Số 4 Đà Lạt Mậu Thân


Hôm nay, có ông thần gốc Số 4, Đà Lạt gửi cho mình tấm ảnh khu phố nhà anh ta sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, để lại sau khi họ bỏ trốn. Họ đinh ninh là người dân Đà Lạt, sẽ đón, hoan nghênh họ như các mẹ nuôi chiến sĩ, ai ngờ họ đến đâu là thiên hạ bỏ chạy tới đó. Đàn Số 4 chạy vào thị xã, trú tại các trường học như Đoàn Thị Điểm, Việt Anh, Văn Học, Trí Đức,.. Giận đời họ pháo kích như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm nào. Sau này 75, gia đình mình chạy giặc đến Bình TUy thì cũng bị pháo kích mệt thở, người chết la liệt bên đường.


Sau này, mình có nói chuyện với một mẹ nuôi chiến sĩ. Bà ta kể khi xưa, khuya nó về kêu đói quá, nấu cơm cho nó ăn. Nay mình lên xin nó cái giấy đi đường, nó kêu bỏ đó đợi. Ngày nay quốc gia mà trở lại, nó có núp ở trong quần tui, tui cũng đứng dậy, lột quần, rũ cho nó lòi ra để quốc gia bắt nó.

Chụp trên đường Ngô Quyền, thấy cái trạm biến điện, dây điện gì đều bị đứt hết. Nhà dì Ba Ca, em bạn dì với mẹ mình bên tay trái, phía sau lưng người đứng chụp

Có lẻ cuộc tổng công kích này đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mình, khiến mình phải lớn nhanh khi thấy chết chóc xung quanh mình. Gần đây, mình có viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Thấy mồ mả những người lính trẻ, chết trận vào tuổi còn vị thành niên, mới 18, 19 tuổi. Lúc mình rời Việt Nam.


Vừa nhập ngủ vì sinh trong Nam, được huấn luyện 6 tháng quân trường, tập bò , tập bắn để rồi ra trận, lãnh viên đạn nằm xuống, không hiểu lý do mình chết. Nằm chết như mơ hay không hiểu vì sao tôi chết.


Chú của mình, sinh ngoài Bắc, đi bộ đội, xâm nhập vào nam, đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào để rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Nay gia đình không biết mồ mả ở đâu.


Tấm ảnh này đưa mình về 55 năm về trước, khi mình đi theo anh Hiệp, con dì Ba Ca lên Số 4, về lại nhà của gia đình anh ta, sau khi chạy giặc. Tan hoang hết ngoại trừ trái bom 100 cân anh, nằm sừng sửng trong sân của nhà.


Anh Hiệp kể; mấy ngày đánh nhau, mấy anh em, hợp nhau, đào cái hầm phía sau nhà, để trốn bom đạn. Đến mồng 3, hay mồng 4. Hết gạo nên dượng Ba Ca kêu anh lên nhà trên, thỉnh mấy cái bánh tét trên bàn thờ để cả nhà ăn.


Khúc này mình đoán trên đường Ngô Quyền, chỗ gần Domaine de Marie


Tò mò, xem qua cửa sổ có gì lạ, bổng anh ta đờ ra, chạy vội xuống hầm ú ớ kêu dượng Ba Ca rồi chạy lên nhà. Dượng Ba Ca nhìn qua cửa sổ, thấy trái bom do anh Hiệp chỉ, miệng ú ớ. Thổ thần đất đai muốn gia đình anh ta sống nên không để quả bom nổ. Mình có thấy những hố bom khác trên số 4, khá to và sâu. Nếu quả bom nổ là xem như cả gia đình tiêu diêu.


Mình có thấy quả bom ấy nhưng không nhớ là bom Napalm hay bom thường. Mình chỉ thấy mấy cây mận, đào nơi vườn, bị cháy, dính mảnh foam của Napalm. Sau này Công binh cho người tháo gỡ bom sót lại trên Số 4.


Tấm ảnh chụp gần nhà Dì Ba Ca, kêu mệ ngoại mình bằng dì ruột. Gần đường Ngô Quyền gặp Hai Bà Trưng. Thấy trạm biến điện, gần phía sau chùa Linh Phong. Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Đà Lạt vừa qua, anh bạn có chở mình chạy ngang đây, không có thì giờ ghé thăm gia đình mấy người con của dì Ba Ca. Mình có ghé thăm 1 lần khi về Đà Lạt lần đầu tiên vì ở lại nhiều ngày.


Mình không hiểu sao Đà Lạt lúc ấy, Số 4 lại bị bỏ bom nặng nhất. Có thể khu vực này có nhiều người nằm vùng. Mình nhớ ngay nhà mình, không nhớ lúc nào nhưng thấy Việt Cộng, đi bộ từng đoàn chạy về Số 4, sau khi Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh nhau ngoài khu Hoà Bình, khiến một cây xăng cạnh đường Hàm Nghi, chỗ bến xe Tùng Nghĩa, bị cháy cùng với dãy phố photo Hồng Châu. Được giải thích là Việt Cộng leo lên khu Hồng Châu, núp bắn chiếc xe Jeep chở mấy sĩ quan từ trường Tham Mưu đi ăn Phở Bằng.


Dân chúng từ Số 4, chạy xuống đường Hai Bà Trưng, chạy vào trường Việt Anh và Văn Học. Nghe kể có người chạy vào trường Đoàn Thị Điểm hay Trí Đức để trú bom.


Xóm mình có hai gia đình từ Số 4 chạy xuống trú là gia đình ông Tư Thân, bán thuốc cho tiệm thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Gia đình ông Tư Thân chạy xuống nhà bà Tước hàng xóm, bà con chi đó. Và gia đình dì Ba Ca, chạy đến nhà mình, ở trú cũng mất 5, 6 tháng. Thêm gia đình chú Nhị, chú Hai, hai người làm vườn cho bà cụ.


Từ nhà mình có thể chứng kiến hai trận đánh: Việt Cộng xâm nhập vào nhà thờ Domaine de Marie, và Số 4. Xóm mình từ đường Thi Sách, nhìn lên thì thấy nhà thờ Domaine de Marie và xa xa về phía trường Đa Nghĩa là Số 4.

Số 4 bình địa


Có mấy ông Việt Cộng bò vào nhà thờ Domaine de Marie, có ông leo lên nóc chuông, rồi chỉa AK bắn cóc cóc mấy chiếc trực thăng, bay từ phi trường Cam Ly đến xóm mình thì bắt đầu bắn đại liên và phi đạn. Vấn đề là khi họ bắn trên khu vực xóm mình thì vỏ đạn lại rơi xuống xóm mình theo đường Parabol.


Lâu lâu lại thấy một trận mưa rào của vỏ đạn rơi xuống. Có lần mình thấy rớt xuống nhà mình, kêu lộp cộp. Sau đó phải bò lên, dùng foam ngâm xăng để trét các lỗ bị lũng để tránh bị dột nhà.


Sau này, ra hải ngoại, lâu lâu xem truyền hình, thấy mấy ông hồi giáo, cứ cầm súng bắn chỉ thiên khi reo mừng về chuyện gì đó là mình tự hỏi có bao nhiêu người bị thương sau đó. Đầu đạn được bắn lên thì đầu viên đạn đồng sẽ rơi xuống và ai xui sẽ bị lũng đầu.


Cứ mấy ông kẹ bắn cốc cóc thì sau đó trực thăng bay lại rồi ria vào nóc chuông nhưng mấy ông núp trong đó lại chạy đi đâu rồi. Đánh nhau kiểu này cũng mất mấy ngày. Có lần thấy chiến xa M113, chạy trên đường Calmette thì có ông thần Việt Cộng nào bắn B40 nhưng hên cho mấy ông thần trong chiến xa, bắn hụt khiến viên B40 bay xuống vườn của bà Bắc Kỳ mà mình và thằng Khánh ăn cắp buồng chuối của bà ta. Nghe cái Bùm thật lớn, cây chuối bay tá lả khiến đám con nít trong xóm và người lớn đứng xem, bổng thấy quan tài nên sợ, bỏ chạy vô nhà.


Chú Đức, em của chú Nghi, phòng trồng trăng Nguyễn Văn Nghi ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm chụp hình Mỹ Dung, đang ngồi ngay cửa sổ trên lầu, nhìn lên Domaine de Marie, xem bắn nhau. Bổng bị một viên đạn ghim vào người. Nghe kể chú kêu tụi nó bắn tui tụi nó bắn tui rồi chở lên nhà thương băng bó.


Từ đó trong xóm, hết dám đứng xem đánh nhau. Mình cũng suýt bị vỏ đạn ghim vào đầu. Mình đang đứng dưới cây Mai, xem máy bay bắn, thả bom ở Số 4. Trực thăng, mở cửa, thấy rõ tên lính Mỹ, cầm đại liên bắn tạch tạch xuống Số 4 hay nghe cái sẹt, khói xịch ra phía sau trực thăng rồi 1 phi đạn hoả tiễn bắn lên Số 4 rồi một tiếng nổ. Hay máy bay bà già bay la đà rồi phạt một trái khói được bắn ra, khói bay lên thì khu trực cơ bay đến, lao xuống rồi khói đen, lửa bốc lên tiếp theo là tiếng nổ. Đó là lần đầu tiên mình thấy Bom Napalm trong đời và không muốn nhìn lại nữa.


2 tên này lớn tuổi lạ mặt, mình chưa bao giờ gặp trong xóm, đi vào nhà mình, đứng bên cạnh xem máy bay dội bom. Bổng nhiên có một tiếng nói, hình như em mình kêu Má kêu vô nhà. Mình vừa bước vài bước, dưới mái hiên của nhà thì một trận mưa vỏ đạn đại liên làm cái rào lụp cụp xuống sân và leng keng trên mái tôn nhà mình. Mình nghe ai hét lên thì nhìn lại thấy 1 trong hai tên mới đứng cạnh mình xem máy bay, nằm dưới đất, máu ra xối xả rồi người đi chung với hắn dẫn đi đâu mất biệc. Hú vía! Thổ thần nhà mình linh, kêu mình đi vào. Từ đó hết dám ra sân xem bắn nhau.


Hình ảnh của tấm ảnh khiến mình nhớ lại cuộc chiến. Sau Mậu Thân, sợ Việt Cộng ban đêm về bắt đi theo mấy ông kẹ như dân trên Số 4 hay bị bắn nếu là công chức làm việc cho chính quyền như ông trưởng khu phố ở đường La Sơn Phu tử, mà mình hay ghé lại mỗi tháng mua gạo với sổ gia đình. Không ai muốn như ông Tăng Văn Danh, chết để có đường hẻm mang tên của mình.


Mình và ông cụ, tối tối ra phố ngủ ở nhà ông bà Phúng, số 11 Duy Tân. Dần dần tình hình sáng sủa lại một chút, an ninh được vãn hồi với đồn nhân dân tự vệ, được xây cất chốt ngay đường Thi Sách, ngay sau trường Đa Nghĩa, mới hết đi ngủ ở phố.


Rồi thấy xe nhà binh chở xác lính biệt động quân, chết bị phục kích trong Cam Ly, chở về nhà xác. Vợ con từ xứ nào lên nhận xác chồng, cha khóc. Chiều đi ngang nhà xác gần bệnh viện, thấy đèn dầu trong nhà xác với những tiếng hu hu của kẻ mất cha, mất chồng, mất con thấy thảm. Rồi một hôm được tin chú Nhị, làm vườn cho nhà mình trước Mậu Thân, đi lính Địa Phương Quân, chết. Thím Nhị đang có mang, ngồi khóc chồng. Lúc đó mình mới hiểu những ca khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Buồn chiến tranh.

Trạm biến điện biến mất nhưng dây điện thoại dày đặt, phía xa có hậu viên của chùa Linh Quang. Đi xuống một tí sẽ thấy bên tay phải cái đình.

Khi Việt Cộng rút lui thì mới biết các cuộc giết người với những nấm mồ tập thể ở Huế. Ngày nào cũng thấy chiếu trên đài truyền hình rồi Nhã Ca viết Khăn Sô cho Huế, được đăng hàng ngày trên báo. Đọc thấy nổi buồn chiến tranh. Không hiểu sao người Việt lại giết người Việt một cách dã man. Khánh Ly có hát bản nhạc khiến mình Chán Mớ Đời tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng 

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 
Đường đi tới, dù chông gai 
Thì quanh đây đã có người 

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này 
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây 
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai


Mình bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai. Chết sớm khi đi lính, rớt tú tài đi lính chết. Đậu tú tài học lên đại học rồi đi lính chết. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn