Người con tây, Enfant de Đà Lạt

Có ông tây, sinh tại Việt Nam, năm 1954 và sống tại Việt Nam đến 1964, tải lên YouTube mấy đoạn phim do ông bố quay tại Việt Nam, khi qua Việt Nam làm việc. Có mấy đoạn phim quay tại Đà Lạt. Ông ta có viết một cuốn sách ngắn, kể theo các đoạn phim do ông bố quay tại Đà Lạt. Rất cảm động khi thấy hình ảnh Đà Lạt trước khi mình ra đời hay còn nhỏ. Dạo ấy ông ta đâu 3, 4 tuổi nên mù mờ, sau nhìn lại phim của ông bố rồi viết lại. Mình có liên lạc với ông ta và mua cuốn sách của ông, người con Đà Lạt (Enfant de Đà Lạt). 


Đọc xong mới hiểu một người dù tây hay mít, hay Mỹ đã từng sống hay tham chiến tại Đà Lạt, vẫn thương nhớ về Đà Lạt năm xưa, khi thấy Đà Lạt phát triển một cách man rợ, bất chấp tương lai, miễn sao có tiền. Mới hiểu nhiều người cứ kêu mình viết về Đà Lạt xưa. Mình không thích sống với quá khứ nhưng cũng chìu thiên hạ nên lâu lâu, nhận được tài liệu mới thì kể chuyện đời xưa cho vui.


Người Việt chúng ta trải qua bao nhiêu chiến tranh, quen với sự đổ nát nên không quen có cái nhìn xa, có viễn kiến về tương lai như người ngoại quốc. Chúng ta chỉ mong có ăn ngày hôm nay, vì ngày mai chiến tranh đến lại đổ nát.


Có một đoạn phim năm 1957, lúc ông ta 3 tuổi, ông bố quay cảnh anh và chị của ông ta đi học tại trường tiểu học mà mình có học 5 năm tại đây. Trường Petit Lycée với xe ca chở học sinh đến trường. Mình có một tấm ảnh khác đen trắng, nhưng không biết để đâu. Có ai ở Bolsa rảnh thì mình sẽ nhờ họ lọc các hình Đà Lạt xưa dùm để dể tìm khi lục lại. Mình có trên 800 tấm ảnh cũ Đà Lạt. Nếu họ giúp mình, sẽ tặng họ 800 tấm ảnh này. Nếu họ làm được thì chắc mình sẽ viết về Đà Lạt nhiều hơn qua mấy tấm ảnh cũ được. Nay thì chỉ nhớ cái gì viết cái đó.

Đường vào Petit Lycee bên tay trái còn đường chính là đường Yersin, khởi đầu từ góc Lê Quý Đôn, vì trước đó là đường Hùng Vương, từ Cam Ly chạy về Đến ngã ba Lê Quý Đôn.
Tấm ảnh này mình đoán thời 1930, lúc họ mới xây dựng trường này. Xe cộ đưa học sinh đến ở nội trú. Sau này người Pháp lên Đà Lạt sinh sống hay gửi con lên đây học nhiều nên họ xây trường Grand Lycee. Khi xưa, đa số ở nội trú vì cha mẹ ở xa.
Mình học ở dãy này được 3 năm
Chỗ ra chơi khi trời mưa. Thấy toàn con tây đầm không vào thời đó. Thời mình đi học thì tây đầm đã về nước gần hết.
Cổng vào trường. Thấy ông tây đen làm gác dan khiến đám học sinh sợ té đái. Hình này chụp thời sau ông Diệm. Mình nhớ có học chung với con tướng Tôn Thất Đính, và tướng Dương Quang Trực năm 11 ème rồi đảo chính, nên đang học giữa chừng chúng đi mất tiêu.
Khuôn viên trường chỗ xe hơi đậu chở con đến trong phim. Có văn phòng hiệu trưởng với cầu thang hình vòng cung. Phía sau là văn phòng y tế và preau. Hai bên là hai dãy lớp. Tổng cộng có 6 lớp học
Chỗ này là con đường nhỏ dẫn vào trường từ đường Yersin, Lê Quý Đôn. Nay họ làm con đường lớn trên con đường mòn này, chạy lên đường Pasteur. Nay vẫn còn cái hồ nhỏ bến tay trái

Trường này được tây thành lập để dạy dân họ, sau này thì cho thêm con cháu sở tại, giới làm việc với chính quyền thực dân Đông Dương như Lào, Campuchia, và Việt Nam. Sau đó mới xây ở gần ấp Cô Giang, trường Grand Lycée cộng thêm trường Mỹ nghệ, nơi ông Ngô Viết Thụ theo học trước khi đi du học kiến trúc bên Pháp. 


Trong phim thấy chiếc xe ca quẹo qua văn phòng hiệu trưởng, nơi có mấy thang cấp mà khi xưa, học sinh được kéo ra đây đứng chụp hình, kỷ niệm mỗi năm. Hôm trước ở Sàigòn, có anh bạn học chung khi xưa, kể là còn mấy tấm ảnh chụp ngày xưa, để anh ta chụp lại rồi gửi qua.

Mình chụp từ phim nên khá mờ nhưng thấy văn phòng hiệu trưởng, có mấy thang cấp để học sinh đứng chụp hình kỷ niệm.
Chỗ này học sinh đứng chụp hình lưu niệm hàng năm

https://youtu.be/v8qyCwo96AM


Có đoạn phim nói về các đường phố Đà Lạt. Lúc đầu thấy ty cảnh sát quốc gia, phía sau là nhà thờ Con Gà trên đường Yersin. Sau đó đường Hùng Vương, nơi chạy về Cam Ly, có khúc quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, lên trường Thanh Ngọc và Couvent des oiseaux. Rồi đến khu Hoà Bình với dãy nhà hàng Chic Shanghai của ông Võ Đình Dung xây cất. Phía bên trái chợ Đà Lạt vẫn còn dãy phố 1 tầng, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho phá bỏ khi thiết kế lại xung quanh chợ Đà Lạt. Theo mình là điểm sai vì thấy không gian chơ vơ, nhìn xuống la Tulipe Rouge. Chỗ này sau đó đền cho ông Tân Lập và Nguyễn Văn Ngạch 2 căn dưới chợ. Họ có xây mấy nhà lầu đối diện photo Hồng Châu.


Đầu chợ, bên tay phải, cậu của bà cụ mình hùn với người cháu 835 cây vàng để xây khách sạn, chưa xong thì 75 đến. Việt Cộng lấy luôn. Chán Mớ Đời 


Có cảnh mấy anh em ông tây đi chợ cũ Đà Lạt, nơi mẹ mình buôn bán khi xưa.

Mình đoán là ty cảnh sát quốc gia, sau mấy cây thông có nhà thờ Con Gà, trên đường Yersin
Đây chợ Cũ trước khi xây dựng chợ mới. Nhìn xuyên qua chợ thấy dãy tiệm Việt Hoa, nhà hàng Mekong
Chợ cũ Đà Lạt, sau được xây lại thành rạp Hoà Bình với các dãy phố như các tiệm Tiến Đạt,.. thấy bên  phải có dãy phố, tiệm. Sau 1960 bị phá bỏ
Quang cảnh trước tiệm Chic Shanghai, nhìn qua thấy Đức Xương Long và Lưu Hội Ký
Đường Hùng Vương đi về hướng Petit Lycee 
Xe thổ mộ, mình còn nhớ hồi nhỏ có đi xe này vài lần
Chợ cũ. Phía xa thấy dãy phố của Đội Có

https://youtu.be/ZboIukoaQgI

Đường Hùng Vương trên đường về Cam Ly
Hình
 ảnh ấp Ánh Sáng được xây dựng năm 1953, gồm 36 căn nhà 3 gian. Sau 1968 thì dân tình ở quê chạy giặc đổ xô vào Đà Lạt, đến tá túc nhà người thân rồi làm thêm nhà cửa xung quanh mất trật tự

https://youtu.be/4ZDHoN-1OlY


Có cảnh ngày hội, người Pháp cho nhảy dù xuống hồ Xuân Hương, rồi ca nô chạy lại vớt các người nhảy dù ướt nhem khiến mình nhớ dạo còn bé cũng đi theo tên Dư hàng xóm ra đây xem Trung Tá Nguyễn Chánh Thi cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, nhảy dù ra. Về nhà mình bắt chước, leo lên mái nhà, cầm cờ nhảy xuống đất ngay cầu thang, té lăn cu queo, nay còn vết sẹo một thời ngu dại nơi trán.

Mấy người nhảy dù xuống hồ Xuân Hương trong khi gia đình ông tây vỗ tay. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm
Ca nô đến vớt mấy người nhảy dù xuống hồ. Thấy bên phải hội quán hướng đạo Lâm Viên sau này.
Dù nhảy xuống hồ, thấy Thuỷ Tạ. Đường Nguyễn Trường Tộ phía dẫy thông phía sau Thuỷ tạ

Có đoạn phim về chiếc xe lửa chở mấy người đem trà từ Cầu Đất lên Đà Lạt. Hình ảnh mà hồi nhỏ, mình nhớ có đi một vài lần với ông cụ, đi thăm ai ở dưới Cầu Đất với tuyến xe lửa rồi sau này, Việt Cộng đặt mìn phá hoại rồi sau 75, bán lạc xoong cho Thuỵ Sĩ.

Những người làm việc cho công ty trà ở Cầu Đất, vác cần xé trà 
Xe lửa mà mình có đi và thấy vài lần khi còn bé trước Mậu Thân

https://youtu.be/-vAzuJxdCbU


Đó là những hình ảnh khiến mình cảm động khi xem vì nhớ mại mại một thời thơ ấu. Một Đà Lạt rất đặc biệt, khác xa với các tỉnh khác tại Việt Nam. Nay thì chẳng khác gì các tỉnh khác. Tỉnh nào cũng như nhau, mất vẻ đẹp trang nhả, lịch sự. Nhà cửa xây vô tổ chức. Điển hình ấp Ánh Sáng khi mới thành lập chỉ có 36 căn nhà 3 gian, được xây đều đặn như nhau. Nay thấy họ giải toả được 18 căn xưa, dân tình không chịu bán nhà còn lại. Họ đành trồng hoa vớ vẩn, không ai chiêm ngưỡng cả vì ngay con đường chính, không có đường đi bộ để chụp hình tạo dáng.


Các dãy phố trên khu Hoà Bình, cũng 2 tầng, theo kích thước của ông kiến trúc sư trưởng Hébrard đề xuất. Mình có ghé thăm thành phố bên Hy Lạp do ông ta thiết kế, khu thành phố vẫn giữ được nét riêng của thiết kế của ông ta. Trong khi Đà Lạt thì tự biên tự diễn. Nói cho ngay là khởi đầu từ sau Mậu Thân, khi làn sóng người dân quên tỵ nạn chiến tranh, đổ dồn vào Đà Lạt, với tư duy ao làng, nương theo phong trào thương phế binh cắm dùi, chiếm đất hoang, xây nhà.


Có người kêu mình không nên tiêu cực vì người Đà Lạt vẫn phải sống. Trong tương lai Đà Lạt sẽ không thu hút du khách nữa vì mỹ quan quá tệ. Nghe nói nay họ có chương trình dời các vùng kinh tế về Đức Trọng khiến mình mừng. Đó là dự kiến của Việt Nam Cộng Hoà khi xưa về phát triển Đà Lạt thời hậu chiến. Bảo Lộc là chính, Lâm Hà là nơi trồng rau cải. Nay chỉ thấy mấy nhà nylon trồng rau xung quanh Đà Lạt là Chán Mớ Đời.


Các tỉnh khác bây giờ có thể trồng thuỷ canh rau cải nên Đà Lạt sẽ mất lợi điểm này. Do đó cần có viễn kiến thiết kế tương lai Đà Lạt, thu hút du lịch và phát triển kinh tế và văn hoá. 


Mình thấy có mấy ông tây ở Đà Lạt, dạy tiếng tây, thành lập nhưng tổ chức bảo tồn Đà Lạt. Nếu Hà Nội không muốn hay không có kế hoạch thì càng ngày càng te tua. Khí hậu nay bắt đầu nóng hơn xưa, do đó cũng sẽ bớt thu hút du khách. Người Việt có tiền sẽ đi du lịch các xứ khác quanh vùng hay Âu châu để trải nghiệm cái lạnh. Phi lUật Tân, Nam dương có những vùng đồi núi cao hơn Đà Lạt và được phát triển khá đẹp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn