Điều khiến mình ngạc nhiên nhất khi sang Hoa Kỳ làm việc. Tỷ lệ Người Mỹ ly dị rất đông, nghe nói đâu 50%, nghĩa là khi lập gia đình, xác suất hát bản nhạc: ‘người đi qua đời tôi” đến 50%. 60% các hôn nhân lần thứ 2 đưa đến ly dị, và 73% hôn nhân lần thứ 3 cũng phải hát nghìn trùng xa cách. Thậm chí có người ly dị đến 3, 4 lần mà mở miệng ra là cứ “lạy Chúa tôi”. Ông nuôi ong trong vườn mình có đến 4 bà vợ. Kinh
Những cuộc ly hôn này gây ảnh hưởng đến con cái vì vợ chồng ly dị, chửi nhau, dùng con cái để chửi thằng chồng mất dạy hay con vợ bú xua la mua khiến con nít chới với, lớn lên bị ảnh hưởng tâm lý mà ngày nay, các nhà xã hội học Mỹ rất quan tâm về sự tẻ nhạt, bất hoà giữa cha mẹ và con cái. Mình có tên mỹ ở chung nhà khi xưa ở New York, cho biết bố mẹ hắn bất hoà khiến hắn phải nghiện ngập, uống rượu.
Trên thực tế, có nhiều vấn đề, nguyên cớ đưa đến sự bất hoà giữa bố mẹ và con cái. Lớn lên, chúng không về nhà, không điện thoại thăm hỏi,… người ta phỏng vấn nhiều người Mỹ lớn tuổi. Có người cho biết là con họ không liên lạc cả 5 năm trời.
Thêm đại dịch xảy ra, bố mẹ lo sợ mà con cháu, không liên lạc với cha mẹ rất đông. Ai theo chúa thì gọi đứa con hoang đàng, ai theo phật thì gọi cái nghiệp.
Cá nhân mình thì 17 tuổi, đã đi Tây đến 20 năm sau mới gặp lại gia đình nên quen sống một mình, không thích ai quản lý, sai bảo, phải làm cái này, làm cái nọ. Nay, con lớn mình cũng không xía vào chuyện của tụi nó. Chúng muốn làm gì, cần ý kiến mình thì trả lời còn không thì thôi.
Điển hình, con gái mình muốn dọn sang New York ở, không hỏi mình, chỉ nói với mẹ nó để chuyển ý lại cho mình. Mình cũng không nói gì. Mình hiểu tính nó, có lẻ tương đồng với mình. Thích độc lập đến khi lập gia đình thì đồng chí gái cứ đi theo kêu làm cái này, làm cái kia khiến mình theo chủ nghĩa Chán Mớ Đời.
Người ta cho biết, gia đình là nền tảng của xã hội mà nếu gia đình không thống nhất, không hoà thuận thì xã hội sẽ có kết quả khá lo ngại.
Trong cuốn: “Why a Adult Children Cut Ties and How to Heal the Conflict”, tóm tắc của cuộc thăm do của đại học Wisconsin. Người ta nói nguyên do sự bất hoà giữa cha mẹ và con cái vì lối giáo dục con cái từ bé, khiến lớn lên chúng nghĩ lại và có thể hận cha mẹ. Cha mẹ đánh chúng hay bỏ rơi vì lo làm việc. Người giàu thì lo làm ăn để kiếm được nhiều tiền còn người nghèo thì phải Nai lưng làm 2, 3 Jobs để có đủ thu nhập trả hoá đơn hàng tháng. Chẳng bù lại trước đây, người cha đi làm và người mẹ ở nhà chăm sóc con cái.
Con cái khi trưởng thành không muốn dính dáng đến cha mẹ quá kiểm soát. Muốn thoát ly khỏi ách đô hộ của người cha phản động, người mẹ mất lập trường đạo Đức cách mạng. Việt Nam mình thì theo lối giáo dục ảnh hưởng bởi nho giáo, đưa nặng “chữ Hiếu làm đầu”.
Đại thể, trong xã hội mỹ, nếu người ta mong đợi hay bắt buộc người con lo chăm sóc cho cha mẹ khi về già, sẽ vi phạm các quyền nhân bản cá nhân của đứa con. Điển hình luật bắt buộc con cái phải chăm sóc cho người già, cha mẹ của Trung Cộng được ban hành năm 2013, sẽ vi phạm quyền cá nhân của người Mỹ. Với chế độ 1 con, người Tàu phải lo cho bố mẹ rồi lo ông bà ngoại và ông bà nội. Một cặp vợ chồng phải lo cho 6 cặp người lớn tuổi thêm thằng con hay đứa con gái. Kinh
Hay luật của Đức quốc cho phép người cha để lại gia tài cho người bạn gái, dù người con đã bỏ rơi cha mẹ từ 40 năm qua sẽ vi phạm quyền tư hữu của người Mỹ. Anh Chị có thể bỏ rơi cha mẹ, không chăm sóc nhưng khi cha mẹ qua đời, gia tài phải thuộc về anh chị. Do đó đưa đến rất nhiều vụ lộn xộn gia đình, anh em choảng nhau về tranh chấp gia tài. Xứ mỹ này kiện cáo tùm lum.
Có một nghiên cứu quốc tế trên 2,700 cặp cha mẹ trên 65 tuổi, được phát hành năm 2010, cho thấy tỷ lệ cha mẹ người Mỹ có vấn đề với con cái gấp đôi các xứ khác như Anh quốc, Do Thái, Tây BAn Nha…
Người ta quy vào cái tội ly dị quá nhiều ở người Mỹ, đã khiến con cái mất niềm tin ở cha mẹ. Khi chứng kiến bố mẹ, miệng thì kêu I love you mà ngoại tình, đủ trò. Người ta gọi văn hoá chất lỏng (liquid culture) khi mà các thể lệ được thay đổi nhanh chóng và các tiêu chuẩn hàn gán với cá nhân xưa kia không còn hiệu lực. Khi ra nhà thờ tuyên bố trước bá quan là sẽ bên người bạn đời suốt đời dù khó khăn hay hạnh phúc rồi đưa nhau ra toà sau đó. Có nhiều người sống chung, bồ bịch cả 10 năm nhưng khi quyết định lấy nhau thì mấy tháng sau đâm đơn ly dị. Họ không chịu được sự đòi hỏi tuyệt đối từ người phối ngẫu.
Lối dạy con rất khó vì thay đổi liên tục theo sự chuyển đổi của xã hội. Thay vì khích lệ, khuyến khích chúng ta muốn con mình nghe lời cho khoẻ đời. Vì không có thì giờ để giải thích cũng như không có kinh nghiệm nuôi con. Khi người ta có cháu ngoại, cháu nội thì họ hiểu rõ phải dạy con nít ra sao. Do đó, cháu với ông bà rất thân nhau. Những gì ông ngoại hay mệ ngoại mình kể cho mình thì nhớ rất lâu, có ảnh hưởng đến ngày nay. Ông bà về hưu nên có thì giờ để chăm sóc cháu.
Ngoài ra, xã hội Hoa Kỳ ngày nay có rất nhiều stress. Đi làm, về nhà lo con rất bận nên không có thì giờ thăm hỏi bố mẹ. Vì khi hỏi thăm lại mang thêm một cái stress khác. Cha mẹ trách móc đủ trò. Gặp cha mẹ, lại trách sao người ta có Phước. Con người ta giàu có, thành đạt,…
Miệng thì cứ nói là Đời là Vô Thường nhưng lại trách móc con mình không bằng con người ta. Mình chỉ thấy bề nổi nhưng không thấy sự thật bên trong. Biết đâu, con người ta cũng te tua, chỉ đóng kịch.
Cách đây mấy năm có bà giáo sư đại học Yale, ra cuốn sách dạy con mà người ta gọi bà ấy là Hổ Mẫu (tiger mom). Bà ta kể bắt con gái bà ta làm bài tập, tập đàn dương cầm ra sao. Thiên hạ khen đủ trò, muốn áp dụng phương cách dạy con của bà ta. Sau này, người ta phỏng vấn bà ta thì con gái lớn lên, bỏ bà đi mất tiêu, không hỏi thăm gì cả vì bà ta chỉ nghĩ đến bà ta, muốn được người ta khen có con học giỏi bú xua la mua.
Đại học Harvard, có làm một thử nghiệm vào năm 2015. Họ hỏi các giới trẻ dưới 40 tuổi, 48% cho rằng giấc mơ Hoa Kỳ đã chết. Mặc dù là thế hệ họ học cao hơn các thế hệ trước, có bằng đại học cao hơn các thế hệ trước nhưng họ cảm thấy nghèo hơn, không có tài sản. Chỉ có 25% là tự cho mình hạnh phúc, thoả mãn.
Mỗi lần, gặp bạn bè, là thấy họ rên. Con cái ngày nay như vậy như kia, không như mình hồi mới sang đây. Thật ra, tuổi trẻ, ai cũng có giấc mơ nhưng ngày nay, chúng phải cạnh tranh khắp thế giới. Khi xưa, thế hệ người Việt đầu tiên sang Hoa Kỳ. Đi học, chỉ cạnh tranh với học sinh Hoa Kỳ, nay muốn vào đại học lớn, phải cạnh tranh với các sinh viên đến từ Trung Cộng, Ấn Độ,…
Ra trường đi làm, chủ hãng mướn rẻ vì có thể mướn kỹ sư ở Ấn Độ, …rẻ hơn nhiều. Đồng chí gái thì cứ than thở, khi nghe mấy bà bạn khoe con mình làm hãng này hãng nọ trong khi mình thì khuyến khích thằng con học đầu tư, mua nhà mua cửa cho thuê. Chả cần chức to hãng lớn. Cứ có độ 10-20 căn hộ cho thuê, để người khác đi cày nuôi mình. Xong om
Có bà giáo sư xã hội học bên Anh quốc cho rằng sự bất hoà giữa cha mẹ và con cái vì giá trị, mong muốn của nhau không tương đồng. Người thì kêu làm tất cả để con mình có tất cả những gì mình mong muốn khi xưa nhưng đứa bé lại lạnh nhạt vì nó lại không thích đồ chơi, áo quần, xe cộ,…như bố mẹ mơ ước khi còn trẻ.
Nguyên do chính là bố mẹ lạm dụng rượu bia hay đánh bài. Say vào là kéo con ra khệnh. Đầu óc không minh mẫn. Nói theo kiểu người Việt là thương cho roi cho vọt. Dạo này thiên hạ đang đánh vụ vợ chồng ông nào khệnh đứa con gái 8 tuổi chết. Hàng xóm thì kêu chuyện xảy ra như cơm bữa nhưng họ không can thiệp. Nay thì kêu tội nghiệp đứa bé. Ở Hoa Kỳ thì hàng xóm đã gọi điện thoại cho cảnh sát và toà cho đứa bé vào viện mồ côi hay ai nhận đem về nuôi. Đánh con hay đánh vợ là đi tù ngay.
Về mặt tâm lý thì giới trẻ ngày nay không tìm được sự an toàn trong đời sống. Công ăn việc làm bấp bênh không như thế hệ xưa. Làm việc cho một công ty đến khi về hưu, nay công ty có thể được mua bởi công ty khác nay mai, bị sa thải.
Thật ra ngày nay, đời sống bị stress quá nhiều khiến các bệnh tâm lý đến với chúng ta khá nhiều. Chúng ta chỉ nghĩ bệnh đau ốm nhưng bệnh tâm lý khá phức tạp và ít ai chịu chấp nhận sự việc.
Trước đây, khi người ta gặp vấn đề nội tâm, gia đình thì họ cầu nguyện đến chúa, Phật để tìm được sự an ủi tinh thần, niềm tin. Ngày nay, vấn đề đức tin bị giảm bớt khi khoa học lên ngôi, con người tìm đến các nhà tâm lý học như các cố đạo đương đại để được giải đáp thắc mắc, chữa bệnh tâm thần.
Nhìn lại, mình thấy khi xưa, sợ con hư nên phải cho chúng sinh hoạt thể thao, hướng đạo, học việt ngữ,… nay, nếu được làm lại, có lẻ mình để con mình đi chơi với mình nhiều hơn. Dạo này, mình dạy thằng con nghề mua nhà, và cho thuê. Thấy nó lấy sách của mình từng đọc khi xưa, cha con nói chuyện nhiều hơn xưa.
Người ta cho biết, con cái khi ra đời, chúng chạy theo danh vọng, mưu cầu hạnh phúc, làm việc để đạt được giác mơ của chúng. Ngoài ra, vấn đề xã hội và chính phủ. Vào những năm của tổng thống Reagan, chính phủ và công ty chuyển các nhiệm vụ an sinh cho chúng ta. Trước đây, chúng ta được dạy là học cho giỏi, kiếm mảnh bằng, đi làm cho chính phủ hay một công ty. Sau này về hưu thì chính phủ và công ty lo hưu trí.
Những năm 80 của thế kỷ trước, người ta dẹp bỏ mấy vụ này. Các công ty lớn như Sears khai phá sản vì phải trả tiền hưu trí cho cựu nhân viên nên họ bắt chúng ta phải tự lo 401k, lo quỹ hưu trí cho tương lai. Chúng ta đánh mất tinh thần liên đới, chúng ta chỉ tự trách nếu không thành công. Chúng ta bắt đầu học tính ích kỷ, lo cho thân mình nên gia đình, cha mẹ trở thành một gánh nặng.
Dần dần đưa đến sự vô cảm. Chúng ta chỉ nghĩ đến quyền lợi chúng ta, quên đi tình người. Xung quanh hàng xóm của mình, chỉ liên lạc với mấy người hàng xóm gài về hưu, gặp nói chuyện còn các hàng xóm khác, chỉ dơ tay rồi chạy. Chúng ta trở thành những con ốc đảo nhỏ với Internet.
Ngày nay, khi gặp nhau trong các buổi họp mặt gia đình. Chúng ta thấy mỗi người, cầm cái điện thoại thông minh. Kỹ nghệ thông tin đã nối kết chúng ta với những kẻ xa lạ, chưa từng gặp nhau ngoài đời, ngược lại chúng ta không cần các người thân trong gia đình. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn