Kết thúc một chuyến đi

Từ Sàigòn bay gần đến đông kinh, nhìn qua cửa sổ thấy ngọn núi Phú Sĩ trong ánh nắng bình minh vừa lố dạng. Nơi mình đã có dịp leo lên đỉnh núi với vợ con vào mùa hè. Chả có gì đặc biệt lắm, hình ảnh của Nhật Bản mà du khách nhớ đến tương tự thác Eiffel của Paris. Hình ảnh trên núi cao mà mình thấy được, đẹp nhất là khi leo đỉnh Kilimanjaro. Mọi người khởi đầu vào lúc nữa đêm, leo lên núi độ 4, 5 tiếng đồng hồ trong cái giá lạnh vào đêm trăng rằm. Từ từ ánh sáng bình minh hiện ra, thấy mây ở dưới và mặt trời ló dạng. Quá đẹp. Nhưng không có thì giờ ngắm, phải tiếp tục thêm 3 tiếng đồng hồ leo núi.

Núi Phú Sĩ từ máy bay

Có một hiện tượng mình thường thấy khi bay về Việt Nam. Du khách người Việt mang hộ chiếu Việt Nam hay sổ thông hành của Hoa Kỳ, ngồi xe lăn đi máy bay. Trước kia thường thấy mấy người lớn tuổi đi về Việt Nam hay đi Mỹ. Không rành anh ngữ, để biết đường đổi máy bay nên con cháu khai đau chân để hãng hàng không, cho người đẩy xe qua Hải quan và quá cảnh để khỏi lạc chuyến bay. Nay thì thấy toàn là nhưng người trẻ tuổi độ 40, 50, vác hai hành lý to đùng, đặt trên đầu gối nhưng khi ra phi cơ lại leo lên xe lăn ngồi, để nhân viên phi trường ngoại quốc đẩy cho sang. Có thể nhờ xe lăn để qua an ninh sớm hơn nhưng vẫn phải đợi. Người việt mình thông minh với những khôn vặt. Tên Mỹ đứng trước mình cứ lắc đầu, hỏi mình lý do họ ngồi xe lăn, trông rất trẻ, không bệnh hoạn, chỉ biết trả lời phải hỏi họ. Khi rời máy bay thấy độ 20 chiếc xe lăn với 20 nhân viên, xếp hàng đứng đợi ngay cửa máy bay. Mấy người trong gia đình đi ké qua an ninh nhanh chóng. Một người ngồi xe lăn, cả họ được nhờ. Công ty hàng không phải mướn thêm mấy người đẩy xe lăn cho các chuyến bay đến từ Việt Nam.

Máy bia hơi. Thấy một tên Nhật Bản, mở điện thoại ra rồi nói gì đó với app của hắn thì tự động cái máy bơm loại bia hắn muốn vào ly, bia được đựng dưới cái tủ. Mình thấy có 12 loại rượu nên đoán chắc có nhiều loại bia mà toàn chữ nhật nên chỉ đờ ra. Người nhật rất lo về vệ sinh, thêm ít người làm việc, tự động hoá các hoạt động về ăn uống. Phòng đợi cho ăn nhưng phải nói cho phục vụ viên những gì mình muốn ăn, họ đưa cho cái phiếu với con số, đi ra quầy, thì có người đưa cho một cái khay thức ăn mình gọi. Không như ở các xứ khác, để Buffet rồi ai nấy đến tự chọn mà dùng.
Rượu được khui ra và được gắn bới ống bơm, tự động ngừng khi bỏ cái ly xuống.

Thấy mấy ông cầm điện thoại siêu xịn, lại dán 2 lá bùa hay ấn đền Hùng phía sau điện thoại. Thấy ông người Việt kia đeo dây chuyền chắc nặng lắm. Mình nhớ khi đi Tây, bà cụ cho một cái vòng 1 lượng vàng, lỡ hết tiền bán để xài, đeo đã thấy nặng nay thấy ông này chắc phải 20 lượng quá. Trong Đông y người ta khuyên không nên đeo kim loại trên người vì sẽ chặn khí trong cơ thể chạy qua mấy vùng này, sẽ gây bệnh hoạn ở các vùng đeo kim loại. 


Đọc báo chí Việt Nam thấy 1 cán bộ ở Việt Nam rất giỏi và thông minh. Mình học sói đầu suốt 6 năm liền mới được cái bằng thạc sĩ. Bạn bè rủ học lên tiến sĩ nhưng mình ớn học. Đây ông thần này học trùng tu mà có đến 4 cái bằng đại học. Chắc chắn là thần đồng như Thánh Gióng, ăn nồi cơm là lớn cái vù. Mình không hiểu ông ta học 4 cái bằng mà sao bị bỏ tù.


Mình đưa bà cụ đến thăm một người dì bà con, chị em cô cậu với mẹ mình. Mới khám phá ra bên mẹ mình, mấy bà toàn dạng đô con, theo gia phả là hậu duệ của dòng Mạc Đăng Dung. Gặp cậu em bà con, cả đời chưa gặp mặt nhau. Mình chỉ biết cô chị ở Bolsa, lâu lâu anh em có gặp nhau. Ngồi nói chuyện rồi ăn cơm chung tại nhà, nghe anh ta kể về bên ngoại để biết thêm về gia tộc. Mình chỉ nhớ khi xưa, ông ngoại mình ở Bảo Lộc, có đồn điền trà, lâu lâu có xuống chơi nhưng rồi sau Mậu Thân, chiến sự càng ngày càng khốc liệt nên cũng không dám ra khỏi địa phận Đà Lạt. Sau 75 thì ông ngoại mình mất tích, chắc mấy người thù khi xưa, đi làm cách mạng về xử lý nên con cháu không biết ngày mô mà làm kỵ giỗ.


Bà con cũng biệt tăm, nay mò từ từ ra bên Mỹ, rồi về Việt Nam mò tiếp. Chỉ biết lần sau về, ráng ở lâu, để tìm họ hàng bên nội và bên Ngoại. Hôm ở nhà ông chú họ, nghe ông chú giới thiệu một người em bà con là mình chới với. Bà ngoại của anh ta là em ông nội và gì đó,… thôi cứ xem là bà con cho chắc ăn. Hỏi nguyên cả họ ra thì hơi mệt vì mình không hình dung hay biết ai cả. Lần sau về, mình sẽ dành thời gian đi thăm viếng bà con để hiểu thêm về gia tộc.


Hôm trước, có ông cậu bà con, bác sĩ bên tây, về Việt Nam hưu trí, nhắn tin. Mình hẹn sang năm về, ở lâu, cậu cháu có dịp nói chuyện. Hôm sau, người em họ gọi điện thoại, ghé lại khách sạn, đón đi ăn bún chả Sàigòn. Không thua gì Hà Nội. Về Hà Nội, cô em dẫn đi ăn bún chả ở tiệm Obama ghé lại ăn với ông đầu bếp tự tử vì thấy hình cô bồ ngoại tình, làm hai suất Obama nhưng không có uống bia.

 

Sáng đưa bà cụ ra phi trường về Đà Lạt rồi gặp chị đại diện BNLV tại Việt Nam. Chị ta kêu cha nhờ anh đem mấy thủ công nghệ tượng Chúa, tranh Đức Mẹ về cho cha. Nặng đến 27 kí. Phải mua thêm cái Vali. Mỗi lần đi chơi với đồng chí gái là cuối cùng phải mua thêm cái Vali. Kỳ này tưởng thoát, ai ngờ bề trên lại gọi. Về Cali, ông Cha ghé lại nhà lấy quà Việt Nam và hai thùng bơ xong thì mấy ngày sau được Chúa gọi về Thiên Quốc.


Cho vào Vali xong xuôi, mình mời chị ta đi ăn bún chả Sàigòn. Nói chung, ăn ở Việt Nam, mình cần ăn 2 suất mới no. Bò ra phi trường, ngồi đợi làm thủ tục lên máy bay. Thấy 2 toán bận y phục của mấy công ty ngoại quốc, không biết Nam Hàn hay Nhật Bản. Hóa ra là những thanh niên thanh nữ đi lao động quốc tế theo chương trình của Hà Nội, năm nay chỉ tiêu xuất khấu thêm nữa triệu người lao động ra nước ngoài. Tha hồ gửi ngoại tệ về cho nhà, khúc ruột nghìn dậm. Thấy thương họ vì xứ mình học xong không có việc còn xứ người có việc mà không có người. Họ ra đi lao động, gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà, kiếm một số vốn về Việt Nam làm ăn sau khi hết hợp đồng. Thấy họ mình thương.


Xứ Phi luật tân có đến 13% dân số đi làm ở ngoại quốc, đi Trung Đông, mình gặp khá nhiều người Nam Dương đi xuất khẩu lao động hay trên máy tàu thuyền dương, đông người từ Bali phục vụ. Cho thấy xứ nào mà giới cầm quyền tham nhũng, không lo đến dân tình thì người dân phải tìm đường ra ngoại quốc lao động để nuôi gia đình và nuôi họ luôn.


Nghe kể, các cô gái Việt sang Tân Gia Ba, Mã Lai, đi khách rất nhiều. Mình nghe cô gì xịt thuốc độc giết anh trai của Kim thị ở phi trường, là một cô gái việt sang xứ hàng xóm đi khách. Thấy thương dân mình. Sau gần 50 năm độc lập tự do hạnh phúc, vẫn phải tha phương cầu thực mới độc lập tự do và hạnh phúc, như mấy chục người chết ngạt trong xe tải qua Anh quốc.


Cuối cùng thì quầy vé mở trước chuyến bay 3 tiếng. Lần sau về, mình biết vụ này, ra phi trường trễ độ 3 tiếng tước khi lên phi cơ. Cứ tưởng là như bên Hoa Kỳ, ra phi trường sớm rồi check-in, lên phòng đợi ăn uống. Các nhân viên hàng không Việt Nam làm thủ tục ra đứng trước quầy chào hành khách như kiểu người Nhật Bản. Mình thấy nhiều nơi tại Việt Nam đi vào cửa, thấy họ đứng xếp hàng chào khách như ở Nhật Bản nhưng chỉ sơ sơ không cúi sát người như người Nhật Bản. Cũng hay là khởi đầu, biết chào hỏi khách hàng thay vì hỏi biết bố mày là ai không.


Mấy người ngồi đợi nơi ghế như mình trước đây la ó trong điện thoại với người thân trong khi đợi các quầy mở cửa, bổng nhiên nhảy lên xe lăn, im lìm như người khuyết tật với một nụ cười ngầm tự hào khôn lanh hơn người. Chán Mớ Đời 


Bà cụ mình 91 tuổi đi với mình đâu có cần xe lăn, họ kéo thêm nguyên cả gia đình. Một người ngồi xe lăn cả họ được nhờ, qua an ninh nhanh chóng khỏi phải đợi chờ. Phải công nhận an ninh Hải quan của Việt Nam làm việc rất chậm, đợi mệt nghỉ. Ở ngoại quốc, họ có lối cho người sở tại và lối cho người ngoại quốc. Ở Hương Cảng, mình thấy, chả ai xét hỏi, cứ để sổ thông hành, quẹt vào máy, cánh cửa tự động mở ra mình đi. Ở Việt Nam thì người Việt hay ngoại quốc đều chờ như nhau nên đợi rất lâu. Nói chung thì có tiến bộ, mình qua hải quan xong thì ra cửa không có vụ xét hành lý như xưa. Mình bắt chước anh bạn nên làm thẻ global entry nên ra phi trường ở Hoa Kỳ, đi theo lối khác nên qua an ninh nhanh, và khi về Mỹ cũng nhanh. Chỉ quẹt nơi máy sổ thông hành là qua.


Rút kinh nghiệm ở Đồng Hới nên mình xem trên đầu, màn ảnh truyền hình có tên mình trong sổ phong thần khi máy rà hành lý phát hiện các vật nguy hiểm như pin điện thoại. Ở Đồng Hới, họ rà Vali của mình có cục pin chạc điện thoại nên không cho mình qua cửa khẩu. Phải chạy mệt thở trở lại phòng an ninh để lấy cục pin đem theo người mới lên máy bay được. Có tên ấn độ đi trước mình bị an ninh khi xét sổ thông hành kéo lại kêu ra phòng kiểm hành lý khiến mặt hắn xanh như đít nhái. Mình giải thích là hành lý có vấn đề, cứ an tâm.


Cuối cùng máy bay cất cánh vào nữa đêm rời Việt Nam sau khi vào phi trường từ 4 giờ chiều. Lần này bay đi mình cảm thấy vui vì trở lại Cali, quê hương thứ 2, khác với lần đầu tiên rời Việt Nam, lo âu không biết chừng nào mới trở lại Việt Nam. Mừng sắp gặp lại đồng chí gái. Đúng là xa mỏi mắt, gần mỏi miệng. Về nhà là đối chọi cho đầm thắm, tưới thêm cây hạnh phúc hai vợ chồng già.


Mình thấy trong khách sạn, nơi công cộng, giới trẻ ở Sàigòn, không nhường người lớn. Ra thang máy hay vào tiệm, họ tranh lấn với bà cụ khiến mình phải nói rồi họ đẩy cửa vào không cần giữ cửa để xem có người đi sau, khiến cánh cửa suýt đập vào mặt bà cụ. May mình thấy và đỡ được tấm cửa tự động khép lại mạnh. Về Việt Nam lại nhớ Cali, lối sống nhẹ nhàng ít tranh dành, để ý đến người xung quanh. 


Đà Lạt 5, 6 giờ sáng đã nghe karaoke ở nhà ông Hiển khi xưa, nay không biết ai ở, hàng xóm rống nhạc pháp đến tối thì phía sau nhà ông Ngần lại tụ họp nhậu nhẹt karaoke. Taxi chạy giữa đường quẹo lại, de xe bất chấp xe cộ hai bên rồi còn chửi thề những ai bóp còi. Xe chạy kẹt đường, nhưng họ cứ đậu, đợi ai bất chấp gây kẹt đường vì xe hơi phía sau không qua mặt được. Bóp kèn thì họ chửi thề. Mình không quen những cảnh này nữa. Như con cắc kè, ở đâu quen đó.


Đi ăn chay bao bụng ở Đà Lạt, thực khách dành giựt lấy thức ăn khiến nhà hàng cảnh báo nếu ăn không hết sẽ tính thêm tiền, yêu cầu lấy vừa đủ ăn. Ngay cả tiệm ăn chay. Đã ăn chay cho hiền mà cứ dành giựt đồ ăn, lại ăn cho đáng đồng tiền, lấy cho nhiều, vẫn tham lam. Mình nói không cần ăn chay vì mình nhịn đói còn lành hơn. Ở đường Phạm ngũ Lão có ông chủ rất trẻ từ Bắc vào lập nghiệp kêu có 4 tiệm ăn chay. Cho thấy giới trẻ ngày nay rất năng động, chịu khó làm ăn. Một điểm mừng, hy vọng cho Đà Lạt và Việt Nam mai sau.


Đêm cuối ở Sàigòn có đi ăn cơm với mấy người học chung khi xưa ở Yersin. Gặp lại Nguyễn Đình Tài, kể có hai cháu nội. Chúc mừng.


Lạ lần này về Việt Nam mình bị jet lag khá lâu cả mấy tuần luôn. Cứ 1 giờ sáng là dậy. Ngày cuối thì ngủ được tới 5 giờ sáng thì lại phải khăn gói lên đường. 


Quá cảnh tại Nhật Bản lại phải ngủ gà ngủ gật mấy tiếng rồi đi bộ mấy vòng cho đủ 4 cây số trước khi lên máy bay cho chân tay, máu huyết được lưu thông. Nhắn tin cho đồng chí gái đi đón mình. 


Tin tức Cali mưa thêm và một tin vui là bắt đầu năm nay hết 30 năm chu kỳ hạn hán của Cali nên mưa sẽ trở về miền nam Cali. Cả hai tuần nay không tưới vườn. Tháng trước mình chỉ trả $150 tiền nước thay vì $3,000 vì mưa nên ngưng tưới một tháng. Tháng tới này cũng vậy giúp trái to hơn. Hy vọng. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn