Hạnh phúc chính trong cuộc đời?

Đồng chí gái đang chuẩn bị về hưu nên hai vợ chồng đang thảo luận xem làm gì để giúp cả hai có sức khoẻ, vui vẻ đi nốt hoàng hôn của đời mình. Nếu muốn đầu tư vào chính bản thân mình cho tương lai, thì chúng ta sẽ sử dụng thời gian vào đâu? Về hưu mà ngồi xem phim bộ hàn quốc là mệt.

Có một vị bác sĩ làm trong viện dưỡng lão kể bệnh nhân của ông ta trước khi chết, thường rất hối tiếc, không dùng nhiều thời gian với người thân, chỉ lo làm tiền. Có một linh mục kêu đi đọc kinh cho một giáo dân bị ung thư, ông này kêu tạ ơn Chúa đã cho bệnh ung thư, nhờ vậy mới hiểu về lý lẻ cuộc đời. Ăn năn vì lo làm ăn giàu có để không để ý đến con cháu. Một thiểu số rên là có nhiều việc để làm mà nay thì sức khoẻ không cho phép. Chán Mớ Đời 

Có một cuộc thăm dò thế hệ con mình, hỏi về mục đích quan trọng nhất trong đời họ là gì? 80% thế hệ con mình trả lời là kiếm được nhiều tiền. Trong số đó có 50% cho rằng ngoài tiền bạc, họ muốn được nổi tiếng. Kinh

Lý do là khi xưa, mình cũng có ý tưởng được nổi tiếng về kiến trúc nhưng khi thằng con ra đời thì mình thấy cần tiền mua sữa và tả nhiều hơn. Nay con cái đã học xong thì nghĩ khác. Cho thấy cuộc đời như con sông có khúc người có lúc.

Trẻ em tại Hoa Kỳ bị áp lực gia đình và học đường phải học cho giỏi, cố gắng thêm để thành đạt. Chúng được chỉ định theo những con đường, cho rằng sẽ dẫn đến hạnh phúc trong cuộc đời. Tiền bạc và danh vọng được rao bán khắp nơi. Các đại học rao bán giáo dục là quan trọng, phải vào đại học danh tiếng, tốn tiền để phải mua cái áo bận để cho thiên hạ biết, tốt nghiệp hay thậm chí có con học đại học này, đại hoc kia. Hôm tước, gặp mấy người bạn, hỏi con đi học ở đâu, nói là ở tiểu bang Washington, ra trường là có việc vì đi thực tập ở công ty Microsoft nhưng phải trả thêm $30,000 một năm vì là dân ở ngoài tiểu bang. Xem như 4 năm đại học phải tốn $300,000. Kinh

 Nếu chúng ta được hỏi về quá khứ thì đa số quên rất nhiều những gì đã xẩy ra trong cuộc đời mình. Bạn học khi xưa, hay hỏi mình một câu rất phổ thông; sao mày nhớ nhiều thế. Có một anh bạn học kêu, cùng học một tường một thầy, sống chung trong thành phố mà sao mình lại biết và nhớ nhiều chuyện tại Đà Lạt xưa. Khi mình kể thì anh ta ngơ ngáo, thậm chí khi mình kể về những kỷ niệm với anh ta. Có lẻ anh ta lo học quá, chỉ để ý vào học trong khi mình thì đi chơi khắp Đà Lạt.

Lâu lâu nhớ đến những gì xẩy ra khi còn ở Việt Nam, Pháp quốc hay những quốc gia mình đã từng sinh sống 1 thời vô hình trung một sự việc gì đó đã khiến cuộc đời mình thay đổi vì một lời nói, một cuốn sách của ai cho mượn đã thay đổi hướng đi đời của mình. Đó là nhờ sự liên hệ với những người mình quen khi xưa. Đa số mình vẫn còn giữ liên lạc đến nay dù đã 40 hay 50 năm qua.

Nếu chúng ta có thể xem lại hoàn toàn cuộc đời mình từ bé đến nay như trong phim Back to the future? Để xem thế nào là hạnh phúc của đời người. Như thể Kha luân Bố rời Âu châu với một ý niệm và trở về với một kết quả khác. Khi ông ta rời Bồ Đào Nha, ông ta có ý tưởng là đi về phía tây để đến Ấn Độ nhanh hơn nhưng ông ta vô tình khám phá ra Tân Thế Giới và có ý niệm trái đất tròn hơn, to lớn hơn thay vì Ấn Độ là cuối chân trời. Tương tự mình khi mình đi tây với ý định học Kỹ sư dệt nhưng cuối cùng mình lại tốt nghiệp kiến trúc sư, nay lại định cư tại Hoa Kỳ.

Tại đại học Harvard, có một nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành (adult Development), được xem là nghiên cứu lâu nhất về cuộc sống của người trưởng thành. Từ 78 năm qua, họ theo dõi 724 người đàn ông. Mình thấy rất lạ vì không có phụ nữ. Có lẻ dạo ấy phụ nữ chưa có tham gia vào đời sống xã hội như ngày nay. Mỗi năm, họ phỏng vấn những người này về công ăn việc làm, đời sống gia đình, sức khoẻ và mục đích trong đời của họ. Trong số 724 người này có cố tổng thống Kennedy.

Thông thường các nghiên cứu về vấn đề này rất ngắn vì người ta bỏ cuộc hay không còn tiền hoạt động cho chương trình. May mắn là chương trình vẫn được tiếp tục đến ngày nay, dù chỉ có 60 người còn sống, vào tuổi trên 90. Cuộc nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu 2,000 người con của những người này để xem có ảnh hưởng đến thế hệ thứ hai.

Từ năm 1938, nghiên cứu này theo dõi 2 nhóm đàn ông. Nhóm thứ nhất là sinh viên năm thứ 2 của đại học Harvard. Họ đều tốt nghiệp trước thế chiến thứ 2, đa số đều đi quân dịch, tham chiến. Nhóm thứ 2 là một nhóm đàn ông trẻ, cùng tuổi sinh sống trong khu vực nghèo đói nhất của thành phố Boston. Đại học Harvard thuộc thành phố Cambridge, bên cạnh thành phố Boston, cách nhau con sông Charles.

Lý do họ chọn khu vực nghèo, không có nước máy trong nhà và không học đại học vì dạo ấy dân đi học đại học thường là con nhà giàu có từ nhiều đời. Chỉ sau đại thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ mới có những chương trình giúp học bổng, khuyến khích mọi tầng lớp vào đại học.

Khi 724 đàn ông tham gia cuộc nghiên cứu thì tất cả đều được khám sức khoẻ, phỏng vấn, thậm chí còn đến nhà để phỏng vấn cha mẹ. Sau này họ lớn lên, đi làm, trở nên công nhân, bác sĩ, luật sư,.. trong đó có tổng thống JFK. Một số bị nghiện rượu, có người bị bệnh thần kinh. Một số leo cao nấc thang danh vọng trong xã hội, một số thì đi ngược lại,…

Cứ cách 2 năm thì các nhà nghiên cứu liên lạc với số người tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu này để lấy dữ liệu và gửi thêm các câu hỏi đặc biệt dành cho nghiên cứu. Có nhiều người sống ở khu phố nghèo của Boston hay đặt câu hỏi, tại sao các ông bà cứ hỏi về tôi, đời tôi chả có gì đặc biệt cả trong khi những ai tốt nghiệp Harvard thì cho đó là chuyện đương nhiên.

Nghiên cứu viên gửi các câu hỏi trước rồi đến nhà để phỏng vấn, lấy các dữ liệu y tế của bác sĩ của họ, lấy máu, Scan não bộ của họ, hỏi chuyện con cái thêm quay video các người vợ về những gì họ lo ngại, quan tâm nhất. Cuối cùng thì họ mời các người vợ tham gia cuộc nghiên cứu.

Họ khám phá sau 78 năm nghiên cứu 724 người nói trên, đủ mọi thành phần, kết quả cho thấy hạnh phúc của họ không phải làm việc nhiều hơn, có tiền nhiều hơn, nổi tiếng mà là quan hệ tốt giữa vợ chồng, con cái và thân hữu. Bằng chứng cho thấy mấy ông tỷ phú, ca sĩ, tài tử ly dị như cơm bữa,.. có người còn tự tử,…

Cho thấy chúng ta được trang bị khi còn trẻ bởi những định nghĩa về hạnh phúc đời người rất khác với thực tế, khiến chúng ta phải chạy đua với bạn bè, hàng xóm, để rồi một ngày nhận ra mình đã chạy vào hư không thì đã muộn.

Họ nhận ra 3 điều quan trọng về quan hệ. Thứ nhất là quan hệ với xã hội, thân hữu rất tốt cho chúng ta, sự cô độc sẽ giết chúng ta lần mòn. Nhiều người Mỹ quen, về hưu, họ tham gia các hoạt động chùa chiềng, nhà thờ hay các hội từ thiện, khiến họ yêu đời hơn, như đã đóng góp gì cho xã hội, khác với những người không làm gì, cứ ngồi than vãn.

Những người có quan hệ tốt với xã hội, với gia đình và cộng đồng thì hạnh phúc hơn, sống thọ hơn những người ít liên hệ với bên ngoài. Những người ít liên hệ với xã hội gia đình, thì sức khoẻ của họ kém dần vào tuổi trung niên, đầu óc hoạt động hiệu kém, và chết sớm hơn những người có gia đình bên cạnh,.. Cái này khiến mình hơi lo vì lên vườn chỉ thấy chim sóc và coyote. Sao Sơn đen thấy cô đơn trong vườn bơ. Chán Mớ Đời 

Điểm thứ hai mà họ nhận ra là chúng ta có thể đơn côi trong đám đông, trong cuộc sống lứa đôi. Họ cho biết không cần thiết số bạn bè của chúng ta nhiều mà quan trọng nhất là sự mật thiết của sự liên hệ với thân hữu, gia đình con cái. Lâu lâu, có vài người bạn rủ đi ăn hay uống cà phê. Ngoài bolsa, mình thấy mấy ông hay ngồi uống cà phê từ sáng đến chiều, chém gió với thân hữu, cũng là một cách giúp họ, chăm sóc về tinh thần.

Lâu lâu, thấy đồng chí gái đi chơi với bạn của mình, bay lên Seattle, Vancouver, Hạ Uy Di,…chụp hình tạo dáng, khiến mình vui. Lý do là sau khi đi chơi với bạn cô nàng bớt la mình. Nếu được cứ để cô nàng đi chơi quanh năm suốt tháng. Dạo này trong tuần, mình hay dẫn cô nàng đi xem triển lãm tranh, đi ăn ngoài biển, tìm lại dấu chân xưa khi còn trong thời kỳ đả thông tư tưởng. Cô nàng muốn trở lại quán ăn ở Santa Monica, nơi mà cô nàng quyết định đăng ký quản lý đời mình.

Vợ mình thì hay ngại, dạo ấy mới sang mỹ nên còn sợ sợ người Mỹ coi thường. Đi chơi ở SantA Monica, đi ngang qua một tiệm ăn sang trọng, cô nàng muốn vào ăn thử nhưng ngại quần áo lêu bêu. Mình kêu không sợ thằng tây nào cả, có tiền là vô ăn. Mình kêu mấy món ăn mà cô nàng quen cơm Việt Nam nên thấy lạ, mình kêu món ăn Tây Ban Nha Paella cho cô nàng và giải thích món nổi tiếng ở vùng Valencia. Cô nàng muốn quản lý đời mình thay vì lấy một bác sĩ giàu có. 4 tháng 7 vừa qua là đúng 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày.

Sống trong sự xung đột rất thất lợi cho chúng ta về sức khoẻ như các cuộc hôn nhân không đầm thắm. Nhiều khi còn te tua hơn là ly dị và sống trong một mái ấm gia đình tốt, giúp chúng ta lành mạnh hơn. Cái này khiến mình hơi sợ, trên vườn thì không thấy ai. Đi đến nhà bạn đồng chí gái thì mình chỉ ngồi ăn rồi về. Lý do là mình không uống rượu nên không biết nói gì. Đa số mấy ông uống rượu thì nói nhiều, mồm mình thì trong đám đông rất ngại như con ốc. Chỉ có đi họp hàng tuần ở mấy hội mà mình là thành viên thì có nói chuyện vì không có uống rượu. Có lẻ mình diễn đạt ngoại ngữ dễ hơn là việt ngữ.

Khi nhóm người này lên 80 thì họ xét lại tuổi trung niên của họ để xem có thể tiên đoán ai sẽ hạnh phúc, khoẻ mạnh vào tuổi 80 hay ngược lại. Họ khám phá ra không phải lượng cholesterol của họ ở tuổi 50 khiến họ mạnh khoẻ và hạnh phúc vào tuổi 80. Mà là quan hệ gia đình, vợ chồng con cái ở tuổi 50 sẽ giúp họ hạnh phúc ở tuổi 80. Những người hạnh phúc ở tuổi 80 thì cơ thể bị lão hoá , đau ốm nhưng vẫn còn hạnh phúc. Ngược lại những người không có liên hệ tốt với gia đình, con cái, ở tuổi 50 thì về già, đơn độc thì các cơn đau dường như được phóng đại hơn. Mình nhận thấy nhiều người bạn, chồng chết, ly dị thì nay bắt đầu rên rĩ, đau ốm liên miên, thiếu về mặt tinh thần.

Nghĩ lại cũng đúng, vào tuổi trung niên mà gia đình đổ vỡ, con cái chia lìa thì tâm bệnh sẽ phát ra khi về hưu. Nhiều khi buồn, đâm nghiện rượu, ăn nhiều,…

Điểm thứ 3 mà các nhà nghiên cứu nhận thấy sự liên hệ và sức khoẻ của chúng ta, không những bảo vệ cơ thể mà còn bảo vệ não bộ nữa. Vào tuổi 80 thì người ta có thể dựa vào người hôn phối khi cần trong khi những người không có người dựa vào để giúp đỡ về tinh thần thì não bộ yếu dần. Nói cho ngay, sự liên hệ tình cảm của các cặp vợ chồng trên 80 tuổi không phải là lúc nào là thông suốt, đôi khi cũng có nội chiến, khói lửa. Mẹ vợ mình bắt đầu sa sút sức khoẻ khi bố vợ qua đời. Trước đó, còn có người cãi nhau tay đôi thường nhật. Dì của đồng chí gái nói với mình, từ ngày chú chết, buồn vì không có ai để cãi nhau.

Hôm qua, có người cháu bên vợ, lớn tuổi hơn mình, gọi điện thoại xin đến nhà chơi, nói chuyện. Vợ người cháu mới qua đời nên anh ta chới với, mất đi người bạn đời từ 40 năm qua. Anh ta kể là đầu óc tê liệt, không muốn làm gì cả. Cái này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến bệnh hoạn, suy yếu sức khoẻ vì cái não bộ kéo mình xuống.

Qua cuộc nghiên cứu từ 78 năm nay, và nay vẫn tiếp tục, cho chúng ta thấy cuộc đời cho ta hạnh phúc, không nhất thiết là dang vọng, tiền bạc mà chính là quan hệ tình cảm giữa người thân, vợ chồng con cái. Vấn đề là chúng ta đã giác ngộ vấn đề này nhưng vẫn muốn con mình lao đầu vào cuộc chạy đua tiền tài danh vọng. Chán Mớ Đời 

Mình hy vọng sẽ giúp thằng con upload những hiểu biết của mình về địa ốc, giúp nó mua vài căn nhà làm vốn, rồi nó cứ sống cuộc đời thoải mái thay vì lao đầu, chạy đua với chúng bạn như mình khi xưa.

Hôm qua, mình rũ đồng chí gái đi Seal Beach ăn cơm tây. Có một tiệm ăn tây, do hai vợ chồng gốc Việt, từ bên tây sang mở. Không biết đầu bếp là tây hay ta. Ăn cũng được. Thấy dân tây vô đây nhiều, xổ tiếng tây đầy tiệm ăn. Mình hỏi chủ tiệm bằng tiếng tây để nồ đồng chí gái. Sau đó hai vợ chồng đi bộ ra biển vòng vòng cho vợ mua sắm và ăn kem. 

Khi xưa, mình hay cau có khi mụ vợ cứ thấy áo quần khuyến mãi là bỏ chồng con chạy đi xem. Nay thì mình chỉ lặng lẽ, ngôi xuống ghế đá bên đường khe khẽ kêu anh còn nợ em, quần áo khuyến mại, anh còn nợ em ly cà REM, và còn nợ em và nợ em. Mình kêu mụ vợ bớt ăn ngọt lại nhưng khó mà cải tạo đầu óc của mụ vợ. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn