Bài này mình viết lâu rồi, Facebook nhắc lại nên mình đọc và sửa thêm vài phần.
Nhớ hồi nhỏ, học tiểu học, bà đầm dạy truyện “Cendrillon ou la Petite Pantouffle de verre”, một trong những chuyện cổ tích của ông Charles Perrault có thời làm quan cho triều đình của vua Louis 14, nếu mình không lầm là dưới quyền ông Colbert, bộ trưởng tài chánh. Khi xưa ông tây bà đầm dạy lịch sử nước pHáp, bắt học thuộc lòng, chả nhớ thằng tây nào cả. Đến khi sang pháp thì mới hiểu sơ sơ, nhớ lại mấy tên như Colbert, Richelieu bú xua la mua.
Ông ta có viết mấy chuyện khác cũng được độc giả yêu thích như La Belle au bois dormant, Le Petit Chaperon rouge, La Barbe bleue, Le Maître chat ou le Chat botté và Le Petit Poucet. Có lẻ chuyện Cendrillon nổi tiếng nhất thế giới vì được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Mình là dân a nam mít mà học những truyện xứ tây đầm xa xôi thì cảm thấy là lạ nhưng để bụng vì nghe kể về quỷ râu xanh, cô bé quàng khăn đỏ, công chúa ngủ trong rừng,…thì mình cũng i-tờ chả hiểu gì lắm vì ít liên quan đến đời sống thường nhật tại Đà Lạt.
Ở Đàlạt dạo ấy, đâu có ai dám vào rừng để ngủ, Việt Cộng thường được người dân gọi là “ông kẹ” bắt. Đi xe đò còn bị chận lại, bắt đem vô rừng nên mình không mơ mấy vụ vô rừng để tìm công chúa ngủ trong rừng,…
Sau này qua tây mới khám phá ra những câu chuyện mà bà đầm dạy mình khi xưa là từ cuốn: “Contes de ma mère l’Oye” của ông Charles Perrault, ký dưới tên của người con trai ông ta để tránh tranh cãi với những văn sĩ thời đó. Mère l’Oye ở đây có nghĩa là vú nuôi, khi xưa hay kể chuyện cho con nít nhà giàu. Sau này các câu chuyện của ông được thay đổi bởi anh em Grimm ở xứ Đức, Balzac hay Disney một chút như công chúa ngủ trong rừng thức dậy khi có hoàng tử quỳ bên cạnh thay vì hôn lên môi, hay thợ săn đến kịp để mỗ bụng con chó sói, lôi cổ cô bé choàng khăn đỏ và bà ngoại ra hay Balzac đã đổi “Verre” (thuỷ tinh) thành “vair” (da lông sóc) cho đôi giày của cô bé lọ lem….
Sau này thăm viếng các nước theo cộng sản cũ, với khăn quàng đỏ khiến mình lại nghĩ đến cô bé đeo khăn quàng đỏ của ông Perrault ngày xưa, như Việt kiều yêu nước, ngu chi mà ngu lạ, cứ thấy chó sói (đảng cộng sản) lại tưởng là bà ngoại (hoá trang, phỉnh gạt) để rồi bị ăn thịt như bà ngoại cô ta. Có nước thêm tên thợ săn tư bản, đến bắn chết con chó sói để mỗ bụng, cứu hai bà cháu ngu dại tin theo lời chó sói.
Qua Ý Đại Lợi làm việc thì khám phá ra con nít xứ này cũng có “la Gatta Cenerentola” do ông Gamnattista Basile viết, hay ở Đức quốc thì có hai anh em họ Grimm viết trong “Aschenputtel”. Mình biết vì đi học thêm tiếng sở tại thì thầy giáo cũng đem mấy chuyện này ra dạy như khi xưa mình học tiểu học chương trình pháp, nên đoán là các xứ trên thế giới đều có dịch hay có những truyện cổ tích tương tự cô gái lọ lem.
Lần lần ra thì nhiều nơi trên thế giới đều có câu chuyện cô bé lọ lem, như chuyện của cô bé chăn ngỗng tên Mathilda ở Thuỵ Sĩ, khi mình đi làm ở Thuỵ Sĩ, được viết bởi bà Mathilde de Moribond (Mechthild von Moersberg ) chết năm 1152, trước ông Perrault gần 500 năm nhưng câu chuyện nói về chiếc nhẩn thay vì chiếc giày thủy tinh.
Người ta đi xa hơn thời Hy Lạp, Ai Cập cổ xưa cũng đã có những câu chuyện tương tự như Rhodopis (Con Mắt Hoa Hồng), vợ của vua. Khi xưa đang tắm ở suối thì con chim đánh cắp chiếc giày rồi thả trong hoàng cung rồi vua hỏi ai mang được thì lấy làm vợ.
Ở Á Châu cũng có chuyện của Yexian trong Youyang Zazu của người Tàu hay chuyện 1001 đêm của Ba Tư hay Chujo-hime của Nhật Bản…. Chiếc giày của Trung Quốc nói lên cái chân nhỏ mà người phụ nữ tàu phải bó chân từ bé, kích thích người đàn ông trong công việc thoả mản sinh lý. Rảnh sẽ kể vụ này.
Adhémard Leclère, toàn quyền người Pháp ở Cam Bốt, có viết cuốn “Cambodge, Contes et légendes”, cũng có kể câu chuyện cổ tích của xứ Cam bốt tương tự câu chuyện Tấm Cám của Việt Nam. Ông goá vợ có con gái và một bà goá chồng cũng có con gái cùng tuổi, lấy nhau khiến xẩy ra mâu thuẩn giữa hai cô con gái. Một cô lấy chồng, là hoàng tử, về quê thăm mẹ, ông bố ganh tị với con gái của vợ kế nên tìm cách giết để thế vào con gái của mình,… ông tây này có kể về Tấm Cám của Việt Nam nhưng mình chưa đọc được bản pháp ngữ. Ai biết thì cho em xin. Em chỉ đọc được trên mạng cuốn sách của ông ta về xứ Cam Bu Chia.
Khi ông Perault tranh cãi nhau với giới hàn lâm pháp đâm chán đám trí thức tây. Sau khi vợ mất, ông lấy vợ khác thua đâu 21 tuổi, có con nhỏ tuổi nên bỏ thời gian để dạy con nên có ý viết những chuyện khuyên răng con về mặt đạo đức, khiến ông ta nổi tiếng đến ngày nay. Còn giới hàn lâm tranh tụng với ông ta ngày nay, chả ai nhớ. Cho thấy ai chửi thì cứ để họ chửi (vì đó là nghề của họ) còn ông ta cứ viết người ta càng yêu thích.
Mình chỉ nhớ khi xưa, học mấy câu truyện của ông ta thì thích nhất truyện “le Petit Poucet” kể về cặp vợ chồng tiều phu nghèo, có con đông, nuôi không nổi nên bàn đem con vô rừng để bỏ lại nhưng đứa con út nghe được nên sáng sớm, đi lượm đá để rãi trên đường để làm dấu, sau này lần theo các hòn sỏi mà về tới nhà. Lần thứ nhì thì không kịp kiếm sỏi nên lấy bánh mì bẻ ra để làm dấu thì bị chim muông ăn hết nên không biết đường về nhà, nên mấy anh em đứng khóc. May là bố mẹ bổng hồi tâm, chạy vào rừng, tìm lại bầy con.
Từ đó, mỗi lần đi chơi với bố mẹ, mình hay sợ bố mẹ chơi kiểu cha mẹ Le Petit poucet nên cũng lấy một bọc đá, rồi rãi trên đường đi. Khi đi về thì trời tối, mình cũng chả nhận ra mấy hòn sõi trên đường nhựa. Mình giác ngộ rất sớm là mình thuộc thành phần ngu lâu dốt sớm mà đến ngày nay, mụ vợ mình lâu lâu hay hỏi ôn ăn chi mà ngu rứa. Chán Mớ Đời
Lý do mình sợ vì ông bà cụ mình hay kể; lượm mình từ thùng rác ngoài chợ, ông bà cụ thấy tội, chắc của người thượng vức đấy nên da mình đen như cột nhà cháy nên đem về nuôi. Có lần mình nghe vậy, khóc như mưa phùn Đà Lạt, lần mò ra chợ Đàlạt, đến cạnh chỗ đống rác phía sau chợ, để xem bố mẹ ruột của mình có hồi tâm như cha mẹ của Le Petit Poucet, chạy ra đống rác kiếm mình. Đợi hoài không được mình lại bò ra trước chợ Đà Lạt, cạnh hàng bông, gần bến xe đò Chi Lăng, có nhiều người thượng đứng bán ngo để xem ai là bố mẹ mình. Đói quá nên mình chán đợi bố mẹ ruột, bò về nhà, lén vào bếp lục cơm nguội ăn trong khi bà cụ lo sợ đi tìm khắp nơi.
Sau này có con mình không bao giờ đem mấy chuyện tào lao, xịt bột, nói con lượm thùng rác, để chọc con mình, thậm chí chưa bao giờ đánh chúng.
Còn mấy chuyện kia thì mình không để ý lắm vì nói về con gái nhiều hơn đến khi có con, tối kể chuyện cổ tích cho con trước khi đi ngủ thì mình mới đọc lại để kể. Nhiều hôm đi học khuya, vợ mình đọc cho con nghe thì chúng không thích, nói đợi bố về. Lý do là mình kể chuyện tếu hơn. Đồng chí gái chấp nhận lấy mình dù nghèo cũng vì thích nghe mình kể chuyện ba lơn ngày xưa. Sau này mình hay sưu tầm truyện tếu để kể cho đồng chí gái nhưng từ ngày bắt đầu kể chuyện trên mạng thì hết thì giờ. Bác nào có chuyện tếu thì cho em xin. Xin cảm ơn trước.
Khi đọc cho con gái về công chúa ngủ trong rừng, mình nói con cũng thông minh, không thua gì con trai, nên không cần đợi thằng hoàng tử, hoàng chết nào cả. Cứ chịu khó học, làm lương cao thì mua sắm những gì con thích, không đợi thằng chồng giàu có cho phép mới mua đồ. Mình gieo trong đầu con gái tinh thần tự chủ, không có tinh thần thua thằng con trai nào cả. Mình kể trong hồi ký bà Condi Rice, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, kêu là người phụ nữ da màu nên phải làm việc, học tập gấp 3 người da trắng ( làm việc gấp 2 để hơn da trắng và gấp 3 là vì phụ nữ trong một xã hội theo chế độ phụ hệ).
Kể hết chuyện tây, chuyện mỹ thì mình lại kể chuyện cổ tích Việt Nam. Khi mình kể chuyện Tấm Cám thì con gái kêu nó không thích Cinderella Việt Nam. Hỏi sao thế, nó kêu tàn ác, giết em mình rồi còn làm mắm, gửi cho kế mẫu xơi. Kinh
Nghe con nói thì mình mới bắt đầu suy nghĩ so sánh hai câu chuyện. Trước đây, có lẻ vì sinh sống tại Việt Nam 18 năm nên không để ý lắm. Tây dạy dân an na mít Cendrillon, rồi họ dịch ra theo tư duy của người Việt thuần tuý, biến tấu thành chuyện khác cho hợp khẩu vị người Việt về mặt đạo đức cách mạng, vừa luân lý truyền thống của nước Đại Ngu. Ai ngu lâu dốt sớm, lên tiếng về mặt đạo đức dạy con trẻ,… sẽ bị chửi như tát nước vì tội mất gốc. Chán Mớ Đời
Con nít ở Hoa Kỳ đi học, cũng học Cinderella như mình khi xưa bà đầm dạy về Cendrillon trong khi con nít học trường việt lại học Tấm Cám. Rất khác nhau về mặt đạo Đức, nhồi sọ con nít thủa còn bé.
Con nít ở Hoa Kỳ học về cô bé lọ lem để hiểu là chúng cần phải hẹn đúng giờ thay vì đồng hồ cao su. Cô bé ham nhảy đầm nên sau 12 giờ đêm là tùm lum trò xẩy ra. Câu chuyện này dạy con nít nên phải yêu thương động vật vì trong lúc gian khổ, chim gà đến giúp cô bé. Chúng ta cần có bạn bè vì trong lúc cần thiết, nguy nan sẽ được bạn bè giúp đỡ. Khác với Việt Nam, con nít được dạy cách khác, gặp chó dính lẹo là lấy đá chọi, lấy ná bắn chim, bắn gà, đủ trò,…
Cô bé lọ lem bị bà kế mẫu nhốt trong nhà nhưng cô bé vẫn cứ tìm cách rời khỏi nhà, cho thấy tự do của con người, không ai cấm cản được. Cô bé lọ lem muốn đi dạ hội, tìm mọi cách để đi được, không an phận. Chính sách lý lịch của Việt Cộng không cho con cháu của chế độ cũ đi học trong khi con họ dốt, phải tốn $45,000 để được nâng điểm nhưng nếu một người con cháu của chế độ cũ muốn học hỏi thì vẫn tiếp tục học được dù không phải đến trường. Mình có anh bạn lý lịch nguỵ quân nguỵ quyền nhưng vẫn tiếp tục, lén học anh ngữ qua đài BBC và VOA để rồi sau này Việt Cộng cần người biết anh ngữ, để giao tiếp với người ngoại quốc, bắt buộc phải mướn anh ta cộng tác.
Ngược lại cô bé lọ lem được biến thành chuyện Tấm Cám của Việt Nam, dạy con nít hận thù, tranh đoạt với chị em của mình, tàn sát lẫn nhau rồi làm mắm gửi cho kế mẫu xơi. Văn hoá Việt Nam, cho thấy con hai dòng không thân với nhau lắm. Ngược lại ở Hoa Kỳ thì khác. Mình có thằng cháu, bố nó ly dị, lấy vợ khác đã có con riêng. Khi cô con gái của kế mẫu có bầu, chồng đi thực tập nhà thương ở tiều bang khác thì nó túc trực. Hễ cô con gái của kế mẫu, không chung máu huyết chuyển bụng là kêu nó đến chở đi nhà thương đợi. Con anh con tui vẫn đề huề, đi chơi, nghỉ hè chung như bạn bè. Rất khác với cách cư xử anh em cùng cha khác mẹ tại Việt Nam.
Qua câu chuyện này thì mình mới hiểu các cuộc thảm sát Mậu Thân, các cuộc pháo kích vào người dân bỏ chạy trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Quảng Trị ngày nào, nhất là các trại giam sau 1975 mà họ dệt lên bức tranh Trại Cải Tạo, để giết người đã chống lại họ 20 năm qua. Người chung một giống nòi mà tàn ác, đối xử dã man. Như bồi thường của ông quan nào về cái cách ruộng đất:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Có điểm vui là người tây phương, cái gì họ cũng đào sâu thêm về phân tâm học. Người tây phương quen thói quy nạp rồi suy diễn. Câu chuyện cô bé lọ lem được họ đem lên bàn mỗ, cho rằng câu chuyện này đưa ra hai hình ảnh về người phụ nữ: hình ảnh đẹp lý tưởng của người đàn bà, được mọi người chiêm ngưỡng, thèm muốn trong buổi dạ hội và hình ảnh hoang dại sau 12 giờ đêm. Bác trai nào thử sau 12 giờ đêm, ngắm vợ mình nằm ngáy như đang gọi phà Thủ Thiêm, mồm há ra, nước bọt đầy mồm thì trông rất cực phản cảm, khác với lúc trang điểm, lên đồ, đi dạ hội. Chán Mớ Đời
Trên tờ Le Figaro, có dạo bà Isabelle Germain có nói đến sự phức tạp của cô bé lọ lem, bắt nguồn từ giáo huấn khác nhau giữa con trai và con gái trong xã hội Pháp. Người ta dạy con trai các trò chơi và sách báo, chuẩn bị cho chúng, khi lớn lên đi chinh phục thế giới trong khi cha mẹ lại dạy con gái, đợi chờ một hoàng tử đẹp trai, con nhà giàu học giỏi như các bậc phụ huynh Việt Nam thường đề cập. Việt Nam thì dạy con gái công dung ngôn hạnh, đủ trò trong thời đại nông nghiệp. Vấn đề là ngày nay, ở thời đại A Còng, tư duy của chúng ta vẫn chưa cập nhật hoá với thời đại công nghệ thông tin,…
Đồng chí gái hay xem chương trình “Bạn Muốn Hẹn Hò”, vẫn thấy các người điều khiển chương trình, hỏi các cô gái hiện đại, có bằng cấp đại học câu “em có làm dâu được không?” Hoá ra người Việt đi hỏi vợ là để kiếm một ô sin về nuôi cha mẹ mình, trong khi họ la cà các quán nhậu, bia ôm. Xong om
Mấy người ghi danh để kiếm chồng, kiếm vợ đều hỏi một câu hỏi vớ vẩn: “quan niệm anh hay em về tình yêu?”, hay “có gia trưởng không?”. Trong giai đoạn dò xét hồ sơ lý lịch tình yêu ngang dọc, đồng chí gái rất là dễ thương, trọ trẹ giọng Huế khiến mình ngất ngư nên khi cô nàng kêu đăng ký quản lý đời mình thì mình nhất trí. Ai ngờ vâng ai ngờ, lấy nhau về là quản lý cuộc đời ô sin của mình. Đồng chí vợ đâu có bao giờ nghe lời than vãn của mình, cứ bảo mình câm ngay. Vợ nói không được cãi. Dần dần mới hiểu là mình gia nhập đảng Sợ Vợ từ hồi nào. Chán Mớ Đời
Có nhà tâm lý học Bruno Bettelheim đi xa hơn, cho rằng cô bé lọ lem mang chiếc hài bằng thuỷ tinh, không giản nở vì nếu không thì các cô gái khác, có thể kéo căng ra để mang được. Cho rằng tác giả cố ý dùng hài làm bằng “thuỷ tinh” như ám chỉ đến cái âm hộ của phụ nữ. Được làm bởi một loại dễ vỡ nếu người ta xiết chặt mạnh bạo, một vật có thể mất dễ dàng sau một đêm dạ vũ, như muốn nói đến sự trinh tiết của cô gái. Trong xã hội cỗ xưa của tây phương, cụm từ để tuột giày, ý muốn nói là trao thân cho người đàn ông.
Dạo mình ở Pháp thì phong trào phụ nữ đòi bình đẳng, đủ trò nên không rõ nhưng mình đoán khi xưa, người Pháp chắc cũng chú trọng về mặt trinh tiết của phụ nữ nên có thể chiếc hài bằng thuỷ tinh của cô bé lọ lem, biểu tượng cho sự trinh tiết của người con gái mà không có cô con gái nào khác có thể mang chiếc hài thuỷ tinh của Cendrillon.
Nghiệm ra thì thuốc ngừa thai đã giải phóng được phụ nữ ngày nay, đưa sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới lên ngang hàng. Trong khi giáo điều của nhà thờ như cấm phá thai vô hình trung đã nô lệ hoá phụ nữ mấy ngàn năm qua. Đây cũng là một tranh luận khá thú vị. Để hôm nào, mình kể về vụ cấm phá thai ở cấp liên bang tại Hoa Kỳ.
Còn Tấm Cám của người Việt thì sao. Tại sao người ta vẫn kể, dạy cho con nít từ bé, chuyện Tấm giết hại em mình rồi làm mắm gửi cho kế mẫu ăn. Nếu mình không lầm thì người Việt đồng tình với sự việc này. Bởi vì Cám hung dữ, đã nhẩn tâm giết chị mình để làm vợ của vua. Thậm chí người ta còn làm phim. Mình thấy trên Amazon có phim Tấm Cám do Việt Nam sản xuất nhưng không dám coi. Đạo diễn là Ngô Thanh Vân. Cám có ác độc nhưng trên căn bản đạo đức, chúng ta không thể nào khuyến khích con mình, học trò mình, giết một người, nhất là em hay chị của mình.
Có thể một ngày nào đó, các nhà phân tâm học Việt Nam sẽ nghiên cứu ảnh hưởng Tấm Cám vào sự đối xử của bên thắng cuộc với bên thua cuộc. Là anh em, chung một màu da, máu huyết nhưng đối xử như kẻ thù.
Tên vua thì với tinh thần trai tài năm thê 7 thiếp thì có gái khác để chơi nên chả nói năng gì cứ đè Cám ra chơi như Việt Cộng ngày nay bảo vệ các đảng viên biến chất. Có ông nào bị thu hình, ôm con nít trong thang máy nhưng chả thấy bị lên án gì cả. Vì nếu bắt giam, không bảo vệ đảng viên, đồng chí của mình thì ai theo nữa. Họ theo vì quyền lợi và được bảo vệ dù phạm tội nếu không thì mọi người đã bỏ đảng gần đây, họ bỏ tù vài tên tép riêu để mấy tên quan nhớn xìa tiền ra là xong chuyện.
Người Việt tin theo thuyết luân hồi của phật giáo nên cứ tin vào sự việc đầu thai, cá bống rồi chim hoàng anh, cây thị,… nếu tô vẽ cho một Tấm hiền lành, thật thà sẽ được hưởng điều lành về sau thì cứ chết hoài đến khi cái ác trong người của Tấm, hiện ra thì giết em mình để chấm dứt sự việc, luân hồi,…
Người Việt chấp nhận việc Tấm giết em, làm mắm gửi cho kế mẫu ăn vô hình trung đã hợp pháp hoá “Cái Ác” về mặt đạo đức trong xã hội. Người ta chấp nhận việc kẻ thắng cuộc, đuổi vợ con nguỵ quân nguỵ quyền lên rừng thiêng nước độc, mà họ gọi là vùng kinh tế mới, để giết họ lần mòn hay bỏ tù cả triệu người trong các trại cải tạo là việc đương nhiên, là một hành động cách mạng, đúng theo quan điểm lập trường đạo đức cách mạng.
Họ bỏ tù, cho rằng người dân miền nam làm tay sai cho đế quốc mỹ, để rồi ngày nay họ cho con cháu họ sang Hoa Kỳ du học hay thậm chí định cư luôn tại xứ tư bản phồn vinh giả tạo. Sau 44 năm, không ai lên tiếng xin lỗi VNCH, cho rằng các anh đúng chúng tôi sai. Chúng tôi mất 20 năm đánh thắng các anh, rồi phải tốn thêm 20 năm để hiểu là các anh đúng. Ngày nay nhạc vàng được hát liên tu ti trên các kênh truyền hình tại Việt Nam. Chán Mớ Đời
Có ông lãnh đạo nào kêu người ta thù ghét tôi nên bắt tôi phải nạp $45,000 để được nâng điểm cho con tôi.
Người dân ở Hương Cảng, xuống đường biểu tình chống đối luật dẫn độ, rất ngạc nhiên khi thấy những hình ảnh cảnh sát ở Hương Cảng mà người ta kêu là do người Tàu lục địa, cải trang đã bóp dế, đánh đập một cách tàn bạo các người biểu tình không bạo lực. Những hình ảnh cười khoái trá của đám cảnh sát như nói lên “Cái Ác hợp pháp”, không bị luật pháp trừng trị. Họ có thể đánh đập người dân một cách vô tội vạ như thể chưa có tội thì đánh cho có tội, có tội rồi thì đánh cho chừa.
Gần đây, mình đọc trên mạng những còm của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, chửi rũa người di dân lậu. Không một ai muốn bỏ nước ra đi cả nhưng vì sự sống còn của gia đình, họ phải vượt biên để đến Hoa Kỳ sống chui rúc âm thầm, không được luật pháp bảo vệ, để gửi những món quà nho nhỏ, tiền bạc về cho vợ con, cha mẹ ở quê nhà. Có trách là trách giới lãnh đạo của các xứ này.
Khi xưa, các người Việt tỵ nạn, kêu là sống không nổi với Việt Cộng, tự xưng là tỵ nạn chính trị nhưng sau vài năm, có quốc tịch mỹ thì có một thiểu số lại bò về Việt Nam như kiểu áo gấm về làng. Nay họ lên án những người di dân lậu, tỵ nạn kinh tế, vi phạm chủ quyền quốc gia Hoa Kỳ như họ khi xưa lên bờ các nước Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương bất hợp pháp.
Họ quên hết quá khứ của họ, và nghĩ họ là người da trắng. Người Mỹ hay nói: “we are what we remember”.
Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn