Are You Sure?

 Hôm nay, mình ra viếng mộ bố mẹ vợ rồi chạy lên Los Angeles vì có hẹn với hai ông linh mục và một anh kiến trúc sư người Việt. Đáng lẻ tuần rồi gặp nhau, vào giờ cuối một ông cha nhắn tin xin hẹn lại tuần sau vì bận đám tang nhiều quá.

Mình đã đến chủng viện này vài lần, được xây cất từ lâu, hình như 1 năm trước khi mình ra đời. Sau này ít  chủng sinh theo học nên họ đóng cửa, chỉ làm thánh lễ và các buổi tỉnh tâm vào cuối tuần. Nói tổng quát, khuôn viên của chủng viện rất đẹp, nằm trên đồi, chỉ có vấn đề là xuống cấp vì không được tu sửa lại từ khi đóng cửa chủng viện.

Mình đến sớm nên có dịp trò chuyện với vị linh mục. Ông cho biết, trước khi Cô Vi thăm viếng thì mỗi tháng chỉ có 2 đám tang. Từ khi covid xẩy ra thì mỗi tháng lên đến 32 đám tang, còn bây giờ thì 60 cái đám tang. Lúc mình đến đã có một cái đám tang đang cử hành, ra về thì thấy 2 cái khác. Nhờ vậy, nhà dòng có chút tiền nên muốn trùng tu lại các cơ sở của chủng viện, hầu để có một trung tâm sinh hoạt cho các cộng đồng xung quanh.

Cấu trúc này được xây dựng tại Sevilla, do một kiến trúc sư người đức thiết kế. Chắc phải dẫn đồng chí gái đi viếng vùng này, mà khi xưa mình đã đi qua. Đang viết về chuyến đi này. Tuần tới sẽ tải lên.

Các buổi hội thảo tỉnh tâm, thiền quán, thanh niên họp mặt, trung tâm cho người lớn tuổi, đến sinh hoạt hằng ngày. Thế hệ Babyboomers về hưu rất nhiều và sống dai nhờ khoa học. Cali thì ít đất đông dân, do đó các trung tâm này cần thiết để giúp người Mỹ họp mặt thay vì xem truyền hình hay lướt mạng.

Ông cha cho biết là tang quyến phải đóng từ $8,000 - $15,000 cho “nhà quàn” mà không thấy mặt mũi người quá cố, nhiều nơi phải đóng $20,000. Kinh. May quá! Mình để trong di chúc là tặng cơ thể mình cho khoa học. Nếu họ không thèm thì cho vào đại học y khoa để sinh viên học mổ xẻ. Khỏi tốn tiền nhà quàn, đám ma đám quỷ, giúp vợ con khỏi tốn tiền làm đám tang, khóc lóc mỏi mồm.

Khi covid xẩy các con chiên qua đời thì không có nhà thờ nào nhận làm đám tang, chỉ có nhà thờ này, vẫn giữ vững niềm tin ở Thiên Chúa nên không sợ. Ai kêu đi làm lễ “xức dầu” trong nhà thương là bận đồ bảo hộ của BNLV may, bảo trợ cho chương trình Masks Save Lives. Họ muốn làm đám tang thì làm trong khuôn viên, ngoài trời, chỉ có nhà quàn và cái hòm, tang quyến thì nhìn qua zoom. Mình có anh bạn, có ông bố qua đời trong viện dưỡng lão, đến ngày làm đám tang thì không thấy mặt bố, vì nắp hòm đã đóng. Khóc như mưa bấc.

Sau cởi mở hơn thì cách giãn xã hội, 6 bộ nên có thể làm lễ trên sân cỏ, trước máng cỏ Thiên Chúa. Ở vị linh mục kể, có người tới hỏi cần mượn chỗ để đón tiếp 100 thân nhân đến dự. Ông ta hỏi: “are you sure?”. Lưỡng lự, rồi trả lời 150 người. Người khác đến hỏi, kêu 150 người, ông ta hỏi: “are you sure ?” Lại lòi ra 200 mạng. Cứ vòng vòng lên đến 350 người.

Một hôm, có người gọi, tự xưng là cảnh sát của Los Angeles, nghe nói nhà thờ nhận làm lễ đám tang lên đến 200 người. Ông ta hoảng quá, kêu cảnh sát hỏi thì tao phải trả lời “yes”. Ông cảnh sát xin hẹn đến gặp. Có đến 6 ông cảnh sát bò lại khiến ông cha hoảng loạn, lại thêm 2 đại diện nhà quàn. Hoá ra, họ tìm chỗ để làm đám tang cho cảnh sát viên, và con trai của vị cảnh sát trưởng tử nạn xe cộ. Hú vía! Được bề trên hổ trợ.

Ông cảnh sát nói độ 150 người nhưng hai ông đại diện nhà quàn kêu không đủ, phải 200 người. Ông cha lại hỏi: “are you sure?” Họ nói 250 người. Có một cảnh sát viên khác hỏi ông bố sắp chết, có thể mượn chỗ làm đám tang được không. Hỏi bao nhiêu? Ông ta kêu bố tôi chưa về đất Chúa nên chưa biết ngày giờ và số người. Cuối cùng thì ông bố cũng được Chúa gọi về, lên đến 300 ngươi.

Lên tới đất Chúa thì được tin hồ sơ mượn tiền để mua 6 căn hộ đã được duyệt, sẽ đưa cho mình ký ngày mai. Aleluiah! Bề trên hổ trợ.

Sau đó, vị linh mục bề trên và anh kiến trúc sư kia đến. Sau màn giới thiệu, họ dẫn mình đi vòng vòng khuôn viên của nhà dòng. Mình được giải thích là từ khi ngưng chủng viện thì trong nhà dòng, không ai tìm cách, khai thác nhà dòng để tạo nên một nơi sinh hoạt cho cộng đồng, người dân địa phương. Tự cô lập trong giáo xứ, thay vì mở cửa cho các cộng đồng khác trong khu vực sử dụng. Nay thấy các sư mượn chỗ nhà thờ để làm lễ đám tang,…

Họ muốn mình và anh kiến trúc sư kia, hợp tác để thiết kế một dự án phải triển tu viện. Sau đó sẽ thuyết phục giáo dân giúp để xây dựng một cơ sở để giúp giáo dân học tập lời dạy của Chúa.

Mình bỏ nghề kiến trúc sư đã trên 10 năm, mua cái vườn để học nghề làm nông dân, trở về với thiên nhiên. Nay bổng nhiên có hai người muốn mua cái vườn của mình để xây nhà. Chắc bề trên muốn mình bỏ nghề nông dân, trở lại thiết kế cơ sở hoạt động tinh thần ở vùng Los Angeles này.

Mình thích thiết kế mấy đồ án này thay vì mấy cái nhà xây cho rẻ để bán. Nếu Thiên Chúa muốn thì mình chìu theo. Nhưng cũng phải tìm cách giải thích cho các linh mục trên cao của giáo phận vì đa số là có tuổi nên viễn kiến của họ khá cổ lổ sỉ. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn