Người xưa năm cũ


Về Đà Lạt kỳ này, nói chuyện với bà cụ. Thật ra bà cụ độc thoại vì mình chỉ hỏi một câu về một người quen biết khi xưa ở Đà Lạt là bà cụ nói và nói. Người lớn tuổi ở nhà ít ai nói chuyện nên khi có dịp, được khơi ngọn suối, nói như để trút bầu tâm sự.  Bà cụ năm nay 91 tuổi mà đầu óc vẫn còn nhớ chuyện xưa như ngày hôm qua. Anh bạn mình ghé thăm, bà cụ kể chuyện về bố mẹ anh ta khi xưa hay ai ở gần nhà anh ta,… kinh


Ai ở Đà Lạt, tò mò về Đà Lạt xưa nên ghé nhà mình hỏi bà cụ là ra hết. Bà cụ là di sản sống của Đà Lạt, vào Đà Lạt từ năm 1948 đến giờ. Mình biết hai người lớn tuổi sinh tại Đà Lạt vẫn còn sống, đó là bố anh bạn, con của ông Cai Sớm, chủ rạp hát LangBiang, Lâm Viên khi xưa, nay 99 tuổi ở gần hồ Than Thở và chú Phấn, tiệm thuốc tây Minh Tâm nay 91 tuổi, ở Hoa Kỳ. 


Hôm qua có chị của người bạn học khi xưa, nhắn tin cho mình về ông nội chị ta, ông Nguyễn Sỏi làm thầu khoán ở Đà Lạt xưa. Có xây rạp Xi nê LangBiang và cũng từng tham gia xây cất khách sạn Palace LangBiang. Xem như một trong 100 người việt đầu tiên lên Đà Lạt. Tên ông nội chị ta được dân Đà Lạt gọi là Cai Sớm. Chị ta hỏi làm sao tìm ra tin tức về ông nội chị ta. Kể lại đây biết đâu có người biết chỉ dùm. 


Mẹ mình kể ngày xưa ra sao khiến mình thất kinh vì những tên của những người khi xưa, tưởng đã ngủ yên trong quá khứ bổng nhiên được mẹ nhắc đến như lôi mình về những hình ảnh tuổi thơ. 

Dãy nhà của ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất rồi bán lại ở khu Hoà Bình
Hình này lượm trên trang nhà của nhóm Yersin. Mấy ông thần nội trú, cuối tuần ra phố, bận đồ vét. Sang như mít
Có lẻ hình cũ nhất của khu Hoà Bình, thời tây. Nhà hàng Nam Sơn sau này. Thấy mấy tấm ván để đóng cửa tiệm mà Đà Lạt xưa hay có. Sau này, họ làm cửa sắt, kéo cái rẹt. Xong om
Học sinh nội trú Yersin ra phố ngày xưa, 60 năm về trước. Lúc này Chợ mới đã được Khánh thành, khu Hoà Bình đã được sửa sang lại làm rạp xi nê.

Nào là tiệm Anh Võ, bà Quản Tiêu, Lê Xuân Ái, theo Việt Minh, sau này tập kết ra Bắc. Sau 75 mới về, có bà mẹ ở trong dốc nhà Làng, bên cạnh nhà chú Ký.  Ông này bạn thân với ông tướng Tôn Thất Đính, sau này con ông ta đi lính. Dù có bố đi tập kết, được ông Đính bảo vệ, không như chế độ xét lý lịch sau 75. Bà Giáo Trình cho vay ăn lời ở dốc Nhà Làng. Hồi bé hay gặp bà ta đi thu tiền lời như bà Hiển, hàng xóm mình. 


Ông Tân Lập và ông Nguyễn văn Ngạch xây căn phố đối diện photo Hồng Châu sau này, kiến trúc sư Ngô Viết thụ thiết kế cái cầu vào chợ trên nên bị phá bỏ và được đền bù hai căn ở dưới chợ cạnh tiệm Bình Lợi của cô Ba Chỉ bên cạnh tiệm cô Huệ, cậu Tùng mình muốn cưới nhưng ông chú của mẹ mình không cho. Buồn đời cậu Tùng đi kháng chiến rồi chết đâu ở Phan Thiết. Những tên như ông Năm Ngọ, Sáu Có, ba của người bạn học khi xưa, dạy mình đánh bida lại hiện về, khiến mình nhớ đến hình dạng của họ ngày nào.

Căn phố 2 tầng, mái đỏ, của ông Tân Lập và Nguyễn văn Ngạch sau này bị giải toả cùng dãy phố một tầng bên tay trái. Hai ông này được đền bù ở dưới chợ Mới còn mấy người kia ở dãy phố một tầng thì không biết. Sau đó thì photo Hồng Châu mới được xây lên cao. Đến Mậu Thân thì bị cháy, được sửa chửa lại.

Mấy người này khi xưa ra chợ, mình gặp và chào họ hoài. Đi Tây như đứt phim, nay được bà cụ kể như cho xem lại khúc phim trắng đen quay chậm lại như xưa nên chới với. 


Mẹ mình kể khi lấy chồng, ra riêng, mướn căn phòng trong cái nhà to đùng ở đường Hoàng Diệu. Nhà này có ma nên mẹ khấn vái xin keo thì được quẻ nên ở đó. Nhờ ông Chúng, bà con ở ấp Mỹ Lộc làm cho cái khảm để thờ. Ông Chúng, bà con, làm thợ mộc, đóng bàn thờ nhất là cái divan cho nhà mình. Mình về Đà Lạt, không thấy cái divan nữa. Khi xưa, ông cụ kêu đóng cái divan rồi cất báo thể thao như Thao Trường trong đó. Hè là mình lấy báo ra đọc mệt nghỉ, chỉ tội là tiếng Việt chỉ biết về thể thao đá banh.


Sau dọn về ấp Ánh Sáng cho gần chợ. Cứ mang bầu đi bộ ra chợ xa thì khổ. Sau này ông cụ giải ngủ, thi vào ty Công Chánh làm công chức, được cấp cho căn nhà nên dọn về đường Hai Bà Trưng đến giờ. Bán lại hai căn nhà ở Ấp Ánh Sáng.


Mẹ mình than là khi xưa, cứ nghe mấy người lớn tuổi nhất là những người không rành về buôn bán nên bỏ rất nhiều cơ hội để mua nhà ngoài phố. Cho thấy cuộc đời, muốn thành công cần những người giỏi về buôn bán giúp ý cho mình. Cứ nghe người lơ tơ mơ, nói nhiều không làm thì chỉ có mất vốn.


Nhớ dạo còn nhỏ, khi mới dọn về cư xá Công Chánh. Bà cụ sinh ra người em trai kế tại nhà bảo sanh Hiền Chi. Ông thầy thuốc Bắc Huỳnh Ôn, lên nhà mình bắt mạch bà cụ cho thuốc Bắc uống trong thời gian ở cử. Khi xưa, mẹ mình sinh con thì ở cử 1 tháng, cứ xem như là sinh con là được nghỉ hè. Cứ nằm lò than, xoa nghệ gừng, uống rượu Quinquina,… và thuốc ông thầy thuốc bắc Huỳnh Ôn. Không biết có phải vì vậy mà ngày nay, bà cụ mình vẫn khoẻ.


Cứ mồi tuần, ông Huỳnh Ôn lên nhà, bắt mạch bà cụ rồi kêu 3 giờ chiều đến nhà, lấy thuốc cho nguyên tuần. Mình cứ phải bò xuống tiệm ông Huỳnh Ôn để lấy thuốc về sắc thuốc cho bà cụ, cạnh nhà Nguyễn Minh Dũng ở Phan Đình Phùng, số 47. Ông này hay bận áo par-dessus, đội mũ phớt, ông ta có cọng râu nơi mục ruồi nơi mặt, mặt cũng đẹp trai lắm.


Dạo đó có chú Thịnh, cậu một tên bạn học Văn Học, ở trọ nhà mình. Tên Thịnh này có biệt tài là hay khệnh mình. Hắn với một ông cậu bà con vớt cái đồng hồ của bà cụ đi bán xài. Mình mét bà cụ thế là hai ông thần thay nhau khệnh mình về tội làm ăng ten, điềm chỉ cho bà cụ. Có lần về Đà Lạt gặp ông thần này ở dốc Nhà Làng. Bao nhiêu căm thù chế độ cũ khiến mình muốn khệnh trả thù. 


Có lần, bà vợ ông Huỳnh Ôn, lên nhà, muốn lấy chị Mười, người làm ở nhà chăm sóc bà cụ khi ở cử, làm bà vợ thứ 2. Bà vợ lớn chỉ sinh được một cô con gái rồi triệt mặc dù ông Huỳnh Ôn cho uống thuốc Bắc mệt thở. Bà cụ mình uống thuốc Bắc của ông Huỳnh Ôn nên đẻ năm một trong khi vợ ông ta thì đợi sung rụng. Bụt nà không thiêng. Bên cạnh tiệm ông Huỳnh Ôn, có tiệm bán than nên bỏ than tháng cho nhà mình xài. Dạo đó người Đà Lạt, dùng than để nấu ăn đến khi mấy lò dầu hôi ra đời thì thiên hạ xài lò dầu hôi. Nay thì dùng lò ga hay điện hết.


Bà Huỳnh Ôn lên nhà đề suất một kiến nghị với bà cụ, cho phép chị Mười làm vợ bé. Ông này tốt số, có vợ đi cưới vợ bé cho quá sướng. Mình thấy một bà nào đẹp đẹp cũng không dám nhìn vì biết đồng chí gái đang quan sát. Chị 10 không nhất trí vì ông ta già hơn nhiều tuổi. Cuối cùng thì bà Huỳnh Ôn cứơi chị Bảy làm vợ bé cho ông thầy thuốc Bắc. Sau này nhờ uống thuốc tể của chồng, chị 7 đẻ như gà. Bà vợ lớn lo hết mọi chuyện, nấu ăn tẩm bổ, chị 7 khỏi làm gì hết ngoài việc sản xuất con trai cho ông Huỳnh Ôn. Nghe nói sau này Ông này giàu lắm. Lần đầu tiên về Đà Lạt mình thấy nhà ông ta xây 4,5 tầng ở Phan Đình Phùng. Ai hỏi mình da đen, mình kể khi xưa có mang mình, bà cụ uống thuốc tể của ông Huỳnh Ôn, có chút máu dê. Xong om


Ông bà cụ mình không có cung nô bộc. Mấy người giúp việc gia đình mình thì đa số không tốt lắm ngoại trừ chị Hoa, người cuối cùng trước 75. Có một chị từ Quảng Ngãi vào, sau này khám phá ra nằm vùng, bổng nhiên biệt tích. Chị ta rủ rê chị Hoa đánh Mỹ cút ngụy nhào. Chị Hoa thì có ông anh bị Việt Cộng chôn sống ngoài Huế trong cuộc tấn công Mậu Thân nên căm thù Việt Cộng khiến chị nằm vùng bỏ trốn. Có người lấy sữa, dầu, mắm muối cho hàng xóm hay chị bà con của mình. Nghe nói mới qua đời. Chán Mớ Đời 


Người có tay nô bộc là dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ. Ai làm cho dì đều tốt cả. Có bà Hai, gốc Bắc hay cho mình tiền ăn quà. Di cư vào nam, không gia đình. Sau này, chú Ký đi tù với ông cụ mình thì bà ta bỏ tiền túi đi thăm nuôi chú. Bà này thuộc phụ nữ Bắc cũ ở quê nên bận váy thay vì quần như mấy bà trong nam. Bà tè hay lắm, cứ đứng rồi tè không Ướt váy.  Sau này qua Tây mới hiểu lý do phụ nữ đầm khi xưa, bận váy tròn rộng để dễ tè hay đại tiện.

Căn nhà sơn màu đỏ là nhà bảo sanh Hiền CHi của ông bà Tôn Thất Chí sáng lập, nơi 8 người em được sinh tại đây, mình thì được sinh tại phòng mạch ông Phán bên cạnh trường Minh Trí

Mẹ mình kể khi xưa đầu đường Duy Tân, có mấy kiosk hớt tóc đủ trò. Sau này mình tìm được hình ảnh khu vực này mới hiểu. Có tấm ảnh tiệm thuốc Thiên An Đường, Con Cua số 5, sau này họ nới đường Duy Tân làm hai chiều nên dẹp mấy kiosk. Khách sạn Thuỷ Tiên được xây cất mang số 7, tiếp theo số 5 của tiệm thuốc Con Cua rồi đến tiệm Long Hưng của ông bà Đàng số 9, kế đến là tiệm Hiệp Thạnh số 11 của ông bà Phúng rồi đến căn số 13 nhưng sợ xui nên họ gọi 11B. Căn này bà cụ suýt mua khi xưa nhưng bà Phúng kêu xui vì số 13. Cạnh đó là nhà bà Sáu Còm rồi từ từ xuống đến tiệm Đoàn Mừng,…đến tiệm của ông Thi,…

Đây là đường Duy Tân khi họ chỉ làm một đường một chiều. Chạy lên theo đường gDuy Tân, chạy xuống đường Minh Mạng, rồi quẹo đường Cầu Quẹo (Phan Đình PHùng), chạy lên chợ lại. Sau này, họ nới ra hai chiều nên dẹp bỏ mấy kiosque như hớt tóc, tiệm chụp hình. Họ dời trạm biến điện qua phía sau, cạnh trường Đoàn Thị Điểm

Mẹ mình tính tình hiền lành nên được dân Đà Lạt thương. Nhờ vậy sau 75, khi ông cụ đi tù thì dân Đà Lạt có đồ gì bán là đem ra đưa mẹ mình bán dùm kiếm tiền nuôi 10 đứa con và thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo. 


Mấy người bà con cũng thương mẹ mình như ông bà Võ Quảng Tiềm, ông bà Đàng và ông bà Phúng. Khi mình đau là ông Phúng chạy ra am Mệ Cai chở bà Cai Thỏ vào nhà để chích lễ. Cuối cùng thì bán mình cho am Mệ Cai, đường Nguyễn Công Trứ. Có lẻ bán mình cho am mệ cai nên sau này mình giang hồ phiêu bạt khắp nơi như Cậu Mười. 


Nói đến am mệ Cai khiến mình nhớ đến dì Mến, cũng giúp việc cho ông Bà Phúng cùng thời với mẹ mình. Sau này dì lấy ông Vĩnh Tường hay đến am đánh đàn mỗi khi có chầu văn tại am Mệ Cai. 


Thôi kể tới đây thôi. Hôm nào buồn đời kể tiếp chuyện Đà Lạt xưa. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn