Hình ảnh Đà Lạt xưa

 Mấy hôm nay, thấy có ông Tây nào tải mấy tấm ảnh do ông ta chụp tại Đà Lạt trước năm 75 khiến mình chợt nhớ đến khung cảnh ngày xưa. Mình tính không kể về Đà Lạt xưa nữa vì cứ như múc nước từ ao ký ức rồi đổ sang vùng hoài niệm kia, tát qua tát lại đến khô kiệt. Lâu lâu thấy dân Đà Lạt tải một tấm ảnh mới thì bao kỷ niệm lại tuông về. Mình có đâu trên 800 tấm ảnh cũ của Đà Lạt, do một anh cựu học sinh Lasan Adran tặng.

Đặc biệt tuần này có một tấm bưu thiếp chụp con đường mòn, nối liền đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, băng qua vườn trồng rau. Khi xưa, mình có đi bộ vài lần khúc này. Để hôm nào rảnh mình lục tất cả các tấm bưu thiếp về Đà Lạt ngày xưa bán cho du khách, rồi tải lên đây.

Đường Phan Đình Phùng nằm song song với đường Hai Bà Trưng, được nối liền bởi 3 chiếc cầu chính, xe có thể đi qua: phía Số 4 có cầu ở đường La Sơn Phu Tử, cầu Cẩm Đô, và cầu đường Hải Thượng, gần trường Việt Anh. Đường bộ, hẽm thì có phía sau trường Tân Sanh, cây xăng Ngọc Hiệp, ngay Chợ Nhỏ ở tiệm thuốc tiệm Tây Lâm Viên, một ở Ngã Ba Chùa, đi băng qua vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông bà Võ Đình Dung, và con đường chỗ hãng cưa Xu Tiếng, ảnh của tấm bưu thiếp.

Nói chung từ MÃ Thánh đến trường Việt Anh, tất cả đất làm vườn trồng rau, dọc con suối thuộc về ông bà Võ Đình Dung. Ông Võ Đình Dung là người thầu xây nhà ga Đà Lạt ở đường Nguyễn Trãi và dãy phố khu Hoà Bình, chỗ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đến nhà trồng răng ông Phan gì Trình, bố của thằng Hy khi xưa học chung với mình. 

Chùa Linh Sơn và Linh Quang, cũng được ông bà tặng đất để xây. Ông ta có chân trong hội đồng thị xã Đà Lạt, gồm 3 ngươi Tây và 2 người Việt nên khi người Pháp quy hoạch thành phố, ông ta biết khu nào dành cho người Việt (indigènes) thì mua hết nên sau này được xem là người giàu nhất Đà Lạt. Mình có kể vụ này rồi.

Ảnh chụp in trên bưu thiếp nhìn từ phía đường Phan đình Phùng sang Hai Bà Trưng, thấy con đường đất để người dân đi ra phố.
Đây là phía sau tấm bưu thiếp, được in tại Hương Cảng, chỉ cần dán tem và viết địa chỉ bên phải và vài dòng cho người thân bên trái. Khi xưa, mỗi lần đi chơi đâu ở âu châu, mình mua vài tấm làm kỷ niệm vì không có máy hình, gửi vài tấm cho bạn bè, người thân ở Paris.

Xem hình này thì điểm đầu tiên nhận thấy là Domaine de Marie trên đồi bên kia, ngoài ra còn thấy trường tiểu học Đa Nghĩa mà khi xưa, mình có lên đây chơi vài lần. Khúc này ở đường Phan Đình Phùng gần hãng cưa Xu Tiếng và Ga ra Phan Xứng. Hai nhà này có người học chung với mình khi xưa; Nguyễn Văn Thảo, sau này mình có gặp tại Paris sau 75 và Phan Hiền Huy. Nghe nói anh chàng này ở hải ngoại nhưng chưa có dịp gặp lại.

Có người hỏi mình lý do khi xưa, dân Đà Lạt gọi ông ngoại của anh ta là “ông Xu Huệ”. Tại sao là “Xu”? Mình hiểu là khi xưa, thời tây mấy người Việt đi làm cho Tây, được làm đội trưởng, mà tây gọi là “surveillant”, người Việt gọi Nôm na là “cai” như ông Cai Thỏ. Nhiều khi đọc luôn tiếng tây khá dài vì tiếng Việt là đơn âm nên người Việt gọi “xu” cho tiện.

Ông xu Tiếng, khi xưa làm việc cho tây, học nghề xây cất, sau này làm nhà thầu xây cất. Chính ông ta đã thầu xây Nha Địa Dư, cạnh trường Grand Lycee. Ông ta là 1 trong hai nhà thầu khoán nổi tiếng Đà Lạt với ông Võ Đình Dung ở buổi giao thời của Đà Lạt.

Nha Địa Dư Đà Lạt, do thầu khoán Xu Tiếng xây cất. Ông này chết sớm, cô con gái kể là mới lên hai thì ông ta đã qua đời.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
Phía trên đồi trước Domaine de Marie, thấy khói cháy cỏ, mình đoán là lúc họ chuẩn bị cày miếng đất nằm giữa đường Ngô Quyền và đường Thi Sách, sau này mình hay lên đây đá banh với dân Số 4. Tết đến thì người Huế ở Số 4 hay tụ tập đây chơi bài chòi thì phải.
Ảnh này cho thấy rõ trường tiểu học Đa nGhĩa và nguyên khu Domaine de Marie. Hình này cho thấy con đường mòn nối liền đường Ngô Quyền, Thi Sách, đi mép bên trường Đa Nghĩa, rồi xuống đường Hai Bà Trưng, nối liền với con đường mòn đất qua Phan Đình Phùng. (Hình của Bill Robie)

Nếu mình không lầm nhà thầy Hồ Thanh Tâm, dạy sử mình năm lớp 11, gần xóm trong khu vực này. 

Tấm không ảnh này chụp từ Domaine de Marie, có thấy đường Ngô Quyền, Thi Sách, Hai Bà Trưng và một đoạn đường mòn từ Phan Đình Phùng trước trường Đa Nghĩa. Không thấy khu nhà thầy Hồ Thanh Tâm ở.
Tấm ảnh này chụp trên cầu đi vào chợ Trên, từ khu Hoà BÌnh, tiệm chụp hình Hồng Châu. Thấy cuộn dây kẽm, nhớ là chiều tối, cảnh sát kéo lại để tránh nằm vùng vào đặt chất nổ trong chợ sau Mậu Thân.
Mình có một kỷ niệm bị ông cụ khệnh cho một trận trên chiếc cầu này. Dạo đó, đi vào vườn trong Suối Tía. Không hiểu lý do ông cụ chọn đi đường này, mình cầm cái bình thủy, đựng nước. Có tên nào đi ngược lại, đụng mình, làm rơi cái bình thủy bể. Ông cụ cho một tát nhớ đời về tội xớn xác. Chỗ này chắc là cuối tuần vì trong tuần ít người. Thiên hạ bán lén, lâu lâu cảnh sát rượt chạy mệt thở, chỉ sau này thì cảnh sát cho bán líp ba ga, không rượt nữa.

Mình hay thấy một bà hay ông người chàm, ngồi đây trên cầu, kêu thiên hạ dừng lại để nghe họ xem bói thì phải. Mấy bà ngoài chợ sợ họ lắm, kêu sợ bị họ thư. Kêu người hồi (hồi giáo).

Chỗ này, nơi mấy thang cấp, thường thấy mấy bà sơ của Domaine de Marie, đứng đây bán đồ cũ của người Mỹ viện trợ để nuôi trẻ mồ côi. Sau này mấy sơ bán thẳng cho mấy bà bán áo quần trong chợ, để bán lại cho dân Đà Lạt.

Đặc biệt chiếc cầu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ với cầu thang bên vũ trường La Tulipe Rouge. Chiếc cầu nổi dài, hình chữ K, rất đặc biệt thay vì thẳng. Ngoài ra còn thiết kế mấy dãy phố dưới cầu thang chợ, hai bên hông của Chợ Đà Lạt. Mình có mấy tấm ảnh bản vẽ cũ.

Tấm ảnh này đề ngày 12 tháng 2 1972 do Blaine Jessee chụp. Mình đoán là mùa chợ Tết vì thường họ mướn chỗ này để bán hàng. Hàng năm, thành phố có vẽ mấy cái ô để dân Đà Lạt mướn chỗ để bán mấy ngày Tết. Bà cụ mình hay mướn một chỗ để một chị người làm ra bán, sau này có hai gia đình hàng xóm, mướn chỗ rồi lấy hàng bà cụ bán, kiếm tiền ăn Tết.

Hình này ở khu Hoà Bình, chụp từ dãy phố nhà hàng Chic Shanghai chiếc xe màu xanh, nếu mình không lầm là của ông bà Võ Quang Tiềm, dùng để chở rượu. Mình hay thấy ông tài xế, hình như là cháu của ông Tiềm, hay lái chiếc xe này. Bà Tiềm là chị em bạn dì hay cô cậu với mệ ngoại mình.

Dạo bà cụ mình vào Đà Lạt, được bảo trợ bởi ông bà Phúng, em của bà Tiềm. Sau đó mẹ mình theo việt minh bị bắt chung với cô Minh, con ông bà Võ Quang Hàm, hình như cháu của ông Tiềm, tiệm thuốc tây Minh Tâm. Ông Tiềm là người bảo lãnh bà cụ ra tù. Khi ông cụ mình giải ngủ, học thi vào làm công chức cho ty công chánh, ông Tiềm kêu ra nhà ngủ lại, bắt học thi thay vì để ở nhà, ông cụ lại tính chuyện sản xuất.

Thấy chiếc xe Ladalat của hãng Citroen. Dạo ấy công ty này đầu tư vào Việt Nam, dàn xe hình như được sản xuất tại Việt Nam còn máy móc thì đem từ Pháp sang. Nếu không có vụ 30/4/75 thì ngày nay Việt Nam có lẻ đã sản xuất xe chiến đấu hơn xe của đại hàn.

Chiếc xe đò chạy Sàigòn - Đà Lạt mà khi xưa, mình có đi mấy lần. Bến xe ở gần Ấp Ánh Sáng, cạnh bên cây xăng Caltex. Khi đi thì đến bến xe để đi, còn khi về từ Sàigòn thì nhà Mệ Ngoại mình ở Hàng Xanh nên ra đường chính, kéo ghế ăn tô hủ tiếu rồi đứng đợi bên đường rồi quơ tay để xe Nam Sơn ngừng rồi chạy về Đà Lạt. Mình cũng hay đu lên xe kiểu này vì xe không dám đậu lâu, sợ bị cảnh sát phạt vì đón khách bên đường, xem như ăn gian chủ xe. Tài xế và lơ xe, bắt khách dọc đường thì bỏ túi tiền riêng nên rẻ hơn là mua vé.
Mình đoán là chụp xe chạy lên dốc đường Lê Đại Hành, vì ông ta cũng chụp  tấm ảnh từ rạp Ngọc LAn xuống hồ Xuân Hương, thấy cái mái nhà của cây xăng Caltex
Dạo ấy Đà Lạt ít xe, hoặc là vào giờ thiên hạ đi học hay đi làm hết. Chủ cây xăng Caltex này là ông chủ nhà hàng Chic Shanghai, được thị trưởng Trần Văn Phước cho đất, để ông ta bỏ tiền xây cây xăng. Ngoài ra ông ta cũng bỏ tiền ra để xây khu rạp xi nê Hoà Bình khi họ dời chợ Cũ xuống chợ mới. Phía trong chợ cũ, được thiết kế lại làm rạp chiếu bóng Hoà Bình, xung quanh thì có dãy tiệm bán đồ như mấy tiệm Tiến Đạt, Anh Lân,…
Đây là ảnh chụp từ dãy phố của ông Đội Có, người xây hồ Đội Có, mình có kể rồi, nhìn sang tiệm sách Hoà Bình, nơi hàng năm phải ra đây mua sách của mấy ông tây bà đầm bắt mua để đọc. Tiệm này cũng do mấy chú Ba làm chủ, bên cạnh có tiệm bánh Thanh Nhàn, của hai bác Bửu Ngự, hàng xóm. Nhìn xéo qua thì có tiệm sách Liên Thanh, cạnh bên tiệm giầy Bata. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn