Nên Làm Living Trust hay không

 Lạ! Bài mình viết về những việc cần làm trước khi hưu trí đã lâu rồi, ít ai đọc nhưng hôm trước, có người bạn hỏi lại, vì đang thuyết phục bố mẹ làm Living trust, để con cháu khỏi mất thời gian nhiều khi đụng trận. Bố mẹ ở tiểu bang khác, xa mấy người con. Nay đại dịch, con cháu không gặp mặt cả hai năm qua vì sợ bị lây. Mình kêu vào bờ lốc mà đọc thì lại nghe bên đầu dây, sẵn đây ông giải thích luôn cho khoẻ, rồi mở máy cho bố mẹ nghe luôn. Sau đó, mình lục trong bờ lốc và sửa lại chút đỉnh, tải về lại thì hôm nay xem lại, thấy thiên hạ đọc nhiều, lại hỏi mình tùm lum dù đã dặn là đi hỏi luật sư.

 Chắc qua vụ đại dịch, ai cũng giác ngộ một điều; chúng ta không thuộc loại “bất tử”. Chúng ta có thể đi theo ông bà rất nhanh, không một lời từ giả như trong phim bộ.

Mình hiểu tâm trạng mấy người bạn này, họ cứ phân vân, nên làm hay không. Vô sản đâu cần làm,… có rất nhiều lý do để không làm. Đọc sách báo về luật pháp, chừng hai trang là buồn ngủ như trường hợp mình. Đi hỏi luật sư thì sợ tốn tiền nên cứ mò mò. Mình làm di chúc, living trust đến 3 lần rồi. Tốn bộn tiền. Chỉ có làm mới hiểu được khiếm khuyết phần nào, khó có thể đúng ngay lần đầu. Mình bò đi seminar về di chúc rất nhiều vì thuộc dạng ngu lâu dốt bền.

 https://youtu.be/5rGsOzdY5KQ

https://youtu.be/PpGG1ZhoqE0

https://youtu.be/b8_MK6PodoU

https://youtu.be/Xy1wN-Qa3u4


Đi seminar thì luật sư doạ đủ trò, rồi ngưng, bảo lấy hẹn. Cũng có seminar, có những người không phải luật sư thực hiện. Mỗi seminar học được một tí. Thường luật sư có phần mềm, chỉ cần điền tên mình vào rồi in ra xong om. Mình có mua phần mềm để làm mấy vụ này, cộng giấy tờ khi sử dụng corporation hay LLC, và Trust,…

Thực tế thì nên trả tiền để hiểu rõ việc cần làm, thay vì nghe ai nói bậy bạ như sơn đen rồi làm sai. Cứ lâu lâu học được cái gì khác thì phải làm bổ túc. Lại chửi thề tên luật sư trước vì nó không chỉ bảo mình. Nếu luật sư giải thích hết thì chỉ gặp mình một lần, họ cần mình trở lại khi có câu hỏi để lấy thêm tiền. Lần thứ 3 thì huỷ cái cũ, luật sư làm cái mới, đề tên y chang như cái cũ. Chỉ việc mình xé cái cũ bỏ đi để con cháu không bị lộn xộn.

Phim bộ, để chuẩn bị cho một nhân vật chính chết, họ phải làm thổ huyết, rên rỉ, đợi người tình hay con cháu về rồi nắm tay, trăn trối bú xu bà la chập rồi mới thở cái hắt, nghẹo đầu qua phải để chết, trong tiếng khóc nức nở của người tình hay người con gầm thét, con nguyện sẽ trả thù. Thực tế thì cái chết có thể đến trong tít tắt.

Tuần trước, trời mưa, ngồi xe với thằng con. Mình dặn là trời mưa, không nên chạy làn “car pool” vì nếu thắng là xe bay vô tường bê tông bên tay trái ngay. Cách đây, 2 tuần, chạy xe trên xa lộ trên đường về, có chiếc xe của ông mỹ nào quẹt vào xe mình nhẹ bên tay phải. Sau đó cả hai tấp xe lại ở cây xăng, trao đổi giấy tờ bảo hiểm. Hú vía! May không ai bị thương tích gì cả. Phật độ! Cô em mình biết được hỏi cúng tạ chưa?

Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua đời. Vấn đề là không biết lúc nào. Có người nằm Coma hơn 10 năm mà vẫn trơ trơ, hành vợ con hàng ngày. Cho thấy muốn chết đâu phải dễ. Khi nào đến giờ Chúa gọi về thì mới được đi hay khi nào nợ trần ai hết thì chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Lên thiên đàng, ông thánh Phê-rô lục máy điện toán, kêu không có trong sổ là phải tiếp tục nằm Coma đến giờ Ngọ, mới được vào thiên đàng.

Có người bảo khi nằm Coma thì muốn rút ống để khỏi làm khổ con cháu. Mình hỏi đã làm di chúc chưa? Nói chưa. Hỏi đã làm giấy uỷ quyền về y tế chưa? Nói chưa. Hỏi đã làm giấy uỷ quyền về tài chánh chưa? Nói chưa,… mình muốn rút ống thì phải làm giấy tờ uỷ quyền cho ai đó, rút ống. Không lẻ mình nằm trên giường kêu bác sĩ rút ống. Khi mình nằm coma, người được uỷ quyền, đưa cái giấy uỷ quyền thì nhà thương mới cho rút ống. Giúp mình tiêu diêu miền cực lạc thay vì nằm coma. Thiền nằm mấy chục năm.

Theo thống kê năm 2017, phân nữa người Mỹ không làm di chúc. Đó là một nước tân tiến, thuộc văn hoá thực dụng. Mình mua nhà của một bà người Mỹ cho vay lại. Nay bà ta qua đời, mình muốn trả đứt món nợ cho con bà ta nhưng con bà cho biết; dạo này hơi túng, mới bị mỗ tim xong, không tiền làm probate, do đó dù họ cần tiền nhưng mình không thể trả hết món nợ cho họ được vì họ không có quyền ký tên bãi nợ (reconveyance) . Chỉ có thể trả hàng tháng. Mình nghĩ có trục trặc gì đó với Living trust, hay khi bà mẹ bị lãng trí, họ thay đổi, gì đó. Mình sẽ gặp họ tuần tới để xem. Định sẽ gặp hôm nay nhưng thằng con mình bị dính covid nên không dám gặp ai.

Nếu mình thật sự thương con cháu thì nên viết di chúc và thị thực chữ ký để cho mỗi đứa con một bản để tránh lộn xộn khi hữu sự. Ông Larry King, nổi tiếng đài truyền hình, vào giờ chót, trước khi chết, ông ta viết lại di chúc bằng tay, vẫn có hiệu lực, loại bà vợ cuối cùng ra khỏi “estate”, gia tài để lại cho mấy đứa con của mấy bà vợ trước. Xong om. Vấn đề không phải làm living trust hay những giấy tờ khác. Vấn đề là phải viết xuống những gì mình mong muốn. Được thị thực chữ ký để không có ai tranh cãi. Có những người họ thị thực chữ ký cho mình, cứ gọi họ là họ chạy đến nhà. Còn không muốn trả tiền thì ra ngân hàng của mình, đều có người làm chứng giấy tờ mình ký, miễn phí. Xong om

Mình nghe kể, có ông bố mất. Mấy anh em họp bàn lo việc hậu sự. Người thì kêu bố dặn, hoả táng, đem về Việt Nam, rắc lên núi Ba Vì gì đó. Người thì kêu bố bảo em là chôn trong nghĩa trang quân đội cùng các chiến hữu. Thế là mấy anh em choảng nhau.

Cuối cùng hỏi đóng tiền làm đám tang thì ai cũng lơ hết, viện cớ nghèo, con đi học đại học bú xua la mua,… cuối cùng hoả táng rồi đợi khi nào có ai về quê, đem cái lọ về rải tro của bố. 10 năm nay chưa có ai về.

Có người nghe ai xúi dại, kêu bán căn nhà của mình, lấy tiền cho con, để chúng mua căn nhà khang trang hơn, rồi mình dọn về ở chung với chúng. Họ nghe ai nói, làm như vậy thì vô sản, khi nào già thì có thể được chính phủ nuôi, nên bán nhà, đưa cho con để mua nhà to đùng, trả thuế cao hơn, bảo hiểm cao hơn, quá mức lương của chúng.

Mới dọn về chưa được bao lâu, hai đứa choảng nhau, ly dị ra toà. Thế là con đi mướn nhà riêng và bố mẹ đi mướn phòng riêng vì phải chia tiền cho con dâu hay thằng rể cà chớn thêm tiền luật sư. Nếu trường hợp các bác cho con cái tiền để chúng mua nhà, lúc nào cũng phải bắt chúng ký chung cái nợ về số tiền cho chúng với tiền lời, cấn cái nợ vào căn nhà. Lỡ chúng có ly dị thì khi bán cái nhà, chúng phải trả lại số tiền mấy bác cho cộng với tiền lời. Khi nào mình đi tây phương thì số tiền ấy dành cho con các bác, thằng rể hay con dâu không được đụng tới.

Mình nghe vụ này nhiều lắm. Chắc do mấy người chuyện gia địa ốc xúi, để họ ăn huê hồng. Mình chỉ cần viết trong di chúc và living trust: là có ý định trở lại sau khi rời viện dưỡng lão thì không ai bắt các bác phải bán nhà cả. Mình có viết về vấn đề này rồi. Cứ lấy nhà cho thuê để trả tiền viện dưỡng lão. Xong om

Có ông Mễ, nghe ai sang tên căn nhà cho thằng con để lãnh tiền già chi đó. Đùng một cái thằng con lăn ra chết. Cô con dâu muốn bán nhà nhưng ông bố chồng không cho ai vào xem. Thế là ngọng. Họ nhờ ai nói lại với mình. Mình mua xong gõ cửa kêu là chủ nhà mới. Muốn ở thì trả tiền nhà hàng tháng từ 13 năm nay rồi.

Có người hỏi mình đã làm living trust rồi. Có phải chuyển giấy tờ căn nhà, xe cộ qua living trust. Cái này là bắt buộc. Living trust là một pháp nhân tương tự như một corporation. Khi mình thành lập living trust như một công ty, mà mình là tổng giám đốc, lo quản trị tài sản của công ty. Khi mình có mệnh hệ nào thì trong di chúc cho biết là sẽ là người thay thế mình để làm tổng giám đốc. Sau khi chia chác xong thì huỷ cái living trust. 

Nếu mình không chuyển qua living trust thì xem như chưa có làm gì cả. Living trust không có tài sản gì cả. Thường luật sư rất mất dạy, ăn tiền chỗ này. Cứ sang tên là họ vớt mấy trăm nhất là ở Cali nay lên giá đâu tiền record lên tới $75 hay hơn/ cái. Chí phèo vẫn hoàn chí phèo. Khi mình qua đời thì nhà cửa vẫn đứng tên mình, thay vì Living trust, phải qua tòa probate. Tương tự làm đám cưới mà không ra toà làm giấy tờ, tuyên thệ trước một đại diện của chính phủ (đám cưới dân sự) thì đâu cần phải ly dị vì trên giấy tờ hai người vẫn chưa lấy nhau dù có tổ chức đình đám ở nhà hàng. Cô dâu chú rể lên sân khấu hát phải chi đêm ấy anh đừng say.

Có một điểm là nếu ai ở Florida thì không nên chuyển căn nhà qua living trust của mình. Lý do là tiểu bang này có luật về căn nhà của mình bất khả xâm phạm (Homestead Act). Mấy người giàu có thường chọn tiểu bang này làm quê hương như ông Rich Dad của mình. Ông ta ở Florida 6 tháng 1 ngày còn số ngày còn lại ở Cali. Cali không có đạo luật này. Nhớ vụ ông mỹ giết bà vợ tên Nicole Brown Simpson và ông bồ, được trắng án. Bị thua kiện dân sự nhưng không ai đụng đến nhà ông ta ở Florida. Ông ta ở Florida để khỏi đóng thuế tiểu bang, và có nhà ở Cali. Nhà ở Cali bị tịch thu để bồi thường cho nạn nhân còn nhà ở Florida to đùng, không ai dám rờ đến. Ông ta bị tù khi cướp lấy đồ của ông ta đã được bán cho ai đó. Vì lẻ đó mà mấy người già hay dọn về Florida ở, rẻ hơn Cali, và căn nhà họ mua, không được ai lấy cả dù bị thưa kiện. Ông Mic, dạy nghề cho mình, nay dọn qua Florida ở. 

Lấy thí dụ vợ chồng Thị Nở và Chí Phèo làm living trust thì có thể gọi: “Thị Nở and Chí Phèo as trustees of the Phèo Nở Family Living Trust, dated 01-27-2022”. Phải có tên Trustee, tên living trust và ngày thành lập. Không có 1 trong 3 phần trên là ngọng. Vì có nhiều người trùng tên Thị Nở và Chí Phèo do đó phải có ngày thành lập. Hay có thể viết, Phèo Nở Family Living Trust, dated 01-27-22, Thị Nở and Chí Phèo, trustees.,… 

Mình có thể tự làm living trust, trên mạng, họ bán đầy, cứ lấy một về làm, chỉnh sửa lại theo ý mình. Làm luôn mấy tờ giấy uỷ quyền, mấy cái này thì không có gì rắc rối, chỉ điền tên vào là xong om.

Cũng có luật sư đàng hoàng nhưng hiếm. Cần hỏi vòng vòng, các người đã làm rồi. Nói cho ngay, họ dùng phần mềm làm chung cho thiên hạ, ngoại trừ có gì đặc biệt thì phải viết thêm, họ lấy thêm tiền. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn