Dạo này, có ông thần nào “dán tên mình” vào một bài viết của cô nào, than là ngày nay người Việt viết tiếng Việt rất cẩu thả, sai lỗi chính tả, đủ trò. Thiên hạ nhảy vào hội đồng, ném đá những người viết sai chính tả như mình. Chán Mớ Đời
Mình đoán là các chiến sĩ an ninh mạng, đang định hướng dư luận để họ quên đi vụ công ty Việt Á, được gắn huy chương nhà nước gì đó.
Thật sự, trình độ tiếng Việt của mỗi người Việt rất khác nhau nên không thể so sánh được. Mình lấy thí dụ: một cô bạn học khi xưa ở Yersin. Từ bé tới lớn học trường Tây, sau 75 qua tây học tiếp. Nay sống ở tây nên tiếng Việt không rành lắm. Ông chồng nói với mình là cô nàng đọc nhưng không hiểu những gì mình viết. Lý do là tiếng Việt không rành, chỉ biết nói chuyện vớ vẩn với người Việt tại Pháp. Dạo mình mới sang pháp, gặp người Việt, nói tiếng Việt như con mình ngày nay.
Một cô khác, tương tự, kêu ông chồng dịch ra tiếng tây những email của mình. Rồi email tiếng tây cho mình nhờ, dịch ra dùm tiếng Pháp, khiến mình ngọng. Chắc ông chồng Chán Mớ Đời cứ phải dịch ra tiếng tây cho cô nàng. Nói chung là mấy ông chồng liên lạc với mình nhiều hơn vì phải đọc i-meo của mình, rồi giải thích cho vợ còn mấy cô đọc không xong thì viết gì nổi.
Mình theo dõi mấy người bạn học cũ Yersin, nay vẫn còn sinh sống tại Việt Nam. Họ viết rất chuẩn tiếng Việt. Lâu lâu có người sửa lỗi chính tả của mình. Lý do từ 1975 đến nay, họ sống tại Việt Nam thì tiếng Việt của họ phải được hoàn chỉnh, khác với các người bạn học cũ, ở hải ngoại.
Do đó, chúng ta không thể nào gọi những người không rành tiếng Việt là mất gốc, khinh thường chữ Mẹ Đẻ,… một người Việt tại Việt Nam, có thể không viết chính tả chuẩn vì họ không được học cao. Ngày nay, nhờ Internet, họ có thể lên mạng, giao tiếp với thiên hạ, nên có thể còm tiếng Việt sai chính tả.
Nếu mình không lấy vợ việt thì chắc ngày nay cũng ngọng tiếng Việt. Mình đọc sách báo việt ngữ lại khi sang Hoa Kỳ làm việc. Tại New York, mình có gửi mua báo việt ngữ để đọc hàng tháng nên lò mò được chút tiếng Việt.
Cách đây mấy năm, một cô bạn i-meo kêu có liên lạc được với một cô học chung lớp khi xưa nên mình liên lạc và kể qua i-meo những kỷ niệm một thời đi học chung. Ai ngờ, cô bạn kêu còn nhớ gì không, kể tiếp. Thế là từ đó mình khởi đầu nghiệp dư viết ba-láp, ba-sàm cho đến nay. Cô bạn phải sửa chính tả cho mình khá nhiều, gửi cách thức đánh dấu hỏi ngã tùm lum nhưng vẫn sai chính tả. Hình như họ gọi là biên tập viên ở Hà Nội.
Mình nhớ có mua sách của ông Nguyễn Hiến Lê nói về tiếng Việt, xuất bản trước khi mình sinh ra đời. Không ngờ ngày nay, mình vẫn theo ý của ông ta. Khi nói hay viết tiếng Việt, mình cố gắng ít dùng tiếng địa phương (anh ngữ hay tiếng Ý Đại Lợi, tiếng Pháp,…). Có những từ không biết, phải dùng từ tiếng Việt sau 75.
Có anh bạn khi xưa học Marie Curie, ghét mấy người bạn học cũ, gặp nhau là cứ xổ toàn là toi, toi, moi moi,.. có lần anh ta kêu hôm qua tao đi xe lửa, tao lên toa, tao đái trên đầu toi,… cứ tưởng tượng mình đang nói chuyện với người Mỹ, bổng nhiên xổ một tràng tiếng Việt vào, hỏi họ có hiểu không. Mình có tên bạn người Tàu, đại hàn, khi gặp chúng, đang nói chuyện chúng xổ một tràng tiếng tàu hay tiếng Hàn với mấy người đồng hương của họ khiến mình ngọng.
Có lần mình viết tiếng Mễ, dặn ông thợ đến sau thì làm những việc như sau. Khi ông ta đến, mình mới khám phá ra ông ta không biết đọc tiếng Mễ. Ông thợ hay người mướn nhà gốc Mễ, nhắn tin cho mình sai chính tả tiếng Mễ rất nhiều. Mình đâu thể đánh giá họ là mất gốc. Tại quê nhà, họ là nông dân như mình, không được đi học nhiều hay thậm chí không được đến trường.
Mình tham gia hội Toastmasters để tập nói anh ngữ trước công chúng. Mình khám phá ra rất nhiều người Mỹ cũng lấn cấn vấn đề văn phạm nên mỗi buổi họp đều có người thay phiên nói về văn phạm hay nêu ra cái sai của mỗi người khi nói chuyện. Nói chung thì chỉ có những người mỹ lớn tuổi mới để ý đến cái sai văn phạm.
Thật ra tiếng Việt là một sinh ngữ nên thay đổi liên tục, cập nhập hoá với đời sống hiện đại. Nếu chúng ta mở mấy cuốn sách của nhà thi hào Anh quốc Shakespeare, chúng ta thấy anh ngữ thời của ông ta rất khác những gì chúng ta học ở trường. Đọc đã không hiểu mà bà thầy anh văn, dẫn mình đi xem King Lear ở hí viện Luân Đôn. Mình hiểu câu truyện trước đó, chớ khi xem kịch diễn thì ngọng.
Việt Nam có chữ Nôm, được dùng trước khi người Pháp đến, nay xem như là “TỬ NGỮ”, một ngôn ngữ chết như Hy-Lạp-ngữ. Có dạo mình mua sách để học chữ Nôm nhưng được 3 ngày thì bỏ cuộc. Có anh bạn xưa, rất chăm chỉ, mỗi ngày học một chữ, nay khoe học được mấy ngàn chữ.
Mình học chương trình Pháp từ bé, đến khi sang Pháp thì mình ngọng. Cách mình nói, được dạy trong sách vỡ nhưng gặp tây đầm thì họ nói cách khác. Điển hình: mình được ông tây bà đầm dạy nói: “je ne sais pas” thì bọn sinh viên học chung với mình kêu “sais-pas moi”. Ngoài ra là một sinh ngữ nên người pháp dùng tiếng lóng khá nhiều nhất là dân Paris. Mình phải mượn truyện thời đại để đọc, học các từ lóng của Tây đầm.
Dạo còn sinh viên, có một ông nhạc sĩ tây khá nổi tiếng với giới trẻ, tên Renaud. Mình nghe mấy đứa bạn trong lớp mở radio để nghe. Điệu nhạc thì rất đương đại nhưng mình không hiểu gì cả vì ông ta sử dụng tiếng lóng của người Pháp. Mình nghe như vịt nghe sấm nhưng từ từ rồi cũng hiểu được tiếng lóng của Tây đầm.
Accoudé au flipper
Le type est entré dans le bar
A commandé un jambon beurre
Et y s'est approché de moi
Et y m'a regardé comme ça
Elles me bottent
Je parie que c'est des santiags
Viens faire un tour dans le terrain vague
Je vais t'apprendre un jeu rigolo
A grands coups de chaînes de vélo
Je te fais tes bottes à la baston
Dạo điện thoại bắt đầu có phần nhắn tin. Mình thấy mấy đứa con nhắn tin rất ngắn khiến mình tăm tối như LOL, idk,… nhưng từ từ rồi cũng hiểu ý chúng muốn nói gì. Mình về Việt Nam, nói chuyện với mấy người em. Mình kêu mai ra “phi trường” khiến mấy cô em nhìn mình như bò đội nón. Một cô em khác nhanh trí kêu là “sân bay” mới giúp cô em kia thoát cảnh bò đội nón. Ngay trong gia đình còn không hiểu nhau thì người ngoài còn khó gấp bội.
Khi xưa, họ có làm mấy cái tách uống cà phê cho người có râu. Do đó, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm về người viết không rành tiếng Việt.Có người ở hải ngoại dị ứng với những từ dùng tại Việt Nam. Ngôn ngữ mà người ta dùng hằng ngày được xem là Sinh Ngữ, một ngôn ngữ sống thì có những từ mới, được phát minh và được người dân sử dụng. Mình học tiếng Việt thời Việt Nam Cộng Hoà, nên khi dùng từ được học ở trường khi xưa. Nhiều khi quên, đọc báo việt ngữ ngày nay, ngay các báo xuất bản tại Hoa Kỳ, cũng sử dụng những từ sau 75. Lý do là người Việt rời sau 75 khá đông. Giới di tản, dần dần vào viện dưỡng lão hết. Trong tương lại sẽ không có ai dùng các từ vựng Việt Nam Cộng Hoà.
Chúng ta có thể dị ứng với các từ hậu 75 nhưng không thể chối cãi đó là ngữ vựng đang được sử dụng thường nhật. Vài năm nữa, thế hệ di tản ở hải ngoại qua đời, chúng ta sẽ không thấy ai sử dụng các từ trước 75 nữa.
Mình thấy nhiều người dị ứng với các cụm từ hậu 75 nhưng lại tải về trong nhóm các bài viết từ Việt Nam. Theo mình là do các chiến sĩ an ninh mạng viết để định hướng dư luận. Họ viết nhiều chuyện không thể tin được nhưng họ cứ tải về, câu Like mút mùa.
Hồi mình ở Anh quốc, học anh ngữ với người Anh nên dùng mấy từ của người Anh quốc dùng. Đến khi sang Hoa Kỳ thì lộn xà ngầu, các từ người Mỹ dùng hơi khác với người Anh quốc. Còn người Gia-nã-đại vùng Québec thì còn cha thiên hạ. Họ dùng từ của người Pháp 2, 3 thế kỷ trước đây. Giọng của họ khó nghe. Mình nhớ đi xem một phim pháp ngữ của Gia-nã-đại. Đâu 1 tiếng đồng hồ đầu tiên, mình chả hiểu gì cả. Hỏi cô bạn đầm, cũng lắc đầu nên sợ tới già, không dám xem phim tây Gia-nã-đại.
Mình thấy ở Việt Nam, giới trẻ dùng các từ lạ như “cu-te”, hoá ra là đọc từ anh ngữ “cute” theo cách phát âm của người Việt. Hôm trước, mình xem một chương trình hội thoại ở Việt Nam về giới trẻ. Mình thấy họ sử dụng các từ anh ngữ khá nhiều như thế hệ bố mình, xổ tiếng tây.
Có cô ca sĩ, nghe đồng chí gái kêu rất nổi tiếng ở Việt Nam. Cô này nói bận độ “Bờ lắc” khiến mình ngọng, đồng chí gái cười rồi giải thích. Hoá ra cô ta đọc tiếng anh từ “Black” theo âm điệu quan họ. Cô ta kể hôm nay cô ta bận đồ đen vì lý do gì đó. Mình theo dõi mấy đứa cháu trên mạng. Thấy chúng dùng những từ rất lạ. Trong tương lai, các từ chúng dùng ngày nay, sẽ được phổ thông hoá, mang vào tự điển Việt Nam. Xong om
Ngày xưa, nghe mấy ông thầy người Việt dạy trường tây, nói tiếng tây thì quen. Đến khi sang tây thì chới với vì phát âm sai. Mình cần một thời gian khá lâu mới quen phát âm theo tây đầm. Lý do phát âm theo mấy ông thầy, bà cô người Việt dạy chúng không hiểu. Nay mình theo học lớp phát âm tiếng anh tại đại học, để bỏ bớt cái âm hưởng nước mắm.
Có câu chuyện: một ông sư đi ngang một căn nhà, thấy hào quang toả lên. Tò mò ông ta đi vào xem. Ông thấy một bà cụ, ngồi lần chuỗi đọc Chú Đại Bi. Bà ta niệm “Tô Bò Kho”. Ông thầy ngứa mồm, nói bà ơi; Ta Bà Ha, bà niệm sai rồi. Bà cụ tiếp thu lời dạy của thầy nên tiếp tục niệm “Ta Bà Ha”. Bổng nhiên hào quang biến mất. Ông sư thấy lỗi của mình, nên nói tôi nói đùa với bà đấy, cứ tụng “tô Bò Kho”. Chán Mớ Đời
Năm nay, mình theo học đại học cộng đồng, lớp miễn phí về cách phát âm anh ngữ. Mình tham gia hội Toastmasters, khi nói bọn mỹ có vấn đề hiểu mình vì nhiều từ mình phát âm không chuẩn lắm. Thấy khiếm khuyết thì đi học thêm, nhất là miễn phí. (Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Sơn