Ly dị khi về già

 Ly dị khi về già

Đọc một nghiên cứu về người già tại Hoa Kỳ khiến mình thất kinh. Lý do là càng già càng ly dị nhiều so với thế hệ trước đây. Khi về hưu, người ta thường nghĩ là sẽ an vui hưởng nhàn những ngày còn lại của tuổi hạc với người bạn đời nhưng người Mỹ về già lại lọt vào vấn nạn của thời đại. Ly dị. Làm thế nào sau khi ăn ở với nhau đến bạc đầu rồi Sugar you you Sugar me me go.
Đây là khẩu trang thông dịch trực tiếp các ngoại ngữ bên Nhật Bản. Cứ đeo khẩu trang rồi nói tiếng Nhật rồi cái loa sẽ phát âm ngoại ngữ thẳng cho người đối thoại.

Kết quả của Census Bureau năm 2021 cho rằng các cặp vợ chồng già đưa nhau tòa ly dị càng ngày càng gia tăng dù đã lấy nhau mấy chục năm. Người ta gọi là "gray divorce". Có thể nay người Mỹ sống lâu hơn thế hệ bố mẹ của họ nên buồn đời nhìn lại người bạn đời chán ngán nên ra toà ly dị cho khỏe đời. Hay đi hát karaoke bản đắp mộ cuộc tình đang được ưa chuộng nên về nhà kêu tên chồng hay bà vợ, Sugar you you go, Sugar me me go.


Người ta định nghĩa Gray divorce là những người trên 50 tuổi, tóc bắt đầu bạc, sau khi chung sống với người bạn đời lâu năm và quyết định thoát ly khỏi vòng tay kẻ nội thù khi về già. Sau bao nhiêu năm chịu đựng sự áp bức của kẻ nội thù, họ phải tạo phản vì theo Engel, nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh.


Khi còn trẻ vợ chồng bỏ nhau vì không tương đồng trong lối cách dạy con hay bố mẹ chồng hay vợ khó khăn. Việt Nam mình có nạn làm dâu, mẹ chồng lộn xộn dễ đưa đến đổ vỡ. Còn các cặp vợ chồng bỏ nhau khi về già là sao? Vợ chồng bỏ nhau là cảm thấy hụt hẫng khi các con rời khỏi nhà, không chung thủy, hay gặp khó khăn về tài chánh. Thay vì kiện cáo ai có quyền giữ con như vợ chồng trẻ, đây họ kiện nhau về quỹ hưu trí và tiền tiết kiệm. Mình biết hai cặp vợ chồng Việt Nam bỏ nhau nhưng vẫn sống chung nhà. Lý do là để mỗi người lãnh trọn số tiền an sinh xã hội của họ.


Để giải thích; hai vợ chồng đi làm 30, 40 năm ở Hoa Kỳ, về hưu mỗi người trên nguyên tắc lãnh được tiền an sinh xã hội. Cứ thí dụ là ông chồng lãnh được $2,700/ tháng, con bà vợ lãnh được $2,500/ tháng. Trên nguyên tắc hai vợ chồng lãnh $5,200. Theo luật của an sinh xã hội thì người vợ hay người chồng chỉ nhận được 1/2 tiền của người phối ngẫu lãnh tiền nhiều hơn hay $1,350. Cho nên họ ly dị để lãnh thêm mỗi tháng $1,350. Cái điều kiện mất dạy này vì khi xưa lúc luật này ra đời thì phụ nữ tại Hoa Kỳ, ít ai đi làm nên không có đóng tiền an sinh xã hội nên họ tính là khi về hưu, người vợ có thể lãnh thêm phân nữa tiền an sinh xã hội của chồng. Nhưng ngày nay phụ nữ đều đi làm nên các luật này trớt quớt. Không ai khiếu nại cả. Thay vì chú ý đến quyền lợi của mình, thiên hạ cứ bú xua la mua về hai ông già Biden và Trump. Chán Mớ Đời 

Hệ thống medicare và an sinh xã hội được thành lập gần cả 100 năm về trước, không còn phù hợp với đời sống hiện nay, cần thay đổi và cập nhật hoá theo tình trạng xã hội ngày nay. Không một đại biểu nào dám đụng đến vấn đề này vì sợ thất cử. Mà nếu có cập nhật hoá lại thì chính phủ không đủ tiền để trả cho thiên hạ đã về hưu.


Theo thống kê năm 2022 thì người Mỹ già ly dị từ năm 1970 đến 1990, chỉ có 8.7% và đến năm 2019 thì gia tăng lên 36%. Xem như gấp 400 lần. Kinh


Các nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi ly dị gia tăng trong khi các lứa tuổi khác thì quân bình, thậm chí lứa tuổi 20-30 đang giảm. Có thể thế hệ này chỉ sống chung, không làm hôn thú nên khi cảm thấy không hợp nhau nữa thì đường ai nấy đi. Không được ghi vào thống kê.


Thế hệ Baby Boomers sinh từ 1946-1964 có rất nhiều ở lứa tuổi 50 và thế hệ này có khả năng ly dị nhiều hơn thế hệ bố mẹ họ hay con cháu của họ. Họ càng sống lâu thì tỷ lệ ly dị càng gia tăng.


Có thêm yếu tố khác khiến người lớn tuổi ly dị là họ đã từng ly dị trước đây. Theo thống kê thì 50% cuộc hôn nhân đều chấm dứt bởi toà án. Lập gia đình lại thường ít bền lâu như chim bị nạn một lần thì khi hai chồng lấy nhau lại, sẽ tu theo hạnh đấu đá, cãi ngày chưa đủ tranh thủ cãi đêm và họ không muốn trở lại tình trạng trước kia với người phối ngẫu cũ nên nhấn nút reset. Ông mỹ nuôi ong trong vườn mình ly dị 3 lần, nay ở với bà thứ 4.


Tỷ lệ ly dị của người cao tuổi là 34% sau khi lấy nhau trên 30 năm, và 12% cho những cặp lấy nhau trên 40 năm. Qua 30 năm, hết sức để cãi nhau hay bắt đầu bị lẫn nên chả nhớ gì nhiều khi cãi nhau. Kinh


Tại sao họ lại chia tay nhau sau khi sống chung mấy chục năm? Người ta lý giải các vấn đề như sau:

Khi con cái rời khỏi nhà, gây ảnh hưởng đến sự liên hệ của các cặp vợ chồng mà người Mỹ hay gọi cụm từ "empty nest syndrome." 


Các cặp vợ chồng khám phá ra họ không hợp nhau về đường hướng sống ngoài bổn phận nuôi con từ mấy chục năm qua. Cảm thấy xa lạ. Trong một liên hoan về phim Việt Nam, có một phim kể về một cặp vợ chồng người Việt gốc Hoa. Ông chồng vượt biển sau 75 rồi bảo lãnh cô bồ khi xưa, kêu là vợ. Cô bồ sang được Hoa Kỳ thì họ lấy nhau, sinh con đẻ cái đến khi con lớn khôn hết thì bà ta kêu cảm thấy hụt hẫng vì khi xưa, mất liên lạc ông bồ 10 năm đến khi đoàn tụ, lấy nhau lo bổn phận. Nay con cái lớn nên không hiểu ông chồng chồng nhiều lắm nên cùng ông chồng tìm lại nhau bằng cách đi nhảy đầm, để tìm lại hơi ấm của nhau, kỷ niệm khi múa kép lần đầu tại Chợ Lớn.

Đa số các cặp vợ chồng con cái là sự gắn bó liên hệ với nhau mà khi con cái rời khỏi nhà thì họ nhìn nhau kêu ai rứa? Có chị bạn kêu ông chồng của chị ta khi xưa đẹp trai, nay rụng tóc hết, nằm ngủ há cái mồm, nước miếng chảy hai bên mép trông thấy gớm. Chán Mớ Đời. Khi con cái lớn và ra đời, họ cảm thấy hai vợ chồng không đồng chung chí hướng cho tương lai nên bắt chước ông NGuyễn Ánh 9, hát Không tôi không còn yêu em nữa. 


Khi mấy đứa con học đại học, đồng chí gái và mình nhìn nhau, không biết làm gì nên đi nghe nhạc hoà tấu, đi viếng viện bảo tàng, làm những trò mà khi có con bên cạnh không làm được. Hay đi leo núi vớ vẩn vì cả hai theo phật giáo nhưng không tu theo phái Tiểu Thừa hay Đại Thừa mà tu theo phái Đổ Thừa. Leo núi, mệt quá, chả ai muốn cãi hay đổ thừa.


Vấn đề tài chính rất quan trọng

Khi về già, người Mỹ hay cãi nhau về tài chính, khi họ chuẩn bị nghỉ hưu. Những vấn nạn mà người Mỹ gọi  Financial infidelity—như mua vật gì quý giá, hay có trương mục ngân hàng riêng, tiêu xài mà không cho vợ hay chồng mình biết. Tạo ra sự nghi ngờ cho nhau. Mình nghĩ vấn đề này rất quan trọng vì khi người chồng hay vợ khám phá ra người tình 100 năm có trương mục tài chính riêng. Về hưu mà hai người không đồng thuận với nhau về chi tiêu thì sẽ đưa đến đỗ vỡ.


Không thuỷ chung

Nghiên cứu cho biết ngoại tình là một trong những nguyên nhân chính của các vụ ly dị, trẻ hay già. Sau khi sống với người vợ hay chồng qua bao nhiêu năm, nay bổng thấy thằng chồng hay con vợ đi ngủ với người khác. Khó mà hàn gắn hay xây dựng niềm tin cho nhau lại. Đi làm gặp thằng đồng nghiệp nhẹ nhàng, không càm ràm hay nói này nói nọ, đâm ra cảm mến và sẽ theo con sông, bỏ mặc con đường, không bao giờ trở lại.


Tình trạng sức khoẻ

Sức khoẻ là một vấn đề rất khó khi người vợ hay người chồng bị bệnh nan y hay gì đó. Có ông cựu đại biểu quốc hội Hoa Kỳ tên Newt GIngrich, bỏ vợ mấy lần. Mỗi lần bà vợ bị đau bệnh gì nặng là ông ta Chán Mớ Đời nên tìm bà khác. Có lẻ không muốn săn sóc mấy bà vợ cũ vì sẽ không tham gia con đường chính trị nữa.

Phụ nữ về già bị tiền và hậu mãn kinh nên tâm tính thay đổi khác thường nên nhiều ông chồng đành ca bài Adieu Sois Heureuse! Hay ông chồng hút thuốc, đau họng hay nghiện rượu nên người vợ chán cảnh đi quét dọn khi ông chồng say nên đắp mộ cuộc tình hữu nghị để sống vui vẻ, khỏi làm ô sin không công. Về Nha Trang, gặp người quen, làm ăn khấm khá thì hỏi. Chị ta cho biết đuổi cổ thằng chồng cứ nhậu hoài nên không mất tiền nữa, làm ăn có đồng vô đồng ra. Mẹ đơn côi nhưng vui vẻ.


Những mong đợi về hạnh phúc cuộc sống lứa đôi cũng thay đổi theo thời gian. Về già người phối ngẫu bổng nhiên dỡ chứng muốn làm này làm nọ. Có thể vì thấy sắp già mà chưa làm được nhiều việc như ăn chơi vì khi xưa, lúc còn trẻ không có tiền để ăn chơi hưởng thụ. Nay có chút tiền nên muốn chơi bời trước khi hết sức. Phí một đời giai.


Xã hội thay đổi không ngừng mà chúng ta không chịu theo thì sẽ bị đào thải. Khi xưa, chúng ta được dạy dỗ là lập gia đình, có con và sống vui vẻ đến chết như các câu chuyện cổ tích. Nhưng ngày nay, vị trí trong xã hội của người ta khác xưa. Phụ nữ ngày nay có nhiều tự do hơn xưa, và độc lập về tài chính, không bị lệ thuộc vào người chồng như xưa. Đa số các cuộc ly dị đều do người đàn bà đưa đơn ra toà.


Ngày nay, người ta sống lâu hơn. Phụ nữ mỹ trung bình sống đến 82 tuổi và đàn ông thì thọ ít hơn 7 tuổi, xem như 75 tuổi. Khi bắt đầu già, xem như 50-60 tuổi, người ta nhìn lại và tự hỏi có nên tiếp tục sống thêm 20 năm nữa với tên chồng nghiện rượu hay bà vợ là thánh nữ thời trang hay cứ trách móc, càm ràm hoài khiến điên luôn. Họ lấy quyết định là bỏ nhau. Khi xưa, nhà thờ cấm không cho ly dị, nay thì bú xua la mua.


Vấn đề là ly dị khi ở tuổi hạc sẽ gây ra nhiều hậu quả về tài chính. Nếu còn đi làm thì còn có thể sống sót nhưng khi về hưu thì tiền bạc ít lại ngoài tiền nghỉ hưu sẽ gây nhiều ảnh hưởng về tài chính. Ly dị thì phải chia tài sản. Con cái lớn rồi nên không lo, mọi thứ cưa đôi. Đi mướn cái Mobile home thì trả tiền đất cũng $1,500 trong khi tiền an sinh xã hội là $2,000/ tháng. Chi tiêu khi xưa, chung nhau nay phải tách ra, trả như nhau là ngọng. Khác với các goá phụ hay goá vợ, tài chính của họ ổn định hơn máy người ly dị khi về già. Họ hưởng hết nhà cửa, tiền của người quá cố để lại. Trong khi những người ly dị thì chỉ cưa đôi 

45% phụ nữ ly dị chồng thường phải hạ thấp chi tiêu cho cuộc sống còn đàn ông thì chỉ có 21% là sống trong nghèo hàn. Khi ly dị thì phải kiếm nhà ở khác nên khó tìm lắm vì phải tìm chỗ nào rẻ, phải đi xa đô thị mà ở xa thì sẽ ít gặp bạn bè. Lái xe đi thăm bạn bè cũng đắt.


Ngoài ra còn vấn đề tâm lý nữa, ly dị xong thì như mất một người chồng hay vợ, kẻ nội thù từ bao nhiêu năm qua. Tâm lý bất ổn, sẽ đưa đến bệnh trầm cảm đủ trò. Nhất là đàn ông, chú tâm làm việc nên phần xã giao ăn theo diện vợ nên khi ly dị xong thì họ chơ vơ vì không dám gặp lại bạn bè nhất là thân với vợ. Họ cảm thấy như bị thừa thải vì không có biết làm quen với bạn mới. Dần dần sẽ khiến tinh thần suy sụp rồi uống rượu hay thuốc an thần. Khiến cho sức khoẻ xuống cấp.


Nói cho ngay, hát karaoke Đắp mộ cuộc tình cho vui nhưng đừng làm thiệt vì sẽ Chán Mớ Đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn