào Đàlạt giúp việc nhà, làm ô sin. Đi xe lửa từ Huế ra Đà Nẵng rồi đi tàu thuỷ đến Sàigòn, rồi lấy xe đi Phan Thiết rồi xe đò lên Đàlạt. Người bà con có tiệm buôn bán nên học tập cách buôn bán rồi ra riêng, đi buôn đi bán, lập gia đình....

Cuộc đời lạ! Khi xưa lúc còn bé, mẹ hay kể chuyện để ru mình và mấy người em ngủ rồi khi lớn lên, mình ít khi nghe mẹ lắm, nay lớn tuổi thì lại thèm được mẹ kể chuyện đời xưa như dạo còn bé. Chỉ khác là ngày xưa mình nghe để hướng tới tương lai còn nay thì để trở về quá khứ như con cá hồi bơi ngược dòng sông, con suối để trở về nơi chúng đã được sinh ra.

Mình chỉ mong được mẹ kể chuyện hoài, không bao giờ ngưng nghỉ.

Con đi đâu, con về đâu
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời

Xong om 

NHS