Du hành động Sơn Đoòng, Quảng Bình

Bất đáo Sơn Đoòng phi sơn đen

Mình nghe đến động Sơn Đoòng lâu rồi nhưng không để ý lắm và cũng không bao giờ nghĩ sẽ đi viếng vì nghe nói ở Việt Nam, họ phá nát các điểm du lịch tại Việt Nam do sự phát triển vô tội vạ, man rợ để lấy tiền ngay bây giờ mà không tường đến hậu quả cho mai sau.


Mình gốc Đà Lạt nên mỗi lần về thăm gia đình, không muốn đi đâu cả. Năm 1995, mình về Hà Nội, được đi viếng Chùa Thầy, quê nội mình, Chùa Hương và Hạ Long,… Quá đẹp! Nay xem hình ảnh các nơi này thì không muốn trở lại.


Năm ngoái có một anh do người quen giới thiệu, cũng dân Đà Lạt. Anh ta kêu 20 năm qua đi leo núi một mình, nay kiếm được người Việt leo núi nên mừng. Anh ta ở Florida thì lấy núi đâu mà trèo để tìm người leo núi. Mình đang dự định leo núi Kilimanjaro, rủ anh ta luôn. Tuần lễ sau, anh ta gọi muốn đi Sơn Đoòng không, còn một chỗ. Mình dự tính về thăm gia đình nên gật đầu đi. Đồng chí gái chửi tại sao không ghi danh cô nàng.


Mình nói chuyện với bà Deborah Limbert, 1 trong những người đã khám phá ra hang động lớn nhất thế giới. Ông Hồ Khanh, đi kiếm trầm, bị mắc mưa nên bò vào khu vực này núp mưa thì khám phá ra hang động. Thật ra là cửa hang thôi. Thấy hơi gió thổi ra thì biết có hang động vì vùng này có vô số hang động. Nghe nói có đến hơn 400 hang động. Hà Nội sử dụng các hang này khi xưa để trú bom, cất quân nhu,…

Sơn đen ngồi đâu cũng đen

Ông Hồ Khanh tìm ra hang động nhưng phải đợi vợ chồng bà Deborah Limbert và một người bạn, để dành tiền đến thám hiểm tìm phía trong. Phải những tay nhà nghề leo núi, hang động mới làm được trò này. Họ sử dụng laser để đo đạt cho chính xác ở trong hang, và tuyên bố là lớn nhất thế giới, phá kỷ lục của một hang động ở Mã Lai A. Không có ai tranh cả nên cứ giữ như vậy. Lý do là các hang động trên thế giới, đa số được giữ kín, chính phủ không đụng đến, muốn bảo tồn. Còn ở Việt Nam thì cần tiền nên phải khuyến khích du lịch.


Theo bà Deborah, sinh trưởng tại vùng Yorkshire, nơi đã có nhiều hầm mỏ đã giúp cuộc cách mạng kỹ nghệ của Anh quốc, biến xứ này thành một đế quốc rộng lớn nhất lịch sử. Bà ta kể khi còn học trung học, trường cho đi tham quan một cái hầm mỏ trong vùng thì bà ta đâm mê các hầm và hang động nên từ đó bắt đầu nghiên cứu các hầm mỏ, hang động. Sau này lớn lên, đi làm để dành tiền để đi viếng thăm các hang động trên thế giới. Bà ta rất khoẻ, không biết bao nhiêu tuổi nhưng mang dép rọ, leo hang để huấn luyện các nhân viên của công ty Oxalis.


Mình nghĩ là một may mắn cho Việt Nam, ông chủ của Oxalis đã mời vợ chồng bà ta làm cố vấn cho các hoạt động du lịch trong vùng này, dưới sự bảo trợ của công ty. Nhờ vậy mà vẫn giữ nguyên vẹn các hang động trong vùng. Họ cho biết lượng du khách muốn tham quan các hang động ở vùng này lên đến 500,000 người du khách, chưa kể thêm 1.5 triệu người hậu cần nhưng theo hiệp hội hầm mõ Anh quốc thì nên cho phép tối đa mỗi năm 1,000 du khách đến thăm viếng động Sơn Đoòng. 10 du khách thì có đến 26-29 nhân viên của hãng đi theo để lo hậu cần. Hai ngày đầu có 26 người và hai ngày sau thêm 3 người đem thức ăn tươi, tiếp tế trên đường. Vị chi có đến 39 người thêm bà Deborah là 40. 


Mình có quen vài tên ở Bolsa, nghe mình nói đi Sơn Đoòng, họ kêu là có đàn em, muốn đi là kêu chúng chuẩn bị là vô. Kinh. Mấy ông thần này ăn đặc sản Quảng trị nên nổ banh xác. Mình thì ngu, ai nói gì cũng tin đến khi bò lại đây thì trớt quớt.


Lý do khí hậu, vào tháng 9 là có mưa lũ nên họ chỉ hoạt động du lịch từ tháng 1 đến tháng 8, là đóng cửa. Do đó mỗi năm chỉ có 1,000 du khách được ghi danh đi viếng động Sơn Đoòng. Họ chia ra 100 tour, mỗi tour chỉ có 10 người khách. Cứ tượng tượng nữa triệu du khách đến vùng này thì chỉ cần 3 tháng là bay hết, tan hoang hết động với động.


Mỗi người trả $3,000, chính quyền lấy $750. Anh trưởng toán được trả 3 triệu, anh nuôi 2.7 triệu, phó anh nuôi thì 2.5 triệu, còn mấy người khác thì chắc 2 triệu. Hỏi họ khi không đi tour thì làm gì, họ nói đi làm hồ.


Mình đi 7 ngày đến Machu Picchu. 2 ngày đầu chỉ có toán của mình lang thang trên đường mòn. Đến khi nhập vào đường mòn Inca, mỗi ngày từ Inca trail có đến 500 người, đông như kiến. Còn đi kilimanjaro thì đông như quân Nguyên. Nội một công ty tên Altezza có đến mấy đoàn. Mỗi đoàn trung bình có thêm 30 người hậu cần. Mình thấy chai nhựa, giấy đi cầu được quăn khắp vùng chiến thuật trên đường leo lên núi. Cứ lấy Hạ Long mà xem hay Sapa là ớn lạnh, rợn người.


Được biết là hợp đồng oxalis và chính quyền đến 2036 nhưng cũng có thể họ hứng là huỷ bỏ hợp đồng nếu có ai tai to mặt lớn ở Hà Nội, muốn làm ăn ở đây. Oxalis là tên me mà mình hay bức ăn khi nhỏ.

Tên công ty oxalis mang tên loại me này

Lúc đầu họ tổ chức chuyến đi là 5 ngày 4 đêm. Nghĩa là đi vào cuối hang rồi trở lại. Hai năm gần đây, họ khám phá dốc đá, có lối thoát ra ngoài, không phải trở lại, được mệnh danh là bức tường Việt Nam. Nên chuyến đi được rút ngắn lại còn 4 ngày 3 đêm. Rút ngắn nên dư thì giờ nên họ cho du khách thay phiên chụp hình tạo dáng nghĩa là leo lên đồi, trên cao để chụp hình, toả dáng, lạng quạng là lăn xuống sông Son là ngọng. Trước kia vì đường xa nên ít có thời gian tạo dáng khoe lên mạng.


Chuyến đi khởi đầu tại văn phòng hay tiệm ăn của công ty Oxalis để mọi người đi chung toán gặp mặt,làm quen. Sau đó được hướng dẫn viên chính tường trình về lộ trình của chuyến đi. Họ xét giày của mình thì khuyên không nên sử dụng vì đường trơn và lội suối nên khó khô và nặng. Thế là mình mượn đôi giày bộ đội của họ. Giày mới hay mới giặt lại mà đã thấy có chỗ rách. Mình lấy đôi hơi rộng để trừ hao khi xuống núi. Ai ngờ đó là lỗi lầm tệ hại nhất. Leo núi, mình thường mang hai đôi vớ vì lạnh, đây ở Việt Nam nên nóng kinh hồn, chỉ mang một đôi tất thế là giày rộng, trơn trợt, khó đi khiến mình phải đi chậm cho chắc ăn. Phần bị jet lag. Lần sau, nên về trước ít nhất là 3, 4 ngày trước khi khởi hành. Để tránh jet lag.

Đây là Hang Én, nhìn trên cao. Ấn tượng nhất của chuyến đi. Mấy hang kia thì không thấy ánh mặt trời, ngoại trừ hai hố sụp.

Họ khuyên nên bận áo toả sáng vì trong hang tối, không thấy thằng tây đen nào. May mình mang theo hai cái áo của vườn mình, rất sáng chói vì mình bận để làm vườn. Lỡ có chuyện gì thì thiên hạ còn mò ra mình trong 20 mẩu đất, đầy cây cối. Vào hang tối, muốn chụp hình thì họ bố trí mấy anh hổ trợ tại nhiều góc với đèn pin để có ánh sáng mà chụp hình. Do đó có thể kéo dài thời gian di chuyển đến 3 giờ chiều mới đến đất trại. Tối đó mọi người ngủ tại nhà nghỉ do công ty đặt trước.


Ngày thứ nhất:

Sáng hôm sau, sau điểm tâm thì mọi người đem hành lý ra để họ cất ở văn phòng và sẽ đưa lên nhà nghỉ khi rời khỏi hang động. Sau đó thì mọi người lên xe vào vùng công viên quốc gia Phong Nha-Kế Bàng. Xe ngừng trên chiếc cầu để chụp chung tấm ảnh lưu niệm. Họ chỉ dòng sông phía dưới cầu rồi nói mùa lũ nước ngập lên tời cầu khiến mình thất kinh vì độ 40 mét chiều cao. 

Chụp kỷ niệm trên cầu, chuẩn bị đi xuống. Toán 10 người thêm bà quản lý Deborah Limbert. Người tìm ra hang động Sơn Đoòng với chồng và 1 người Anh quốc khác.

Trong xe, mọi người bắt đầu tự giới thiệu. Có hai ông tây bà đầm xứ Gia-nã-đại, gần Toronto đi nghỉ hè kỷ niệm 10 năm khói lửa, nội chiến từng ngày. Mình và một anh gốc việt từ Cali, 1 anh gốc việt từ Berlin, xem như 5 người ngoại quốc. Còn 5 người còn lại là sinh sống tại Sàigòn. Hình như có một anh làm việc ở Tân gia Ba. Một anh làm luật sư tại Sàigòn và 3 cô gái cũng từ Sàigòn ra. Có một cô bác sĩ.


Xe đến điểm khởi hành, mọi người xuống xe và đi tè trước khi lên đường. Mình nói cho cặp vợ chồng Gia-nã-đại, khiến ông ta mừng, cảm ơn đã thông dịch những gì hướng dẫn viên bảo cả toán. Sau đó mọi người bắt đầu đi xuống núi đến dòng sông, rồi đi dọc bờ sông, lội qua lội lại dòng suối, mùa lũ thì thành con sông lớn. Ướt giầy rồi khô rồi ướt, rồi khô lại ướt. Chán Mớ Đời 


Vấn đề là vắc. Mình nghe đến con này do mấy người đi lính kể nay mới thấy tận mắt. Họ kêu lấy vớ phủ cạp quần để tránh con vắc chui vào trong. Thấy một anh bị vắc hút máu, kinh.


Gần trưa thì đến cái bản người dân tộc. Hình như tên Đoong. Từ xa đã nghe karaoke vang ầm cả góc trời, cô gái dân tộc nào đang bolero tiếng chày bon bon. Kinh. Lần đầu tiên nghe sơn nữ Bru-van kiêu hát bolero. Đến nơi, họ chỉ cho xem trường học do oxalis, bảo trợ xây cho dân trong bản. Sau đó thì ghé nhà trưởng bản để ăn trưa. Nhà ở vùng này là nhà sàn. Thấy bà mẹ ông ta chạy theo vì ông ta đã xỉn vào lúc trưa. Họ giải thích; dân ở đây gọi bố là mẹ, còn mẹ là vợ. Vợ mình là mẹ mình là đúng đắn, cứ bắt mình làm cái này, cái kia, không được làm cái cái nọ. Chán Mớ Đời 


Anh nuôi cho ăn 6 món, xem như bửa ăn nào cũng có 6 món. Có lẻ để cho những ai thích ăn chay, không ăn mặn,.. ăn xong mọi người rủ nhau đi tè rồi khăn gói lên đường. Gặp toán đi Hang Én 2 ngày 1 đêm, đang trở lại.


Mình thấy cây môn rừng mọc khắp nơi, nghe nói chỉ để cho trâu bò ăn vì hơi độc. Băng rừng lội suối thêm hai tiếng thì anh hướng dẫn viên chỉ cái lỗ như 1/3 hình tròn trên núi, kêu đó là Hang Én. Nhưng cũng mất hơn 1 tiếng mới bò lại đây. Thấy hòn núi cao, có 1/3 lỗ bị khoét, phía dưới thì đá bị bào mòn bởi dòng sông nên có cái khe cách mả đất độ 1 .5 mét. Mọi người lội suối đi vào thì thấy hang to đùng. Mọi người bỏ ba lô lên cái phà được bơm hơi rồi theo hướng dẫn viên leo lên núi cao ngay cái miệng hang, 1/3 hình tròn. Nhìn xuống thấy một dãy lều cá nhân được xếp hàng dọc bờ hồ, với nước xanh. Đẹp lạ lùng.

Từ vượn lên người 

Sau chụp hình toả nắng xuống thì mọi người đi xuống, lên phà để được kéo qua bên kia hồ. Họ nói bận quần tắm vào rồi nhảy xuống hồ bơi. Mình đâu biết có vụ này nên không đem theo goggle nên chỉ dám quờ quạng gần bờ. Phải công nhận đã thật. Sau một ngày vượt Trường Sơn, được tắm ở đây quả là sướng như tiên. Họ kêu không được tắm tiên vì cá tra sẽ cắn con chim. Chán Mớ Đời chỉ có ở Nhật Bản là được tắm tiên.


Tắm xong thì lên có hai cái lều xông hơi. Họ đun nước xông, bỏ dầu xả vào rồi khi nóng thì họ bơm hơi vào lều. Đã thật.


Mình về lều cá nhân, ngủ một giấc vì còn jet lag. 6 giờ họ gọi dậy ăn cơm rồi đi ngủ lại. 1 giờ sáng bò dậy. Hết ngủ nên tới sáng là đừ người nhưng phải dậy để ăn sáng chuẩn bị lên đường.


Ngày thứ 2:

Mới năm giờ sáng, mình bò ra khỏi lều thì thấy anh chàng làm việc ở Tân gia BA, đang ngồi nhìn không gian, hay thiền chi đó. Từ từ thì ánh sáng mặt trời bắt đầu len kẻ từ từ vào miệng hang. Họ kêu mọi người ra thay phiên chụp hình. Kêu mình ngồi trên cái ghế làm như Le penseur của điêu khắc gia Rodin. Mọi người chụp xong xuôi, tính đi lên trên cao thì bổng nhiên có những tia nắng rọi vào miệng hang lại. Thế là bà con chạy lại tạo dáng tiếp. Phải công nhận có những ánh nắng bình mình rọi vào rất là đẹp. Mình chỉ muốn ở lại đây thêm vài ngày.

Hang Én nhìn phía trong thấy dãy lều cá nhân, cái lều để ăn cơm và chỗ đầu bếp.

Xong xuôi thì mọi người theo anh trưởng toán đi lên khe núi để nhìn xuống và chụp hình. Đẹp lạ lùng. Họ có tour Hang Én 2 ngày 1 đêm, ở lại đây một đêm, 1 ngày bò đến, ngủ lại 1 đêm rồi hôm sau bò về lại. Có lẻ mình sẽ đi chương trình này với đồng chí gái.


Sau đó thì đi xuống lấy ba lô bắt đầu lên đường, theo con suối đi vào sâu. Nghe nói đây là địa điểm họ quay phim Peter Pan-Pan and Neverland. Lại lội suối băng rừng qua lại rồi đến miệng hang, nơi ông Hồ Khanh trú mưa, khám phá ra cái động. Mọi người bắt đầu đi xuống thì cảm nhận luồng gió thổi ra nên bận thêm cái áo chắn gió cho chắc ăn. Vào hang Sơn Đoòng thì anh nuôi cho ăn trưa. Mỗi người mỗi suất cơm. Mọi người thay phiên nhau đi vệ sinh. Họ làm nhà vệ sinh hữu cơ như dân làng khi xưa. Bồn cầu rồi mỗi lần đi cầu thì lấy cái gáo múc trấu đổ vào bồn cầu. Phân sẽ làm nóng trấu và ủ lâu ngày sẽ thành phân hữu cơ. Trong thành phố có nhiều tên làm bồn cầu kiểu này trên sân thượng. Mình có tên quen ở New York, làm cái này trên sân thượng vào mùa hè.

Bồn cầu hữu cơ mà thành thị ngày nay ở tây phương hay làm lấy phân hữu cơ trồng rau sạch. Kinh. Lấy trấu rắc lên phân để phân tự huỷ

Ăn xong lại leo lên leo xuống núi đá rồi đến trại qua đêm. Họ kêu bỏ ba lô. Xuống rồi leo lên núi lại thì khám phá một khe núi có chiều ngang độ 1.5 mét. Thế là bà con nhảy xuống với áo quần, giày dép bơi qua bên sông. Nước lạnh nhưng đã kể gì. Bơi về rồi lên xông hơi lại. Tối ăn cơm cũng 6 món rồi đi ngủ.

Tắm cả quần áo và giầy. Lâu lâu cảm nhận một làn nước ấm trong giá lạnh. Chán Mớ Đời 

Ngày thứ 3:

Ngày này sẽ đi đến Hố Sụp 1 và Hố Sụp 2. Nước bào mòn phía dưới nên làm sụp một khoảng đất, để lại cái vòm trời cao. Họ nói băng qua vườn địa đàng chi đó, cây cối xanh rì, khá lạ như trong phim Avatar. Toán được chia ra hai nhóm để khỏi mất thì giờ. Toán này chụp hình ở đây thì toán kia chụp hình chỗ khác rồi thay phiên.

Cứ lội qua suối rồi qua suối để đi nên ướt giày lại trơn vì đi trên sỏi. Tốt nhất là đi dép rồi của người Việt hay nhất

Sau đó lại leo lên dốc đá với dây thừng buộc vào vách đá hay đu dây tử thần đi lên hay đi xuống. Mình bị té vì trơn thêm đôi giày bộ đội. Nghe bà Deborah đứng gần đó chỉ bảo bước qua trái qua phải rồi làm cái bịch va vào đá nhưng nhẹ không sao. 

Rồi đến hố sụp thứ 2, cũng lạ cảnh lạ nơi. Chụp hình tạo dáng. Trong sương mờ toả ra thì thấy dưới hang có dãy lều để ngủ lại qua đêm. Cả toán từ từ đi xuống. Hôm nay không có suối gần trại nên không tắm. Đi Machu Picchu 7 ngày, Kilimanjaro 10 ngày không tắm nên không sao. Ăn tối rồi đi ngủ vẫn còn bị jet lag.

Tạo dáng Thái Cực Quyền trên chiếc bánh cưới

Ngày thứ 4:

Hôm nay là ngày cuối cho chuyến du hành. Tối qua trời mưa, nước dâng cao nên có thể chèo thuyền, còn không có mưa thì lội bùn suốt 600 mét. Không hiểu sao họ không cho đứng lại chụp hình. Họ rửa giày mọi người trước khi lên phà để chèo đến bức tường Việt Nam mà họ mới khám phá cách đây 2 năm, nên có thể leo lên bức tường đá 90 mét rồi ra khỏi hang động Sơn Đoòng.


Mấy anh bao hộ chèo nhưng chắc oải quá nên họ không còn tinh thần chống Mỹ cứu nước nữa nên hò rất xìu. Quảng Bình quê Tôi ơi, khoai khoai khoai khoai, toàn khoai. Xứ này cứ ăn khoai rồi sậu. Bắp Ngô nhưng địa phương này gọi là sậu. Nay người ta khám phá ra ăn khoai lang là tốt. Chán Mớ Đời 

Đây là bức tường Việt Nam cao 90 mét. Phải chèo thuyền 600 mét hay lội xình tuỳ mùa rồi đu dây tử thần leo lên vách núi này để ra khỏi hang động Sơn Đoòng. Đá trơn vì nước nhiều xuống 

Đến cầu thang thì mới hiểu lý do phải rửa giày vì phải leo cầu thang cao 18 mét và đá trơn. Nếu còn bùn là khổ. Mình già nhất, đi chậm nhất nên họ xung phong mình leo trước. Bắt đầu cái thang dài 18 mét, sau đó móc dây thừng, đu dây tử thần lên nốt 62 mét dốc đá nghe nói 45 độ. Rồi cũng lên. Đỡ hơn lần đầu. Mình quên mất phải ưởn người ra phía sau nên cứ lêu bêu bị trợt té cái bạch va vào đá. Cuối cùng mọi người đều leo lên rồi bắt đầu ra cửa hang.


Lúc này mới châm vì đá vôi bị a-xít hoá nên cạnh rất sắt. Họ gọi là đá tai mèo. May là có găng tay để bám vào. Có lúc phải ngồi xuống bò cho chắc ăn. Họ cho mình nghỉ mấy lần để mấy anh bảo hộ hút thuốc lá. Rồi lội suối mới lên rừng, nơi vắc nhảy tưng tưng. Kinh


Cuối cùng cũng bò lên đường nhựa. Mình là kẻ lên sau cùng nên mọi người vổ tay hoan hô vì hết phải đợi trong cái nóng kinh hoàng. Mọi người chụp hình kỷ niệm với mấy anh hậu cần rồi lên xe về nhà trọ, kiểu sinh thái.


Có chị ở Sàigòn đề nghị cho tiền boa mấy người hậu cần 10% chuyến đi là $300/ người. Hai vợ chồng Gia-nã-đại lúc đầu nhất trí sau họ tính lại thì không chịu vì hai vợ chồng bỏ $600. Chỉ có dân Mỹ mới boa chớ tây đầm không quen vụ này. Bà Deborah cho biết thường tiền boa thì bà ta chia đều hết. Thấy cũng đúng vì du hành thành công là do sức của mọi người. Ai muốn cho thêm thì cho. Cuối cùng thì mọi người đồng ý 80% cho toàn hậu cần, 20% thì họ thêm mấy người bảo hộ và trưởng toán. Mình nhất trí nhưng lúc ăn cơm tối chung, mình lén đưa cho anh trưởng toán $100 riêng. Anh này có vấn đề đầu gối. Nói đi nhiều quá nay cái đầu gối phải bị lộn xộn. Chắc đi thêm 2 năm rồi xin nghỉ.

Cơm mỗi bữa tối thiểu 6 món
Nhóm chụp trước khi rời Phong Nha

Ăn xong thì mưa nên mình về phòng ngủ. Sáng mai dậy ăn sáng xong thì mưa nên bò vào phòng nằm tiếp đến giờ trưa ra ăn rồi đến giờ lên xe ra phi trường đi Hà Nội, về thăm quê, ở lại một đêm rồi bay vô Đà Lạt. 


Chuyến đi đưa mình ý tưởng trở lại Việt Nam, để viếng con đường mòn Hochiminh và dãy Trường Sơn nhưng không biết đồng chí gái có chịu hay không. Vùng này là nơi có chiều ngang nhỏ nhất Việt Nam, đâu có 50 cây số từ biên giới Lào đến biển. Học địa lý khi xưa nên không nhớ kỷ lắm. Có nhiều kỷ niệm cho chuyến đi. Ăn uống cực ngon so với chuyến đi Kilimanjaro. Đi chuyến đó họ cho ăn cực kỳ dỡ nhưng phải nuốt. 


Trong toán mình đi có 50% người bỏ cuộc không lên nổi trên đỉnh. Mình đoán là họ ăn không được nên mất sức. Có người chỉ ăn có quả trứng thì sức đâu mà leo lên 8 tiếng đồng hồ lên đỉnh. Không ngon nhưng cố nhắm mắt nuốt để có sức. Đây thì ăn ngon cực kỳ đến 6 món.


Mình nhớ nhất là khi mình hỏi một cô ở bến thuyền Phong Nha, xin ghép thuyền. Cô ta trả lời giọng Quảng Bình : “Dạ đụ rồi chụ ơi”, mình hỏi đụ khi mô, cô ta kêu đụ khi hôm. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn