Cha mẹ sinh con trời sinh tánh

  Hôm nay, mình ghé thăm  studio quay hình của một anh bạn mà gần 30 năm mới gặp lại. Sau đó, cả hai ra quán ăn người bạn ở Bolsa. Ngồi ăn, chủ quán ghé lại chào, kéo ghế ngồi xuống, kể chuyện. Anh ta kể hôm trước, có người hàng xóm khi xưa ở Việt Nam, ghé lại ăn với hai người con.

Anh hàng xóm giới thiệu cô con gái và người bạn đời khiến anh ta như bò đội nón. Phải mất 10 phút, mới hiểu được chuyện đời nay. Anh hàng xóm chỉ cậu con trai là con gái, học MBA ra nhưng một hôm, viết thư cho bố mẹ rồi biến mất.

Lá thư kể là cô ta lại thích con gái nên không thể lấy chồng “đàn ông” như bố mẹ mong muốn. Xin bố mẹ thông cảm. Cả tháng sau cô nàng trở về thì cho biết là đã giải phẫu, uống thuốc để mọc râu quai nón như Sơn đen. Kinh

Sau đó lại giới thiệu một cô gái, kêu là bạn đời của con. Hỏi ra thì cô gái kia lại là con trai, nhưng lại thích ăn bận, chải chuốt như con gái, buồn đời cũng đi đâu đó giải phẫu, để biến mình thành bà Eva. Nghe tới đây là mình bắt đầu nổi máu phản động.

Mình kêu là cặp trai gái này, kiếp trước ở trên thiên đình, cắn phải quả bơ ở vườn bơ của Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen, bị bắt quả tang nên thượng đế mới đì xuống phố Bolsa. Khổ cái là đúng lúc nhà thương Garden Grove, có một bà người Việt đang sinh ra một bé gái nhưng hộ khẩu viết lộn là Adam nên nhập vào xác của cô bé gái mới sinh. Trong khi đó bà Eva, thì được thiên lôi chở đến bệnh viện ở Anaheim, đúng lúc có bà người Việt sinh ra một thắng cu tí. Thế là thiên lôi xin hộ khẩu cho bà Eva nhập vào người thằng cu tí.

30 năm sau, chúng gặp nhau nhưng vì không ăn bơ hữu cơ của vườn Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen nên cơ thể bị lộn xộn, DNA biến hoá tùm lum nên một bên là gái thì lại thích gái còn một bên trai lại thích trai nên rủ nhau đi Thái Lan, chuyển giới. 

Anh bạn 30 năm gặp lại thì cho rằng khi xưa, cô gái nằm ngửa, nay thì nằm xấp và anh con trai thì đổi chiều. Cô gái có râu nón vẫn thụ thai, anh con trai la đà thì vẫn đem súng lên nòng. Mặt mũi thay đổi nhưng nhân chi sơ tính vẫn làm. Xong om 

Đồng chí gái cứ rên về thằng con vì nó ít cãi mẹ nó, lại than phiền con gái hay cãi lại khiến mụ vợ không dám đụng đến vì tính nóng như lửa. Mụ cứ kêu con gái anh sao giống anh. Đồng chí gái cứ kêu mỗi đứa con, có một số phận riêng nhưng mụ cứ muốn xen vào cuộc đời của chúng. Mình thì khi nào chúng hỏi thì mới trả lời còn không thì không xen vào. 

Dạo này thằng con  hay hỏi mình về những vấn đề nó cần giải quyết thì mình sẵn sàng cho nó ý kiến hay giúp nó. Khi nó mới tuổi dậy thì, nó nghĩ bố nó không thông minh như đa số bạn của mình khi xưa. Lớn lên, ra đời, va chạm thực tế, nó bắt đầu hiểu cách hành xử của mình ở ngoài xã hội. Đi seminar, gặp mấy tên biết mình, họ nói và kể về mình như khi xưa bạn hàng của mẹ mình kể về bà cụ mình thì mình mới hiểu thêm về mẹ mình và kính phục mẹ mình khác với thời mới lớn, cứ nghĩ mình là ông trời con. Nhìn lại cuộc đời, mình thấy bị ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ mình.

Mình quan niệm như người xưa hay nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Chúng đủ lông đủ cánh thì để chúng bay về vùng trời bình yên hay năng động. Có thể chúng trở thành một con chim ó hay một con chim sẻ, tuỳ chúng định đoạt. Tạo sao phải muốn chúng theo ý mình.

Mình không thể nào xem con cái như cái cây bonsai, uốn nắn theo ý tưởng của mình. Làm như vậy, mình khống chế tự do, cấm cản chúng phát triển theo khả năng chúng. Có thể chúng sẽ khá hơn mình vì thích ứng với thời đại hôm nay thay vì tư duy theo lão làng như mình. Cứ xem gia đình mình, có đến 11, 12 anh em, cùng cha cùng mẹ mà lớn lên, mỗi đứa mỗi tính. Ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, cùng DNA đấy. Lớn lên thì tính mỗi người mỗi khác nhau, ngoại trừ giọng nói. Anh em ở hải ngoại, không ai có quan niệm tương tự, chí hướng đều khác nhau dù được xem là cùng lò. 

Gần đây, mình có theo lớp chuyên về tâm lý giáo dục trẻ em. Để xem mình đã làm gì sai hay đúng khi nuôi con lớn lên. Hoá ra, trong một xã hội tự do thì khó lắm, ngoại trừ trong các chế độ độc tài, người ta cơ cấu con cháu của họ vào các chức cao lớn, dù không có tài năng. Bà này cho rằng chúng ta không thể nào, giáo dục để định đoạt tương lai, định mệnh của con chúng ta trong một xã hội năng động tây phương.

Cha mẹ, nghèo hay giàu, trẻ hay già hoặc ly dị hay sống chung, đều muốn, mong những gì tốt đẹp cho con mình. Ai cũng muốn con mình giàu có, học giỏi, hạnh phúc,.. sách báo về dạy con đầy tủ sách gia đình nhưng ít ai thành công. Điển hình bà giáo sư gốc tàu ở đại học Yale, nổi tiếng một thời, được thiên hạ gọi “tiger mom” (hổ mẫu). Viết sách dạy thiên hạ, giáo dục con đủ trò, kiếm được bộn tiền. Sau này, người ta tìm hỏi hai cô con gái ra sao thì rất thất vọng. Không liên lạc, gần như cắt đứt mọi liên hệ với bố mẹ.

Mình nghĩ sinh con ra, lành lặng chân tay, không tàn tàn khùng khùng là một đại Phước. Lớn lên, chịu khó học hành là Phước thêm nữa. Còn tương lai của chúng là do chúng tự tạo, mình khó gây ảnh hưởng được. Cứ tưởng tượng, nay mình về già, nhìn lại đời thấy tiếc là nghe lời bố mẹ học môn này thay vì học môn mình thích,… 

Mình nhìn lại thì thấy rất mãn nguyện về khi xưa, học kiến trúc,… nếu phải làm lại mình cũng sẽ đeo đuổi như trước rồi về già, làm nông dân như ngày nay. Mình hầu như đã thực hiện những gì mình mong muốn khi xưa, nên không cần con cháu phải thực hiện những gì mình đã không làm được.

Mình đang lo tổ chức một chuyến họp mặt gia đình mình tại Dubai vào hè năm nay. Con cháu và em út cùng bà cụ đi chơi 7 ngày tại Dubai. Xem như có thể lần cuối để bà cụ có thể gặp mặt con cháu khắp nơi trên thế giới vì đã 90 tuổi, không biết sau này còn có sức khoẻ để đi chơi. Mình sẽ đài thọ hết vì nếu không chả ai tham dự. Trước kia, về Việt Nam, mình cho mọi người đi chơi chung một chiếc xe khách ra Nha Trang hay Mũi Né. Nay thì chơi ở hải ngoại. Sau đó sẽ tổ chức bên gia đình đồng chí gái.

Mình thấy bạn bè, có người có con lớn, bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Đi đâu, cũng phải dẫn theo, thằng bé lớn cứ như con nít, lâu lâu rú lên, chạy vòng vòng. Thấy thương! Do đó không đòi hỏi gì thêm về con cái.

Ai cũng kêu đời là vô thường nhưng mở miệng ra là bắt con học cái này, làm cái kia. Đồng chí gái cứ rên, kêu con bà này như thế này, con ông kia thế kia. Mình nói thì mừng cho họ, rồi đồng chí gái rên về mấy đứa con mình không giỏi như con thiên hạ khiến mình Chán Mớ Đời.

Cuộc đời là một cuộc chạy đua việt dã, chỉ khi về già, hưu trí mới biết được ai là hạnh phúc. Mình thấy khi xưa nhiều người giàu tiền giàu bạc, đi xe xịn, ở nhà khu cực đỉnh. Nay về già, không còn chi cả.

Đã kêu đời là vô thường, sao lại cứ muốn con mình bằng con thiên hạ hay hơn. Kệ mỗi đứa có mỗi cuộc đời. Tới đâu hay tới đó. Mình nói, kiếm vợ cho nó thì xong ngay. Con vợ nó bắt làm việc kiếm tiền thay vì tối chơi ngồi chơi game trên máy điện toán thì đâu có thì giờ đi kiếm bồ.

Khi xưa, mình cũng vậy. Đi tá hoá tam tinh, khắp nơi đến khi lấy vợ mới bắt đầu lo chuyện làm ăn, kiếm tiền mua sữa cho con. Từ nông dân lên kiến trúc sư, rồi xuống làm cu li nay thì làm nông dân nhưng vẫn vui vẻ cuộc đời, đâu cần phải có danh vị, tiền bạc. Ai hỏi làm nghề gì thì mình nói làm Nông dân.

Khi có con, mình đọc đủ loại sách giáo dục. Nào là dạy con theo kiểu cọp cái, chăm giữ bên cạnh, hay nuôi con theo kiểu gà đi bộ, cho chạy khắp xóm kiểu mình khi xưa. Bố mẹ đi làm, đi buôn đi bán cả ngày, để mình chạy chơi, phá làng phá xóm. Nuôi con theo kiểu thoáng của người Hoà Lan hay kỹ luật như người Đức. Nói cho ngay, mình không biết nuôi con theo kiểu nào mới đúng. Khi xưa, ở Việt Nam thì bố mẹ cứ khệnh mình khi bị hàng xóm mắng vốn. Mình cứ lo sợ là không làm tròn bổn phận người cha anh hùng.

Đến khi đọc cuốn sách nói về dạy con như tạo ra cánh bướm đập nho nhỏ rồi sẽ biến thành một trận cuồng phong là một sự điên rồ. Khi xưa, mình hay nghe nói đến câu chuyện người Tàu kể. Con bướm nho nhỏ, chỉ cần đập cánh nhẹ nhàng rồi sẽ ngăn cản bầu trời, thay đổi chiều gió, thuỷ triều, tạo nên cuồng phong tại vùng biển Trung Mỹ 6 tuần lễ sau. Sau này, lớn lên thì thấy mấy ông tàu cứ vẽ tô phản khoa học.

Cha mẹ, ai cũng muốn con mình trở thành những trận cuồng phong, như con bướm tạo những cánh quạt nhỏ nhỏ để dẫn đến các cuồng phong. Trên thực tế, cha mẹ thành đạt sẽ khiến con thành đạt? Cha mẹ nghèo khổ sẽ khiến con mình đói khát?

Mình gặp bạn bè, họ cũng đồng cảnh ngộ, kêu con họ cũng Chán Mớ Đời. Không chịu khó như họ khi xưa, đủ trò. Mình thì ngược lại. Mình thấy con mình, biết nhiều hơn mình vào tuổi chúng nó. Nếu có cái gì khiến chúng đam mê thì sẽ giúp chúng tìm được phương hướng để đặt ý chí, đam mê mà thực hiện. Vấn đề, làm việc quá sẽ bỏ bê gia đình như ông Paul Getty từng nói.

Thằng con mình biết là nếu mình không bỏ thì giờ chăm sóc hai đứa con. Nó từng so sánh bố mẹ tên bạn và  mình. Mình làm việc đến 2 giờ là đi đón con, chở chúng đi học ngoại khoá, đàn tranh, đàn bầu, piano,..bơi lội. Nếu mình không bỏ thì giờ thì nay mình có thể có nhiều chung cư cho thuê như bố mẹ một tên bạn, có cả trăm căn hộ cho thuê nhưng lại ít thời gian với con cái.

Người ta nghiên cứu theo dõi con nít từ bé đến lớn trong nhiều môi trường như anh em song sinh, anh em cùng cha cùng mẹ, để xem khi lớn lên, chúng có cùng chung một hệ quả về gia đình, xã hội,… lấy thí dụ, họ lấy hai anh em sinh đôi, đem người anh cho người hàng xóm nuôi và người em cho một người hàng xóm khác nuôi từ khi mới lọt lòng. Kết cục thì chẳng khác gì khi được nuôi cùng chung một nhà. Nghĩa là môi trường không định đoạt được sự thành đạt của con người.

Nếu giải thích theo Phật Giáo là cái nghiệp của mỗi người còn nói theo công giáo là do Chúa đã định sẵn. Người sinh ra trong một gia đình giàu có, chưa chắc khi lớn lên sẽ giàu có và ngược lại người sinh ra trong  một gia đình nghèo khó, chưa chắc lớn lên sẽ nghèo hoài.

Ngược lại, họ xem về cha mẹ, nuôi con rất chặt chẻ, kỹ luật, yêu con vô bờ, tương tự tương lai của chúng cũng không khác nhau. Người tây phương nghiên cứu về giáo dục gia đình để giúp họ nghiên cứu làm sao để đất nước họ giàu có hơn, ít tội phạm. Hiện nay người ta đang điều tra về ông con trai của tổng thống Biden. Người ta đưa ra nhiều lý do là ông con trai bị ma-tuý khiến đem cái laptop ra sửa mà quên lấy về. Sau này người ta khám phá các tài liệu về các vụ làm ăn, kiếm tiền ở trên thế giới. Ông ta dựa vào thế bố làm phó tổng thống để làm tiền cho mình và cho bố khi nghỉ hưu. Ông con trai tổng thống không bị ở tù trong khi con người khác nghèo thì bị ở tù khi sử dụng ma tuý vì được xem là phạm pháp.

Năm 2015, người ta xem kết quả thử nghiệm theo dõi 14 triệu anh em hay chị em sinh đôi trên 39 quốc gia. Họ xét 17,000 kết quả. Họ cho biết gien quan trọng nhưng không giải thích được hết. Môi trường cũng có ảnh hưởng nhưng kết quả vẫn không cho thấy chúng ta có thể dạy con theo ý muốn của mình để thành đạt sau này.

Nhiều người xem kết quả này cho rằng, cha mẹ dạy con không quan trọng lắm. Chúng ta có thể trở thành con người của chúng ta hôm nay, bất chấp ai nuôi chúng ta lớn khôn hay môi trường. Có lần mình đi mua nhà, gặp một ông mỹ, kể có hai thằng con, cho học cùng trường ở Villa Park nhưng một thằng trở thành luật sư còn một thằng bị nghiện ngập. Ông ta kết luận cùng môi trường nhưng khác loại bạn bè sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con ông ta.

Người Việt mình hay nói gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Chưa hẳn vì mình nhớ khi hỏi anh bạn thân đi học mua bán nhà cửa thì anh ta kêu anh ta biết hết. Chúng lừa mày. Mình tin anh bạn này vì anh ta sống ở mỹ lâu hơn mình trong khi mình mới sang Hoa Kỳ. Mình có cái tính là tò mò, có gì lạ mình đều bò đến xem thử thay vì nghe lời thiên hạ.

Khi xưa, bạn bè ở Texas hay Boston, cali, Denver, kêu mình đến chơi để họ giới thiệu cô nào. Mình cũng bò đi, bay máy bay, tốn tiền nhờ đó mới phát hiện ra mối tình hữu nghị của đồng chí gái. Mình bò đi học và đã thay đổi đời mình còn anh bạn thân, kỹ sư bị sa thải nay đi bán xe hơi từ 20 năm nay. Hôm qua, mình gọi anh ta để nhờ bán chiếc xe của thằng con, giúp anh ta kiếm chút tiền.

Mình xét một gia đình quen, con cái đầy đủ tại Hoa Kỳ. Nếu nói về gien thì mọi người trong gia đình, đều học hành, ra bác sĩ, kỹ sư,… nói về thành đạt thì lại khác. Ai cũng kêu một người trong gia đình sướng vì ăn trợ cấp chính phủ, không di làm gì cả. Ở Việt Nam, trước khi được mấy người anh bảo lãnh , người này được anh chị vượt biển, gửi tiền về giúp đỡ, ăn xong thì đi uống cà phê với bạn bè. Không đòi hỏi tiền bạc gì nhiều. Khi được đi định cư tại Hoa Kỳ thì lại thuộc diện H.O. Dù không đi tù ngày nào, được lãnh trợ cấp, Housing đến giờ.

Hôm qua, nói chuyện với bà cụ. Bà cụ kêu trong nhà, mấy cô con gái hay con dâu khi xưa ra chợ bán. Nay bỏ chạy hết, chỉ còn một cô em gái là trường kỳ kháng chiến, nối gót bà cụ buôn hàng xén như ông Hoàng Cầm kể về bên kia sông Đuống. Người về nhà bán cà phê, người đi bán vàng, người bán bánh căn,… Mấy người em mình ra hải ngoại cũng vậy, cũng sàn sàn, đi làm cho công ty nuôi thân. Không ai muốn tự làm chủ như mình.

Các nghiên cứu cho thấy, bất kỳ trường hợp nào, môi trường nào, người nào sinh ra đời, tương lai sẽ ra sao thì vẫn len lỏi, luồng lách để đạt được mục tiêu của mình. Còn tư duy chỉ muốn hưởng nhàn thì ở Hoa Kỳ, ở tây, ở phi châu hay ở Việt Nam vẫn tà tà, đợi sung rụng. Do đó, chúng ta không nên đổ lỗi là nếu tôi ở Hải ngoại, tôi sẽ thế này thế nọ. Họ đổ lỗi vì sống tại Việt Nam trong khi biết bao nhiêu người giàu có dù sinh sống tại Việt Nam.

Mình có anh bạn học cũ, kể là sau 75, không được đi học đại học nhưng vẫn cố học anh ngữ qua đài BBC hay VOA. Khi xưa, có học hội việt mỹ với mình. Đến thời Đổi Mới, Việt Cộng cần người biết tiếng Anh nên phải sử dụng anh ta. Anh ta cũng phấn đấu vô đảng, nay về hưu, cũng thuộc loại đại gia. Có anh bạn khác, bị bắt bỏ học y khoa, vì lý lịch gia đình, để cho cuộc đời xuôi dòng, hoang tàn trên tuổi xanh của mình. Hai người bạn học chung một môi trường, cùng lý lịch sau 75. Một người vẫn cố trở thành đại gia và một người buông xuôi rồi than cho số phận,…. Do đó ý chí rất quan trọng, định đoạt về tương lai của mỗi người.

Càng chới với hơn là cha mẹ có thể khiến con cháu lớn lên khác nhau. Có người thì cảm thấy được sự nâng đỡ, nhắn nhủ của người mẹ, giúp họ ít lo lắng, ngược lại cô em thì lại không thích được mẹ hỏi han. Người thì cảm thấy bố mẹ tốt khi hỏi về các bạn của mình, lại có đứa kêu bố mẹ hay xía vào chuyện chúng khi hỏi về bạn chúng.

Chúng ta có thể hướng dẫn một đứa con lớn lên, cư xử như chúng ta hay chúng lại làm trái ngược.

Nói vậy, không có nghĩa là cha mẹ là vô dụng, nhưng vai trò cha mẹ rất quan trọng. Vấn đề là vai trò của cha mẹ rất phức tạp và khó đoán trước. Cha mẹ có vai trò quan trọng nhưng không thể nào kiểm soát con đường đời của con mình cả. Có ông cán bộ nào trước khi chết, cơ cấu cho con ông ta làm lớn nhưng khi ông ta đi theo ông Mác thì vài năm sau, họ đuổi cổ con ông ta vì mất đạo đức cách mạng. Hay quan nhớn nào muốn cơ cấu con cháu của họ vào vì một người làm quan, cả họ được nhờ.

Chúng ta không bao giờ đỗ thừa cho bố mẹ về sự thất bại của mình. Theo thử nghiệm thì 90% người mẹ và 85% người cha, cảm thấy bị con đổ lỗi về sự thất bại của chúng. Đừng bao giờ nghĩ, chúng ta đã được đào tạo bởi bố mẹ mình. Thậm chí khi cha mẹ làm đủ tất cả, vẫn cảm thấy bị trách móc bởi con cháu. Chúng kêu nếu bố mẹ giàu có thì chắc đời chúng sẽ sướng hơn, ăn học, có cuộc sống tốt hơn.

Vấn đề là xã hội tây phương cũng như xã hội á châu, đều có từ ngữ “ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời”, ngoại trừ các dòng họ lớn, họ biết xây dựng nền tảng gia đình như một quốc gia nhỏ, đưa những đứa con hay cháu quản lý gia sản dòng họ thay vì con trưởng hay con bà chính thức. 

Cứ lấy hoàng gia Anh quốc, họ không nhất thiết là để con trai đầu nối ngôi, con gái cũng có thể lên ngôi nên vẫn giữ gia sản của dòng tộc từ mấy trăm năm qua.

Có nhiều người bỏ tiền của để lo cho người con và bỏ bê mấy đứa khác. Đứa được chăm sóc lại không ra gì còn đứa bị bỏ bê lại thành công. Chúng ta thấy trong các gia đình, có nhiều người con lo cho cha mẹ, cuối tuần đến thăm, đưa bố mẹ đi du lịch thì bố mẹ không chăm sóc lắm, ngược lại đứa không đến thăm hay gọi điện thoại thì cứ tìm cách lo cho chúng. Có nấu món gì ngon cũng để dành rồi gọi đứa con vô tư đến lấy đem về.

Mình có một ông anh vợ như vậy. Mẹ vợ mình nấu món gì đều để dành cho anh ta, cứ gọi anh ta nhưng ít khi lại. Vợ anh ta cũng chẳng bao giờ đến thăm gia đình chồng. Ngược lại mấy người con khác, đến thăm, đem thức ăn,…đến, chở đi chơi thì bà không cho ăn. Chán Mớ Đời 

Họ có nói về các bậc cha mẹ, được gọi là “Dragon parents”, phụ huynh rồng. Bà Emily Rapp đặt tên này khi con bà ta bị bệnh Tay-Sachs . Bệnh này xảy cho 1 trên 5 triệu đứa bé. Đứa bé sẽ không bao giờ sống quá 4 tuổi. Những bậc cha mẹ biết con mình sẽ chết trong vòng 4 tuổi. Họ chỉ nuôi con cho hiện tại, cho giây phút hôm nay, không mong đợi gì mai sau như ý muốn của mình.

Có con là một cái phúc nhưng nuôi con theo bổn phận của chúng ta. Không nên áp đặt con mình quá vì sẽ có những phản ứng ngược. Cái đau nhất trong cuộc đời người là có con mà chúng không thèm nhìn, hay liên lạc với chúng ta vì những bất hoà về cách giáo dục của chúng ta đối với con cái.

Thời làm ruộng thì ít ai đi học. Người nông dân như mình sinh con ra để có người đi cày ruộng thêm, thêm người thêm của. Không tốn tiền nuôi ăn học, cũng không đòi hỏi chúng trở thành tiến sĩ hay lùi sĩ gì cả. Hay bác sĩ và cô sĩ, chú sĩ,.. Chỉ biết 10 tuổi là có thể ra đồng, đi chăn trâu, chăn bò rồi. Cái nhìn định đoạt tương lai của con mình rất hạn hẹp.

Ngày này thì đủ thứ. Con mới đầy tháng là đã bắt chúng bốc cây viết, cái iPhone hay iPad, hay bác Franklin,… do đó vấn đề nuôi con và giáo dục trở nên khá phức tạp hơn. Nếu bố mẹ chúng ta có ăn học cao thì chúng ta có thể dựa vào kinh nghiệm của bố mẹ để nuôi nấng con cái, còn không thì mình phải thử nghiệm, đi từng bước, nghe bạn bè hay người lớn chỉ vẽ.

Tuyệt đối, để con cái tự do hơn để chúng tìm ra phương hướng đi trong cuộc đời. Ngày nay, con cái chúng hiểu biết hơn chúng ta. Chúng tra gú gồ nên biết nhiều hơn. Miễn sao chúng vẫn nói chuyện, có gì quan trọng thì chúng hỏi mình là được.

Hôm qua, có vợ chồng nào hay đọc bài của mình, từ San Jose, ghé thăm vườn mình. Mình dẫn đi hái bơ cho có thú hái quả trên cây nhưng ông chồng kêu không đi nổi 20 mẫu. Lúc về hỏi mua 2 thùng mật ong nguyên chất của vườn. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn