Tôi không nhìn thấy tôi

Tuần này, có anh bạn thân, quen từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ, được Chúa gọi về. Bạn bè khắp nơi, lục hình ảnh sinh hoạt cũ, gửi cho nhau để ôn lại kỷ niệm về anh bạn. Mình đưa cho đồng chí gái, hỏi xem có nhận ra ai ngày xưa trong đám sinh viên miền Đông Bắc mà cô nàng đã theo học sau khi vượt biển, rồi định cư Hoa Kỳ. 

Cô nàng chỉ hình, nói anh nằm thẳng cẳng kìa khiến mình thất kinh. Mình chỉ thấy vài người bạn quen khi xưa nhưng không để ý đến 1 tên nằm trên đất. Hóa ra mình không nhìn thấy mình trong đám đông quen thuộc nhưng đồng chí gái vẫn nhìn thấy mình trong đám đông xa lạ. Phụ nữ giỏi thiệt. Có lần đi ăn cưới, một cô ca sĩ được giới thiệu lên sân khấu, mình hỏi đồng chí gái sao bà này thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chớ ai. Hóa ra cô bạn học cũ ở Đà Lạt, đi hỏi vợ cho mình rồi mất liên lạc từ đó.


Mình chợt nhớ cảnh Omar Sharif, trong vai bác sĩ Zhivago, nhìn trong tấm gương phủ đầy bụi mờ, thấy bóng hình một lão già. 30 năm nội chiến, khói lửa đã biến 1 người thanh niên độc thân vui tính ngày nào, thành một lão già không còn nụ cười trên môi. Nhìn kỷ thì như đồng chí gái nói, dạo đó mình quá trẻ. Bây giờ thì Chán Mớ Đời 


Nhóm cựu sinh viên MIT và Harvard vùng Boston trong ảnh, mình có gặp lại vài người, nhất là ông mai, giới thiệu đồng chí gái cho mình, số còn lại thì từ khi lập gia đình, dọn về Cali, chưa gặp lại. Cho thấy đường đời không thẳng như chúng ta nghĩ mà phải chuyển hướng đi theo những khúc quanh dòng sông của cuộc đời. 


Khi lập gia đình, chúng ta đi chung với người bạn đời, trên con đường đời mới, bỏ lại sau lưng những người quen, đã đi chung một đoạn đường đời vừa qua. Trên con đường mới, lại gặp, làm quen những người bạn mới rồi từ từ lại đổi đường, đổi bạn. 


Mình thấy một tấm ảnh cũ ở Luân Đôn, tải lên thấy là lạ, có một anh ở đâu bên Anh quốc, kêu biết anh bạn đánh đàn chung với mình hôm văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Mình không nhớ tên anh này. Sau vụ văn nghệ này thì mình đi Mỹ làm việc rồi ở lại luôn tới nay.


Mình thất kinh vì mấy chục năm nay không hát hò, chơi nhạc gì cả. Không lẻ khi xưa mình có làm mấy vụ này. Nếu không có tấm ảnh thì chắc cũng không nhớ một thời đã quên. Con gái xem ảnh kêu thằng con giống mình, tuổi xấp xỉ mình khi xưa. Nhìn lại mình đời đã rong rêu. Nói chung từ khi lấy vợ, mình không còn văn nghệ, tranh hoạ hay đọc sách gì cả ngoài làm thợ hồ, nông dân. Mình đã thoát ly quá khứ.


Hồi nhỏ có bạn học, bạn hàng xóm rồi đi tây, làm quen mới những người bạn ở xứ người, quên những người bạn cũ tại Việt Nam. Rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, lại quen dân bên đó, rồi khi đi làm ở Thuỵ Sĩ, lại quen người bên ấy, quên người ở Pháp rồi sang Luân Đôn, lại làm quen, gặp gỡ người khác…. Ngày nay, chỉ còn liên lạc với một số ít. Đến khi lấy vợ thì cảm thấy không cần tìm bạn mới như xưa nữa. Đã tìm ra kẻ nội thù để đối chọi hàng ngày. 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày đã biến mình thành một ông lão.


Hôm ở Sàigòn, mình được hai chị em cô hàng xóm khi xưa ở Đà Lạt, mời ăn cơm. Cũng nhờ Facebook mới tìm lại nhau. Xem ra phải có duyên mới gặp lại. Anh của hai cô này khi xưa, chơi thân với mình nhưng nghe nói anh chàng mệt nên không đến gặp nhau được. Mình cũng có gặp lại vài người học chung ở Yersin. Nếu không có facebook thì xem như mất tiệt trong quá khứ. Xem ra cũng phải có duyên mới gặp lại. Tháng tới mình lên Seattle chơi với bạn của đồng chí gái, hy vọng gặp lại gia đình một chị hàng xóm khi xưa tại Đà Lạt, mới tìm lại năm ngoái.


Nhìn lại không biết những người đã gặp trong cuộc đời là bạn hay chỉ quen qua đường. Có chút nợ với nhau ở kiếp trước, kiếp này trả lại một nụ cười, một tô phở hay cái bánh rồi lại biệt tích, không bao giờ gặp lại. Cũng may có internet nên lâu lâu đọc tin tức những người quen một thời, một thời đã quên.


Tấm ảnh này, chụp khi mình đi trại hè lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đúng hơn là lần đầu tiên mình đi sinh hoạt với người Việt đông như vậy. Nhờ trại hè này mình như lá rụng về cội, gửi mua sách báo việt ngữ đọc để học tiếng Việt lại sau 14 năm xa rời Việt Nam. Qua Âu châu, mình ít quen người Việt sinh sống tại đây. Có quen vài người rồi thay đổi chỗ ở, công việc. Qua Hoa Kỳ thì người Việt đông nên dễ gặp nhau, sinh hoạt chung, không cần tiếp xúc với người Mỹ như tại Âu châu. Bạn gốc việt tại Âu châu, mình có thể đếm trên đầu ngón tay.

Hình này còn một số người ngồi ngoài khung hình. Có mấy anh sinh viên từ Connecticut, New York, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ cả. Nói cho ngay đi trại là không ngủ. Nhớ có chị bạn chở về sau khi hạ trại. Chị ta lái xe chạy lộn vòng vòng cả tiếng đồng hồ.

Trại hè được tổ chức trong khuôn viên của tu viện Don Bosco tại New Jersey. Như ở các nước hồi giáo, tu viện chỉ có mấy ông cha ở, không có thiết kế nhà vệ sinh cho phụ nữ nên mình được cử làm bảo vệ nhà vệ sinh. Chia phiên trai gái vào nhà vệ sinh. Lần đầu tiên mình khám phá ra con gái họ đi tè từng bầy đàn và rất lâu. Mình kiếm bụi cây nào đó làm một phát cho nhanh, đợi đến giờ mấy ông được sử dụng nhà vệ sinh thì vãi trong quần. 


Đứng canh đàn bà con gái đi tiểu nên có cô hỏi chuyện về chương trình của trại hè thì mình i tờ, lần đầu tiên đi trại hè, được ban tổ chức xung phong làm nghề gác cầu tiêu. Mặt mình thì đen đủi, hình sự như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, thêm thẹo thiết nên thiên hạ không có cảm tình, tống cổ mình ra gác nhà vệ sinh. Đứng xếp hàng đi vệ sinh thì có cả khối em gái rất xinh, rất thời trang. Có em đi giày cao gót, bận váy ngắn lên đất trại lại kéo theo cái vali to đùng cho hai ngày trại như cô dâu xứ Hàn về quê.


Lần đầu tiên trong đời mình từ ngày rời Việt Nam, mới đứng trước một đám con gái gốc mít nhiều như thế nên cũng hoảng. Đứng bên cạnh mấy em hít hà cái mơn mởn khiến mình cảm thấy yêu đời ra phết, quên mất người tình phụ.


Mình muốn gây một ấn tượng đẹp cho các em nhưng lại xấu trai, đen đúa. Con gái Việt Nam chỉ thích trắng như da hột gà nhưng ngẫm lại mình có duyên ngầm vì ông bà mình hay nói cái duyên bằng 10 đẹp trai. Mình vốn săn chuyện tếu lâm để kể cho mấy con đầm cười nên chọn kể chuyện tếu để tạo nét duyên dáng trai Việt cho các em.

Mình chọn kể chuyện về sử Việt Nam vì đang đọc cuốn sử Việt Nam, đại việt sử ký toàn thư.

Năm mình học lớp 9ème, trong giờ sử Việt đầu năm, thầy giáo nói về chuyện tình Trọng Thuỷ, Mỵ Châu rồi hỏi: "ai ăn cắp nỏ thần của vua An Dương?' Cả lớp im như chùa Bà Đanh. Mình ngồi bàn đầu nên ánh mắt của thầy chiếu tướng mình, mình kêu không phải em thầy rồi thầy chiếu tướng thằng T, một học sinh cá biệt, hắn cũng kêu không phải hắn, thầy đừng có nghi oan, đổ lỗi cho em. Ông thầy bổng nổi điên, chửi cả lớp, bảo nào là học đến lớp 9ème mà đếch biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Đó là bài học vỡ lòng về lịch sử Việt Nam. Bổng nhiên ông hiệu trưởng Tây, đi ngang nghe lao nhao trong lớp, tiếng ông thầy việt văn chửi bới nên chạy vào. Ông tây hỏi ông thầy dạy việt văn thì được giải thích là không có học trò nào biết Trọng Thuỷ, người đánh cắp nỏ thần An dương vương. Không nhớ ông thầy việt văn giải thích bằng tiếng Tây ra sao, khiến ông tây hiệu trưởng, mặt đỏ như Trương Phi, quát mắng cả lớp, bảo rằng đứa nào ăn cắp nỏ thần thì nhận ngay sẽ tha còn không nhận mà ông biết được sẽ đuổi luôn học sinh nào ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Mình ngừng.

Các cô chăm chú nghe quên cả mót đái, mồm hả to nhìn mình như con chiên nhìn thánh giá trong nhà thờ. Cái mặt mình bổng nhiên thấy ngu ngu chi lạ trong khi mặt mấy em như bò đội nón, nhìn mình như thể hỏi sao anh không tiếp tục kể. Rồi...., có em bổng như không chịu nổi sự yên lặng, quên cả mót đái hỏi: " cuối cùng có tìm được đứa ăn cắp nỏ thần của vua không anh?"

Mình chả biết trả lời ra sao, bổng nhiên chán vì trong đời không có gì khốn nạn bằng khi kể chuyện tếu mà không ai cười, mình phải nhắc giải thích lý do phải cười. Cuộc đời kể chuyện tếu lâm của mình chấm dứt từ đó. Lúc đó mới hiểu là các cô này sang Mỹ vào tuổi còn đái dầm, tiếng Việt bập bẹ, nhà nói đi chợ Việt Nam mua bao gạo hiệu Ông Địa, cô lại kêu bán cho bao gạo Ông Đĩ mà mình kể chuyện về Triệu Đà, Tỷ Đà… Chán Mớ Đời 

Tấm này, trại hè năm 1988 hay 1989, ban tổ chức in áo lửa trại đầu tiên. Mình còn bận đến ngày nay. Có anh bạn ở New York, làm nghề in áo thung bán cho du khách viếng thăm New York nên nhờ làm để phát cho trại viên. Hình này có cha Chương, con chim đầu đàn của BNLV.

Tấm ảnh này chụp khi mình và anh bạn giúp vui văn nghệ trong một buổi lễ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Tại Luân Đôn, cộng đồng người Việt tỵ nạn được chia thành 2 khối: khối đi từ miền nam và khối đi từ miền Bắc. Tuy là mang tiếng tỵ nạn cộng sản nhưng hai khối không thống nhất với nhau về lá cờ. Người đi từ miền Bắc chỉ muốn chào cờ đỏ sao vàng còn người đi từ miền nam chỉ muốn chào cờ vàng 3 sọc đỏ. Đưa đến lộn xộn, tranh cãi, cuối cùng đưa đến kết luận là chỉ chào cờ Anh quốc, không đem cờ Việt Nam ra mỗi khi họp mặt.


Đức Phật có lần chỉ mặt trăng, nói trăng đẹp nhưng học trò đều nhìn ngón tay của ngài. Quê hương là mặt trăng nhưng chúng ta cứ nhìn vào ngón tay để rồi tranh cãi, ngón tay xấu hay đẹp. Chúng ta đã đánh nhau, mất mát rất nhiều sau cuộc chiến uỷ nhiệm. Đánh cho tàu, cho Liên Xô, cho Mỹ, tạo nên hận thù đến ngày nay. Chán Mớ Đời 


Nhìn lại mấy tấm ảnh cũ, bổng nhiên cảm thấy lạ. Ngày xưa, chưa lập gia đình, không mong đợi gì nhiều. Cứ làm việc chỗ này vài năm rồi buồn đời, tìm được việc chỗ khác, lại đi tiếp. Dạo ấy cũng không biết làm việc ở Hoa Kỳ đến bao lâu. Có lần tính trở về Âu châu nhưng rồi bạn bè rủ lên Boston chơi, rồi phát hiện ra đồng chí gái. Về cali, lập gia đình đến ngày nay.


Nếu dạo ấy, mình trở lại Âu châu thì có lẻ sẽ có kết cục khác ngày nay. Cuộc đời như một dòng sông chỉ trôi ra biển, không bao giờ trở lại nơi khởi đầu. Hàng năm, các con cá hồi bơi ngược dòng sông, suối để sinh sản, rồi chết. Khi về già, người ta cố tìm về nguồn cội như các con cá hồi, chuẩn bị cho cuộc từ giả cuộc hành trình ra khơi theo dòng sông ra biển. Mình vẫn còn tiếp tục ra khơi. Có lẻ vì vậy chưa nhận ra mình trong dòng sông ký ức.


Mình kể chuyện Đà Lạt vì có nhiều người yêu cầu để họ tìm lại chút ký ức của Đà Lạt xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn