Những ngày tháng tại Ý Đại Lợi

 Hôm nay, đến phiên mình làm diễn giả tại hội Toastmasters. Mình chọn đề tài: “du lịch tại Ý Đại Lợi”, nói về những kỷ niệm khó quên khi còn sinh sống tại Ý Đại Lợi. Mỗi lần họp thì có hai diễn giả, hôm nay mình được bầu diễn giả hay nhất, hơn cả tên mỹ nên kể lại đây. Thật ra không phải lần đầu mình được bầu là diễn giả số 1. Lần đầu thì năm kia chi đó.

Mình kể khi đi hè bên Anh quốc, có làm quen được một số sinh viên người Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha. Có lần một cô người ý mời mình sang ăn giáng sinh ở nhà cô ta. Rất vui! Gần về mình hỏi anh bồ của cô nàng là có quen ai làm kiến trúc sư, để mình hỏi chuyện, học hỏi thêm về kiến trúc tại Ý Đại Lợi. Anh ta giới thiệu một người chị bà con ở thành phố Torino. Trên đường về Paris, mình ghé lại thành phố này mấy tiếng đồng hồ, gặp cô chị, kiến trúc sư. 

Mình dự tính làm luận án ra trường về Ý Đại Lợi nên tính sang đây kiếm việc làm trong một công ty kiến trúc, luôn tiện tìm đề tài cho luận án. Cô nàng giới thiệu một bà giáo sư của đại học bách khoa Torino và ông chồng nhận mình làm việc. Thế là mình ở lại Ý Đại Lợi, trong cư xá sinh viên. Căn phòng to hơn căn phòng oshin tại Paris, lại có nhà tắm ấm át. Ăn cơm tại ký túc xá trưa và chiều, còn sáng thì ra quán, mua cái pizza. Trưa đi làm ra, về ký túc xá, ăn cơm rồi lên lầu ngủ, sau đó đi làm lại.

Ở cư xá mình quen rất nhiều sinh viên Ý Đại Lợi và một anh chàng gốc Palestine. Nói chuyện với họ mới biết thêm về văn hoá từng vùng của Ý Đại Lợi. Mỗi vùng nói mỗi phương ngữ. Không biết bây giờ giới trẻ ngày nay còn nói được thổ ngữ của họ hay không. Chiều chiều chúng rủ đá banh hay xem đá banh ở phòng khách. Mỗi lần xem đá banh đội ý đá là mình ủng hộ đội bạn khiến chúng điên lên khi đội Ý Đại Lợi thua.

Liên hiệp âu châu dùng anh ngữ nên giới trẻ ngày nay học và nói anh ngữ, học các lớp giảng dạy bằng ngữ cho sinh viên các nước hội viên.

Cuối tuần mình hay vác giá vẽ đi viếng thành phố hay ngoại ô, để vẽ. Dạo ấy mình không thích chụp ảnh. Chỉ vẽ, lúc nào cũng có cuốn sổ để vẽ, ngồi đâu thì vẽ đó. Nghĩ lại sao dạo ấy mình điên vì vẽ véo, thay vì ngắm đầm. Chán Mớ Đời 

Có lần mình đi viếng Thung Lũng Aosta, gần biên giới Pháp chỗ Courmayeur, nổi tiếng trượt tuyết. Chiều về, mình bị trễ chuyến xe buýt trở lại Torino. Buồn đời vì phải đợi 2 tiếng nữa mới có chuyến khác nên mình ngồi cạnh trạm xe buýt, vẽ cảnh thành phố nhỏ này.

Bổng nhiên có một ông Ý bò lại hỏi có bán tranh này không. Mình hỏi muốn mua bao nhiêu. Nói qua nói lại thì ông ta đề nghị $50 và bữa cơm tối. Ông ta kêu tối này mày phải ăn thì ăn đây rồi về. Mình như thằng Bờm, nghe tên ý cho ăn spaghetti mình cười. Thương lượng với người ý là tiền với thức ăn.

Ở tây thì mình có bán được tranh vẽ, không ngờ ở Ý Đại Lợi cũng bán được nên từ dạo ấy, mình làm một cái mộc khắc tên của mình bằng chữ Hán rồi in mực đỏ khi bán cho thiên hạ nên họ khoái lắm. Họ mua vì cái ấn đỏ chói như mặt trời cách mạng chớ không phải vì tranh mình đẹp.

Hè năm đó, mình từ giả Torino, lên xe lửa xuôi nam. Cách đó độ 2 ngày thì có vụ đặt chất nổ tại một ga xe lửa nên mình bỏ ý định đi xe lửa, lấy xe buýt hay quá giang xe thiên hạ để giang hồ.

Mình ghé lại thăm mấy tên bạn quen ở ký túc xá. Rất vui. Đa số là ở trong những thành phố nhỏ hay các làng. Ban ngày mình đi viếng làng, ngồi vẽ hay nghiên cứu kiến trúc địa phương. Không thấy thiên hạ nhiều. Ngược lại khoảng 5-6 giờ trở đi. Dân trong làng nhất là giới trẻ bò ra đường như kiến. Dân ý có điểm hay là ra đường, họ ăn bận rất cực đỉnh, thời trang đủ mùa. Mấy tên bạn mình nghèo nhưng có nhiều đôi giầy, áo quần.

Trong làng chỉ có một con lộ chính nên đi lên đi lại là hết mấy tiếng đồng hồ. Lý do là cứ đi năm bước là gặp bạn của mấy tên bạn. Họ ngưng lại nói chuyện, rồi mấy tên bạn hãnh diện có bạn là người á châu đầu tiên đổ bộ vào làng này. Thiên hạ hỏi tên, rồi từ đâu đến, rồi lại khen mình biết nói tiếng Ý Đại Lợi. Có lần gặp một bà người ý, khi đang ngồi vẽ. Bà ta hỏi chuyện thì mình trả lời, nói chuyện một lúc thì bà ta quay qua bà bạn mới bò đến. Kêu “Ho capito cinese” (tôi hiểu tiếng tàu). Chán Mớ Đời 

Đến những thành phố không có quen ai thì mình đi viếng viện bảo tàng, vẽ tranh bán cho du khách hay dân địa phương. Mình ngủ tại các lữ quán thanh niên (Youth hostel) nên gặp nhiều giới trẻ đi du lịch ba-lô như mình. Hợp với đứa nào thì đi chơi ít ngày với chúng, viếng thăm thành phố, tối về thì ăn tại lữ quán thanh niên. Sáng thì lữ quán cho ăn sáng, trưa thì mình kiếm cái chợ nào, ghé lại mua ổ bánh mì, prosciutto và phô-mát, làm sandwiches ăn.

Dạo ấy, trước khi đi du lịch ba-lô, mình phải làm một thẻ sinh viên quốc tế và thẻ lữ quán thanh niên quốc tế. Phải có thẻ hội viên thì chúng mới cho ở qua đêm. Có chỗ bắt phải quét nhà, chùi cầu tiêu, nhiều chỗ không. Mình gặp nhiều tên hay ả trên đường giang hồ, sau này vẫn giữ liên lạc. Họ cho con họ đến Cali ở với gia đình vào mùa hè. Ở Thuỵ Điển thì chúng không có phòng tắm nam nữ. Nam nữ bình đẳng. Cứ tắm chung, thấy mấy cô tóc vàng đẹp nức nở đang tắm làm mình chới với.

Có lần mình đi xe buýt ở đảo Sicily vì đường xe lửa chỉ chạy dọc bờ biển còn phía trong, nội địa của hòn đảo thì không có. Mình thấy ông tài xế, mặt mũi khá phê nên vẽ hí hoạ ông ta. Không ngờ tên lơ xe thấy nên xin, mình khỏi phải trả tiền đi xe đò.

Hôm đó, mình ghé lại một thành phố lạ mà “guide des routards” chỉ. Dạo ấy dân tây ba-lô đi du lịch đều mua cuốn hướng dẫn này. Có danh sách các thành phố có lữ quán thanh niên. Có lẻ ngày này thì đông, dạo ấy thì rất ít nhất là các xứ như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha,… đói như mình thì ghé các tỉnh có lữ quán thanh niên. Còn thành phố lớn thì đều có. Nếu không thì kiếm nhà nghỉ rẻ tiền hay kiểu homestay.

Nhiều khi mấy người lái xe, bốc mình trên đường, buồn đời, họ rủ về nhà họ ngủ. Sách hướng dẫn tây ba lô cho biết có hai tiệm ăn. Tiệm rẻ thì mình bò đến thì đóng cửa nên đành bò lại tiệm kia. Mới bò vào cửa thì một tên bồi hỏi là sinh viên. Mình trả lời đúng. Hắn dẫn vào bàn ngồi rồi đưa cho cái thực đơn.

Nhìn thực đơn, mình choáng luôn vì không thấy giá thức ăn. Mình gọi tên bồi lại hỏi sao không có giá cả gì cả. Hắn nói đừng lo. Trường sẽ trả khiến mình như bò đội nón, đoán là hôm nay ngày lễ gì đó, họ cho sinh viên ăn có miễn phí. Mình gọi các món ngon, thèm lâu nay.

Đang ăn chậm chậm để thưởng thức món ăn trong tiệm ăn sang thì mình thấy rất nhiều sinh viên mỹ bò vào tiệm, ngồi mấy bàn bên cạnh. Mình đoán là họ đi du lịch cả xe buýt. Lúc đó mình mới giác ngộ cách mạng là xe buýt chở đám sinh viên mỹ đã đặt cọc tiệm ăn. Mình vừa xong món Gelato thì kêu tên bồi lại, hắn đưa trang giấy để mình ký tên rồi dọt nhanh. Ngay viết lại vẫn thấy tim đập bình bịch. Kinh

Mình khám phá ra một điều là đi giang hồ, bán tranh trong 3 tháng hè, được nhiều tiền hơn là làm vớ vẫn tại Paris trong một công ty. Hè năm thứ nhất mình làm việc trong ngân hàng, được lương SMIC.

Sau đó, cứ đến hè là mình chọn một nước để du lịch 3 tháng hè. Vừa vẽ tranh vừa ăn món lạ, làm quen dân bản địa. Sướng kể gì thay vì ở paris nóng. Tối về ở phòng ô-sin nóng như lò lửa.

Khi con gái nộp đơn vào đại học, nó viết tiểu luận cho rằng muốn sống cuộc đời như bố nó khiến mình thất kinh. Nó được nhận vào đại học USC, chương trình học tại 3 quốc gia, ra trường thì có 3 bằng đại học. Năm đầu học tại Cali, năm thứ 2 thì về Á Châu, năm thứ 3 thì học ở Ý Đại Lợi và năm cuối thì về lại Hương Cảng.

4 năm đại học nó thăm viếng và làm việc trên 14 quốc gia. Chỉ khác một điều là khi xưa mình đi giang hồ, thì mưa nắng cũng phải ngồi ngoài trời vẽ để bán tranh, còn nó thì chỉ báo cho mình biết rồi dùng thẻ tín dụng của công ty mình. Chán Mớ Đời 

Hôm nào, buồn đời mình sẽ kể đi Đức quốc, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy-Lạp, Áo Quốc, Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Anh quốc, Ái Nhỉ LAn, Tô Cách Lan,….


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn