Ong chết con người chết theo?

  Ong chết hết mật ong

Dạo này, thấy trên mạng rất nhiều tin tức kêu rằng ong chết như rạ. Xin mọi người hãy cứu ong vì nếu không có ong chúng ta sẽ chết. Trên du-tu-be có một video có đến 15 triệu lượt người xem, dùng những danh từ dao to búa lớn như “bee-pocalypse” hay “bee-mageddon.” Họ cho biết ong chết sẽ đưa đến hàng triệu người trên thế giới chết đói. Là nông dân, mình cần nuôi ong trong vườn để giúp hoa đậu trái bơ vào mùa xuân nếu không là vỡ nợ.

Buồn đời, mình tìm tài liệu để đọc. Trước đây khi mình mua cái vườn bơ thì có nghe nói đến ong và chim tại Hoa Kỳ bổng nhiên biến mất, chết như rạ. Họ cho rằng nông dân xịt thuốc sâu trên phấn hoa nên ong chết, người thì cho rằng các từ trường từ những cột được gắn các máy nhận và phát các làn sóng của Internet, mấy gờ để điện thoại di động bắt được. Họ cho biết là lấy cái điện thoại bỏ vào tổ ong thì khám phá ra ong không bay về tổ vào buổi chiều. Mình đi ngang mấy tổ ong trong vườn với điện thoại đeo bên người nhưng vẫn bị ong bu vào chích đều đều. Cho thấy chúng chả sợ thằng tây nào.

Các khoa học gia gọi hiện tượng này là “colony collapse disorder.” Và không ai biết hay chứng minh lý do, chỉ toàn là giả thuyết. Vì thiếu ong nên tới mùa hoa hạnh nhân ra thì các chủ đồn điền hạnh nhân ở Cali, kêu các người nuôi ong từ các tiểu bang khác như Florida, lái xe tải xuyên bang chở mấy tổ ong qua Cali để một tháng được trả $200/ tháng. Thường họ đem mấy ngàn tổ ong sang nên làm tiền cũng khá. Khiến mấy ông tàu từ Trung Cộng mới chạy qua làm ăn, bán mật ong Giả, pha đường gạo đủ trò khiến ngày nay đi tìm mật ong ở siêu thị thì chắc chắn là không phải 100%. Thậm chí họ nuôi ong bằng đường cho chúng làm mật cho nhiều. Nay họ khám phá ra có một loại ong to đùng đến từ Trung Cộng giết ong của âu châu và Hoa Kỳ. Họ gọi Asian Hornet và họ tìm cách giết loại ong này bằng lưới điện giựt.
Hình hơi mờ nhưng để xem ông từ Trung Cộng to chừng nào

Mình nhớ ông nuôi ong ở vườn mình kêu là mua ong Chúa nhập cảng từ Tân Tây Lan hay Úc Đại Lợi. Nhưng từ từ thì hiện tượng ong chết ít dần. Các người nuôi ong, chia các tổ ong ra bỏ thêm ong chúa để làm các tổ ong khác và ong chúa đẻ mệt thở, đẻ ngày chưa đủ tranh thủ đẻ đêm. 1 ngày trên 2,000 con. Và ong tại Hoa Kỳ gia tăng lại.


Một nhà báo về khoa học cho rằng là hiện nay số ong nhiều hơn thập niên trước. Có ông Jon Entine có thành lập một chương trình gọi là “Genetic Literacy Project,” phản biện giới truyền thông, về đưa tin sai lệch về khoa học. Lý do là giới truyền thông luôn luôn tìm cách bán quảng cáo đưa ra những tin tức để hù doạ độc giả, câu View.


Điển hình đài NBC cho biết: “Ong đang chết ở mức đáng báo động”. Hay tiêu đề của CNN: “Số lượng ong đang chết dần. . . thực phẩm chúng ta ăn đang gặp nguy hiểm.”… mấy cái này thì mình có đọc hay xem các phim tài liệu nên run. Ông ta đưa ra thí dụ như năm 2013, tờ Time đăng trang bìa “A World Without Bees.”(một thế giới không có ong.) nếu chúng ta bắt chước ông NGuyễn Du, cho rằng 100 năm trong cõi người ta, những gì không biết thì ta gú gồ. Thì sẽ có kết quả là ong gia tăng từ 10 năm qua nhưng giới truyền thông không viết bài xin lỗi, họ nhảy sang các tiêu đề khác tương tự New York Times cũng kêu: ‘The Insect Apocalypse.’ Báo chí luôn luôn bán các tin tức tiêu cực và phóng đại để độc giả mua báo của họ hay xem đài với quảng cáo. Họ ít khi nào phỏng vấn các chuyên gia khoa học về tiêu đề này.

Họ phỏng vấn các hội nhóm về môi trường như “Environmental Working Group” hay Pesticide Action Network” để lên tiếng về các vấn đề này. Sự lo sợ, hoang mang của quần chúng sẽ giúp gây quỹ cho các hội nhóm này.


Ông Entine cho biết là các hội đoàn về môi trường này, muốn được bảo trợ, cho tiền nên lên tiếng báo động một cách vô tội vạ vô hình trung lại gây khó dễ cho nông dân và khách tiêu dùng.  


Họ báo động hay nói với các chính trị gia cũng muốn được phiếu nên cấm sử dụng các loại phân hoá học cũng như thuốc trừ sâu mới, bảo vệ môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng. Điển hình, ong trên thế giới ngày nay gia tăng nhưng Liên Hiệp Âu Châu cấm sử dụng chất neonicotinoids, một loại sát trùng, vì sợ sẽ giết hại các con ong. Do đó các nông dân vẫn tiếp tục sử dụng các loại sát trùng cũ, độc hại hơn, sát hại ong.

Tại sao chúng ta phải sử dụng hoá chất trong nông trường? Chúng ta thường nghe nói đến phải ăn thực phẩm Hữu Cơ trên môi mọi người, bảo vệ môi trường này nọ vì không có hoá chất. Cái này thì mình đang xin phép chính phủ Cali đổi qua vườn được xác nhận vườn hữu cơ. Phải mất 3 năm. Mình có đi xem các vườn hữu cơ thì thấy họ sử dụng hóa chất mệt thở còn hơn vườn mình nữa. Vườn mình thì không có sát trùng hay thuốc diệt cỏ nhưng ở các vườn tự gọi là hữu cơ thì họ làm đủ thứ. Không lẻ họ sử dụng cây gậy thần tiên để hô biến trên cây hết sâu, sên, sóc hay chim ăn trái của họ. Thay vì dùng các hoá chất tự nhiên, họ dùng loại như “ copper sulfate,” một trong các hoá chất độc hại nhất. Đi Seminar, có mấy tên bán loại này đến bảo trợ chương trình hội thảo. Và lên khoe dùng cái này là sạch trưng, sên sóc đủ loại. Mình cũng ham nhưng xem lại thì thấy không lời nhiều lắm mà lại có hại cho sức khoẻ của chính mình trước. Hoá chất bột mở ra thì bay khắp nơi, phải hít vào.


Lấy thí dụ ở Siri Lanka, tổng thống xứ này nghe các nhà bảo vệ môi trường nên ra lệnh cấm sử dụng phân hoá học, không chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp, huấn luyện nông dân, khiến các nông trại sản xuất ít lại, giá thực phẩm gia tăng 80%. Người dân xứ Siri Lanka nổi điên lên, chạy vào dinh tổng thống và ông này chạy ra hải ngoại, hạ cánh an toàn. Tân chính phủ cho phép sử dụng phân hoá học lại và cuộc khủng hoảng thực phẩm ngưng.


Ai buồn đời thì đọc https://www.adb.org/multimedia/partnership-report2022/stories/urgent-response-to-a-food-crisis/#:~:text=Full%2Don%20Food%20Crisis,food%20insecure%20by%20July%202022.


Đó là vấn nạn của ngày nay, có phong trào tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Vấn đề là họ vẫn sử dụng các hoá chất như các nông trại không hữu cơ nhưng giá bán đắt hơn thực phẩm bình thường.

Đây hình ảnh tại thủ đô văn hoá của Âu Châu.

Thật ra thì phong trào hữu cơ, bảo vệ môi trường là một phong trào chống lại chủ nghĩa tư bản, từ đấu tranh giai cấp của thế kỷ trước, được hoá thành hữu cơ bảo vệ môi trường để chống lại các công ty đa quốc gia, đại diện cho giới tư bản. Những công ty thực phẩm ngày nay rất to lớn, đều xuất hiện trên các quốc gia trên thế giới. Anh đi xứ nào cũng thấy người dân uống coca cola, ăn KFC,… Các người chống chủ nghĩa tư bản đều chống lại các thực phẩm mà người ta gọi genetically modified organisms (GMOs). Họ kêu gọi LIên Hiệp Âu Châu cấm các loại giống GMO nhưng loại giống GMO giúp nông dân trồng được nhiều thực phẩm và ít tốn đất vì các loại giống này kháng trùng, không bị sâu ăn. Kiểu lúa Thần Nông khi xưa mà Việt Nam trồng. Trồng loại giống này sẽ giúp nông dân ít sử dụng thuốc sát trùng, hoá chất nhằm hạ giá thực phẩm, giúp dân nghèo có ăn.


Nông dân muốn được lợi nên nhiều khi bán rẻ lương tâm, sử dụng hóa chất để diệt trùng, này nọ hay chúng ta thấy họ ngâm nước với hoá chất làm tươi rau cải trước khi đi bán. Đố là vấn nạn ngày nay trên thị trường thực phẩm. Nông dân không được bảo vệ hay giúp đỡ bởi chính phủ. Các tiền hỗ trợ về canh nông đều cho vào túi của các côn gty lớn vì cho tiền các đa đại biểu quốc hội.


Hôm kia, nói chuyện với một chị bạn, từng làm trong nhà hàng Mỹ. Chị cho biết là rau héo thì họ ngâm với một chất gì đó khiến rau tươi lại ngay. Ở Hoa Kỳ còn sử dụng loại này thì khắp thế giới đều chơi líp ba ga.


Điển hình ở Bangladesh, các khoa học gia đã chế được cà tím GMO, giúp giảm sử dụng 85% hoá chất. Giúp phụ nữ và trẻ em làm việc đồng áng bớt khổ cực vì phải xịt thuốc sâu, hít hơi độc, này nọ.

Vấn đề ngày nay chúng ta cứ tuân theo thể lệ về môi trường được đưa ra cách đây 40 năm, và khoa học thay đổi rất nhanh và chúng ta hay đúng hơn các thể lệ bảo vệ môi trường chưa được cập nhật hoá với khoa học hiện đại. Cho nên chúng ta các tiêu đề, ý định giúp người tiêu dùng và nông dân nhưng trên thực tế lại làm hại họ. Các hoá chất tân thời và GMO giúp sản xuất thực phẩm rẻ và sạch hơn trước.


Mình làm nông dân đại trà từ 10 năm qua. Đi học các lớp về GAP, về môi trường đủ thứ hết. Thì mình thấy canh tác theo phương thức hữu cơ và không hữu cơ chả khác nhau gì cả ngoại trừ thực phẩm hữu cơ giá bán gấp 3. Nói chung thì có những tổ chức này cũng tốt, để kiểm soát các hành vi, cách chăn nuôi, trồng hoa quả của các công ty đa quốc gia nhưng không nên tôn sùng như lẻ sống đời ta như giới trẻ ngày nay. Tốt nhất là tự trồng ở nhà, trồng theo phương thức thuỷ canh thì cũng phải bón phân hoá học. Thấy có ông người Úc chỉ cách trồng thuỷ canh và nuôi cá. Dùng phân cá để bón phân rau cải trồng theo thuỷ canh. Vấn đề là khi cá lớn ăn được, ai là người đập đầu cá? Chán Mớ Đời 


Mình có quen một tên mỹ bán ở chợ nông dân ở Santa  Monica, hay đến vườn mình mua bơ và quýt. Hắn kể là ở Fallbrook. Hắn có một mẫu đất để trồng rau cải hữu cơ và trái cây. Hắn bán chừng 2 tuần là hết, phải đợi mùa sau. Nên hắn phải đi mua ở vườn thiên hạ rồi chở ra chợ nông dân (Farmers’ Market). Mỗi thứ 5 là hắn chạy vòng vòng mua đồ tại các vườn rồi thứ 6 chạy lên Santa Monica bán ở chợ này 3 ngày. Tối hắn ngủ lại motel. Hắn kêu cứ kêu hữu cơ ở mấy nơi giàu có thiên hạ đổ ra mua như bánh mì mới ra lò. Có một phim tài liệu về thực phẩm hữu cơ, ai buồn đời nên tìm xem. Họ chiếu cảnh thiên hạ vào chợ mua trái cây không hữu cơ rồi bán với giá hữu cơ, mà mấy thùng đựng vẫn còn ghi tên của siêu thị. Chả có thằng tây nào trồng ở vườn rồi đem lại bán cả. Toàn là ba láp ba sàm cả nhưng thiên hạ vẫn tin.


Tóm lại hữu cơ cũng sử dụng hóa chất như các vườn bình thường. Được cái là mình tuy nông dân những không tham lam lắm. Đi dự các buổi hội thảo của các hội về bơ tại Nam Cali thì có nhiều công ty bảo trợ cho chương trình lên tiếp thị về các sản phẩm hoá chất của họ, kích thích lòng tham của mình. Như xịt thuốc để đậu trái cho nhiều. Mới hiểu lý do nào các trái dưa hay quýt không có hột vì họ xịt thuốc khi ra hoa. Vấn đề là ăn vào thì có thể bị lộn xộn. Mình không dùng thuốc sát trùng diệt cỏ này nọ trong vườn vì người lãnh nợ trước là mình vì phải hít trước. Phân thì sử dụng phân nước, họ pha sẵn cho mình đem tới vườn bơm vào bể chứa to đùng rồi tự động máy bơm đưa và hệ thống tưới.

Bờ biển tại Việt Nam được xả rác vô tư

Tóm lại, thế kỷ 20 là thế kỷ của đấu tranh giai cấp còn thế kỷ 21 cũng là sự đấu tranh giai cấp dưới chiêu bài bảo vệ môi trường. Chúng ta thấy có lý khi họ đưa ra chiêu bài bảo vệ môi trường nhưng phải đào sâu vào để hiểu lý do. Bảo vệ môi trường là bổn phận chung của chúng ta nhưng không nên mù quáng, bị người khác hay tổ chức nào lợi dụng. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn