Ăn cây nào rào cây nấy

 Thế vận hội mùa đông đang diễn ra tại Bắc Kinh. Thiên hạ xem truyền hình cũng tham dự bộ môn “ném đá (tuyết)” các lực sĩ sinh tại một nước lại thi đấu cho một nước khác. Có rất nhiều lực sĩ, muốn tranh tài tại thế vận hội nên đã đổi quốc tịch trước đây. Kỳ này có hai lực sĩ người Mỹ, gốc tàu đã đổi quốc tịch bị ném đá như điên. Có một cô trượt băng nghệ thuật, bị té khi thi tài khiến Trung Cộng về thứ 5, bị dân cư mạng tàu kêu mấy đời ra chửi mấy đời hay ông Nathan Chen, đọat huy chương vàng cho Hoa Kỳ cũng bị dân tàu chửi. Ngược lại họ ca tụng cô Eileen Gu (Cốc Ái Linh) như có bác Mao trong ngày vui đại thắng. Kinh

Có một người còm trên bờ-lốc như sau: “ Bài viết của Anh làm mình nhớ lại cách đây k lâu khi đội tuyển Túc Cầu Nam của Hoa Kỳ đụng độ với đội Mễ Tây Cơ.  Tôi mới hỏi Anh bạn làm chung hãng người gốc Mễ tên Juan là "You ủng hộ đội nào"  Anh ta ngập ngừng khoảng 30 giây và trả lời là "dỉ nhiên là đội tuyển Túc Cầu Nam Hoa Kỳ" mình tỏ vẻ ngạc nhiên là Anh không ủng hộ đội của quê hương Anh nên mình hỏi luôn "tại sao là đội Mỹ không phải đội Mễ Tây Cơ"  Anh liền trả lời "nước Mễ Tây Cơ luôn ơ trong tim tôi vì đó là quê hương"  nhưng tôi và gia đình đang sống và được đất Hoa Kỳ chiêu đãi thì làm sao tôi quay lưng không ủng hộ đội Hoa Kỳ"  Anh còn hỏi ngược lại Tôi, theo You thì You ủng hộ đội nào nếu You là Me/Juan.  Tôi gật gù mấy lần và bắt tay Anh rồi nói "Juan, You nói đúng lắm và Tôi cũng có vài lần suy nghĩ nếu như 1 ngày nào đó mà đội tuyển của VN/bất cứ chơi môn nào đấu với đội tuyển Hoa Kỳ thì tôi sẽ bắt đội nào và tôi cũng bắt như Anh bắt là đội tuyển Hoa Kỳ"  tôi còn nhớ 1 câu mà Mẹ của tôi thường dạy khi tôi còn nhỏ mà chắc suốt cuộc đời này không quên được là câu "Ăn cây nào, rào cây đó"  người Mỹ cũng có 1 câu tương tự như vậy "Don't bite the hand that feeds you".

Eileen Gu, siêu người mẫu cho các công ty thời trang danh tiếng, làm trên 30 triệu đô năm ngoái. Nay với 3 huy chương tại Thế Vận Hội thì biết đâu, một ngày nào có thể trở thành tỷ phú nếu không bị áp lực nặng, xài tiền, hay sì-ke.

Trong thế chiến thứ 2, những người gốc Nhật Bản, sinh sống tại Hoa Kỳ, bị nhốt trong các trại giam vì sợ làm nội tuyến cho Nhật Bản. Thậm chí các cựu chiến binh gốc nhật trong thế chiến thứ 1 cũng bị giam cầm trong các trại tập trung. Nghe nói có một số người gốc đức cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sau này, thời chiến tranh Việt Nam, các người Mỹ gốc á châu đều bị đi quân dịch. Năm 1988, có đạo luật bồi thường $20,000 cho những nạn nhân sống sót. Hôm nào, buồn đời mình sẽ kể vụ này. Chúng ta phải hiểu lịch sử Hoa Kỳ, khá kỳ thị về chủng tộc da vàng để con cháu phải cẩn thận. Thay vì kêu con cháu học y khoa, dược khoa, nên khuyến khích chúng tham gia chính trị để bảo vệ quyền lợi của công đồng gốc vIệt.

Trại lính dùng để nhốt hơn 100,000 người Mỹ gốc Nhật Bản trong thế chiến thứ 2.

Tình trạng anh bạn đồng nghiệp của người còm, cho thấy hơi ngoại lệ, có thể sinh trưởng tại Hoa Kỳ hay đã suy nghĩ rất kỹ lưỡng về câu trả lời,… thông thường khi có trận đá banh tranh tài giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ hay các quốc gia miền Nam Mỹ Châu, mình thấy cờ xí Mễ đầy đường trong khi cổ động viên của Hoa Kỳ là thiểu số. Những năm gần đây, túc cầu trở nên phổ thông với người Mỹ nên ủng hộ viên người Mỹ bắt đầu đông với những câu U.S.A vang trời.

Mình thấy có nhiều cầu thủ người Mỹ, gốc Mễ, lúc đầu đá cho đội tuyển thiếu niên Hoa Kỳ rồi đổi quốc tịch để đá cho Mễ Tây Cơ tương tự cầu thủ McTominay của đội Mờ U. Lúc đầu cho đội tuyển Anh quốc rồi đổi qua đá cho đội tuyển Tô Cách Lan. Còn nhiều cầu thủ khác nữa. Theo mình thì vì quyền lợi nhiều hơn là tình cảm. Ông McTominay khó có thể được tuyển trong đội tuyển A của Anh quốc vì có nhiều cầu thủ Anh quốc đá hay hơn, có thể quảng cáo tại xứ Tô Cách Lan. Các công ty bảo trợ cho các cầu thủ đều khuyên họ làm gì để ký giao kèo, hợp đồng hoành tráng hơn.

Thiên hạ chửi cô Eileen Gu, tàu lai mỹ vì sinh tại Hoa Kỳ, lại chọn thi đấu cho Trung Cộng, đoạt 2 hủy chương. Cô này lại được ủng hộ tại Trung Cộng, đẹp, giỏi, được nhận vào đại học Stanford. Mẹ cô ta, du học sinh rồi ở lại Hoa Kỳ. Không ai biết về bố của cô ta. Họ đoán là bà mẹ lấy chồng mỹ để có quốc tịch để ở lại. Bảo lãnh bà ngoại sang mỹ sinh sống.

Năm ngoái, cô ta đã được trả trên 31 triệu để làm người mẫu cho Louis Vuitton, Tiffany & Co. Nay đoạt 3 huy chương thì chắc sẽ giàu to. Trong đời người, người ta chỉ có một lần khi trẻ để làm tiền thì không nên ném đá bú xua la mua. Nếu thi đấu cho Hoa Kỳ thì ít tiền vì Hoa Kỳ có quá đông lực sĩ thêm thị trường người á châu rất ít. Mình đoán công ty quản lý nghề nghiệp cô ta ta đề nghị nên thi đấu cho Trung Cộng để làm giàu. 4 năm nữa ai cũng sẽ quên cô ta nên tìm cách hốt bạc ngày nay. Louis Vuitton,… đánh vào thị trường Trung Cộng có đến 1.4 tỷ người. Cô này lai, mắt xanh, tóc vàng, không biết có nhuộm hay không, sẽ là thần tượng của các cô các bà tại Trung Cộng và á châu.

Cách đây 10 năm, có một sinh viên Harvard tên Jeremy Lin, cầu thủ bóng rổ, nổi đình nổi đám, tạo ra một giấc mơ cho giới trẻ người Mỹ gốc da vàng, mơ trở thành cầu thủ bóng rổ, tạo ra hiện tượng “Linsanity”cũng hái ra tiền khi sang Trung Cộng thi đấu, làm ăn. Nay có cô Gu, người ta gọi “Gusanity”. Mình không thích tàu nhưng phải công nhận là nên để họ có khả năng làm tiền trong giai đoạn này, độ 4 năm. Thế vận hội kỳ tới lại có vô địch mới, người ta lại quên cô ta như đã quên những người nổi tiếng một thời.

Có lần, mình thấy hai cô em mình ở Việt Nam, chụp hình tạo dáng với hai cái áo thung đỏ với ngôi sao vàng trước một trận đấu túc cầu tại Việt Nam khiến mình thất kinh. Mình ở hải ngoại, khi về Việt Nam, thấy lá cờ đỏ là mường tượng đến bài thơ “Nhất định thắng” cuả ông Trần Dần: 

….Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
       không thấy phố
              không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
           trên màu cờ đỏ…..

Khi mình về Đà Lạt, đến rạp Hoà Bình trong cơn mưa phùn của Đà Lạt, mới cảm được bài thơ của người ở phố Sinh Từ.

Trong thời chiến tranh, một người sinh ra miền Nam thì đi lính cho Việt Nam Cộng Hoà, còn người sinh ra tại Bắc Việt như chú mình thì đi bộ đội rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Họ không có quyền chọn lựa như người Việt tại hải ngoại. Dạo ấy, cộng đồng người Việt được chia thành 2 nhóm: nhóm thân cộng được Việt Cộng gọi là Việt kiều yêu nước và người chống cộng. 2 phe đa số là sinh viên đánh nhau chí choé. Cứ Tết đến, tại rạp Maubert là hai bên đánh nhau khi tổ chức Tết.

Ngày nay, người Việt hải ngoại vẫn sống giữa hai quê. Do đó họ quan tâm đến tình hình tại quê nhà, thế hệ thứ hai như con mình chỉ nhớ đến Tết vì được lì-xì, họ hàng gặp nhau vui vẻ, đánh bầu cua cá cọp được một ngày rồi ai nấy về nhà nấy. Gia đình bà chị vợ của mình ở Boston, hàng năm là về Cali để trốn lạnh và họp mặt gia đình. Đồng chí gái dự tính bán được đất thì mời cả dòng họ đi du lịch một tuần. Hàng năm, đồng chí gái đều tổ chức họp mặt gia đình ở Cali.

Mình có anh bạn, thức khuya để xem đá banh khi đội tuyển Việt Nam tranh tài. Mình thì chịu vì theo mình trình độ đá còn thấp so với Âu Châu hay Mỹ Châu. Chỉ xem tóm lược 10 phút. Trên kênh Paramount +, mình thấy đủ loại. Ngay khi các đội tuyển Ba Tây, Á Căn Đình đấu mình cũng không xem vì thấy thua Âu Châu ngày nay. Túc cầu thế giới thì bỏ công xem hết các trận còn thường thì chịu.

Mình sống tại nhiều nước trước khi định cư tại Hoa Kỳ nên khi có các cuộc tranh tài, mình ủng hộ Pháp quốc, Anh quốc, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Đức quốc lại có bạn ở Hoà Lan nên cũng ủng hộ. Mình có đi viếng vài nước tại Phi Châu nên cũng hay xem các nước này tranh tài.

Tranh tài có một yếu tố quan trọng là “may mắn”. Đội tuyển Đức quốc tấn công liên tục, vây hãm khung thành, nhưng không đá vào trái nào. Khi thì banh đụng xà ngang, đụng cột thành hay thủ môn bay đỡ mà thường ngày chưa chắc đã bắt hay cứu nguy được. Bà rá sao, banh trúng chân một cầu thủ Đức quốc chạy đến chân của một cầu thủ Nam Hàn, đang ở vị trí việt vị nhưng vì banh do cầu thủ Đức quốc chuyền nên không bị việt vị. Xong om 

Xem đội tuyển Việt Nam đá với Trung Cộng thì thấy Trung Cộng tấn công, áp đảo trong khi Việt Nam phản công lần nào là lọt vô trái đá. Thấy chụp hình, thiên hạ, ủng hộ viên đến sân Ba Đình, đem đồ cúng ai đó không biết. Chắc tổ đá banh nên Việt Nam thắng nhờ Phật độ hay chúa độ hay vua Lê Lợi không chừng.

Lực sĩ Erin Jackson của Hoa Kỳ, đoạt huy chương vàng nhờ một lực sĩ khác nhường cho cô ta thi đấu bộ môn này. Nói lên tình đồng đội, thân hữu, thay vì nghĩ mình bớt đi một đối thủ cho huy chương vàng. Đó là hình ảnh mình cảm nhận nhất về tinh thần thể thao.

Có lẻ câu chuyện về cô lực sĩ Erin Jackson của Hoa Kỳ đoạt huy chương vàng. Lẻ ra cô ta không được tham dự thế vận hội nhưng một lực sĩ khác trong phái đoàn nhường quyền thi đấu bộ môn trượt băng 500 mét. Cô ta đã đoạt huy chương vàng nhưng chắc sẽ không giàu lắm vì các công ty sẽ không bảo trợ. Bao nhiêu người Mỹ da đen có thể chơi bộ môn này. Rất đắt tiền! Mình có cho thằng con chơi môn này một vài tháng nhưng đắt quá lại xa nhà, phải chạy lên Los Angeles. Hình ảnh cô ta chào quốc kỳ Hoa Kỳ và khóc khiến mình mình cảm động. Có lẻ mình rất Mỹ hơn mình tưởng.  

Rốt cuộc, mình chỉ mong ai giỏi thì thắng nên trung lập. Đồng chí gái hỏi mình xem đá banh sao ngồi yên trong khi ông anh cột chèo, anh vợ đều nhảy cà tưng la hét. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn