Khi xưa, nghe người lớn nói: “ăn cơm tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” nên mình hơi thắc mắc vì họ nói đến những điều mình chưa bao giờ trải nghiệm. Lý do là cơm tàu, ngoài mì chú Lìn bán ngoài chợ, xe mì Cẩm Đô, và xe mì vịt tiềm ở đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm Công Thành ăn ba ngày tết khi có tiền lì xì, mình chỉ được ăn cơm tàu được 2 lần ở tiệm Kim Linh và Như Ý ở đường Phan Đình Phùng. Thêm 1 lần ăn cưới bà Dì, được đãi tại nhà hàng Nam Sơn, khu Hoà BÌnh. Do đó trải nghiệm của mình về cơm tàu tại Việt Nam rất ít. Sau này, đi giang hồ tứ xứ, mình thấy cơm tàu không có gì gọi là ngon ngoại trừ nhiều mỡ dầu và bột ngọt. Thậm chí qua đến Trung Cộng, ăn trong mấy nhà hàng của công ty du lịch đưa đến, ăn dỡ ngoại trừ hôm ăn tại khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh.
Hai lần ăn cơm tàu ở tiệm Kim Linh và Như Ý tại Đà Lạt, cả hai lần gia đình mình gọi món Tả Pí Lù, mà ngày nay thiên hạ gọi Lẩu. Cái nồi đặt trên cái lò dầu hôi, làm bằng đồng, rồi bỏ rau cải, thịt vào nhúng, chấm nước xì dầu ăn, và cơm là chính. Có lẻ bữa ăn ngon miệng nhất ở Đà Lạt, tại tiệm ăn Ninh Hoà, trên đường Cường Để. Trước khi đi Tây, bà cụ dẫn mình lại đây ăn một bữa để nhớ quê hương là chùm khế ngọt để 20 năm sau mới trở về. Món thịt bò 7 món với nem Ninh Hoà.
Ngủ nhà Tây thì có lẻ ở Việt Nam, thấy mấy biệt thự của tây thực dân đẹp nên người Việt ước ao được ở trong đó, đến khi mình sang tây thì thấy nhà cửa tây đẹp thật nhưng không tiện nghi như nhà ở Hoa Kỳ. 8 năm trời ở Paris, mình ở trong căn phòng dành cho người giúp việc mà tây gọi “chambre de bonne”, tạm dịch phòng ô-sin. Chả có nước nôi gì cả. Mùa đông thì lạnh cóng còn mùa hè thì nóng chảy mỡ vì ở lầu chót, dưới mái nhà, không có thiết bị đồ cách nhiệt. Nói chung, nhà của tây cũ nên không có máy lạnh vào mùa hè. Chỉ có máy sưởi vào mùa đông.
Đây là hàng ăn đồ khai vị trên tàu tây khi mình đi Nam Cực. Theo mình ngon hơn cơm tàu. Ít dầu mỡLấy vợ nhật thì đoán là khi xưa, có mấy cô gái người Nhật Bản sang Việt Nam ở Sàigòn, làm cô đầu, chuẩn bị điếu thuốc phiện cho tây hay làm hộ lý. Xưa kia Nhật Bản cũng nghèo, thất mùa nên dân chúng di cư sang các nước khác như Hoa Kỳ, các nước ở vùng Nam Mỹ mà ngày nay hậu duệ làm tổng thống mấy xứ này. Chắc họ chìu chuộng Tây thực dân tốt nên mấy thông ngôn, thầy ký kêu lấy vợ nhật để được chìu chuộng. Sau này viếng xứ Nhật Bản thì thấy ít người đẹp như gái Việt Nam hay phi luật tân. Chìu chuộng thì thật ra nước nào cũng như nhau. Vợ chồng lấy nhau quen, lâu ngày vợ không thèm để ý đến ông chồng nên họ hay tìm mấy con mèo trẻ hơn để được chìu chuộng nhưng lại tốn tiền. Tiền của mình là của vợ nên vợ không cần chìu chuộng. Xong om
Ăn cơm tây có vấn đề muỗng nĩa khá mệt. Việt Nam chỉ cần có đôi đũa là xong. Việt Nam theo phương cách miễn dịch bầy đàn, còn tây thì miễn dịch cá nhân.Đi chơi ở Nam Cực, mình lựa đi tàu tây, một chị quen qua mạng, nói họ cho ăn đồ tây ngon lắm, đáng đồng tiền bát gạo đành nhắm mắt qua cầu, ghi danh đi dù đắt hơn tàu mỹ.
Tàu nhỏ hơn chiếc tàu mình đi lần đầu tiên qua Mễ, có đến 6 tiệm ăn, còn tàu nhỏ của Tây chỉ có 2 tiệm ăn. Một ăn tự chọn, bao bụng và một thì được phổ ky thuộc địa, phục vụ tận tình, chỉ cần cho tiền boa là họ vui rồi. Nói cho ngay chỉ có du khách Mỹ là cho tiền boa. Không thấy dân tây cho. Mình ngồi ăn với mấy tây đầm, chỉ thấy mình cho tiền boa. Thật ra, tiền boa đã trả rồi nhưng thấy dân tình, bỏ xứ đi xa làm việc kiếm tiền nuôi gia đình nên mình đồng cảm.
Các phục vụ viên đa số là người đến từ Bali, Nam Dương, Phi Luật tân hay dân của thuộc địa của Pháp ngày xưa như Ile de Maurice, Ma-rốc,… có hai người sommelier với cái broche màu bạc, xem mới vào nghề sau khi học nghề ngửi mùi và nếm rượu. Dân làm sommelier lâu ngày sẽ có cái broche bằng vàng đeo nơi áo. Có điểm lạ là mấy người này, dù mình ít gặp họ nhưng lại nhớ tên mình. Cứ kêu Mít tờ Sony. Có lẻ tên Sony khiến họ dễ nhớ. Ở Phi Châu cũng vậy. Mình hay giới thiệu đồng chí gái là Panasonic khiến họ cười.
Món fromage với bánh mì. Họ làm confiture fraise ăn rất đỉnh, khô khô với Fromage. Chà là cũng khô không nhão nhẹt. Tuyệt cú mèoMón khai vị mình tự chọn mỗi bữa, cá mòi, cá hồi, saucisse và prosciuto Ý Đại Lợi . Mình đổ thêm dầu olive ăn cho bớt khô.
Đi tàu tây thì họ cho ăn cơm tây, do công ty một đầu bếp danh tiếng của pháp đảm trách. Mình chỉ ăn trưa và tối vì buổi sáng thường là không đói, không quen ăn sáng. Có ăn một bữa để xem sao, thì cũng omelette vớ vẫn, ít món hơn ăn sáng của người Anh hay mỹ. Nhớ khi xưa, ăn sáng ở quán cà phê, tây đầm hay kêu ly cà phê và cái croissant. Chỉ qua Anh quốc thì họ ăn thiệt tình buổi sáng, thịt ba chỉ, trứng rán, bánh mì nướng đủ trò với khoai tây chiên,.. Xong om
Ăn cơm tây thì có vấn đề sử dụng nhiều ly, nhiều dao nĩa. Đồng chí gái nhìn vào bàn thất kinh vì có 2 dao 3 nĩa, 2 muỗng trên bàn cùng 2 cái ly. Khi ăn cá thì họ bỏ thêm con dao dùng để ăn cá. Hỏi ăn bằng cái nào. Mình nói tuỳ, dao nhỏ và nĩa nhỏ để ăn khai vị, dao lớn và nĩa lớn cho món chính. Còn muỗng to để ăn súp, muỗng nhỏ ăn kem và cuối cùng nĩa nhỏ để ngang trên cái đĩa là ăn bánh ngọt….
Chỗ này họ để các fromage, bánh mì baguette và mấy đồ phụ để ăn với fromageMấy ngày đầu, mình kêu steak á căn đình rất ngon và mềm nhưng sau 3 lần là oải, hết muốn nuốt. Ông Mỹ quen cũng chới với. Nói đi vùng này để ăn thịt bò á căn đình nhưng cũng oải.
Món hải sản và spaghetti. Spaghetti thì hơi thất bại. Phải để người ý nấu theo kiểu Al dente mới ngon
Thấy đồng chí gái hỏi khiến mình nhớ đến phim Nhật Bản mang tên Tampopo, Bồ Công Anh, xem đâu 40 năm rồi tại New York. Trong phim có nhiều đoạn về ăn uống cách thức phương tây. Cảnh thứ nhất là có hai đại diện công ty họp mặt, ăn uống để bàn việc làm ăn. Họ vào một khách sạn sang trọng, có nhà hàng Pháp có phòng riêng để bàn bạc. Mỗi bên có 3 người. Một bên có một anh trẻ, chắc làm thư ký, ôm hồ sơ, cặp cho xếp, bị xếp khỏ đầu vì hậu đậu.
Đồng chí gái mỗi bữa ăn, có chút rượu đỏ cho môi nồng má hồng. Mình thì không uốngMón mực ăn rất đỉnh
Bơ demi sel để trong cái lon, lấy dao riêng để quét bơ lên bánh mì, ăn phê không tả. Có mấy lỗ nhỏ, bơ chảy thì chảy xuống mấy cái lỗ để khỏi mất đẹp. Ăn bơ với bánh mì làm mình nhớ thời sinh viên, mua baguette và thỏi bơ, về nhà trét ăn khi tiệm ăn đại học đóng cửa. Sang sang thì mua thoải sô-cô-la thêm.
Khi maître d’ đưa thực đơn với những món ăn viết bằng tiếng Tây, mấy ông nhật già chới với, hỏi ăn gì thì xin cho thêm thời giờ để nghiên cứu. Cuối cùng có một ông kêu cho món cá và súp. Thế là 4 ông kia đều nhất trí ăn món cá sole meunière và súp consommé và uống bia Heineken, để khỏi cảm thấy nhà quê, không biết gì về thức ăn Tây. Kêu bia Heineken của Hoà Lan, cảm thấy mình thuộc đỉnh cao trí tuệ. Thật ra 2 món này ở Nhật Bản ăn rất thường, consomme như sup Miso.
Đến khi hỏi anh chàng trẻ thì anh ta điều nghiên kỹ lưỡng thực đơn, đọc tiến Tây như người Nhật Bản, mình đoán anh ta đã có lần đến Paris, có đến ăn ở tiệm ăn nổi tiếng Taillevent. Anh ta hỏi về món Quenelles boudin và escargot vol au vent, hỏi làm bằng sauce gì,..khiến ông xếp bên cạnh đá chân dưới bàn. Anh ta còn hỏi rượu Tây, nói kêu sommelier vào cho anh ta hỏi, có nên uống với loại rượu khá lạ, tên Corton Charlemagne, mình chưa bao giờ nghe đến khi ở bên tây. Chắc dính gì đến vua tây mang tên Charlemagne. Sommelier là người học về rượu, sẽ giúp thực khách chọn loại rượu nào để uống với món ăn của mình gọi.
Xem thì buồn cười nhưng nếu nghĩ hơn thì thấy thương họ như thế hệ bố mẹ mình. Mấy ông xếp lớn Nhật Bản của thế hệ hậu chiến tranh, cố gắng làm việc để tái thiết xứ này lại. Họ không có thì giờ để hưởng thụ như thế hệ trẻ qua hình ảnh của anh thư ký, đã đến Paris. Thế hệ trẻ muốn hưởng thụ, không còn lao động vinh quang như thế hệ đi trước.
Thường mấy người quen, gốc việt lớn tuổi ở Hoa Kỳ, khen con họ biết chọn thức ăn khi vào nhà hàng mỹ,… họ không rành vì quen ăn đồ Việt Nam. Con gọi món gì thì ăn món đó. Khi xưa, mình ở âu châu, ít ăn đồ việt nên biết nhiều món của tây, ý, Thụy sĩ,…
Mình thấy bạn bè ở Hoa Kỳ, khi họ uống rượu nho, hay bỏ đá vào như uống coca. Gặp tây chắc họ bị đứng tim. Thật sự tuỳ mỗi văn hoá, không thể nào đánh giá nhau được. Nếu người Mỹ uống rượu, bỏ thêm đá mà họ thích thì cứ tự nhiên, không nên chê bai.
Nhớ hôm ăn cơm với ông Steve và Bruno, cựu giám đốc của Citi BAnk, từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Ngân hàng mua công ty địa phương nào đó rẻ rồi phái hai ông này đến để cải tổ lại rồi bán lấy lời nên họ rành ăn uống ở tây hay âu châu. Ông Steve kêu phục vụ viên, cho sommelier đến để ông ta hỏi. Cô sommelier đến nói nên uống loại nào, giá thêm 120 Euro, ông ta nói chỉ cần rượu thường, miễn phí thôi làm cô sommelier buồn năm phút.
Theo mình hiểu ở tây có nhiều vùng trồng nho làm rượu. Mỗi món ăn mỗi vùng thì thường họ uống rượu, làm tại vùng đó nên khi gọi món ăn tây, thường phải biết món ở vùng nào để gọi rượu vùng đó. Có lần mình làm việc ở Paris cho một ông chủ người vùng Charente, ăn món gà với Pineau de Charente. Về vùng Bretagne ăn crêpes thì uống nước dấm táo thay vì uống rượu,…
Lần trước mình đi tàu mỹ, thấy anh bạn mua chai rượu đỏ để uống. Không hết thì nhờ họ cất, mai uống tiếp. Còn tàu tây này thì rượu uống líp ba ga, không trả tiền thêm ngoại trừ kêu loại rượu đặc biệt. Đồng chí gái nhâm nhi một chút rượu đỏ còn mình thì không uống nên lỗ. Một chai rượu giá thêm 120 Euro khá đắt. Nhất là tàu lắc lư đầu óc choáng váng.
Về nhà, ăn bơ trừ cơm, sáng trưa chiều tốiTrở lại cuốn phim Bồ Công Anh, có cảnh bên ngoài phòng ăn có một lớp dành riêng để dạy mấy bà Nhật ăn cơm ý, spaghetti. Bà giáo sư dạy, phải cầm thìa ra sao, rồi lấy nĩa xoắn xoắn spaghetti, bỏ vào cái muỗng rồi đưa muỗng lên miệng ăn, nhai từ tốn, không gây tiếng động. Đúng lúc đó, người ta nghe tiếng nuốt rụp rụp nên tò mò nhìn xung quang. Khám phá ra một ông Tây đang ăn spaghetti, nuốt ào ào, nghe ào ào ào nên mấy cô học viên, bắt chước ăn nuốt ào ào. Chán Mớ Đời
Ăn uống là một cái thú. Đây phải cầm dao nĩa đủ trò, không được nhai rồng rộc, còn gì là thú nữa. Chán Mớ Đời
Mỗi bữa ăn, các món khai vị đều tương tự, có vài món khác nhưng mình chỉ ăn prosciutto và cá. Họ đưa thực đơn, có mấy món chính thay đổi, ngoại trừ món thịt bò Steak, hamburger cho du khách mỹ. Các món chính mình ăn được như blanquette de veau, boeuf bourgignon,… những món khi xưa, được ăn khi còn sinh sống bên âu châu.
Phim Nhật Bản Bồ Anh Công, nói về một cô chủ tiệm mì Ramen tên Bồ Công Anh (tampopo) không đông khách lắm. Một hôm có một anh tài xế vận tải, trời mưa, ghé lại ăn và chê mì dỡ nên giới thiệu thầy ramen, để học bí quyết làm mì và nước lèo. Khá vui. Cuối cùng thì cô chủ quán lấy anh tài xế. Nhờ phim này mình mới biết đến món mì ramen của Nhật Bản.
Khi vượt Drake eo biển thì sóng đánh tới cửa sổ ầm ầm.Đi chơi mà ăn uống líp ba ga có cái mệt là phải ăn dù không đói. Đồng chí gái kêu đi ăn không cả uổng nên khó hạn chế ăn uống. Đi Nam Mỹ như Chí lợi và Á Căn Đình, ăn sáng tại khách sạn vì đã trả bao gồm trong giá tiền, trưa hai vợ chồng không ăn đợi đến chiều. Trên tàu tây thì ăn mệt thở nên hai vợ chồng cùng một lứa béo phì ra. Về nhà bớt ăn lại. Nhìn đói.
Theo mình thì cơm Ý Đại Lợi vẫn ngon hơn cơm tây. thức ăn pháp được cải tiến như ngày nay, khi bà Catherine de Medicis, lấy vua Pháp, đem đầu bếp theo qua Pháp, để nấu cho bà ta và hoàng cung. Từ đó người Pháp mới biết nấu ăn ngon. Mình vẫn thích ăn cơm Ý Đại Lợi hơn vì có nhiều món rất ngon, tuỳ mỗi vùng. Mình giang hồ khắp nước Ý Đại Lợi nên có dịp thưởng thức nhiều món, còn tây thì chỉ đi vài vùng như Alsace, Normandie, Bretagne, Aix En Provence,…nên ít biết về ẩm thực pháp. Xong om
Nay có thời gian nhìn lại chuyến đi Nam Cực, phải công nhận rất đẹp, chỉ có 4 ngày nằm giường với kẻ nội thù, chóng mặt, say sóng say tình là hơi tiếc. Còn mấy ngày kia thì quá vui. Đúng là chuyến đi để đời.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn