Trung tâm cảnh sát dã chiến Đà Lạt

 Thấy ai đó tải lên tấm ảnh mà mình đã có, chụp trước trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt khi xưa. Thú thật mình không nhớ rõ đây là trại huấn luyện ở đường Trần Bình Trọng hay ở dưới Trại Mát mà mình có đi ngang 1 hay 2 lần. Dạo ấy, đi ngang mấy chỗ này thì ớn ớn, sợ bị chận lại hỏi giấy tờ hoãn dịch.

Có người, từng ở tỏng binh chủng cảnh sát dã chiến, gửi cho mình cái link này. Để hôm nào đi chơi về mình có thì giờ sẽ đọc. Gửi cái link cho ai muốn tìm hiểu thêm các binh chủng Việt Nam Cộng Hoà khi xưa.

 https://canhsatdachien.wordpress.com/

Mình có một kỷ niệm vui ở ngay trước cổng trung tâm cảnh sát dã chiến ở đường Trần Bình Trọng. Một hôm, chạy đi kiếm nhà ai để giao hàng của mẹ mình. Dạo ấy mình đã làm nghề chạy xe Grap rồi. Trưa ăn cơm xong thì mình ra chợ, để xem bà cụ có cần mình chở hàng hoá gì đến nhà khách hàng. Do đó, thiên hạ thích mua đồ ở hàng mẹ mình, được chở đến nhà miễn phí.

Theo thiên hạ sống tại Đà Lạt thì đây là trại huấn luyện Cảnh Sát Dã chiến ở Trại Mát. Mình lại nhớ ở đường Trần Bình Trọng, Đà Lạt. Trí nhớ bắt đầu lộn xộn.

Mình chở bao gạo đi kiếm đường, hình như ở đâu Yagut hay chỗ biệt thư Bà Nhu, nay nghe nói là trung tâm lưu trữ quốc gia về Đà Lạt. Lần sau về Đà Lạt, mình mò đến đây xem, có tài liệu gì để đọc hay không về Đà Lạt. 

Tìm không ra nên chạy lại cho cổng gác để hỏi đường. Ông thần gác cổng nói: “theo thiển ý của tôi, đường đó nằm ở bên tay phải, chỗ Domaine de Marie chạy xuống. Mình tiếng Việt không rành mà ông thần này xổ nho nữa nên gãi đầu, như bò đội nón. Hỏi lại mấy lần mới được bình dân học vụ để hiểu.

Sau này về thì thấy Hà Nội cho thành lập một trường gì đó, không nhớ vì không hỏi, sợ nghe cán bộ xổ nho nữa. Hình như trường đào tạo công an. Ông thầy Sâm, dạy Thái Cực Đạo mình, cũng là huấn luyện viên cho cảnh sát dã chiến ở trung tâm này.

Tấm ảnh này chắc được chụp lâu lắm rồi, trước Mậu Thân vì sau Mậu Thân, mình thấy lô-cốt ở ngoài thêm dây kẽm gai cuộn đầy, xung quanh trung tâm. Hình như ngày nay, Hà Nội gọi là cảnh sát cơ động, chuyên đi dẹp biểu tình. Mình nhớ khi xưa, có vụ miền trung chi đó. Ở chùa Linh SƠn, sinh viên học sinh cũng tụ lại đây, chửi bới chính quyền Thiệu Kỳ chi đó. Mình học được chữ Đoạn Lầu Đài, khi sinh viên kêu đem ông Kỳ lên đài này. Một hôm, mình thấy xe nhà binh GMC chở đầy cảnh sát dã chiến chạy vào chùa, đậu nơi sân rồi cảnh sát dã chiến nhảy xuống, lựu đạn cay, khói đủ nơi, dùi cùi được sử dụng khệnh đủ trò, khiến mình như được xem xi nê miễn phí. Sinh viên chạy như đàn ong vỡ tổ.

Học viện cảnh sát quốc gia được thành lập vào năm 1965 để đào tạo các sĩ quan cảnh sát quốc gia với văn bằng tú tài 1 trở lên.

Nếu mình không lầm trung tâm cảnh sát dã chiến nằm trên đường Trần Bình Trọng. Nếu ai chạy từ đường Hải Thượng lên nhà thương, thay vì quẹo phải đến đường Calmette thì cứ tiếp tục chạy qua ty quan thuế rồi chạy xuống cái dốc, quẹo vòng vòng sẽ đụng đường Trần bÌnh Trọng, bên tay trái.

Còn chạy từ Domaine de Marie xuống thì gặp đường Mai HẮc Đế, sẽ gặp đường Trần Bình Trọng bên tay phải còn đường kia tên Yết Kiêu thì phải chạy xuống biệt thự Bà Nhu. Nghe kể là tiền do ông bố bà Như cho mượn để mua. Bên cạnh có một biệt hự mà tây lai mật thám bị ám sát, hình như hụt thì phải, hay chỉ bị thương. Sau vụ này, có một số người tình nghi bị bắt. Lâu quá mình không nhớ rõ. Không có dính liệu đến vụ mật thám tây lai bị bắn trước tiệm Đức Xương Long.

Khi xưa, con trai tránh những khúc này vì hay bị thổi còi, xét giấy tờ hoản dịch. Dạo ấy thiên hạ tránh ra khu Hoà Bình, chỗ tướng Việt Anh, rạp Ngọc Hiệp vì có xe tuần cảnh
Chỗ này có lô cốt, cảnh sát hay đứng gác, sợ Việt Cộng phá cái đập cầu ông Đạo. Có lần thấy ông lính cầm súng bắn xuống mấy cái lục bình, tình nghi có người nhái của Việt Cộng 

Hình như khu vực này có một trường tiểu học Trần Bình Trọng thì phải. Chạy thẳng đường này sẽ vào nhà thờ Cam Ly. Dạo đó mình cũng ngại chạy xa trung tâm thành phố thêm sợ vào xóm lạ, hay bị dính mấy vụ đánh hội đồng.

Theo mình hiểu Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, được trang bị võ trang như quân đội tác chiến, chớ không phải đeo rouleau như Cò Giao, đứng ở khu Hoà Bình. Hình như Tuần Cảnh, hay đứng xét giấy tờ bắt lính cũng thuộc các đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến, ngoài ra còn có nhiệm vụ trấn áp, dẹp tắt các bạo động, biểu tình.

Có dạo chiến dịch Phượng Hoàng tại Đà Lạt, tuần cảnh và quân cảnh lùa thanh niên vào thao trường để thanh lọc. Xét giấy tờ, đủ trò bắt đi quân dịch. Ông cụ mình lâu lâu về nói không nên ra đường vì đang có thanh lọc. Tương tự khi thi tú tài, có màn đi khám sức khoẻ cho thí sinh nam còn nữ thì được miễn. Lý do là họ xét xem có tên nào bị dính bệnh sốt rét, có thể dinh dáng đến nằm vùng.

Sinh viên sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến được huấn luyện tại học viện Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi tốt nghiệp, có thể được gửi đi tu nghiệp thêm ở các trường huấn luyện khác như Thủ Đức. Nhiều khi được gửi đi các nước khác để học thêm như chú Cương Đen, an ninh quân đội, bạn của bố mình, được gửi sang Nhật Bản tu nghiệp thêm.

Nghe kể trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt, là một trung tâm huấn luyện lớn của miền nam trước đây. Một số đơn vị được sử dụng cho chiến dịch Phượng Hoàng đến khi lính mỹ rút lui khỏi Việt Nam. Từ dạo ấy mình chỉ lo học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm để được đi Tây. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn