Ngày cuối ở Buenos Aires

 Sáng nay đồng chí gái dậy sớm, ăn sáng xong thì xếp vali lại vì phải chuyển khách sạn, cũng trên một con đường. Công ty hàng hải dành cho những du khách đi chung chuyến 1 phòng khách sạn Sofitel. Lúc đầu, mình tính đặt phòng tại đây nhưng thấy $360/ đêm thêm 21% VAT nên sợ. Lấy khách sạn Melia, cạnh đó trên cùng con đường. Nếu biết vụ đổi đô la theo hối đoái xanh thì giá phân nữa thì chắc mình đã đặt ở đây.

Vào khách sạn Melia mới khám phá ra là nhà của bà tổng thống Isabel Evita Peron, ở trước khi làm tổng thống. Thấy tấm ảnh to đùng ở lễ tân. Không ngờ mướn khách sạn rẻ lại đúng cư gia của bà tổng thống nổi tiếng này. Hy vọng bà ta không hiện về vì mình không thích đường lối cai trị của bà ta.

Xếp vali xong thì để lại một vali nhỏ, đựng quần áo mùa hè của đồng chí gái cho khách sạn. Hai vợ chồng cuốc bộ đến phòng thử nghiệm covid PCR. Lên tàu phải có xác nhận 24 tiếng test covid này. Tốn 30 đô cho mỗi người. Chán Mớ Đời họ hẹn 24 tiếng sẽ email kết quả. Lúc xuống phi trường, đồng chí gái bị nhân viên hải quan, kêu vào test PCR nhưng quá 96 tiếng tính đến ngày lên tàu nên phải làm lại. Nếu không mình đã kêu họ làm luôn cho mình tại phi trường đỡ lội bộ, đủ trò lại tốn tiền. Nếu trả bằng thẻ tín dụng là nhân gấp đôi.

Có anh chàng lấy dây kẽm làm áo, cà vạt bay để du khách chụp hình kiếm tiền trên con phố đi bộ dài mấy cây số. Gặp dân đòi đổi tiền đôla đầy đường. Có cảnh sát canh gác, sợ du khách bị lộn xộn.

Sau đó, đến Sofitel để check-in. Xớn xác, mình dắt đồng chí gái vào Hyatt hotel. Hỏi lễ tân thì họ tìm không ra tên mình. Hỏi lại có phải Sofitel, họ kêu không. Đây là Hyatt. Chán Mớ Đời bị đồng chí gái dũa cho một trận xớn xác. Cuối cùng thì cũng đi qua Sofitel, cách đó 50 mét. Vào đây là đã thấy bàn của công ty Ponant. Đưa tên là có hết, chìa khoá phòng, hỏi uống cà phê gì không. Lấy phòng thì rộng hơn ở Melia. Có bồn tắm đủ trò. Tính mướn đây luôn khi trở về từ NAm Cực nhưng nghĩ lại 4 giờ sáng phải ra phi trường để bay về Mỹ nên thôi. Cứ giữ phòng ở Melia. Uống nước no nê xong, hai vợ chồng ra chiếc cầu phụ nữ. Thử dịch theo Việt Nam; Nữ Kiều hay Phụ Kiều. Chán Mớ Đời.

Hôm qua xe buýt chạy ngang, mình thấy chiếc cầu này, muốn xuống nhưng oải quá, đành đợi hôm nay. Dạo này hè nên trời nóng. Được cái là không ẩm.

Chiếc cầu này được kiến trúc sư danh tiếng của Tây Ban Nha, Santiago Calavatras thiết kế. Ông này chuyên vẽ cầu rất nổi tiếng trên thế giới. Nghe giải thích là ông ta vẽ cặp đôi đang nhảy tango bú xua la mua. Rất nhẹ nhàng và đẹp. Khu vực này khi xưa là các kho hàng của bến tàu. Tàu đậu bến rồi chất hàng hoá vào kho. Sau này, họ xây bến tàu to rộng hơn thì khu này te tua, dân nghèo ở như khu La Boca gần đó.

Nói chung kiến trúc ở thành phố này rất đẹp. Mới cũng như cũ. Có các phố với kiến trúc như Paris, còn hiện đại thì cao tầng xây có Mỹ thuật. Hay nhất là họ có cây xanh, nên thấy thành phố không bị tù túng.

Nay họ xây cất lại, trở thành khu sang trọng nhất, đắt giá nhất của thủ đô. Đồng chí gái kêu đi viếng chỗ anh muốn coi rồi, giờ đến chỗ tui muốn chụp hình. Cô nàng đưa hình ra thấy họ vẽ trên đường. Mình đem tấm ảnh lại cho cảnh sát xem, để họ chỉ đường vì đại lộ số 9 tháng 7 rất dài. Đại lộ này được xem là rộng nhất thế giới, to hơn Champs Elysees của Tây. Cây cối được trồng đầy nơi suốt đại lộ. Cảnh sát nhìn hình cũng ngọng, kêu chưa bao giờ thấy ở đây. Mình tò mò hỏi vợ xem ở đâu, vì hôm qua hai vợ chồng lội 12 dặm ở trên đại lộ này trên đường về khách sạn mà không thấy. Hóa ra cô nàng xem trang quảng cáo các đại lộ lớn nhất thế giới, nhìn lại thì khám phá ra ở New yOrk. Mình nói đây đến New York, rất xa cưng, đợi khi nào rảnh mình làm một chuyến thăm con gái rồi đi xem luôn. Chán Mớ Đời 

Cô nàng thất vọng nên mình kêu đi đến shopping mall nổi tiếng ở đây. Kêu Uber, chở đến. Số nghèo và nông dân nên đi chỉ thấy khu thượng mại vớ vẩn nên hai vợ chồng đi dọc con đường phố đi bộ này khá xa. Lúc đó mới thấy mấy người Ảrbolito, đứng đường kêu đổi tiền. Đầy đường nhưng ớn. Mấy tên này có thể lừa mình, đổi tiền giả hay khệnh cho một trận, vớt tiền và giấy tờ. Cuối cùng đồng chí gái thích một cái áo nên đổi tiền luôn ở quầy hàng giá 350 pesos ăn 1 đô. Lý do là sáng nay, trả tiền khách sạn bằng tiền pesos, gần hết thêm đóng tiền test covid. Mình phải mua bảo hiểm, lỡ bị dính cái này là họ còn đền lại cho mình. Đâu có cho lên tàu.

Kiến trúc cổ điển chắc xây lâu rồi. Đi như ăn cướp nên mình không có thì giờ đọc lịch sử về mấy trung tâm này nhưng rất đẹp.
Đứng đợi Uber nên tạo dáng

Đi ngược về con đường thì mới khám phá ra cửa ra vào của Gallerias Pacifico. Mình xem hình thấy đẹp mà sao đến nơi đi bên phải nên không thấy. Chỗ vào thấy đẹp về kiến trúc. Chỉ có điều là họ không có máy điều hoà không khí nên nóng, bò ra lại. Mình rất ngạc nhiên vì đồng chí gái muốn về. Chắc đi cả mấy tiếng, mỏi giò. Mấy ngày nay, hai vợ chồng đi trung bình 12 dặm một ngày nên chân tay hơi oải.

Ngày này không ăn trưa vì 7:30 là có cơm tối với mấy người đi chung tàu cho chuyến đi Nam Cực. Ăn đồ tây, chắc là buffet. Về phòng, tắm rữa rồi đi ăn tối. Sáng mai dậy sớm vì 4-5 giờ sáng phải ăn điểm tâm xong thì lên xe buýt ra phi trường. Sau đó bay xuống Ushuaia để lên tàu ra khơi vào buổi chiều.

Trước cửa tiệm, họ đề hối đoái xanh nên vào mua sắm hay đổi tiền, chắc ăn hơn. Mình hỏi mấy người arbolito, người đổi tiền tiếng lóng thì họ kêu 342, 345 ăn 1 đô, nhưng tiệm này đề thẳng 350. Khỏi phải trả giá và tin hơn.

Thế là hết lo sợ lạc khách sạn, lộn tàu, không có máy bay đi Ushuaia. Nay chỉ vái là không bị dính covid là lên tàu ra khơi. Chỉ biết là đến eo biển Drake, nơi giao thoa của hai đại dương, Thái BÌnh và Đại Tây dương là mệt. Chết cha. Đồng chí gái bỏ cái vali của mình ở lại, trong đó có chai dầu xanh. Chắc ói rồi.

Mai đi sớm, lên tàu chắc sẽ không có internet dù nghe nói có wifi nên chỉ ghi lại trên tàu rồi khi về lại Cali sẽ tải lên sau. Chúc các bác được nhiều sức khoẻ và một năm mới được nhiều sức khoẻ. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Giờ chót thì nhận kết quả covid. Không có gì. Ăn cơm với mấy người đi chung tàu. Đồ tráng miệng ngon cực đỉnh. Chắc đi về là mập. Ngồi chung bàn có ông Thụy sĩ nhưng ở bên Mỹ, kêu không muốn đi mấy tàu kia vì bị Mỹ hoá do du khách Mỹ đi nhiều nên chọn tàu của Tây đi để tìm lại chút gì để nhớ của Âu châu. Vấn đề là đất hơn tàu Mỹ hay Âu châu.

Nguyễn Hoàng Sơn