Hộp quẹt Zippo trong thời chiến tranh

 Hồi nhỏ thấy mấy người lớn nhất là mấy ông lính, hay xài hộp quẹt của lính mỹ Zippo. Lúc đầu toàn là bằng bạc, sau thấy có màu xanh,… Dạo ấy, người Việt còn xài hột quẹt ống để hút thuốc Cẩm Lệ, hình như bắt chước của tây đem qua. Hột quẹt Zippo, có đặc điểm khi trời gió, không tắt. Ông cụ mình có một cái hộp quẹt này trong khi mệ ngoại hay ông ngoại thì xài hộp quẹt Việt Nam, để hút thuốc Cẩm Lệ.

Ở ngoài khu Hoà Bình, có một địa điểm mà ai có hộp quẹt Zippo, hay bút máy đem ra đấy để khắc chữ trên hộp quẹt. Ngày nay, người ta hay xâm mình để toả sáng, nói lên một câu toả sáng trên thân thể mình. Khi xưa, mình hay thấy mấy ông lính, xâm trên tay “xa quê hương nhớ mẹ già”.

Một bật lửa Zippo, được một Bính sĩ mỹ khắc những tâm tư trong thời chiến khi xâm mình chưa được phổ biến như ngày nay

Theo một trang nhà của cựu binh sĩ mỹ tham chiến tại Việt Nam, lính mỹ khi xưa chưa có tục xâm mình như ngày nay. Họ lại có hộp quẹt, bật lửa hiệu Zippo và khắc trên đó những ý tưởng của mình trong thời chiến như ngày nay, giới trẻ xâm đầy người. Sau chiến tranh Việt Nam, khi các cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, thì thị trường bật lửa giả với những chữ khắc trong thời chiến của chiến binh mỹ phát triển rất mạnh, khiến các trang nhà của cựu chiến binh mỹ phải lên tiếng. Có ông mỹ đi Việt Nam đến hơn 20 lần trong vòng 15 năm để tìm kiếm mua bật lửa Zippo trong thời chiến tranh Việt Nam.

Đây là chân dung người sáng lập công ty Zippo, ông George B Blaisdel

Lính mỹ cho biết khi xưa, trong các chiến dịch “truy tìm và phá huỷ” (search and destroy) , họ dùng bật lửa Zippo để đốt các làng mạc ở thôn quê của người Việt. Đài CBS có truyền hình một đoạn, lính mỹ đốt làng Cẩm Nè, Quảng Nam với chiếc bật lửa. Người lính mỹ cho biết, không sử dụng đuốc như xưa mà chỉ cần cái bật lửa Zippo. Xong om

Bật lửa này mình thấy hao hao giống cái hộp quẹt mà Mệ Ngoại mình hay dùng để hút thuốc Cẩm Lệ. Chỉ khác là bằng nhôm màu bạc. Lâu lâu, hết đá, mình phải mở cái đuôi để bỏ cục đá nhỏ vào rồi vặn lại, hoặc thay cái tim, đổ dầu hôi để quẹt thì phải. Ai nhớ rõ hơn thì cho em xin. Mình nhớ có đọc đâu đó, tây  cho người Việt mở công ty để sản xuất bật lửa loại này tại Việt Nam nhưng quên tên.

Theo mấy người lính mỹ tại Việt Nam, cái bật lửa Zippo được ưa chuộng nhất như một báu vật riêng tư, lính có thể khắc trên ấy những tâm tư của mình khi ấy. Sau đó là cái đồ mở đồ hộp P38 mà mình đã kể. Sau này, cựu chiến binh mỹ trở lại Việt Nam thì thấy bán rất nhiều Zippo hàng giả, làm để bán cho du khách.

Công ty sản xuất hộp quẹt Zippo được thành lập bởi ông George G Blaisdell vào năm 1932, ảnh hưởng bởi bật lửa của công ty IMCO của Áo Quốc. Công ty này được thành lập vào năm 1907 bởi ông JUlius Meister. Bật lửa của họ được sáng chế bằng các vỏ đạn được sử dụng trong thế chiến thứ 1 và được phổ biến trong quân đội. Cuối cùng thì Zippo khiến IMCO phá sản.

Khi xưa, chiến tranh nên các vỏ đạn đầy nên họ dùng vỏ đận để là hộp quẹt

Theo kể lúc đầu, ông Blaisdell muốn gọi tên bật lửa là Zipper sau đổi thành Zippo cho có vẻ đương đại. 3-3-1936, chính phủ Hoa Kỳ ký giấy chấp nhận bằng sáng chế của Zippo, và từ đó trở nên nổi tiếng đến ngày nay.

Sơ đồ bản vẽ của hộp quẹt Zippo

Bật lửa Zippo được phổ biến trong quân đội trong đệ nhị thế chiến. Công ty Zippo ngưng sản xuất hộp quẹt nội địa, dùng tất cả nhân lực để sản xuất cho tiền tuyến. Mình cứ thấy mấy đứa bạn hút thuốc, cứ ngồi, bật cái nắp qua lại, làm sao để khi mở nắp một ngón thì có thể vừa bật cháy luôn thay vì cần đến hai động tác.



2 thế kỷ trước, năm 1805, người ta sáng chế ra que diêm để tạo ra lửa, do một nhà hoá học người Pháp, tên Jean-Louis Chancel. Cây diêm được xem là khởi nguồn cho các người đi sau, chế tạo ra hộp quẹt.

18 năm sau, có một người đức, tên Johann Wolfgang Döbereiner phát mình ra cái hộp quẹt đầu tiên, thường được gọi là đèn Döbereiner. Không giống hộp quẹt ngày nay and rất khó sử dụng và nguy hiểm.

Năm 1826, ông John Walker, tên sao giống ông làm Whishky, chế ra loại diêm quẹt. Ông này không được bằng sáng chế về cây diêm nên sau này một ông khác tên Samuel Jones, lấy cái ý này và bán dưới tên “Lucifer”.

1892, hột quẹt được bằng sáng chế tại Hoa Kỳ dưới tên ông Joshua Pusey. Sau này công ty Diamond Match mua bằng sáng chế và khởi đầu bán hột quẹt diêm khắp nước .

Đến năm 1961, công ty pháp tên Feudor phát minh ra cái bật lửa xài một lần, sau đó công ty Gillette mau lại. Dạo mình ở âu châu thì dân hút thuốc xài loại này nhiều. Nay thì đủ loại rất nhẹ, xài bằng ga. Xài hết thì quăn.

Nói chung cái hộp quẹt, tuy thuộc cá nhân nhưng lại được sử dụng trước công chúng. Có thể nói như một loại trang sức của đàn ông. Người ta làm dấu để tránh bị đánh cắp nên khắc tên hay những ý tưởng gì mà họ thích như ngày nay, người ta xâm trên thân thể rồi mai sau lại trả tiền để gọt bỏ vì sợ ung thư.

Mình không hút thuốc nên ít khi sử dụng mấy loại nhưng cũng có chút gì để nhớ của thời con nít ở Việt Nam. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn