Xung quanh chợ Đà Lạt trước 1963

 Hôm nay, ngồi lọc một ít hình ảnh cũ Đà Lạt, thấy có mấy tấm ảnh xung quanh Chợ Mới Đà Lạt, trước khi ông Diệm bị lật đổ thấy tiếc vì sau đó, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt bị Hội Đồng Cách Mạng cách chức, lấy cung, xem có ăn gian khi xây chợ và không tìm chứng cứ nào cả. Lấy bụng ta suy bụng người.

Giới theo nịnh chế độ mới, tố cáo ông Phước là ăn gian, ăn hối lộ những khi đưa sổ sách ra thì thấy ông ta không ăn một đồng của dân thị xã Đà Lạt. Nên nhắc lại công ơn của thị trưởng Trần Văn Phước, ông ta mượn tiền ngân hàng để xây và sau đó bán các gian hàng cho những người như mẹ mình, đã thu vốn lại và trả hết cả vốn lẫn lời. Mình có kể vụ này rồi.

Theo mình hiểu, ông Trần Văn Phước là thị trưởng người Việt tại chức lâu nhất. Sau ông ta có vài người chỉ được bổ nhiệm vài năm hay vài tháng, đặc biệt có một nữ thị trưởng đầu tiên, tên Nguyễn Thị Hậu, mình có người dì bà con, làm thư ký cho bà, khen bà này giỏi lắm. Nghe nói bà ta đã từng làm người mẫu cho Cát Tường Le Mur ngoài Hà Nội. Người cuối cùng trước khi Đà Lạt di tản là ông Nguyễn Hợp Đoàn. Ông này sang Hoa Kỳ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất rất thành công. Ở Cali, cũng có một ông tướng mở tiệm loại này khá thành công, nay qua đời, cái tiệm chắc con cháu bán nên đã được phá huỷ để xây trung tâm văn hoá, thương mại.

Sau 1963, Đà Lạt bắt đầu xây lộn xộn. Các cuộc chỉnh lý liên tục, thay thị trưởng như chong chóng nên không có ai làm gì cho sự phát triển Đà Lạt, để lại dấu ấn thêm các ông tá được chỉ định làm thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức, để lo về an ninh, vì Việt Cộng đánh phá. Mình chỉ biết ông Nguyễn Hợp Đoàn có chương trình dời 2 bến xe đò ở trong thị xã ra ngoại ô, ở đường Nguyễn Tri Phương mà ngày nay mình thấy họ làm ở địa điểm đã dự tính trước 1975. Ông cụ mình làm ở Ty Công CHánh và Công Quản Nước Đà Lạt nên hay kể cho bạn nghe còn mình thì hóng chuyện người lớn. Chán Mớ Đời 

Mình thấy bản vẽ thiết kế chợ Đà Lạt và xung quanh của kiến trúc sư Nguyễn Duy Thức thì không thấy khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge. Những địa điểm này được thiết kế xây vườn Bách Thảo, hoa để du khách và thị dân du ngoạn, ngày nay người ta gọi là vùng xanh. Sau này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chỉ định, thiết kế đô thị khu Hoà Bình và Chợ Mới Đà Lạt nên mới thấy các khu phố hai bên chợ và nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. 

Mình thấy cái cầu nổi đi vào chợ là điểm hay nhất của thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chỉ tiếc là cầu thang lớn đi xuống chợ, không được liên kết với nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Dượng Thụ đã từng ở La MÃ 3 năm, có thể dùng cầu thang chỗ công trường Tây Ban Nha làm mẫu.

Xem hình trên, mình đoán được chụp trên mái nhà của Khu Hoà Bình. Cận cảnh là khu thương mại, có “arcade “ không biết tiếng Việt gọi là gì, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thiết kế phá bỏ, bù lại thì thêm khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge hai bên cầu thang đi xuống chợ. Mình có kể trong bài sự thành lập Khu Hoà Bình.

Ngoài ra thay vì làm vườn hoa như dự định, họ xây thêm mấy căn phố bên phải của đại lộ đi vào từ bùng binh, căn đầu tiên là cà phê Hạnh Tâm, có một ngân hàng tên Nam Đô và tiệm chụp hình gì quên tên, chắc phải lục lại mấy bài viết của mình trước đây. Già rồi nên bắt đầu quên. Chỉ nhớ là ở đường Duy Tân có một tiệm, con trai ông này, tên gì có chữ Khánh, ra đó mở để chụp hình lưu niệm cho du khách đến xứ hoa Anh Đào.

Ta thấy từ bùng binh cầu Ông Đạo chạy vào chợ có một đại lộ rộng thênh thang, hai bên đại lộ là bãi cỏ và vườn hoa. Hai bên hông vườn hoa , có hai con đường nhỏ để xe hơi có thể chạy ra, hay để đậu xe, ngoại quốc gọi là lộ chửa cháy. 

Trong trường hợp có sự cố ở trong chợ, xe không vào được vì kẹt xe,…thì xe cứu hoả có thể chạy theo hai đường nhỏ này vào. Mình về Đà Lạt thì thấy đông nghẹt, xe và người chen chút, chỉ cầu mong là đừng cháy chợ vì sẽ có người chết rất nhiều, không thoát được và xe vòi rồng cũng không chạy vào được. Mình có đi vòng vòng để xem có những vòi nước lớn để khi khi có cháy thì nhân viên cứu hỏa có thể sử dụng để chửa cháy thì tuyệt nhiên không thấy. Bệnh nghề nghiệp. Khi vào rạp xi nê hay đi xem hát, khách sạn,…mình luôn luôn xem lối thoát chửa cháy. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, ở hai đầu chợ, đều có bể nước nên khi có hoả hoạn, người ta có thể lấy nước dội để dập tắt lửa nhỏ. Nay thì tuyệt nhiên không thấy. Có lẻ họ dấu chỗ nào mình không thấy.

 Mình nhớ sau này, khi có chợ Tết thì hai bên đại lộ từ Cầu Ông Đạo chạy vào, xe đậu nghẹt nhưng không thấy ai đậu xe ở hai đường nhỏ cả.

Dọc con đường Lê Đại Hành đã thấy trồng mấy cây mai, nở vào mùa xuân, đẹp lạ lùng. Mấy kiosque ở đường Thành Thái, nằm thấp dưới, không choáng tầm nhìn của dãy nhà, đúng hơn là cư xá công chức bên tay phải. Tiệm kem Việt Hưng là căn đầu, của một ông người bắc, nhà đâu trong đường Trần BÌnh Trọng, mình có học ở vườn trẻ Thanh Ngọc với hai cô cháu của ông ta.

Thị trưởng Trần Văn Phước (ngồi giữa), người có công xây dựng Đà Lạt sau khi người Pháp về nước. Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, được ông Ngô Đình Diệm bổ nhiệm lên Đà Lạt. Ông ta mượn tiền để xây chợ Đà Lạt, được xem là ngôi chợ đẹp nhất Đông Nam Á dạo đó.

Mình kể cho những người cùng thế hệ của mình hay lớn tuổi chớ thế hệ của em mình thì chắc như bò đội nón, chả hiểu mô tê chi. Cuối đường Thành Thái là rạp xi-nê Eden, sau này bán lại người Việt, đổi tên lại Ngọc Lan và Ngọc Hiệp.

Phía bên kia hồ Xuân Hương thấy con đường Trần Quốc Toản, nối liền với Phạm Ngũ Lão ngay ngã ba đường lên dốc nhà thờ Con Gà. Không nhớ đường này gọi là gì. Hình như Lê Đại Hành, kéo dài từ đây qua cầu Ông Đạo rồi lên đến khu Hoà Bình. Bên tay trái, thấy biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai mà nay họ mới đập bỏ, để nới rộng con đường Trần Quốc Toản. Phía sau hơi mờ là khách sạn Palace.

Hình này, cho thấy họ đang làm đường, tráng nhựa, thấy chiếc xe hủ lô của ty công chánh khiến mình nhớ vài kỷ niệm về làm đường ở Đà Lạt khi xưa. Hình này cho thấy họ mới trồng mấy cây tùng nhỏ ở ngay bùng binh, sau này to lớn hơn, không biết bây giờ còn hay không.

Bên phải là một phần của chợ mới Đà Lạt vừa mới xây xong, cầu thang to lớn để nối với khu Hoà Bình. Chúng ta thấy dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất cho thuê, sau này thì bán lại, khá nhiều mấy người gốc Hoa mua như Chic Shanghai, Vĩnh Chấn. Mình chỉ nhớ căn đầu bên trái, chỗ cầu thang đi băng đến đường Trương Vĩnh Ký, là nhà ông trồng răng của ông Trình, mình có học chung con ông ta tên Huy. Tên này đánh vũ cầu rất hay.

Điều phản cảm nhất trong tấm ảnh này là khách sạn Thuỷ Tiên 4 tầng, được xem là cao nhất Đà Lạt thời đó, nằm chình ình sau dãy phố của ông bà Võ ĐÌnh Dung. Bên phải chỗ cái talus là dãy phố rất tây, có arcades để tránh nắng vào buổi chiều. Nếu đi phố thì ai cũng thấy phía dẫy phố đồng hồ Tiến Đạt và tiệm thuốc Anh Lân, đều có máy tấm vãi che nắng vào buổi chiều để tránh nắng lọt vào. Có dịp mình sẽ kể rõ hơn. Sắp đi chơi cả tháng nên không biết có nhớ khi về. Ai thích thì nhắn mình.

Tấm này chắc được chụp cùng lúc với tấm trên cho thấy bên tay trái, đã bắt đầu thực hiện vườn hoa ngay cầu thang, còn phía bên phải thì bến xe đò Chi Lăng đã hoạt động, không thấy La Tulipe rouge hay khách sạn Mộng Đẹp. Tấm ảnh này chỉ rõ cầu thang chợ đi lên rồi nói tiếp với cầu thang chỗ phòng trồng trăng nha sĩ Trình, và đường Trương Vĩnh Ký. Mấy cái bàn với dù được dựng lên để bán đồ kỷ niệm cho du khách nhưng không có ai mua cả, cuối cùng quăng. Lý do không ai muốn mỗi ngày phải đem đồ đến bán rồi tối đem về. Đà Lạt mùa mưa gió là chết, không có chỗ núp.

Ông này xin phép xây 3 tầng nhưng chơi cha thiên hạ, xây thêm 1 tầng và đóng phạt nhè nhẹ, thị dân Đà Lạt mất một công viên để ra đây chơi. Phải bò đến vườn Bích câu mới có chỗ để tâm sự buồn vui đời anh em.

Hình này sau 1963, ông thầu khoán xây chợ mới Đà Lạt, tên Nguyễn Linh Chiểu, chạy chọt làm sao mua miếng đất chỗ cái vườn hoa bên cạnh cầu thang lớn, xây cái khách sạn to đùng. Cái mất dậy là ông ta xây lậu thêm 2 tầng, khiến che mất quang cảnh của thị dân từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương. Nghe nói ông ta có bị phạt nhưng nhẹ, đút lót một tí là xong với quan chức đệ nhị cộng hoà.

Nếu mình không lầm cửa chính đi vào nhà hàng từ cầu thang. Khi có tiền mình hay đến đây mua bánh mì thịt có pâte gan, ăn ngon kể gì. Chỗ này có nhảy đầm, ăn uống dành cho giới thượng lưu Đà Lạt khi xưa. Ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp tại vũ trường này. Mình không biết Xí Rổ chém Đại Ca Thay ở đây hay phía dưới bên sẽ đò. Nghe kể khi xưa, Xí Rổ giỏi võ.
Nhà hàng La Tulipe Rouge, được xây cất 2 tầng, để không che quang cảnh từ khu Hoà Bình. Trong khi khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thành 4 tầng, che lấp hết. Hình này cho thấy cái tháp chuông, điểm nhấn của Đà Lạt tương tự khi người ta trông về phía nam thì sẽ thấy tháp chuông nhà thờ Con Gà.
Tấm ảnh này chụp ngày trên đường Lê Đại Hành, cho thấy khách sạn Mộng Đẹp của ông Nguyễn Linh Chiểu, xây lậu thêm 2 tầng nên che lấp quang cảnh của Đà Lạt nhìn từ khu Hoà Bình, nhất là từ xa người ta thấy khách sạn này che mất cái tháp chuông của khu Hoà Bình. Mình thích tấm ảnh này vì có chiếc xe Jeep của ông cụ. Đà Lạt khi xưa chỉ có một chiếc xe Jeep tư nhân, sơn màu xanh da trời, thêm bảng số nữa.
Họa đồ thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, rể Đà Lạt cho thấy chiếc cầu nổi, nối khu Hoà Bình vào lầu 2 Chợ Mới. Thấy cầu thang cắt ngang dãy phố nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Đặc biệt là các kiosque dọc bên đại lộ từ cầu Ông Đạo chạy vào, khác với hoạ đồ cuối cùng. Bãi đậu pedalo nhà hàng Thanh Thuỷ sau này.

Mấy căn phố trên đại lộ vào chợ mới Đà Lạt. Căn đầu tiên bên phải là tiệm cà phê Hạnh Tâm
3 căn phố gần chợ. Dạo ấy thị dân Đà Lạt ít ai có xe nên đi bộ mệ thở
3 căn phố như hình trên nhưng hình màu, chắc người Mỹ chụp vì dạo ấy ít người Việt chơi hình màu lắm. Có tiệm hớt tóc, còn 2 căn phố kia chưa có người mua hay mướn, một sau này là tiệm chụp hình còn Nam Đô Ngân Hàng là căn thứ 4.
Hình này chắc chụp từ trực thăng, thấy mấy căn phố cách nhau, đại lộ vào chợ, hai bên có con đường nhỏ để vòng ra. Khách sạn Mộng Đẹp (Modern) nằm sát dốc Lê Đại Hành. Mình thấy đường Thành Thái có tiệm gà Gala với cái nóc nhà khác với tiệm kia. Bên trái là rạp xi nê Ngọc Lan.
Hình chụp từ đầu đại lộ đi vào, bên phải các căn phố đang được xây cất. Khi xưa đi bộ chỗ này mệt thở vì to rộng. Vào dịp Tết thì họ cấm xe đi vào phía sau chợ nên xe đậu suốt hai bên đường đầy. Lý do là họ dùng đường để làm chợ cho những ai muốn kiếm thêm tiền đẻ ăn Tết. Đông lắm. Bên trái chợ, có căn 3 tầng, đối diện photo Hồng Châu, sau này bị phá bỏ.

Bên tay phải cầu thang cũng khệnh nhà hàng La Tulipe rouge, trông rất phản cảm, làm mất vẻ oai vệ của cầu thang. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn