Dòng sông ký ức

Tuần rồi, anh bạn đúng hơn là ông Mai, đã se duyên mình cùng đồng chí gái, gửi cho mấy tấm ảnh sinh hoạt thời trai trẻ, độc thân vui tính với các sinh viên và nhóm trẻ gốc việt tại vùng Đông Bắc, khiến mình chới với. Như xem lại một khúc phim chậm của quá khứ, tưởng rằng đã quên. Nhìn lại hình ảnh thì kỷ niệm bổng từ đâu như dòng sông ký ức, ào ào trở về như mới hôm qua, khó tưởng tượng đã trên 34 năm qua, 1/2 đời người. Kinh


Thời ấy, thị trường con gái Việt Nam hiếm vì vượt biển rất nguy hiểm. Đi party, trai dư gái thiếu nên cô nào có xấu đi nữa cũng có nhiều tên bu xung quanh như ruồi. Cô nào mà khá khá, học giỏi, là Mỹ chúng vớt hết vì có nhiều tiêu chuẩn khá hơn nam sinh viên việt. Như cao ráo, da trắng, học giỏi bằng sinh viên người Việt,… đúng hơn Mỹ trắng mà học giỏi thì chúng rất giỏi. Á đông được cái là học gạo chớ tư duy thì không quen như người tây phương.


Hôm qua, có anh bạn còm về một tấm ảnh cũ, kêu nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc một thời. Mình nhớ có lần đi ăn đám cưới anh bạn trong nhóm, thấy anh ta ngồi buồn khi thấy cô bạn xưa, lấy chồng Mỹ, đang nhảy múa trước mặt. Chán Mớ Đời 

Trại hè BNLV

Ngược lại đàn ông gốc việt, ít thấy lấy vợ Mỹ trắng. Ở Âu châu, đầm lấy mít khá phổ thông nhưng ở Hoa Kỳ thì hiếm, không hiểu lý do. Ai có tài liệu nghiên cứu vấn đề này thì cho mình biết. Mình có một bà người đức, theo dõi bờ lốc của mình, cho biết lấy chồng gốc việt, thích các bài mình viết về Đà Lạt, để tìm ý tưởng viết truyện. Cô ta là một nhà văn đức ngữ, ở Seattle, có gửi cho mình bờ lốc của cô ta. Chắc ông chồng gốc Đà Lạt, cho cô ta hay dịch bài của mình. Mình có đọc vài đoạn văn ngắn của cô ta, đức ngữ của mình ngày nay, đã mai một khá nhiều nên lười vào lại bờ lốc của cô ta.


Mình có duyên tình yêu khi ghé Boston. Lần đầu đến xứ này, nữ thần tình yêu Eros bảo một anh bạn học cũ Đà Lạt, đang làm luận án tiến sĩ tại MIT, giới thiệu mình với một cô sinh viên khiến mình bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời, phải bỏ Luân Đôn qua Hoa Kỳ làm việc. Nhưng mối tình hữu nghị không trọn vẹn, khi bố mẹ cô nàng xét lý lịch trích dọc trích ngang thì cấm cô nàng đả thông tư tưởng với giai cấp phản động, kêu phi bác sĩ bất thành phu phụ.


Trước khi dọn qua Cali, một anh bạn khác, cũng đang làm luận án tiến sĩ ở MIT, được nữ thần Eros, mách anh ấy, rủ mình lên Boston chơi, và giới thiệu đồng chí gái. Kể ra để khoe, mình thuộc gia đình thuần nông nhưng quen khá nhiều tiến sĩ. Tính ra trên một tá. Chắc nhờ mình là hậu duệ bên ngoại của Mạc Đăng Dung. Sau này, đồng chí gái mới thố lộ, đã chấm tọa độ mình từ trước, khi lên vùng này sinh hoạt với sinh viên MIT. Thế là cả hai nhất trí bò về Cali, đăng ký quản lý đời nhau đến giờ.


Xem tấm ảnh cũ, chụp trong khuôn viên tu viện Don Bosco, New Jersey. Mọi người ngồi trên cái thang khán đài để xem đánh banh bầu dục. Đồng  chí gái nhận ra ngay người chồng ô sin của cô nàng ngày xưa. Em vẫn tìm thấy tôi trong đám đông xa lạ. Tấm ảnh nhất là anh bạn trưởng nhóm, con chim đầu đàn vừa gãy cánh tuần rồi, để lại nhiều tiếc thương cho giáo dân cũng như thân hữu. Mai sẽ gặp lại nhiều người sinh hoạt chung, đã biết nhau cũng như chưa bao giờ gặp mặt.


Xem tấm ảnh thì người đầu tiên mình nhận ra là anh chàng tên Trung, có râu, ở Uptown của Manhattan. Anh này có hát cải biên bài hát Mambo Italiano qua lời việt “Cha cha cha Ma ní lấy chồng Chà dà. Cha cha Cha ông Táo xức dầu cù là. Buông tôi ra vì tôi có chồng rồi mà. Tôi không buông vì tôi cũng có vợ rồi mà,… ba xi lô! Con gái lấy chồng chà dà” chỉ tiếc là mình không nhớ hết ca từ của bài ca chế này.


Người thứ nhì thì một anh không nhớ tên, cũng ở New York, ngồi cạnh linh mục Nguyễn Hoài Chương. Anh này thì tếu vô cùng, anh ta đóng kịch vào những dịp tết cộng đồng và lửa trại. Có lần anh ta đóng vai bác sĩ Việt Cộng, cứ kê toa thuốc “xuyên tâm liên” cho bệnh nhân. Bệnh gì cũng kê toa xuyên tâm liên đến khi lấy dao phay để mỗ bệnh nhân cũng cho xuyên tâm liên để cầm máu.


Người thứ 3 là Dương Trọng Hiếu, ở Philadelphia và anh vợ Nguyễn Duy Quốc Anh. Vào nhà anh chàng này thì thấy trên bàn thờ ông bố, nhận bảo quốc Huân chương trước 75. Hai anh chàng này là trụ cột văn nghệ của BNLV. Mỗi lần đi trại hay có họp mặt của nhóm là hai ông thần này đều có mặt. Hiếu chơi guitar, và nghiện phim bộ Hương Cảng còn Quốc Anh chơi Mandolin, nhưng sở trường là dương cầm. Hình như anh chàng có dạy các lớp dương cầm cho con nít hàng xóm. 2 ông thần này thì không gặp lại từ khi mình dọn qua Cali. Có liên lạc thỉnh thoảng qua nhóm.


Người kế tiếp tên Trung, làm cho IBM ở Poughkeepsie, anh chàng này lấy vợ sớm, người Mỹ thì phải nên vợ bỏ cũng sớm. Lâu lâu hay chở mình về nhà sau khi họp mặt với nhóm. Kế đến là Đinh Sơn Lâm, làm cho Bell Labs, phụ rể của mình. Đến An, em trai của linh mục Nguyễn Hoài Chương, nay ở San Jose. Đến anh chàng sinh viên U Conn, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ hết. Đến Việt Anh, sinh viên MIT, có thời lo Vietnet, hệ thống liên lạc giữa các sinh viên gốc Mít. Hình như hệ thống này do Trung Dung (BU) và Nguyễn Thiều (UCI) thành lập. Mình có gặp Thiều mấy năm trước ở Cali, làm cho Toshiba. Sau này, buồn tình không chịu làm tiếp luận án tiến sĩ, bị bố mẹ la, lấy vợ, từ úc Đại Lợi thì mất tích luôn còn Trung Dung thì nghe nói sau này thành lập công ty riêng với bạn, trở thành triệu phú. Mình không gặp lại từ khi rời miền Đông.


Cạnh đó là Mai Ly, sau này lấy anh bạn học của mình khi xưa ở Đà Lạt, đã giới thiệu đối tượng một thời khi mình ghé Boston thăm anh ta khi sang Hoa Kỳ lần đầu. Có Khuê, em của anh chàng có cô bồ cũ lấy chồng Mỹ, nghe nói vẫn còn độc thân, tương tự Trương Quang Huy, một phụ rể khác của mình. Mấy cô thì nhận ra Bích Ngọc, sinh viên luật tại Columbia, bạn học với Đinh Đồng Phụng Việt, sau này làm tới thứ trưởng, bộ tư pháp Hoa Kỳ, viết đạo luật Patriot sau 9/11. Anh chàng này khi xưa, ăn nói rất nhẹ nhàng. Dạo ấy có Mai Lan, em của Mai Ly, 3 sinh viên luật khoa Harvard mà mình từng quen. Dạo ấy, đa số người Việt học kỹ sư và bác sĩ, gặp 3 người học luật nên mình phục họ, đi ngoài mô hình của người Việt hải ngoại. Có gặp lại Mai Lan ở Virginia, khi viếng thăm vợ chồng anh bạn. Có hai chị em sinh đôi ở New Jersey, một cô là dược sĩ, mình có gặp lại tại Virginia, cách đây 5 năm, lấy chồng, làm nhạc khá nổi tiếng trong cộng đồng người việt tại Virginia, quên tên, hình như Ngô Minh Trí, bạn một người bạn cũ của mình ở Đà Lạt. Cô này sinh hoạt nhiều đi xuống Virginia thì dính ông chồng, ở lại đó luôn.


Có một cô dược sĩ khác ở Florida, không nhớ tên. Chỉ nhớ là cháu của ông hội trưởng gia đình phật tử ở Connecticut, cựu đổng lý văn phòng của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã nhờ mình vẽ chùa cho họ. Sau đó, muốn cá độ mình với cô cháu trong khi mình lại thích con gái ông ta và một cô sinh viên Yale, cháu của tướng Ngô Du. Bà mẹ là bạn với ông Nguyễn Trọng Nho, một thời xuống đường chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đàn áp Phật giáo, sau này làm chánh án tại Cali. 


Một cô khác là cháu của ông mai mình tên Thuỳ Dương thì phải, nghe nói ở San Diego nhưng không gặp lại từ đó. Cô cuối cùng mình nhận ra tên Thảo, sinh viên MIT, hình như bạn gái của anh chàng tên Vũ, cũng sinh viên MIT, sau này qua Nhật Bản làm việc rồi lấy vợ nhật luôn. Có một anh tên Hiền, học sinh cao học ở Princeton, hình như sau này anh ta đi Nam Cực để làm việc trong phòng thí nghiệm gì đó mấy năm. Hình như anh ta không thích mình, thân Hà Nội.

Có người yêu cầu đăng tấm này 

Có anh chàng tên Minh làm việc ở New York, được mình giới thiệu cho cô bạn, làm designer ở New York, trong một buổi họp mặt tại nhà mình. Sau đó hai người lấy nhau, về Việt Nam làm ăn rồi bỏ nhau. Cô vợ đã qua đời vì ung thư, mình có gặp bà mẹ ở chùa Virginia, khi sang thăm Đinh Anh Quốc.


Ngoài ra thì không nhận ai khác. Có lẻ những người này, không tham gia các sinh hoạt khác của BNLV, chỉ dự trại hè. Xem hình thì trại hè tương đối có nhiều nhân vật nữ, khác với các buổi họp mặt thường.


Cô ngồi bên cạnh mình, là cô hỏi mình sau khi nghe mình kể chuyện ông thầy hiệu trưởng Tây doạ cả lớp, ai ăn cắp nỏ thần An dương Vương thì trả lại còn không sẽ bị đuổi: “rồi sau đó có bắt được người ăn cắp nỏ thần không anh?”. 35 năm sau vẫn còn nhớ câu hỏi vớ vẩn này. Sau này, ở lâu tại Hoa Kỳ mới hiểu là giới trẻ ở đây nói tiếng Việt không rành, vì sang đây khi còn bé. Lịch sử Hoa Kỳ còn không tường huống chi lịch sử Việt Nam. Ngược lại ở Âu châu thì dân mít, dù sang Âu châu hồi nhỏ nhưng cũng ngáp ngáp được tiếng Việt. Ngày nay thì khác, với toàn cầu hoá nên giới mít sinh ra tại Âu châu hết nói tiếng Việt.


Qua Mỹ lần đầu chơi, mình được xem một video thi hoa hậu người Việt. Ban giám khảo hỏi một thí sinh, em muốn làm nghề gì sau này? Cô ta trả lời là muốn làm nghề bán bún khiến thiên hạ cười hà rầm khiến mình ngọng. Sau khi được cô bạn thuyết minh, hóa ra cô ta muốn theo nghề buôn bán nhưng nói lơi khơi ra bán bún bò như Mụ Rớt ở chợ Eden.


Bà chị dâu của mình, sang đây năm 75 nên tiếng Việt hơi ngọng. Bà mẹ kêu ra chợ mua bao gạo hiệu ông Địa. Cô ta ra chợ kêu cho tôi bao gạo ông Đĩ. Cô nàng về Việt Nam, hải quan hỏi địa chỉ ở Sàigòn, cô nàng kêu bỏ quên trong hành lá rồi khiến anh chàng hải quan chới với, cuối cùng cầu cứu một ông hải quan khác thì mới hiểu là để quên trong hành lý. Chán Mớ Đời 

Một số anh chị em BNLV đến dự đám tang chim đầu đàn đã ra đi

(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn