Du lịch Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan

 Nhớ năm thứ 3, mình làm hướng dẫn viên du lịch cho lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse), dẫn đám tây đầm đi Hoà Lan và Đức quốc. Có hôm, đi học ra, mình bò lại Boulevard Saint Michel đi vòng vòng chơi. Đi ngang qua văn phòng lữ quán thanh niên, thấy họ dán nơi cửa sổ mấy tấm Bích chương du lịch Ý Đại Lợi, Anh quốc,… bổng mình thấy có tờ quảng cáo, hỏi có muốn du lịch miễn phí. Thấy hấp dẫn, mình bò vào văn phòng hỏi. 

Bà đầm cho biết họ đang tuyển các hướng dẫn viên du lịch. Dẫn đám tây đầm trẻ đi chơi thì khỏi phải đóng tiền. Thế là mình ghi danh để họ phỏng vấn. Đến ngày đến giờ thì có đâu 10 tên tây và đầm có mặt. Họ giải thích cần đọc thêm về văn hoá, nghệ thuật của nước đi du lịch để giải thích cho đám tây đầm. Họ hỏi mình học ngành gì, kêu kiến trúc nên nhận ngay. Sau này mình đi họp lớp huấn luyện thì thấy có 2 cô đầm hôm đó và nhiều người khác.

Hoá ra, lữ quán thanh niên pháp, tổ chức cho đám thanh niên, thanh nữ đi du lịch bằng xe buýt, rẻ nên cần hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Được bao ăn ở, nhưng không có lương. Họ huấn luyện đâu mấy ngày cuối tuần rồi bổ mình đi Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan. Dân thâm niên thì được cho đi Ý Đại Lợi. Mình ma mới thì đi mấy nước mà tây chê.

Lễ nghỉ mùa xuân năm ấy, mình và cô đầm tên gì quên mất tiêu. Cô này không phải sinh viên, đã đi làm rồi. Dẫn một đám tây đầm 40 mạng đi du lịch 3 xứ này. Họ đã lập ra chương trình, mình chỉ việc xem đường, bản đồ, để dẫn tài xế lái cho đúng, đến các lữ quán thanh niên mỗi tỉnh đã đặt phòng trước, tiệm ăn mỗi nơi. Trưa thì lữ quán thanh niên lo còn tối thì mọi người tự túc.

Bruges: khởi hành từ Paris, có một đám tây đầm 40 mạng. Đầm đâu 30 mạng còn lại thì tây con. Đầm sợ đi chơi một mình nên đi theo đoàn cho an ninh. Con trai thì vác ba-lô đi tá lả còn phụ nữ thì cũng ngại thêm bố mẹ cấm cản. Đó là 45 năm về trước.

1 trong mấy con kênh của thành phố Bruges, Venise du Nord.

Sau màn điểm danh là lên đường trực chỉ thành phố Bruges của Bỉ Quốc, được tây đầm gọi là Venise du nord. Lý do là họ có nhiều con kênh để di chuyển như thành phố Venise của Ý Đại Lợi. Xứ Bỉ này tuy nhỏ nhưng lại nói 2, 3 thổ ngữ. Vùng cạnh Pháp quốc thì nói tiếng Pháp, hình như họ còn nói tiếng wallon và phần gần biên giới Hoà LAn thì nói tiếng Flamand, gần gần tiếng Hoà Lan.

Xứ Bỉ này, mình chỉ biết đến địa danh Waterloo, nơi quân của Napoleon bị đánh bại và trận đánh nổi tiếng Flandres, giữa quân đội đồng minh và Đức quốc xã, đã giúp quân đội đồng minh tiến chiếm xứ này, đẩy lui quân đội Nazi về Đức quốc.

Dân Bỉ hay than là món quốc hồn quốc tuý của nước họ là món khoai tây chiên mà người Mỹ lại kêu là French Fries. Mỗi xứ kêu là họ khởi đầu món khoai tây chiên. Sang Hoà Lan cũng thấy họ ăn khoai tây chiên đầy đường, bên Bỉ cũng vậy, nhiều xe bán khoai tây chiên ngoài đường, tuyệt nhiên mình không thấy tại Paris. Thấy dân gốc Bắc Phi bán bánh mì merguez. Người Tây lại gọi “pomme frites”, nói tắc từ pomme de terre. Pomme là trái táo, đây đào từ đất nên gọi pomme de terre.

Xe chạy một mạch, có nghỉ dọc đường để bà con đi xả xú-bắp. Mình phải giải thích các thành phố chạy ngang như Compiegne, Arras,… xe ngừng lại thành phố Roubaix, thành phố mà ông cậu họ, con ông bà Đàng, học y khoa tại đây đã ghi danh cho mình học đại học ngành kỹ sư Dệt. Sàigòn thất thủ nên mình không lên đây, mà ở lại Paris. Không bao giờ gặp lại cậu Nghị.

Tại đây, xe buýt đậu cho bà con ăn uống trưa, rồi thẳng đường chạy đến Bruges. Vùng này họ nói tiếng Flamand nhưng xổ tiếng pháp vẫn ok. Họ không lộn xộn như dân ở Quebec, Gia-nã-đại. Xe đến lữ quán thanh niên, cho bà con vào như đàn cừu, lấy phòng sau đó, dẫn bà con đi xuống con kênh, mướn tàu ngồi chạy vòng vòng. Khá đẹp!

Amsterdam: sáng hôm sau, ăn sáng xong thì thiên hạ đem va-li ra xe rồi trực chỉ Rotterdam, chạy vòng vòng xem, rồi đến Amsterdam. Lấy phòng cho bà con xong thì ăn cơm tối tại lữ quán thanh niên. Mình ngồi ăn chung bàn với mấy học sinh Hoà LAn. Chúng nói tiếng anh rất giỏi. Khi xưa, sinh viên hay học sinh Đức, Hoà lan, Bắc Âu, nói tiếng anh rất giỏi. Không hiểu chương trình dạy ngoại ngữ của họ ra sao mà đi du lịch gặp mấy dân này, nói anh ngữ rất giỏi. Tây đầm thì khạc không ra một chữ tiếng anh. Nói chung dân vùng la-tinh là hay ngọng tiếng anh.

Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu đã giúp sinh viên nói anh ngữ khá rành. Lên xe buýt thì có màn giới thiệu danh tánh, ở đâu. Hoá ra cũng có nhiều người ở vùng quê, tỉnh nhỏ, lấy xe lửa lên Paris đi theo đoàn. Nói chung, dân gốc thợ thuyền, khác với đám sinh viên mình quen ở đại học. Không rành về lịch sử âu châu lắm. Mình cứ tưởng tây đầm là phải biết rành về lịch sử nước của họ nhưng hỏi ra thì mù tịt. Có nhiều người hỏi mình khi ăn cơm.

Amsterdam là cái nôi sinh ra chủ nghĩa tư bản mà mình đã kể rồi. Gần biển, nằm thấp hơn mặt biển nên họ có mấy cái đê cao ngất. Tây hay gọi Pays Bas, nước thấp. Cũng có nhiều con kênh như Bruges. Cũng mướn tàu đi vòng vòng chơi. Khá đẹp. Mình muốn trở lại đây với đồng chí gái. Để xem có dịp là đi. Đi xong thì bò lại phố đèn đỏ nổi tiếng. Mấy cô gái bận đồ rất khêu gợi, ngồi nơi ghế bành, để bà con ngắm. Ai thích thì mở cửa bước vào, ru em vào động hoa đào. Mình thấy lạ lạ, khác với phố Saint Denis ở PAris, nơi mấy chị em ta đứng đường.

Đúng là cái nôi của chủ nghĩa tư bản. Họ trưng bày món hàng cực đỉnh khiến đàn ông thèm nhỏ nước mồm, có bao nhiêu tiền đều bỏ ra thay vì theo mấy cô đứng đường như tại Paris.

Nói tới đứng đường, khiến mình nhớ đến Bois de Boulogne. Khi xưa, mình ở căn phòng ô-sin ở Neuilly Sur Seine. Sáng mình hay chạy bộ và tập võ trong rừng này. Chỉ đi bộ qua trạm métro Les Sablons rồi đi băng qua jardin d’acclimatation là đến. Đi bộ độ 1 cây số, thường là mình chạy bộ luôn. Nhiều hôm, tuyết rơi, chạy trong rừng trắng xoá, đẹp không tả như bài hát của Adamo “Tombe la neige”.

Có lần mình thấy có bà đầm nào chạy theo một tên tây từ trong bụi rậm, bà ta chửi loạng xà ngầu khiến mình ngạc nhiên. Vô lớp kể cho bọn học chung thì mới được giải thích. Khu rừng này nổi tiếng có mấy chị em ta đứng đường. Cứ tối là đông lắm. Mình chỉ biết buổi sáng, và cuối tuần đến đây đá banh với tây con.

Lâu đài của vua chúa ở khi xưa, phía đối diện có cái đồi Belvedere rất đẹp

Hôm sau, lên đường đến Áo Quốc. Xe ngừng ở Stuttgart, để bà con ăn uống trong quán ở xa lộ. Tài xế và hướng dẫn viên miễn trả tiền. Chiều đó thì đến Wien, thủ đô Áo Quốc. Dạo ấy, nước Áo được xem là trung lập giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản nên mình thấy là lạ. Lấy phòng ở Lữ Quán Thành Niên, mình dẫn cả nhóm ra phố cổ nơi có nhiều du khách.

Khu Prater mà Orson Wells có đóng rất hay khiến mình tò mò về xứ Áo Quốc.

Trong phim “người thứ 3” do Orson Wells đóng, hình như do nhà văn Graham Green viết, có chiếu cảnh tại Prater nên mình kêu anh tài xế, cả đám đến đó xem. Phim này khiến mình rất tò mò về nước Áo Quốc. Nước này khi xưa là một đế quốc rồi đánh nhau ở thế chiến thứ 1, thất trận nên thiên hạ chiếm hết đất của họ như Hung Gia LỢi, Đức quốc,… nay còn rất ít đất. Chỉ nổi tiếng với phim “Sound of silence”. Nước này có nhiều núi nên có nhiều hồ rất đẹp. Lúc chạy xe, thì chương trình có cho thiên hạ dừng lại mấy cái hồ để chụp hình trong khi mình hỏi “wo sind die toiletten bitte?”. Đi đâu cũng bị mấy bà hỏi kiếm dùm nhà vệ sinh. Chán Mớ Đời 

Tại đây cũng dẫn tây đầm đi viếng mấy lâu đài mà mình đã kể rồi.

Mình nhớ đêm cuối cùng ở Wien, cả đám đi đến chỗ nào quên tên, du khách đến rất đông để uống rượu trắng Riesling gì đó. Cứ mỗi chỗ, họ cho thử một ly nhỏ. Cô đầm hướng dẫn viên với mình, bổng nhiên xổ tiếng anh với mình cả đêm. Chán Mớ Đời 

Hallstad, là một trong nhưng khung cảnh hồ ở Áo Quốc rất đẹp.

Sau đó, đi viếng trại tập trung Mauthausen, nơi  nơi Đức quốc Xã cho người DO Thái vào để giết bằng hơi ngạt. Hải hùng! Không biết họ có làm thêm hay không nhưng nếu đó là sự thật thì quá kinh khủng. Rồi ghé thành phố Salzburg, nổi tiếng về festival nhạc Mozart. Rất đẹp, mình có vẽ cái lâu đài trên núi. Quá đẹp!

Innsbruck: trên đường về, thì ghé thành phố nhỏ này để ngủ lại vì rẻ thì phải. Sau đó, thì đi Đức quốc trên đường về lại Paris. Ghé lại viếng Munich, nhất là sân vận động thế vận hội, dạo ấy được xem là sân vận động mới nhất và đẹp nhất thế giới, nơi mà dân đòi giải phóng Palestine, bắt cóc và giết mấy lực sĩ Do Thái. Mình chỉ ghé lại xem thôi. Thành phố này nổi tiếng về lễ hội bia và tháng 10, Oktoberfest. Tại quận Cam, có 1 tiệm ăn đức lâu năm, trên 47 năm, mới đóng cửa vĩnh viễn. Thật ra mình cũng không thấy ngon lắm nhưng lâu lâu ghé lại đây ăn cho vui, nhớ lại kỷ niệm một thời. Thức ăn đức không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ xô-xích và món zauerkraut. Tối ngủ lại đây rồi hôm sau trực chỉ về Paris vì Chủ Nhật. Sáng hôm sau, ai cũng phải đi làm hay đi học lại.

Năm sau, họ cũng cho mình đi lại tour này nên mình Chán Mớ Đời nên ngưng luôn. Mình thích đi vác ba-lô hơn là phải ngồi trên xe buýt, nói vớ vẫn mà đám tây đầm thì ngủ khò, chả màng đến nhưng không trả tiền thì phải lao động. Đi vác ba-lô thì mình có thể vẽ và bán tranh cho du khách, kiếm tiền.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn