Lâu rồi, mình nghe nói Hà Nội đang tính làm lại đường xe hoả từ Sông Pha lên Đà Lạt khiến mình thất kinh. Lý do là tốn tiền mà có mấy ai đi, lại khiến dân Đà Lạt nai lưng ra đóng thuế. Nghe nói dự án lên đến 1 tỷ đô la, nhưng kinh nghiệm cho mấy ông tầu thầu thì chắc sẽ đội vốn lên 2, 3 tỷ. Du khách? Nay có tuyến đường xe hoả chạy từ Đà Lạt xuống Trại Mát mà du khách cũng ít ai đi. Phong cảnh bị phá nát bởi nạn lâm tặc thêm họ làm rẩy, toàn là các tấm nylon che làm vườn khắp nơi. Chán Mớ Đời
Ngày nay du khách không có thời gian để mất 2 ngày 2 đêm để đi từ Song Pha lên Đà Lạt như xưa nhất là phong cảnh đã bị phá nát. Ngay mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt còn không muốn trở lại để chứng kiến sự tàn phá hoàn toàn thị xã Đà Lạt thì khó mà bắt được du khách ngoại quốc. Để chở hàng hoá như xưa? Chán Mớ Đời
Mình có viết về người Pháp xây dựng đường xe hoả này rồi. Chỉ nhắc lại là theo tài liệu tây mình đọc thì họ ước đoán có trên 25,000 người Việt chết khi làm đường tại đây. Rất đông người thiểu số bị bắt đi làm phu, không công, khiến nhiều bộ lạc bỏ chạy qua Lào. Theo mình thì con số người Việt chết còn cao hơn vì người Pháp chắc không kể hết.
Có ông Bill Robie từng tham chiến tại Đà Lạt, có chụp ảnh rất nhiều ảnh Đà Lạt từ trực thăng, rất mê về xe lửa nên có nghiên cứu và viết về đường xe hoả này. Ông ta là người đã quyên tiền để phát phần thưởng cho mấy học sinh nghèo của hai trường Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo mà chúng ta thường thấy hình của ông ta trên các trang nhà dính dáng đến Đà Lạt. Ông ta có thành lập một trang trên facebook, mang tên Dalat Historic.
Đây mình xin tải vài tấm ảnh mình có do một anh cựu học sinh Adran gửi. Mình cũng chưa có thì giờ xem hết. Khi nào rãnh sẽ xem thấy có nhớ gì sẽ kể cho mấy bác nghe.
Tấm ảnh này thấy có người Chàm, người Việt và người dân tộc thiểu số, khai phá rừng núi để người Pháp xây dựng tuyến đường xe hoả từ Song Pha lên Đà Lạt.Hình cho thấy người thượng làm việc nhiều còn người Việt thì làm Xu, có mang giày bốt trong khi người thượng đi chân đất.Hình này cho thấy dân an-nam-mít cũng chân đất, xẻ núi bằng tay chân, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Mình nghe con gái tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân kể ông Võ Quang Tiềm và ông Nguyễn Văn Phúng, em trai bà Tiềm, dạo ấy may áo quần rồi gánh 3 ngày 3 đêm đi xuống mấy chỗ công trường này để bán cho người phu, nhờ vậy mới có tiền để phát triển thương mại tại Đà Lạt sau này. Nghe nói mấy ông 30 nhiều lắm, rất tiếc hồi nhỏ mình không hỏi mấy ông này. Mình vào nhà thì thấy trong một căn phòng để hai cái hòm khiến mình thất kinh. Khi xưa, người lớn hay mua hòm trước để lỡ có đi tây phương thì con cháu có sẵn hòm, không phải đóng, mất thời gian. Sau 75 qua đời thì may có sẵn hòm để liệm và chôn nếu không thì bó chiếu.
Mình đoán mấy ông tàu chắc cũng gánh hàng đem xuống đây bán cho dân làm ở đây. Đa số là người Việt sinh sống tại Đà Lạt, người từ Huế vào. Sau này mới có người vào từ Hà Tỉnh, Nghệ An để làm vườn, trồng rau cãi cho tây, thành lập ấp Hà Đông, Nghệ Tỉnh. Chiến tranh nên dân Quảng chạy vào Đà Lạt cũng nhiều. Có lẻ vì vậy giọng người Đà Lạt hơi lai giọng Quảng.
Mình có anh bạn kể là ông ngoại anh ta là 1 trong 100 người Việt đến lập nghiệp tại Đà Lạt, có giấy khen của thị trưởng. Gia đình anh chàng này ở trong hẻm Nữ Công Gia Chánh. Dân miền nam tương đối giàu có nên ít hơn. Còn dân Chàm và người thượng thì bị bắt theo làm rất nhiều. Tài liệu pháp nói như vậy theo mình hiểu là bắt làm nô lệ, như người phi châu, bị bắt sang mỹ châu làm việc không công.
Xem hình khiến mình thất kinh vì vách núi có thể xập như chơi.Cầu này tên gì mình quên nhưng đã có rất nhiều người phu bị chết khi xây chiếc cầu này.
Eo GióGa Kabeu, đường rày phải chạy cong theo sườn núi để lên Đà Lạt.
Thấy dốc lên kinh hoàng, lúc lên cao thì móc vào đường răng cưa, chạy rất chậm. Mình chắc chắn là không đi xe này vì rất chậm. Quen sống ở ngoại quốc, cái gì cũng nhanh.
Để thực hiện mấy cầu này, có rất nhiều phu xe hoả chết nhiều vì té xuống hoặc bị thương tàn phế.
Thật ra đầu tàu cũng không kéo nổi nhiều toa xe lửa vì máy yếu, chạy bằng củi. Thêm vào bỏ ra 1 tỷ để chở được 100 hành khách. Hành khách phải trả bao nhiêu tiền để lấy lại vốn?
Có mấy đường hầm xuyên núi, sau này bỏ hoang thấy thương.Ga Đà Lạt được xem là đẹp nhất đông Nam Á vào dạo đó, do một nhà thầu Việt Nam tên Võ Đình Dung lãnh và thực hiện. Có thời là nhà ga của hàng không Việt Nam khi Việt Cộng phá đường rầy này nên xe lửa không còn hoạt động. Khi mình đi tây thì xuống chỗ này làm thủ tục lên máy bay, rồi xe ca của hàng không Việt Nam chở xuống phi trường Liên Khương.
Hình ảnh vua Bảo Đại khánh thành đường xe hoả Song Pha và Đà Lạt. Mình không biết có phải ông Diệm muốn truất phế ông Bảo Đại và việt minh cũng muốn tuyên truyền nên hai bên đè nhau tuyền truyền ông này là Playboy, chả làm gì cả làm mất nước. Mình nghĩ một ông vua của xứ nhược tiểu thì khó mà làm gì được cho nên cũng không chửi vua. Thấy ông ta đều có mặt với thực dân tây để khánh thành nhiều vụ ở Việt Nam nên thấy chắc người Pháp cũng nể ông ta. Dù sao cũng biết nói tiếng tây như tây. Mình nhớ khi phỏng vấn vua Bảo đại, người viết cuốn sách Dragon d’Annam, kể cho mình nghe là ông ta không đi làm, sống rất nghèo với bà vợ cuối cùng Monique, được bà ta đi làm nuôi. Ông ta nói vua một nước, không thể hạ thân đi làm. Mình cũng bắt chước ông ta nên lấy vợ để đồng chí gái nuôi còn mình thì lêu bêu 1 đời rong ruổi.
Ảnh chụp năm 1948. Trong thời gian thế chiến, người Pháp lên Đà Lạt nghỉ hè nhiều vì không thể trở về mẫu quốc, nhờ đó mà Đà Lạt được phát triển tiếp nếu không thì người Pháp đã bỏ cuộc giấc mộng cuồng vĩ của họ.
Chiếc xe ca màu vàng là của công ty hàng không Việt Nam mà mình có đi được một lần khi bay xuống Sàigòn đi Tây. Lần đầu tiên đi máy bay, mình cảm thấy chảnh chọe kể gì.
Ga ở Đơn Dương
Tây Đầm lên Đà Lạt từ Phan Rang để nghỉ mát. Mình khi xưa cứ nghe thiên hạ đi nghỉ hè lên Đà Lạt, gọi là đi nghỉ mát nên viết thư cho ông Trẻ ở Sàigòn, nói là muốn về Sàigòn nghỉ mát khiến thiên hạ cười cả đời. Cứ gặp mình là chỉ mặt cười. Đúng là ngu chi mà ngu vô hậu.
Đang đào hầm dưới đèo Ngoạn Mục
Ga Tháp ChàmKhi tây về nước thì người dân Đà Lạt và xung quanh vẫn sử dụng xe hoả. Mình có đi một hai lần gì đó với ông cụ, đi thăm ai ở Trại MÁt hay Cầu Đất gì đó. Ông lái tàu hoả, đứng đầu bên trái, nghe nói ông ta bị thương khi Việt Cộng đặt mìn. Nói chung thời đó, chở rau cải từ Trại Mát, Cầu Đất lên Đà Lạt để bán.
Chiếc cầu này nghe nói có trên 5,000 nhân công bỏ mạng khi xây dựng.
Xe hoả dùng để chở hàng hoá, có lính nghĩa quân đi theo để bảo vệ mấy ông kẹ phá hoại nhưng rồi cuối cùng họ cũng đặt mìn nổ banh ta lông
Lính mỹ mua rau quả của nhà vườn Đà Lạt chở xuống Phan Rang và Nha Trang. Mình có kể vụ đóng thùng gỗ đựng rau này rồi ở nhà ông Lào, xóm Địa Dư
Xe lửa có đầu máy chỉ kéo được 5 toa còn ở Hoa Kỳ thì xe hoả chở hàng, đứng đợi xe lửa chạy qua cũng mất 15 phút, Chán Mớ Đời
Rau cải Đà Lạt được bán cho quân đội mỹ, nhiều tiền hơn nên dạo đó dân Đà Lạt ăn rau quả thối nhiều hơn. Đồ tốt thì bán cho mỹ. Tương tự ngày nay, đồ biển tốt như tôm xuất cảng, người Việt ăn đầu tôm. Chán Mớ Đời Hình ảnh của bài viết của anh Nguyễn Thịnh kể về vụ Hà Nội bán lạc xoong đầu máy xe lửa và đường rày răng cưa cho Thuỵ Sĩ. Họ đem về xứ họ tân trang lại, làm tuyến đường lên núi, hốt bạc du khách phải mua vé cả năm trước đó. Có lẻ Hà Nội nghe vậy nên muốn làm lại tuyến đường này để móc túi du khách.
Người Thuỵ Sĩ ăn mừng vì đã mua được đồ rẻ tiền để làm giàu còn Hà Nội thì ăn mừng đã tống khứ được đồ của thực dân về xứ, lại được tiền. Nghe nói $500,000 nay phải bỏ ra bạc tỷ đô la để làm lại. Hồi nhỏ thầy cô dạy cái đường rầy là của ta, ông pháp ông tây làm ra, chúng ta nên gìn giữ lấy. Chán Mớ Đời
Mình tình cờ đọc được bài của anh Nguyễn Thịnh viết về vụ bán đường rầy và đầu máy cho Thụy Sĩ. Mình và anh ta có email qua lại. Quên hỏi là hình ảnh của anh ta lấy từ đâu hay là anh ta có tham gia trong vụ này mới có hình ảnh. Nghe nói nay du khách muốn đi xe hoả này ở Thuỵ Sĩ, phải mua vé trước 6,7 tháng giá đâu $120 một người.