Rời Chí Lợi, hai vợ chồng bay sang Á Căn Đình. Khi đến phi trường quốc tế của A Căn Đình thì mình nhớ đến bài hát của show Evita mà mình xem ở Luân Đôn “don’t cry for me Argentina”. Phi trường hàng xóm Chí Lợi đẹp sang, mới, hiện đại thì phi trường của xứ đoạt giải vô địch túc cầu thế giới vừa qua te tua. Máy bay từ CHí Lợi thì mọi người đi vào máy bay bằng cầu thang vệ tinh còn đây thì đi xuống cầu thang từ phi cơ rồi leo lên xe buýt thời Bảo Đại, ghế nệm cũ mèm, bị lũng lỗ, mất nệm mousse hết.
Sau khi qua hải quan, lấy hành lý thì nhắn tin tên đón vợ chồng mình từ phi trường. Khách sạn đòi $45/ người, tên này chỉ lấy có $30 cho hai vợ chồng. Hắn cho biết là ra không được nhưng sẽ gửi đệ tử ra nhưng đợi hoài không được nên mình kêu Uber. Từ Cali mình không thấy có Uber từ phi trường nhưng từ phi trường thì thấy hiện ra. Uber lấy có 10 đô. Khỏe re.
Phố xá ở Buenos Aires tương tự Paris và Budapest, khiến mình nhớ đến thời sinh viên ở phòng ô sin trên tầng chót. Nóng và lạnh kinh hoàngMình hỏi khách sạn thì họ cho biết bên cạnh có chỗ đổi tiền nhưng mình đã hứa là sẽ đổi tiền với tên đón mình và đã xếp người chở mình đến xem show tango tối mai nên kêu hắn xong việc thì ghé lại khách sạn để đổi tiền. Hối đoái chính thức của chính phủ là 1 đô ăn 170 pesos nhưng hối đoái chợ đen mà họ gọi là Blue rate, hối đoái xanh thì ăn gấp đôi hay 340 pesos. Mình phải đổi nhiều để trả tiền khách sạn. Khách sạn độ $300/ đêm nay còn có $150/ đêm. Có lẻ ai ở Mỹ nên đi chơi ở xứ này. Chỉ cần đổi đô la theo hối đoái xanh là rẻ phân nữa. Kinh
Để mai mình hỏi mua nhà xem sao. Nếu 1 căn hộ là 100,000 đô, mình chỉ mua với $50,000. 10 năm nữa tình hình sáng sủa lại thì giá đô la và tiền pesos không còn nạn chợ đen chợ xanh là bán, đem tiền về Hoa Kỳ.
Tên này cũng gốc Venezuela, kêu tao quen xứ tao rồi nên đến xứ này làm ăn là hội nhập nhanh với nền kinh tế hàng hai. Mình chui vào xe hắn, đưa hắn tiền đô, hắn đưa tiền pesos. Hắn moi ra hai tờ 100 cũ, kêu loại này mất giá 35%. Mình kêu để lên phòng, lấy tiền đổi cho hắn. Kêu vợ thay áo quần, hắn chở đến một quán ăn ngon. Mình cũng liều, dám đổi đô la với tên Arbolito, tiếng lóng chỉ những người buôn bán lậu đô la. Ra phố, xuống mấy cái hầm, nơi thiên hạ đổi tiền. Nói cho ngay, ngày nay trên mạng, làm ăn ai nấy đều có thông tin của nhau. Dân làm ăn đàng hoàng không chơi bậy, lường gạt vì thiên hạ sẽ biết. Mình biết tên này qua một tên bạn giới thiệu, đã dùng hắn khi đi A Căn Đình.
Mụ vợ đi ăn, hỏi giá đổi tiền là bao nhiêu mình phải giải thích cho mụ vợ. Đại khái là lạm phát nên dân tình phải mua vàng hay đô la để thủ do đó đồng Mỹ kim lên như diều. Đi xứ nào cũng thấy rẻ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đưa thẻ tín dụng American Express ra là mặt phục vụ viên xanh như đít nhái, hỏi có tiền đô không thì cười, bán rẻ hơn. Nhưng giá chợ xanh gấp đôi giá chính phủ thì mình thua non. Vấn nạn này xảy ra từ lâu, mấy chục năm nay thậm chí cả 100 năm qua, từ thời hai vợ chồng đại tá Peron lãnh đạo xứ này, thay đổi thể chế chính trị một cách nhanh chóng. Nạn nhân của nô lệ văn hoá tây phương. Ông Peron từng làm tuỳ viên quân sự tại Pháp hay Tây Ban Nha nên bị dính bệnh làm cách mạng, giúp nông dân nghèo có ruộng đất.
Thịt bò mềm, ăn nức nởMình thích nhất hai món này, miễn phí, ớt ngâm dầu olive và chichimurri ăn với thịt vừa cay cay vừa bùi bùi
Lạm phát lên như diều. Nông dân chỉ biết trồng trọt còn buôn bán marketing thì i tờ nên nợ chồng chất đủ trò. Xứ này là xứ canh nông, xuất cảng nông phẩm nhưng lại phải mua dầu hoả đang lên như diều. Dân xứ này mê tiền đô la xanh còn hơn mê gái, mê trai. Nghe họ kể là khởi đầu từ thời chế độ quân phiệt. Kiểu Việt Nam Cộng Hoà khi xưa, lạm phát, ai nấy cũng mua vàng và đô la để dành.
Mình nhớ mẹ mình mua một tạ gạo 2,000 đồng thì tuần sau đã thấy lên 4,000. Thời đó thiên hạ cũng chết chới với với lạm phát khiến dân tình bất mãn với chế độ. Thêm nằm vùng quậy phá. Điên.
Nói chuyện với dân tại đây, họ nói đô la mà lên thì càng khổ nhưng mà họ quen rồi vì bắt đầu từ năm 1939 đến nay, gần 1 thế kỷ.
Nói chuyện với dân địa phương, họ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001, tiền Mỹ kim trở nên đồng tiền chống lạm phát của xứ. Chính phủ cho phép người dân mua bán tiền Mỹ kim và khởi đầu cuộc đổi tiền được gọi là el blue đến năm 2012 thì cấm luôn và cuộc hối đoái xanh bắt đầu từ đó. Hình như hiện nay chỉ cho phép mua đổi 200 đô mỗi tuần. Anh đổi theo giá chính phủ 200 đô, anh quay qua bán lại lời được 200 đô, 1 tháng 4 tuần xem như bỏ túi được 800 Mỹ kim.
Về hưu sang đây, chơi màn này với sổ thông hành Mỹ, có thể đổi nhiều hơn. Hai vợ chồng lãnh tiền an sinh xã hội độ $3,000, đổi ra thành $6,000. Sống đế vương ở đây. Mụ vợ không chịu. Chán Mớ Đời
Mấy ông nên về xứ này ở thay vì về Việt Nam. Mấy em ở đây là thước tất đầy đủ chân dài tới mũi.
Năm 2014, 1 Mỹ kim ăn 15.72 argentine peso ARS trong khi giá chính thức là 8.50. Hôm nay, mình đổi giá DB (dollar Blue) là 340 ARS so với giá chính thức là 170. Kinh
Nghe nói mỗi ngày có trên 20 triệu Mỹ kim được đổi theo hối xuất đôla xanh, nhân cho 365 ngày, là 7,400 triệu hay 7 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Khi nợ chồng chất thì khó mượn thêm tiền nên xứ này quay qua mượn anh ba tàu. Mình đến Chí Lợi, thấy sự hiện diện của Trung Cộng khá nhiều về kinh tế, đến xứ vừa đoạt giải túc cầu thế giới thì anh ba tàu có mặt khắp nơi. Năm 2014, Trung Cộng cho vay 11 triệu nhân dân tệ. Nay thì mới ký hợp đồng 250 tỷ đôla đầu tư vào hạ tầng cơ sở của Á Căn Đình.
Trung Cộng bẩy nợ bằng cách cho công ty Trung Cộng sang xây cất các hạ tầng cơ sở và đổi lấy đậu nành, thịt bò, lúa mì để nuôi dân Trung Cộng. Thế kỷ 19, xứ này bị lệ thuộc vào tiền bảng Anh quốc, thế kỷ 20 thì bị anh Mỹ và thế kỷ 21 sẽ là anh ba tàu.
Xứ này chuyên về sản xuất nông phẩm, đứng hàng đầu trên thế giới. Nay chuyển qua GMO đậu nành và bò, tạo dựng một nền nông nghiệp chính. Vấn đề là các hậu quả cho sự khai thác man rợ này, kiếm tiền để trả nợ làm môi trường xã hội và môi sinh bị phá sản. Các nông dân nhỏ không đối lại các tổ hợp, công ty lớn đa quốc gia như ở Hoa Kỳ. Các công ty này sử dụng thuốc diệt sâu, đủ thứ không được kiểm soát vì họ quá lớn. Thêm mấy anh ba tàu sang đầu tư như ở phi châu mà mình có xem một cuốn phim tài liệu. Xem như tương lai là ngọng. Dân họ còn giết khơi khơi huống chi dân thiên hạ.
Sự bùng phát về bệnh ung thư và sinh con dị tật tại các vùng nông thôn nghèo như COrdoba, Santiago de Estero, bắt đầu gây chú ý đến dư luận thế giới y khoa.
Hỏi kinh tế xứ này đi về đâu. Không ai biết câu trả lời nhưng chắc chắn là sẽ có Nhân Dân tệ Yuan vào cuộc đua hối đoái chợ xanh. Có thể họ sẽ gọi đổi tiền nhân dân tệ là Hối Đoái Vàng. Chán Mớ Đời
Đồng chí gái dậy, chuẩn bị ăn sáng rồi đi chơi với vợ để quên những phiền toái về kinh tế của mỗi quốc gia. Khi anh nghèo thì những tên tài phiệt đến cho vay, không phải vì thương cảm hoàn cảnh của anh mà để làm tiền và tiếp tục năm này qua tháng nọ, không muốn anh dứt nợ. Anh lại nghe tên tài phiệt hàng xóm, rủ rê cho anh mượn tiền rẻ hơn nhưng nếu anh hiểu về tài chánh thì anh sẽ không nghe theo, tìm cách giải quyết nợ với anh đang cho vay. Về lâu về dài sẽ trả dứt.
Vấn đề là anh muốn ở lại nắm quyền, không nghĩ đến đất nước, người dân. Anh cứ hô hoán này này kiếm phiếu để rồi nước anh sẽ không bao giờ dứt nợ mà con cháu phải trả đời đời nhớ ơn bác Washington hay bác Tập. Chán Mớ Đời (còn tiếp)
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn