Trại hè Bút Nhóm Lửa Việt

Khi sang New York, làm việc, mình mướn nhà, đúng hơn là cái loft ở khu Tribeca, khu nghệ sĩ, gần phố Tàu. Dạo ấy khu này không sang chảnh như ngày nay. Mình mướn lại một căn phòng của một tên hoạ sĩ nghèo người Mỹ. Đi làm về thì xuống xe điện ngầm ở Canal Street, ghé vào phố tàu ăn qua loa, phở hay tiệm tàu rồi về nhà trên con đường Canal đến Holland Tunnel, cạnh bên nhà mình ở. Dạo ấy làm việc ngày đêm ở sở, công ty trả tiền ăn trưa và cơm tối nên cứ ăn cơm tiệm. Năm khi mười hoạ mới mua thức ăn về nhà nấu.


Một hôm, thấy một lá truyền đơn dán trên tường trên đường Canal bằng việt ngữ, có hội họp với hội thanh thiếu niên ở vùng New York, tại một nhà thờ cạnh Canal Street. Tò mò mình bò đến tham dự để làm quen với người Việt sinh sống tại đây. Hội này được thành lập để giúp giới trẻ vùng này, hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Nhất là các em con lai. Họ sang đây, bị cộng đồng người Việt không chấp nhận, người Mỹ cũng không nhận nên bị khủng hoảng tâm lý, bản thể, đưa đến hay làm bậy. Họ cần những người lớn tuổi hơn, giúp họ, chỉ họ học hành, luyện thi….

Họ họp bàn định tổ chức trại hè cho giới trẻ vùng đông Bắc tại khuôn viên tu viện Don Bosco ở tiểu bang New Jersey, bên kia bờ sông Houston. Hôm đó, có nhiều nhóm người Việt trong vùng, họp nhau để tổ chức chung trại hè cho nhóm người Việt trẻ vùng đông Bắc. Thế là mình xin gia nhập. Lần họp kế tiếp, tại nhà ai bên New Jersey, hình như nhà của Trương Quang Huy, 1 trong những phụ rể của mình.


Số là lúc làm đám cưới, đồng chí gái có 2 cô bạn và 2 cô cháu đang tuổi cập kê nên muốn 4 phụ rể. Mình mới dọn sang Cali thì làm gì quen được 4 tên tại địa phương. Hỏi có thể mướn 4 người Mễ, di dân lậu, đứng đường ở Home Depot để kiếm việc được không, nhưng cô nàng không chịu vì phụ dâu không biết nói tiếng Mễ. Đành phải cầu cứu mấy ông bạn trong BNLV. Có 2 người ở New Jersey, 1 ở Texas và 1 người ở Berkeley, đồng ý bay về. Trong đám phụ dâu, phụ rể có hai cặp lấy nhau sau này. Nay hai ông phụ rể về Việt Nam cưới vợ và sống tại Sàigòn. Ai ngờ mấy anh chị BNLV rủ nhau kéo về dự đám cưới, khá đông khiến bên đàn trai đông không thua gì đàng gái. Đa số mình chưa bao giờ gặp mặt, chỉ nghe tên ở các tiểu bang khác thậm chí ở nước khác.

Cuối cùng thì mỗi họp mặt, bàn tổ chức trại hè hay giúp tỵ nạn đều họp tại nhà mình vì tiện cho thiên hạ đi lại. Ai có xe, chạy qua Holland Tunnel rất mất thì giờ, chỉ cần đậu xe ở Hoboken bên New Jersey rồi lấy xe điện ngầm chạy qua. Cuối cùng thì trại hè đến.


Mình không nhớ ai chở mình đến trại nhưng mình có nhiệm vụ cắm bảng chỉ dẫn từ ngoài đường vào tu viện. Tên Uber mình, tư duy đột phá, đề suất một ý đồ cực kỳ phản động, cực ngu, là cắm ngược bảng chỉ đường khiến thiên hạ từ các tiểu bang xa, chạy đến trại ngày thứ 6, sau tan sở vào lúc 1 hay 2 giờ sáng, lại lộn đường chạy lòng vòng. May có đám sinh viên U Conn, thích hát hò vang dội một trời nên thiên hạ bò lại được trại hè. Dạo đó chưa có karaoke, họ hát thâu đêm đến sáng nằm ngáo ngáp. Được cái là đến trại, có nồi cháo gà với nước mắm gừng ăn phê thấy Chúa luôn. Nếu mình không lầm, năm đầu tiên không có mưa vì mình đi 3 lần trại hè thì có một lần bị dính mưa. Sau đó dọn về cali thì ngưng, BNLV có tổ chức trại hè ở Cali, trên San Jose nhưng mình lười lái xe. Thêm đồng chí gái không thích cắm trại vì bị dị ứng với bụi đất.


Ngày thứ 7 là chính, có trò chơi thi đua đội, tối lại có văn nghệ lửa trại. Sáng chủ nhật thì ai là giáo dân thì đi lễ với ông cha, còn người lương thì chuẩn bị ăn sáng cho mọi người. Mình thì chả làm gì hết ngoại trừ được phân công làm bảo vệ nhà vệ sinh. Lý do là tu viện dành cho nam chủng sinh nên kiến trúc sư khi xưa chỉ thiết kế cầu tiêu cho nam. Họ lại thiết kế chỗ đứng đái nhiều hơn là bồn cầu nên tạo thêm sự đợi chờ. 1 nhà cầu có đến 6 cái bể đứng đái. Nay có mấy cô vào đòi tắm, đòi tè, đòi maquiller,…nên phải chia giờ sử dụng nhà vệ sinh, trai thì 5 phút, gái thì 1 tiếng. Cuối cùng mấy cô lâu ra mà mình thì không được vào nhà vệ sinh kêu họ ra, đành nói đám thanh niên, kiếm bụi cây nào của nhà dòng rồi tưới u-rê bón phân dùm nhà dòng cho khoẻ đời. Sáng dậy sớm, mình tranh thủ khi mấy cô chưa dậy đi vệ sinh nhanh cho khoẻ đời.


Màn trò chơi thi đua đội, có nhảy bao bố, đi guốc 3 người, chuyền trứng,…. Mấy ông thần nào đã chuẩn bị đóng mấy đôi guốc dài này từ lâu, đem đến cho bà con chơi khá vui. Hình như Dương Trọng Hiếu lo phần này. Anh chàng này khi xưa đi hướng đạo nên rất giỏi trong việc hoạt náo, sinh hoạt tập thể, thêm bố Chương rất giỏi về điều khiển đám đông. Anh ta nói với mình; mình làm hề nhưng biết mình làm hề còn đa số làm hề nhưng không biết họ làm hề.

Lâu quá mình quên các sinh hoạt buổi chiều. Chỉ nhớ mấy trò chơi khi xưa còn bé như cướp cờ, ngồi bàn tròn rồi có người đi bỏ khăn sau lưng, tạo cho mọi người những kỷ niệm, nhớ lại thời còn bé ở Việt Nam. Có màn kéo dây thì hơi căng vì anh nào anh nấy đều muốn làm gà trống, gây chú ý cho các cô nên la ầm cả tu viện. Sáng thì chia theo đội để gây dựng tình đồng đội giữa các người lạ từ mấy tiểu bang về. Chỉ nhớ trưa thì ăn nồi thịt kho trứng do bố mẹ cha Chương nấu, đem đến đất trại. Ai đó nấu cơm rồi ăn với dưa chua. Ai nấy đói lã nên ăn sạch ngầu thịt kho và mấy nồi cơm. Ngoài ra có người nấu ăn riêng, hay nấu thêm món gì mình không nhớ lắm. Mình chỉ nhớ BNLV sinh hoạt lúc nào cũng có nồi thịt kho và dưa chua.


Chơi mệt thì nghỉ trong khi mấy chị nuôi anh nuôi nấu ăn cho cơm chiều. Trong khi đó ban tổ chức họp mặt, giới thiệu về thành quả, các sinh hoạt trong năm vừa qua như gây quỹ được bao nhiêu, bán báo, báo thiệp Xuân, sinh viên trong nhóm đã lên đường giúp các đồng bào tỵ nạn tại các trại tỵ nạn ở Đông NAm Á. Các trại viên nào thích thì tham gia, giúp BNLV như gây quỹ tại địa phương mình, bán báo, bán thiệp tết,…


Lý do nhóm lấy tên là Bút Nhóm Lửa Việt vì dạo ấy có một tổ chức mang tên Lửa Việt nên không muốn trùng tên, gây ngộ nhận. Báo BNLV khá vui, mình bắt đầu viết từ dạo ấy, kiểu gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long. Đều phịa ra hết ngoài một vài thư độc giả gửi đến. Có bức thư tình gửi cho đồng chí gái được nhiều người đến nay vẫn còn nhắc. Ngược lại thì viết về chùa Việt Nam khá nhức đầu cho người đọc. Để hôm nào kể vụ làm báo, nhất là trước thời có photoshop, Corel,…

Sau cơm chiều thì có màn văn nghệ lửa trại. Mỗi nhóm tự biên tự diễn một màn văn nghệ bỏ túi. Trời tối đen, không thấy thằng Mỹ nào. Cũng gọi thần lửa búa xua la mua rồi nhảy lửa, rồi xem kịch tự biên tự diễn. Về khuya thì bà con ngồi gần nhau trao cho nhau những ánh mắt qua ngọn lửa rồi hát bản nhạc vào đời:

Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người.

1. Cho dù rừng thay lá xanh đi
Cho dù biển cạn nước bao la
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.

2. Cho dù đồi hay núi di đi
Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.


Bản nhạc này, thể loại nhạc vào đời của bên Công Giáo nhưng nghe rất hay. BNLV chuyên hát bản này và các bản nhạc họp đoàn hướng đạo khi xưa. Trong nhóm có một vị linh mục nên khi họp mặt, mọi người đều hát Vì tôi là linh mục, không bận chiếc áo dòng nên suốt đời đi tu….

Chụp hình chung sau khi biểu tình giải tán tại NEW YORK. Thời tóc chưa bạc

Đó là những ngày vui chơi, chưa có trách nhiệm với gia đình. Nay nhìn lại hình thấy vui, có nhiều kỷ niệm tưởng như đã quên. Nay bổng nhận hình ảnh xưa như một bóng mây bay trở lại tuổi thanh xuân, cho thấy mình cũng đã sống với thời của mình. Chập chững qua Hoa Kỳ, nhờ nhóm người Việt trẻ, đã giúp mình trở về nguồn như đứa con hoang đàng trở về cội nguồn. (Còn tiếp)


Đi khắp thế gian không ai bằng vợ 

Ở nhà với vợ thì Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn