Bố vợ

Gần đến ngày giỗ bố vợ, nhớ vài kỷ niệm với ông.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với bố vợ mình là hôm đám cưới. Mình hát cải lương giúp vui bà con hai họ đến chung vui, làm chứng nhân cho cuộc đời làm rể của mình trên xứ Mỹ. Mình vừa xuống câu vọng cổ thì ông bố vợ đứng lên, tiến lại sân khấu, rút ra tờ giấy năm đô thưởng mình, xổ tiếng Tây “c' est pour boire!” Khiến ai cũng vui, hoan hô.

Bố vợ mình sinh tại làng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên. Trưởng nam, cháu mấy đời của ông Lê Hữu Trác, còn được gọi là Hải Thượng Lãn Ông. Mình không hiểu lý do nào, nhánh tộc Lê Hữu này lại vào Thừa Thiên vì khi sinh tiền, cụ Trác là người Hải Dương, phủ Thượng Hồng nên ghép tên thành Hải Thượng. Mình có hỏi mấy ông anh vợ nhưng không ai biết, nay mình muốn tìm hiểu về bên vợ để ghi lại cho con cháu thì ông bố vợ không còn. Nghe bà O của đồng chí gái bảo là họ thuộc nhánh mẹ vua Gia Long xuống . Có dạo về thăm Huế, vợ chồng mình ghé lại thăm căn nhà của gia tộc Lê Hữu, bên dòng sông An Cựu. Đối diện bên kia sông An Cựu là căn nhà của bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại. Bố vợ mình tuổi Mùi nên có số làm "vua nghèo". Nghe kể ông rất phong lưu. Mỗi tháng lĩnh lương, ông đưa phân nữa cho Mẹ vợ để lo chi phí gia thất còn phân nữa thì ông ta xài riêng nên Mẹ vợ phải đi buôn Yến thêm để nuôi 6 người con. 

Bố vợ rất thích nói tiếng Tây nên hay nói chuyện với mình vì có dịp xổ tiếng Tây, ngoài ra mình không bao giờ thấy ông nói chuyện với mấy ông anh vợ. Nhiều khi, thợ của mình, Mễ hay Mỹ đến nhà thì bố vợ cứ Bonjour? Rồi thì cứ nổ tiếng Tây khiến mấy tên Mỹ Mễ ngơ ngác. Bố vợ còn thuộc Thơ của Lamartine nên hay xổ với mình khi ngồi đối ẩm. Bố vợ hay thuyết về thời đại thi ca lãng mạn, ngâm "Hai tay em dâng hai quả đào tiên" thì mình hỏi hai quả đào tiên là quả gì thì bố vợ không bao giờ trả lời. Sau này về thăm Hội An, mới biết đào tiên là quả gì.

Nhờ những giờ ngồi nghe bố vợ kể chuyện nên mình mới hiểu thêm về thơ mới, thời nhạc Tây lời ta mà còn gọi là nhạc cải cách,( la musique rénovée ), thời kỳ thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng của phong trào Lãng Mạn của Tây Phương, thoát ly đi làm cách mạng, tạo cuộc sống mới chớ đa số chả phải vì muốn gây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế hệ của ông bị ảnh hưởng rất nhiều về Văn hoá của Pháp tương tự những người Đài Loan thuộc thế hệ của ông rất mến chuộng Văn hoá Nhật vì nước này đô hộ đảo Đài Loan trên 50 năm. Năm 1945, Nhật đầu hàng rồi năm 1949, quân đội của Tưởng Giới Thạch đóng chiếm, áp đặt nền Văn hoá trung hoa nhưng ngày nay, họ vẫn thích coi đài truyền hình Nhật bản hơn là phim bộ Đài Loan.

Mình lấy vợ đâu 6 tháng thì phải về ở rể với bố mẹ vợ. Lý do là gia đình ông anh cả bên vợ dọn ra riêng, vợ mình là cô gái út nên phải về ở chung vì ông bà cụ vợ mới từ VN sang. Người già sang đây buồn nên mình hay ngồi hầu ông bố vợ khi uống trà. Ông cụ kể chuyện đời xưa, nhưng lớn tuổi nên hay lầm lẫn từ thời Bảo Đại qua thời Tây. Ông dùng những tục ngữ ca dao của miền Trung, nghe rất lạ tai nhưng chỉ có thể dùng ở miền Trung như "đưa con vô Nội"....

Một hôm, ông bố vợ vui nên bảo mình; ngày xưa ông ta hay đánh đòn đồng chí gái bằng roi mây. Chỉ tiếc là sang đây không đem theo cái roi gia truyền nếu không thì ông ta sẽ truyền lại cho mình để dạy vợ. Ông bảo vợ mình cứ thấy cái roi là sợ, không dám lộn xộn. Mình nói dạ đội ơn Bố nhưng Cung Thê của con, có sao La Sát chiếu vào, thêm làng bên nội của con có tiếng là sợ vợ nhất Hà Tây nên con không thể nào thay đổi truyền thống của tổ tiên, văn hoá Việt.  

Ông hay gọi mình "Hiền tế" khi vui còn khi căm thù ai thì không bao giờ nhìn ai. Dần dần, Bố vợ lớn tuổi, bắt đầu lãng trí. Nhiều hôm, chạy xe về gặp ông cụ đứng ở ngã tư, vì không biết lối nào về nhà nên mình dừng xe, đón Bố vợ lên xe, đưa về nhà. Đêm đêm, khó ngũ, ông Bố vợ cứ đi vòng vòng trong nhà. Một hôm, mình nghe tiếng động ở cửa phòng nên bò dậy, mở cửa thì thấy ông Bố vợ đứng đái ngay cửa phòng khiến ướt quần của mình, ướt thảm. Ông buồn tiểu, thức giấc, không bật đèn, chả nhớ buồng tắm ở đâu nên tè trước cửa phòng mình.

Một hôm, đang ngủ mình nghe tiếng động nên bò dậy, ra bếp xem thì thấy ông Bố vợ nằm sóng xoài trên sàn nhà, cạnh buồng tắm, máu me đầy mặt, gọi cấp cứu, đưa vào nhà thương. Ông bị tai biến, té va đầu vào cái bản lề của cái cửa. Như một phép lạ, sau vụ đó thì ông ta không hút thuốc nữa. Hình như ông không nhớ là đã từng hút thuốc trên 60 năm khiến mọi người vui vẻ. 

Sau 6 năm ở rể, đồng chí gái và mẹ vợ cứ lục đục hoài vì ai cũng muốn làm thủ trưởng, kêu đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý nên đồng chí gái, nhất quyết ra riêng, mua cái nhà bên cạnh để trông nom ông bà nhưng vẫn thoải mái hơn là hai nội tướng tranh nhau quyền lãnh đạo trong nhà. Ông lãng trí nên dần dần mình không có dịp hầu chuyện với ông. Rồi mấy ông anh vợ đưa ông vào nhà thương, rồi viện dưỡng lão. Mấy tuần sau, ông đi gần mùa lễ tạ ơn. 

Trong nhà quàn, bổng từ đâu có một ông Bắc kỳ đem cái kèn đám ma và cái trống chầu vào. Nói ngày xưa ở Việt Nam có chân trong ban nhạc đám ma nay sang đây nhớ nghề nên xin phép thổi kèn và đánh trống cho ông cụ vui. Ông thổi kèn còn mình đánh trống chầu tiễn nhạc phụ. Cuộc đời kể cũng lạ rồi mình chả bao giờ thấy mặt ông thổi kèn đám ma nữa. Kiếp trước chắc ông ta có nợ với ông bố vợ mình.  Năm nào đến ngày giỗ ông bố vợ, mình lại nhớ những ngày ngồi uống trà với cụ. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nhs