Tiễn biệt chim đầu đàng Bút Nhóm Lửa Việt

“Mày và thằng Lâm còn có gì để bám vào. Tao không vợ con, không nhà cửa, không có gì để lo ngại cả. Chúa gọi tao ngày nào thì tao sẵn sàng lên đường”. Đó là lời anh bạn nói với mình khi báo tin bị ung thư cách đây mấy năm.


Mình thấy anh ta nói rất bình tỉnh, chẳng bù lại mình khi đi mỗ cục bướu. Trong khi chờ đợi kết quả khám nghiệm, xem bướu lành hay bướu ung thư. Mình phải đọc suốt 2 tuần lễ đợi chờ, 5 cuốn sách về ung thư để chuẩn bị tinh thần. May quá, bướu lành nên từ dạo đó, ăn uống điều độ như có tiếng chuông báo động, mách bảo mình.


Có lần anh ta đến viếng vườn mình với một linh mục khác, ở giáo phận cạnh vườn mình, cũng cho biết là bị ung thư khiến mình thất kinh. Trước đây, mình không có ý niệm rằng các người đi tu, kẻ thừa sai của Thiên Chúa, cũng bị ung thư như người đời. Sau đó đi ăn, nói chuyện thêm, mới hiểu họ có một niềm tin mãnh liệt về Thiên Chúa, là kẻ thừa sai của ngài, dọn mình, chuẩn bị về Thiên Quốc. Mình sẽ xuống Địa Ngục, không gặp lại họ. Chán Mớ Đời 


Hôm qua đi đám tang anh bạn, mình không dám đến gần linh cữu để xem mặt lần cuối. Thật ra, mình gặp anh ta 3 ngày trước khi anh được Chúa gọi về. Anh đến nhà với một linh mục khác vào lúc 9:15 tối, sau khi dự đám tang ai đó ở Quận Cam, để nhận quà của giáo dân ở Việt Nam, nhờ mình đem về, để gây quỹ giúp người nghèo. Cả ba nói chuyện về giúp đỡ người Việt sinh sống tại Ukraine, đang vào mùa đông, cần máy sưởi, đến các nạn nhân động đất ở Syria, bị tây phương bỏ quên. Họ cần Thổ Nhĩ Kỳ nên bao nhiêu trợ giúp nạn nhân dồn vào Thổ Nhĩ Kỳ, còn người Syria thì bị lãng quên. 


Cuối cùng hơn 10 giờ đêm, hai vị linh mục ra về, mang theo hai thùng bơ của vườn mình, cho tu viện. Lần trước anh bạn đến vườn mình, đem bơ về thì mọi người trong tu viện rất ưa thích nên mỗi mùa mình đều gửi tặng. Không ngờ, đó là hình ảnh cuối cùng của anh bạn, đem hai thùng bơ bỏ lên sau xe.


Mình hẹn gặp lại nhau ở tu viện Don Bosco, 3 ngày sau để bàn về mấy chuyện này, nhất là thiết kế và kêu thợ xây thêm khuôn viên của Hang Đá để làm lễ nhà thờ ngoài trời. 1 tiếng trước giờ hẹn, mình nhắn tin cho biết đang chuẩn bị lên Rosemead. Ai ngờ mở điện thoại ra thì được tin nhắn anh ta đã được Chúa gọi về.


Hôm qua, đến nơi để linh cửu của anh bạn, cho bạn bè, giáo dân thăm viếng, mình kiếm một chỗ riêng để ngồi, hồi tưởng vài kỷ niệm về anh ta, về những sinh hoạt đã đồng hành một đoạn đường đời suốt 35 năm qua.


Những ngày tháng, gây quỹ giúp tỵ nạn qua chương trình Chén Gạo Tình Thân, tổ chức biểu tình chống cưỡng bách hồi hương người Việt tỵ nạn tại các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, các buổi họp mặt, sinh hoạt giới thiệu văn hoá Việt Nam cho sinh viên gốc Việt và Mỹ tại các đại học vùng Đông Bắc, chưa kể các trại hè, giúp giới trẻ gốc Việt tìm về nguồn. Nếu không có những trại hè này thì chắc mình chả bao giờ đọc lại sách báo việt ngữ, thậm chí còn viết bài cho báo của Bút Nhóm Lửa Việt.


Nhớ đến những buổi gặp gỡ, hàn huyện với anh bạn, kể về những chuyện của giáo dân. Những câu chuyện của người khác được anh bạn kể, như những bài giảng ở thánh lễ, giúp mình nhìn lại mình, để sửa đổi tâm tính.


Tuần vừa rồi, mình dự một họp mặt tiễn một người bạn gốc đức về Thiên Quốc. Chỉ có đâu 20 người đến dự. Đa số là những người quen, bạn trong nhóm yêu thơ của người bạn. Nói về tài sản thì chắc chắn bà bạn gốc đức, giàu có hơn anh bạn của mình. Cuối đời, ngay con cháu không về tham dự, dù được nhận gia tài của bà để lại.


Bà bạn giàu có nhưng sống cô quạnh, con cháu không nói chuyện từ lâu. Con trai từ pháp về cũng bị bà ta đuổi ra khỏi nhà. Buổi tiễn đưa chỉ có mấy thi sĩ của nhóm bà ta, đến để đọc thơ. Ngược lại, anh bạn vừa qua đời, bạn bè khắp nơi, từ Pháp, từ miền Đông Bắc,… bay về, chưa kể giáo dân và các linh mục.


Hôm qua, rất đông người đến viếng linh cữu của anh bạn. Những người đã đồng hành với anh ta từ mấy chục năm qua, đến từ miền Đông Bắc và khắp Hoa Kỳ. Mình có gặp lại hoạ sĩ Vũ Đình Lâm từ Paris, người đã sát cánh với Bút Nhóm Lửa Việt từ đầu, vẽ các thiệp tết, báo Xuân,… anh ta sang Hoa Kỳ chơi để bàn với anh bạn về chương trình 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.


Mình gặp cha bề trên của anh bạn. Cha nói sẽ tiếp tục ý tưởng, chương trình của anh bạn muốn thực hiện tại nhà dòng, trùng tu lại tu viện được xây cất trên 60 năm qua và phát triển thêm. Mình hẹn với anh bạn, đến để vẽ khuôn viên hang đá ở ngoài, và cho biết giá cả, xây cất để trình lên giáo phận. Không ngờ chưa gặp thì anh đã được Chúa gọi về.


Từ khi Covid xẩy ra thì tu viện được giáo dân vùng Los Angeles, chiếu cố đến nhiều vì có thể làm lễ ngoài trời, nơi hang đá, vì mọi người phải đứng cách nhau 6 bộ. Anh ta kể trước kia, mỗi tháng chỉ lo tang lễ 2 lần, nay thì mỗi tháng, anh bạn phải lo đến 63 tang lễ nên có tài chánh, có thể thực hiện giấc mơ của anh ta. 


Đêm cuối cùng gặp nhau, anh ta hỏi từ đây đến tháng 10 có đi đâu ngoài Hoa Kỳ nữa không. Mình nói không, sau tháng 10 thì có thể leo căn cứ đầu tiên của núi Everest. Anh ta hẹn liền để thiết kế công trình nới rộng khuôn viên Hang Đá, đã bàn trước đây.

Linh mục Phao Lồ, Nguyễn Hoài Chương


Minh có gặp và nói chuyện với cha bề trên của anh ấy. Nếu giáo phận vẫn muốn tiếp tục chương trình của anh bạn, mình sẽ cố gắng giúp giáo phận, thực hiện giấc mơ cho anh ta. Anh ta nói về chương trình này từ lâu nhưng thủ tục, quá trình xin phép giáo phận khá lâu.


Mình nhớ khi xưa, ở New York, cuối tuần, anh ta hay ghé nhà mình rồi kêu lên xe, chở đi lòng vòng, thăm các giáo dân. Có lần đến thăm một gia đình, bà chủ nhà hỏi mình là thầy hay cha để tiện xưng hô khiến mình thất kinh. Dạo ấy mình hay bận đồ đen khiến ai cũng tưởng là linh mục khi đi chung với anh. Anh ta kêu tao mà giới thiệu mày là linh mục là hết lấy vợ. Mày lấy vợ công giáo thì tao miễn phần học giáo lý hôn nhân. Từ đó mình gọi anh ta là Bố. Sau này thấy anh ta tự xưng qua i-meo là Bố Già.


Mình cảm ơn Bố Già, đã đồng hành với mình một đoạn đường đời từ 35 năm qua. Anh bạn thích nói chuyện với mình, lý do là có thể xưng tao gọi mày, khác với khi có mặt giáo dân.


Mình nhận được tin nhắn của nhiều người đã quen biết và đồng hành với Bố Già từ nhiều năm qua. Mình xin mạn phép chia sẻ 1 tin nhắn: 


Trong tuần này tôi nhận được tin báo tang về Cha Chương ở trong Facebook feed của mình từ nhiều friend khác nhau. Điều này cho thấy hai nhận xét. Thứ nhất là một số Facebook friend mà tôi chưa hề gặp mặt nhưng cũng chia sẻ một mẫu số chung. Thứ hai là Cha Chương đã giao thiệp và quen biết rộng. Từ một linh mục dòng Mary Knoll đi phục vụ tại Nhật Bản cho đến nhóm Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể của tôi tại Houston, Texas. Quen biết và giao thiệp rộng là tính cách của những người dấn thân phục vụ. Họ biết một mình họ không thể nào cáng đáng được mọi công việc và có thể phát triển lớn nên giao thiệp rộng rãi để tạo ra một hệ thống, mạng lưới (network) và đặc nền móng để người khác thấy được tầm nhìn của họ và dùng sự hợp lực của nhiều người đóng góp công sức hầu làm được việc to lớn hơn. Giống như Mẹ Teresa thành Calcutta chỉ là một nữ tu nhỏ bé nhưng Mẹ nhận sự giúp đỡ của nhiều ân nhân để thực hiện công việc chăm sóc người nghèo của dòng.

Cha Chương lớn hơn tôi đúng một con giáp. Lúc tôi biết Cha thì tôi còn đang làm huynh trưởng trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại hải ngoại. Tôi thì ở trong lứa tuổi hai mươi và Cha thì đã trong lứa tuổi ba mươi. Lúc đó Cha đã có mái tóc bồng bềnh như một lãng tử mà lại ăn nói hoạt bát như một nghệ sĩ nên nếu Cha không mặc áo dòng thì ít ai có thể nghĩ rằng đây là một linh mục. Cha xưng “anh” với các anh lớn hơn tôi. Các bạn tôi thì gọi cha bằng “Bố”. Tôi không ở trong nhóm trực tiếp liên lạc với Cha nên chỉ chào hỏi mà không có dịp nói chuyện. Lúc đó tôi có đọc tập san Lửa Việt do Cha chủ trương và thấy tờ báo rất phong phú. Tôi có ý định muốn cộng tác. Nhưng rồi bận rộn với cuộc sống nên tôi không có dịp thực hiện ý định và từ đó không còn cơ hội để liên lạc với Cha. Tuy nhiên nhóm Lửa Việt của Cha cũng mang lại một kỷ niệm không bao giờ quên trong quá trình trưởng thành của tôi.

Qua Lửa Việt tôi biết được các trại hè do nhóm Về Nguồn tổ chức. Năm đó họ tổ chức trại hè tại tiểu bang Kentucky. Tôi và các bạn mướn xe và lái 15 tiếng từ Texas đến Kentucky để tham dự trại hè này. Thời đó vì còn là trai trẻ và để tiết kiệm, chúng tôi thay phiên nhau lái xe thâu đêm để khỏi phải tốn tiền và thời gian ngủ lại nhà trọ. Ban tổ chức mời được ba diễn giả. Người đầu tiên nói chuyện với chúng tôi là nhà văn Phan Nhật Nam. Tôi không biết bao nhiêu trại sinh cùng lứa tuổi tôi biết tác giả của “Mùa Hè Đỏ Lửa”, “Dọc Đường Số Một”, “Tù Binh Và Hòa Bình” là ai. Nhưng riêng tôi, tôi đã đọc hết ba cuốn sách này. Tuy nhiên ông không kể chuyện đi lính hoặc viết văn của ông mà lại kể thời gian ông sống ở trong tù Cộng Sản. Trong thời gian 14 năm lao động ở trong tù Cộng Sản, ông đã áp dụng tinh thần Hướng Đạo sinh mà ông học được hồi còn trẻ để sống sót lao tù Cộng Sản. Hai người diễn giả còn lại không diễn thuyết mà biểu diễn nhạc cho chúng tôi nghe. Nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo và gõ đàn t’rưng rồi kể chuyện hồi nhỏ ông đã theo học thổi sáo như thế nào và ông đã sáng chế cách gõ đàn t’rưng như thế nào để đạt được âm thanh khác lạ. Người diễn giả cuối cùng là một bác sĩ mà tôi đã quên tên. Ông này chơi đàn bầu. Ông cũng giải thích về những tinh hoa và nghệ thuật của đàn bầu. 

Ở lứa tuổi hai mươi đó, tôi ngưỡng mộ những người viết lách, làm văn chương như Cha Chương hoặc nhà văn Phan Nhật Nam. Nhưng buổi trình diễn của hai người nghệ sĩ lớn tuổi lại đem cho tôi một ấn tượng sâu đậm hơn. Nó cho thấy tôi cần chọn một cái gì mà mình thích rồi phải cố gắng để trau dồi kiến thức, thực tập và rèn luyện để có được một trình độ cao rồi mới có hữu dụng. Phải chọn một thứ rồi trở nên thật là giỏi trong lãnh vực đó chứ không thể cái gì cũng muốn biết sơ sơ rồi cuối cùng không làm nên tích sự vì không đủ khả năng làm hơn những gì người khác đã thực hiện. Tôi chọn cho mình con đường nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nên bao nhiêu năm tháng tôi đã dành thời gian để trao dồi kiến thức về văn hóa Việt Nam. Lâu lâu tôi lại nhớ về kỷ niệm trại hè Về Nguồn và buổi trình diễn nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, nhắc nhở cho tôi tiếp tục kiên trì trong con đường mà mình đã chọn. 

Tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tôi để cho thấy khi chúng ta quan tâm và giúp đào tạo người trẻ, nó sẽ có những ấn tượng và ảnh hưởng lâu dài sau này. Những người như Cha Chương thật sự là giống như những người chăn chiên nhân lành. Họ thương yêu đàn chiên, biết nghe tiếng chiên và sẵn sàng dấn thân để tạo cơ hội cho đàn chiên là những con chiên non trẻ để giúp cho chúng nó phát triển một đời sống hữu ích cho xã hội. Có thể suốt đời của tôi sẽ không có đóng góp gì đáng kể cho văn hóa Việt Nam vì không phải hạt giống nào cũng có thể nào mọc lên thành một cây cổ thụ. Nhưng nếu chúng ta không gieo hạt giống thì làm sao có cây. Khi có cây mà chúng ta không vun sới thì làm sao có hoa trái nói chi tới nó phát triển đến trở thành cây cổ thụ. Thầy của tôi đã dày công phiên âm các tác phẩm Nôm cổ. Tôi hứa với Thầy của tôi là sẽ khai triển những gì mà ông đã bỏ công ra thực hiện. Việc này giống như thầy tôi đã bỏ công ra giết con gà để những người không biết giết gà như tôi có thể biến chế thịt thành những món ăn ngon miệng. Gia tài văn hóa cha ông để lại cũng chỉ có nhiêu đó, nhưng tùy theo sự hiểu biết của mình mà khai triển ra thành bao nhiêu biến hóa mới. Nhưng tất cả cũng phải bắt đầu từ hạt giống được gieo vào đất tốt. Xin cám ơn những người như Cha Chương và Thầy của tôi.”



“My Dear Cha Chương,


There aren’t words to describe how much I will miss you and how grateful I am to have known you. From a young age, you have always inspired me from your incredible work with the poor to the way you were able to connect with people of all ages. I was never able to tell you this, but your hard work with Lua Viet Youth Association inspired me to attend physician assistant school. I always said to myself that one day when I am a PA I could go to Vietnam with you on a mission trip. I promise to do that still, but this time with you watching over me from heaven. You have been a role model to me since I was young and I was so blessed to have a teacher like you to guide me and enrich my faith. I will miss all your jokes, your inspirational yet funny homilies, and your kindness. Even though you’re not here anymore, I know that you’re up in heaven right now, looking over us and keeping us safe. Thank you for making the world a better place and for bringing such a bright light to the Catholic community. “


Có rất nhiều tin nhắn nhưng 2 tin nhắn trên đã nói lên thành quả của việc làm của các anh chị em của Bút Nhóm Lửa Việt, đã đồng hành với anh ta 40 năm qua. Giúp giới trẻ Mỹ gốc Việt, tìm về cội nguồn, hãnh diện về gốc gác của mình. Khi con cháu chúng ta tại Hoa Kỳ hay tại một quốc gia nào khác, hiểu được lịch sử, hãnh diện về cha mẹ, cũng như Việt Nam Cộng Hoà thì sẽ giúp con cháu chúng ta thăng tiến trong xã hội ở xứ người.


Mình nhớ các sinh viên gốc việt tham dự các sinh hoạt với anh chị em BNLV, đều cảm ơn những người đi trước, kể lại cho họ những gì thật sự xảy ra tại Việt Nam khi xưa. Họ sang Hoa Kỳ lúc còn bé, không hiểu gì về Việt Nam. Vào đại học thì thầy giáo, đa số thuộc thành phần thiên tả, chống chiến tranh Việt Nam. Mời người của Hà Nội đến nói chuyện,  rồi trình diễn “Múa rối nước” hay văn nghệ, sẽ thu hút các giới sinh viên gốc Việt theo họ. Hà Nội rất giỏi về tâm công trong thời gian chiến tranh Việt Nam, để thu phục giới trí thức tây phương ủng hộ họ. Họ nghiên cứu rất kỹ về Nguyễn Trãi.


Các anh chị BNLV mời các nhạc sĩ như giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, dạy nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam tại đại học Hoa Kỳ, biểu diễn và giải thích nhạc cụ Việt Nam, tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình mà khi xưa, mình có nghe được một lần tại Đà Lạt. Mời bác Huỳnh Sanh Thông của đại học Yale nói chuyện về Truyện Kiều, giáo sư Nguyễn Quỳnh nói về hội hoạ Việt Nam,…

Hoạ sĩ Vũ Đình Lâm, tại Paris


Các sinh viên gốc Việt tham dự các sinh hoạt này, cảm thấy hãnh diện về văn hoá Việt Nam, không cảm thấy nhục nhã của con cháu Việt Nam Cộng Hoà, bị giới truyền thông thiên tả chửi bới thậm tệ. Khi họ thấy các người vượt biển tỵ nạn cộng sản, nên dám đồng hành cùng các anh chị em BNLV, tổ chức biểu tình, chống cưỡng bách hồi hương tại đại lộ số 5, nổi tiếng nhất của thành phố New York. Cảnh sát chận xe để đoàn biểu tình được  tự do đi trên đại lộ, phát truyền đơn, kêu gọi người Mỹ ủng hộ, nhận thêm người tỵ nạn cộng sản. Có các dân biểu Mỹ đến tham dự  và nhận mấy chục ngàn chữ ký của người Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ, chống cưỡng bách hồi hương, thu nhận thêm người Việt tỵ nạn cộng sản.


Cha mẹ sang đây, bận làm ăn, không có thì giờ giải thích về tỵ nạn cộng sản. Cứ nghe đến cộng sản là họ chửi nhưng không giải thích. Con cái đi học ở Hoa Kỳ, chúng chỉ phục khi được giải thích nguyên nhân. Người Việt sống về cảm tính nhiều hơn nhưng không quen giải thích do đó con cháu không phục. Thêm đi học thì tài liệu về chiến tranh Việt Nam, người Mỹ rất nhục vì thua cuộc chiến nên đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hoà. Kêu chính quyền tham nhũng, đủ trò vô hình trung khiến con cháu người Việt xem thường sự chiến đấu của cha mẹ khi còn ở Việt Nam.


Mình có thời đi học tại Paris, gặp nhiều giới trẻ gốc Việt, rất hãnh diện về cuộc chiến Việt Nam, kiểu David mà dám chọi Goliath nên họ được Hà Nội thu phục, mang danh Việt kiều Yêu nước.

Làm báo Xuân BNLV, gây quỹ giúp Tỵ Nạn


Nếu Hà Nội được lập bang giao là xem như thế hệ con cháu sẽ bị Hà Nội thu phục. Do đó giới trẻ gốc Việt, thậm chí người Mỹ cần được giải độc về sự thất bại tại Việt Nam. Phải thành thật với lớp trẻ.


Ngày nay thì dễ vì có rất nhiều giới trẻ đã sinh sống tại Việt Nam sau 75. Họ hiểu thế nào là cộng sản nên không cần giải độc nhưng vào thập niên 80, phải giả thích vì sao làn sóng người Việt vượt biên, thà chết trên biển cả, đến sống lây lất trong các trại tỵ nạn. Báo chí tây phương cứ đổ lỗi là tỵ nạn kinh tế. Ngày nay, vẫn có nhiều người bỏ nước ra đi, có thể chết ngạt trong các thùng trên xe tải, hay đi du lịch rồi trốn ở lại.


Con mình theo phái đoàn y tế về Việt Nam vào mùa hè, thấy cán bộ và gai đình đến dành chỗ cua người nghèo, để khám bệnh, và hiểu được lý do mẹ chúng phải vượt biển tìm tự do. Do đó, Hà Nội rất sợ các phái đoàn y tế đến Việt Nam chữa bệnh cho người nghèo.


https://youtu.be/iit7aKRh5js



Có lẻ giây phút mình cảm nhận được việc làm của anh chị em BNLV đúng, khi đọc tiểu luận của thằng con, xin vào đại học. Mình cho nó học chơi đàn bầu của Việt Nam. Cháu kể là khi nghe tiếng đàn bầu lần đầu tiên, nghe rất quen thuộc nên muốn học và tập đàn món đàn này. Đến khi cháu đánh thuần thuộc mới nhận ra bản thể của mình là người Việt.



Nguyễn Hoàng Sơn