Phá ngục Bastille 1789


Hôm trước, có người imeo nói là đọc bài 14 Juillet của mình, giúp nhớ lại những gì ông thầy tây dạy về cuộc cách mạng Pháp và hỏi ngày 13/7/1789 là ngày họ phá ngục Versailles phải không. Mình nói ngục Bastille chớ còn bỏ tù ở lâu đài Versailles thì mình xin đi tiên phong vào tù. Nhân dân thành Paris vào nhà tù Bastille, giải cứu tù nhân ngày 14/7 nhưng chỉ có 7 tù phạm ở trong. Lý do dân nổi loạn vào ngục Bastille, không phải để giải thoát tù phạm mà để lấy súng ống và thuốc súng hầu chống trả lại lính của triều đình đang bao vây thủ đô. Ngày 14/7 được xem là ngày đầu tiên cho cuộc đời mới, một kỹ nguyên mới.

Một trong những nguyên do chính của cuộc cách mạng ở Pháp là khủng hoảng tài chánh khởi đầu bằng cuộc chiến dành độc lập của 13 tiểu bang thuộc địa Anh quốc ở Châu Mỹ, khiến trên 50,000 loyalist, người gốc Pháp bị trục xuất khỏi vùng Quebec tại Gia-nã-đại, trong số 90,000 dân cư nói tiếng Pháp, buộc lòng nước Pháp phải tham chiến, giúp đỡ 13 thuộc địa của Anh Quốc. Có lẻ vì vậy mà ngày nay dân francophone ở Gia Nã Đại ít hơn dân nói tiếng Anh. Cuộc khủng hoảng tài chánh kéo dài, thêm giới trưởng giả lên án những đặc ân dành cho thành phần quý tộc, họ hàng với vua và nhà thờ được miễn thuế trong khi Tiers état bao gồm 97% dân số lại bị đánh thuế nặng.

Từ khi Đặng Tiểu Bình cho TQ đổi mới, dùng kinh tế thị trường là ngọn đuốc cách mạng thì ngày nay, giới đại gia, trung lưu là giới làm nên chuyện, cải tổ đất nước nên người ta lo ngại là giai cấp này sẽ đòi hỏi thêm quyền tự do, chia sẻ chính trị vì bao nhiêu quyền lợi, chính trị đều nằm trong tay các đảng viên. Nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế ở TQ thì giới trung lưu sẽ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của họ trong tay của nhà cầm quyền. Người ta lo ngại 14/7/1789 sẽ xẩy ra tại TQ nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế. Gần đây, các nhân vật được ái mộ ở Trung Cộng, như Jack Ma,…bị chính quyền làm khó dễ.

 Nhà vua hay giai cấp quý tộc, có đất đai nhiều nhưng không phải đóng thuế. Họ cho thuê đất để các nông dân cầy cấy rồi đóng tiền cho họ. Thiên chúa giáo được xem là quốc giáo, được miễn thuế dù nhà thờ có nhiều đất đai để canh tác và cho thuê. Đức Hồng Y Richelieu, "l' Éminence rouge" rất nổi tiếng, ông được xem một thời, người cai trị của nước Pháp. Mình điên đầu về ông này, thầy giảng mà chả hiểu gì cả, tại sao ông cha lại làm thủ tướng cho vua Louis 13. Sau này coi phim 3 chàng ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas thì mới hiểu đôi chút, lý do người ta không muốn tôn giáo và chính trị đi đôi với nhau.

 Nước Pháp được xem là mạnh nhất Âu Châu vào thế kỷ 18, bắt đầu thời cai trị của vua Louis 14, tây hay gọi "Le roi du soleil". Nghe kể không biết có đúng không là trời mưa mà ông ta bước ra là tạnh. Ông ta cai trị theo chính thể Quân chủ tuyệt đối ( monarchie absolue). Ông ta dời cả gia đình và triều đình về cung điện Versailles, cách Paris độ 20 km thay vì ở Palais Royal, cạnh vườn Tuileries ở Paris. Có lẻ vì lẻ đó mà mấy ông vua sau này không biết đến tình hình sinh sống của dân chúng ở Paris, như hoàng hậu Marie Antoinette ở chổ hoang vắng, miền quê nên chán, chơi trò cô bé chăn cừu, cho xây dựng mấy chuồng dê để mỗi ngày bà ta vắt sữa,..., theo phong trào lãng mạn của thời đó.

 Nhớ hồi học trường tây thì ông tây có dạy về Jean Jacques Rousseau, Diderot, Voltaire,.., những người khai sáng cho thế kỷ ánh sáng của nền văn hoá Pháp với tinh thần cartésien. Mình có viếng thăm mấy cung điện của vua chúa của Anh, Pháp, Áo-Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,..., nhưng phải công nhận điện Versailles do mấy kiến trúc sư danh tiếng Le Notre, Le Vau,..., vẽ theo tinh thần cartésien rất là đẹp. Năm thứ 3, mình hay ghé lại đây mỗi tuần để vẽ, nghiên cứu kiến trúc của lâu đài này.

 Mình không nhớ nhiều hay hiểu rõ sau khi đọc cuốn Contrat Social mà ông tây bắt cả lớp mua ở tiệm sách Hoà Bình, chỉ nhớ tra tự điển Larousse mệt thở, nhớ mang máng là phong trào văn hoá được gọi Ánh Sáng (Lumière) tạo nên một trường phái lãng mạn khiến các nhà trí thức mơ đến một xã hội khác, đẹp hơn qua các bài thơ của Lamartine,..., dựa trên căn bản quyền làm người, tự do và bình đẳng đưa đến cuộc cách mạng dành độc lập của Hoà Kỳ và cuộc cách mạng tại Pháp....

 Trước 1945, các nhà trí thức của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi phong trào lãng mạn nên ta thấy xuất hiện những tác phẩm như Thiên Thai của Văn Cao, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong,..., đã nói lên ảnh hưởng của thanh niên thời ấy vì thế mới có 13 vị anh hùng Yên Bái bị chém đầu mà gần đây mình có xem được hình ảnh lính Tây chém, bêu đầu ngoài chợ. Các thanh niên tham gia các phong trào cách mạng để chống Pháp, dành độc lập. Khi có óc lãng mạn thì con người mới mơ tưởng đến một cái gì xa xa là lạ, một xã hội bình đẳng,... Thanh niênthời mình học đại học rất mê Che Guevarra, vì ông ta từ khước cuộc đời trưởng giả, bỏ học y khoa để đi làm cách mạng khắp nơi. Gieo chết chóc khắp nơi, tôn sùng bạo lực cách mạng.

 Các giới trưởng giả bị đánh thuế nặng để vua giúp đỡ 13 thuộc địa Hoa Kỳ đánh Anh Quốc dành độc lập mà ta nhận thấy tướng Lafayette có mặt tại Châu Mỹ. Người ta kể có trên 8,000 cuộc bạo động bởi nông dân vào thập niên 1780. Ông  Necker, tổng giám đốc tài chánh của nhà vua trình bày tình hình ngân quỹ quốc gia: thâu thuế được 503 triệu cân Anh, chi tiêu mất 620 triệu cân Anh trong đó có đến 310 triệu để trả nợ. Dân chúng lên án khi được biết nhà vua tiêu trên 31 triệu vào các cuộc ăn chơi, xa xỉ trác táng tại điện Versailles.

 Năm 1788 lại bị mất mùa, giá bột mì lên cao khiến các phụ nữ rũ nhau đi Versailles để đòi bánh mì. Những cải tổ về luật Pháp, thuế vụ được thi hành nhưng chỉ đánh thuế thêm người dân. Giới Tiers Etat đòi được thêm số đại biểu trong quốc hội vì họ chiếm 97% dân số, (quý tộc và nhà thờ là hai thành phần còn lại) nên nhà vua chấp thuận nhưng quyền đầu phiếu thì chưa quyết định.

 26/6/1789, nhà vua cho vời 20,000 lính ngoại quốc về Paris để dẹp loạn, tương tự binh đoàn Wagner ngày nay ở Syria và Ukraine. Dạo đó người ta có quyền đi lính thuê cho một nước khác tương tự ngày nay lính Thuỵ Sĩ đứng gác, bảo vệ toà thánh Vatican. Nếu ai viếng Vatican thì thấy mấy ông lính bận áo quần thời phục hưng, đứng gác ở cửa ra vào hay ở trong toà thánh. Ngay ở Hoa Kỳ, vua Anh Quốc muớn mấy đoàn lính Hessois và Đức để dẹp tan đoàn lính tạp hợp của Washington nhưng may thay đám quân thiện chiến này, ỷ y nên bị quân của Washington bao vây, đánh tan.

 Đầu tháng 7, nhân dân Paris nổi loạn, vua Louis 16 sa thải các bộ trưởng cấp tiến. Ngày 12 /7, luật sư và nhà báo Camille Désmoulins kêu gọi dân chúng đấu tranh vì nhà vua sẽ gửi mấy đoàn quân Thuỵ Sĩ và Đức để tàn sát người dân, do đó được mệnh danh là "L' homme du 14 Juillet". Ngày 13 /7 thì mấy chổ chấn đóng của nhà vua bị đốt phá, dân chúng vào cướp mấy kho lúa của nhà thờ. Có hình của ông Désmoulins trong viện bảo tàng Carnavalet, mình có đến xem thì được biết ông ta cũng bị chém cùng lúc với Georges Danton. Mình chỉ nhớ hai ông Robespierre và Danton được ông tây dạy sử địa nói đến nhiều nhất.

Làm cách mạng, đem đầu lâu của cai ngục Bastille đi khắp phố phường Paris.

 Ngày 14/7 thì dân chúng  chạy vào Hôtel des Invalides (viện thương phế binh) để cướp súng nhưng không thấy thuốc súng nên chạy qua ngục Bastille để lấy thuốc súng. Thật ra trong ngục chỉ có 7 tội phạm và chính quyền dự định sẽ phá nên trong khi chờ đợi thì dùng làm nơi chứa thuốc súng. Cai ngục Launay đồng ý cho đoàn dân phiến loạn vào ngục nhưng rồi ra lệnh cho lính bắn vào dân, khiến một số đông lính bất bình nên quay ngược chống lại ông ta, cuối cùng ông ta bị bắt, kéo lê khắp phố và bị cắt cổ bởi một tên bán thịt. Đầu lâu của ông ta được gắn vào cái thương, vác đi khắp nơi, khởi đầu cho cuộc thanh trừng giết người của cách mạng.

Hình ảnh này khởi điểm cho cuộc thanh trừng ghê rợn nhất của cuộc cách mạng Pháp. Vì tội phạm nhiều quá nên đao phủ thủ chém không xuể nên có ông Bác sĩ Guillotin với lòng bác ái lương y như từ mẫu, đề nghị dùng máy chém cho nhanh nên sau này dân tây đặt tên cái máy chém là "la guillotine" thay vì "la louisette"  vì do một bác sĩ khác tên Antoine Louis phát minh ra. Sau này họ đem sang Việt Nam để chém các người yêu nước của thuộc địa như 13 liệt sĩ Yên Bái.

 Vua Louis 16 ra lệnh các đoàn binh đang bao vây Paris về lại trại lính, mời các bộ trưởng cũ lại và đồng ý với đề nghị thành lập nền chính trị mới là Quân chủ lập hiến như Anh Quốc. Sau cuộc bạo loạn thì khắp nước chìm trong lo sợ vì không có quân lính, cảnh sát của nhà vua bảo vệ, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Em trai của vua chạy sang cầu cứu các nước Phổ và Áo, đem quân sang dẹp loạn. Lính Pháp bị đại bại vì các vị chỉ huy thường là thuộc các gia đình quý tộc bỏ chạy ra Hải ngoại hết nên không có ai chỉ huy nên thảm bại.

 Cuộc thanh trừng bắt đầu và hội đồng cách mạng tuyên bố hủy bỏ nền quân chủ và chém đầu hai vợ chồng vua Louis 16. Những người tiên phong tạo dựng lên cuộc cách mạng thuộc nhóm Jacobins bị chém đầu như Robespierre, Danton, Desmoulins,.. Cuộc cách mạng Pháp khởi đầu cho một kỹ nguyên của thế giới: Cách mạng công nghiệp và sự bành trướng của các đế quốc Âu châu trên thế giới và hơn một thế kỷ sau, cũng những tư tưởng của Jean Jacques Rousseau, Voltaire, Diderot và những người sau như Karl Marx, Engels đã giúp các thuộc địa đứng lên, đánh lại các nước cai trị họ để dành lại chủ quyền dân tộc.

Các nhà cách mạng Pháp lật đổ được chế độ quân chủ nhưng chưa quen hay biết cách sinh hoạt theo quy định dân chủ nên cãi nhau rồi bắt kẻ đối lập của mình, đem lên máy chém mặc dù kêu gọi tự do, binh đẳng rốt cuộc ông Bonaparte Napoleon, một sĩ quan xuất thân ở hải đảo Corse, cướp chính quyền, tự phong là hoàng đế, khởi đầu cuộc chinh phạt của đế quốc Pháp khắp năm châu và đế quốc Pháp kết thúc khi đoàn lính của Hitler tràn ngập kinh đô ánh sáng. Sau đó thì các thuộc địa đều được trao trả lại cho người sở tại.

 Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nhs