Đầu tư vào con trai hay con gái?

 Sáng nay, thấy anh bạn tải tin tức túc cầu á châu khiến mình vui cực đỉnh. Hội tuyển nữ túc cầu Việt Nam, dành vé tham dự giải túc cầu thế giới năm tới, sau khi hạ đội tuyển Đài Loan 2-1. Hội tuyển Đài Loan bị dính covid nên thiếu khá nhiều cầu thủ giỏi trong khi Việt Nam không bị dính, có đủ bộ 23 cầu thủ. Kiểu này, năm tới nhiều khi đội tuyển Việt Nam đụng đội tuyển Hoa Kỳ, không biết mình sẽ ủng hộ đội nào? Chắc Hoa Kỳ. Nếu không sẽ bị ném đá “ăn cơm Hoa Kỳ, thờ ma cộng sản”. Chán Mớ Đời 

Báo chí Việt Nam ít nói đến đội nữ tuyển túc cầu, ngược lại đội tuyển nam thì chắc chắn là không được tham dự giải túc cầu thế giới năm nay vì toàn là thua. May sao tuần rồi hạ được anh ba tàu. Đá trực tiếp sớm quá nên mình không xem, chỉ xem tóm lược trên kênh Paramount +.

Thực tế của đội túc cầu Việt Nam, thể hiện được tinh thần, văn hoá người Việt. Cái gì cũng dành cho “con trai” còn con gái thì nuôi chưa chi là đã gả chồng cho rảnh nợ đời. Cứ dồn kinh tế gia đình để lo cho con trai. Hên thì con trai khá khá, còn xui thì kêu con là nợ. Ngược lại con gái thì không để ý nhiều nhưng về già, tuy đã có chồng nhưng chúng vẫn lo cho mình. Nấu miếng ăn ngon, đem lại cho bố mẹ còn con trai thì chỉ đợi bố mẹ đi tây để thừa hưởng gia tài.

Bà cụ tốn tiền cho mình ăn học trường tây, đi tây đi tàu, nay về già thì cô em mình chăm sóc. Chán Mớ Đời 

Hình ảnh trên báo Đài Loan. Bài báo rất nhẹ nhàng, không hằn học, dù mình thấy cầu thủ Việt Nam chơi xấu nhiều lần, lãnh thẻ vàng.

Đội tuyển nam thì bỏ tiền mướn gia sư gốc Kim Chi dạy đủ nghề. Có lẻ ông ta bồ dưỡng kim chi cay quá cỡ nên cầu thủ nam, tương đối khá hơn xưa. Muốn giỏi thì phải có chương trình tuyển lựa và huấn luyện tối thiểu 20 năm mới đào tạo các cầu thủ có thể tranh tài với thế giới. Xem giải túc cầu phi châu, đa số các đội banh mướn huấn luyện viên ngoại quốc. Mấy người này được đào tạo và cập nhật hoá cách tổ chức, tập luyện một cách khoa học khiến các nước như Ba Tây, Á Căn Đình,…hết đoạt các giải quốc tế.

Chúng ta chỉ có chủ nghĩa Thánh Gióng, tự bẩm sinh, nổi tiếng đá giỏi rồi tự hào quá Việt Nam ơi, Thái Lan phải đợi 15 năm sau mới bằng Việt Nam. Nay đội tuyển nữ Thái Lan và Việt Nam vào được vòng thế giới nhưng khó mà hy vọng thắng vì đẳng cấp còn thua xa mấy chục năm của thế giới. Tuy nhiên là một điểm tốt cho sự khởi đầu. Thật sự, mình thích xem mấy đội nữ đá hơn, ít bạo lực như các đội nam. Xem đội tuyển nữ của Hoa Kỳ hay Hoà Lan đá thích hơn là các đội nam. Đội nữ đá theo kiểu ngày xưa, ít bị giời hạn bởi chiến thuật.

Mình nhớ dạo ở bên tây, ông Guillou, cầu thủ quốc gia và sau này có làm huấn luyện viên cho đội tuyển Pháp quốc. Ông ta đề nghị các câu lạc bộ túc cầu pháp nên đầu tư ở Phi Châu, tại các cựu thuộc địa của pháp để tìm kiếm và huấn luyện cầu thủ mấy xứ này, nhằm cung cấp cầu thủ cho các câu lạc bộ túc cầu của Pháp quốc, để câu khán giả gốc phi châu.

Ông ta và nhóm của ông ta sang phi châu, đi tìm và mở trung tâm huấn luyện túc cầu. Mấy năm sau, họ có một số cầu thủ giỏi, đem qua Pháp thi đấu. Dần dần, các đội tuyển phi châu đá khá lên, có thể hạ các đội tuyển âu châu. Mình nhớ trận đầu tiên giữa Senegal và Pháp quốc thi đấu tại giải túc cầu thế giới. Cựu thuộc địa thắng mẫu quốc khiến dân da đen xuống đường tỏng khi tây da trắng chửi mẹt-xà-lù đủ cở. Ngày nay, nhìn lại thì đội tuyển pháp có đến 70-80% người da đen khiến mấy tên cực hữu phải chửi thề.

Tương tự đội tuyển túc cầu của Hoa Kỳ cũng èo uột. Đến khi họ mướn ông cầu thủ và cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Đức quốc, Jürgen Klinsmann. Ông này thành lập chương trình tìm tài năng và huấn luyện tại cấp địa phương. Ông này bị các cầu thủ mỹ chơi vì ông ta dùng cầu thủ sinh tại Đức nhưng có cha là lính mỹ. Nhiều người không rành tiếng mỹ. 

Cuối cùng bị sa thải nhưng kết quả của chương trình tìm tài năng, huấn luyện từ địa phương đã đem lại thành quả ngày nay, có nhiều cầu thủ mỹ, đá cho các đội bóng nổi tiếng ở Âu Châu. Khi xưa có 3 anh chụp gôn là có hạng. Cho thấy muốn giỏi phải có chương trình huấn luyện, tìm tài năng, không phân biệt lý lịch, chính trị và viễn kiến cho mai sau. Nghe ông huấn luyện viên Việt Nam đội nữ đã từ chức. Chắc muốn được trả lương cao hơn. Còn đội tuyển nữ được nhận vào đại học nào đó, không cần phải thi vào. Chắc màn PR.

Mình thấy có nhiều cầu thủ Nhật Bản, đại hàn đầu quân cho các đội tuyển ở âu châu. Đồng ý là họ cần quảng cáo tại á châu nên phải mướn cầu thủ á châu nhưng thực tế, mấy cầu thủ này đá rất hay như ông Heung Min Son, đá cho đội Tottenham ở Anh quốc. Ông này, đá lọt quả thứ 2 khi đội nam HÀn thắng đội Đức quốc trong cuộc tranh giải túc cầu thế giới 2018, khiến các hậu vệ khét tiếng thế giới vẫn nể nan.

Mình nhận thấy không có sự công bằng trong gia đình Việt Nam. Con trai thì không làm việc nhà, đi chơi bớ vơ, con gái lãnh hết. Hôm kia, ăn Tết nhà mình. Sau khi ăn xong, mình, ông anh cột chèo và ông anh vợ, ngồi xỉa răng, xem truyền hình còn mấy bà theo lối xưa, đi dọn dẹp. Mình dựa hơi mấy ông anh nên ngôi xỉa răng. Ngày thường thì phải làm rồi để vợ hát karaoke. Chán Mớ Đời 

Đồng chí gái có cô bạn học khi xưa kể chuyện khiến cả hai khóc như mưa bấc. Gia đình cô bạn thuộc loại trâm anh thế phiệt. Ông bố làm ngoại giao bên Úc. Được điều về Sàigòn tạm để chờ nhận công vụ mới. Cô bạn vào học chung lớp, tiếng việt không rành như đám con mình ngày nay.

Ông bố nhận được nhiệm vụ mới, đi Pháp. Nói để chuẩn bị nhà cửa xong xuôi thì đón mấy mẹ con sang. Đùng một cái, 30 tháng 4 đến. Bà mẹ đem con ra phi trường thì chỉ còn 3 vé đi pháp. Bà ta kêu bà vú dẫn hai cô con gái về, bà và 2 người con trai đi trước. Sang Pháp, bà sẽ tìm cách đem qua sau. 30 tháng 4 đến, bà vú ôm tiền, bỏ về quê. Cô bạn phải ra bán chợ trời, lăn lộn với cuộc sống mới của con người mới, xã hội chủ nghĩa. Cô em thì muốn làm cháu ngoan của bác, trò ngoan của thầy, về nhà kêu bọn ngụy quân ngụy quyền gian ác, bị cô chị cho ăn tát…

Sau này, cô ta về thăm Việt Nam một lần rồi không dám trở lại. Lý do là khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất, hình ảnh mẹ cô ta bỏ lại năm 1975 từ đâu ập về khiến cô ta khóc như mưa.

Người anh sang tây, chả học hành gì cả. Sau này, bà mẹ di cư sang Hoa Kỳ với người con trai đầu, ở với cô con gái đầu, du học trước 75. Trước khi chết, dặn phải chăm sóc ông em trai, nghiện ngập. Có lần cô chị la ông em trai. Ông này bảo tôi chưa lấy bức tranh đắt tiền của chị đi bán là may lắm rồi, không nên chửi bới.

Có cô bạn kể là bà mẹ cũng khổ với ông anh. Cho đi du học rồi học không nổi về lại Việt Nam, bà mẹ nuôi mệt thở. Cho thấy văn hoá trọng nam khinh nữ của người Việt đã làm tốn tiền, kinh tế của gia đình. Đầu tư không đúng chỗ. Mua cổ phiếu, cái nào không khá thì dẹp, dồn tiền cho những cổ phiếu nào có khả năng tương lai. Đó là sai lầm về đầu tư, cứ hy vọng sẽ thay đổi. Chúa hay Phật cũng không giúp được gì cả.

Trai hay gái đều xem như nhau. Đứa nào giỏi thì đầu tư cho nó học thêm, còn đứa học dốt thì cho đi học nghề. Văn hoá “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” sẽ gây ra bất công và bỏ quên hay cố ý vô hình trung loại các tiềm năng cá nhân có thể giúp ích cho gia đình, cộng động, xa hơn là quốc gia. Điển hình là nhạc sĩ dương cầm nổi thế giới Thái Sơn.

Trong lịch sử Việt Nam, người Việt tốn biết bao nhiêu tiền cho con trai ăn học mà chả ra cái gì. Ông Tú Xương, được vợ nuôi 20 năm trời để học thuộc lầu 9 cuốn sách. May ông ta đậu nhưng chả làm được cái gì, ngoài vài câu thơ ca tụng đồng chí vợ.

Có quảng cáo trả $750, để bạn không phải tổ chức ngày Tình Yêu với đồng chí vợ. Họ sẽ bận đồng phục cảnh sát, chạy xe cảnh sát tới nơi, bắt bạn ngày thứ 6 và trả về thứ 2. Bao ăn ở và dụng cụ đi câu,…

Từ đó đưa đến vấn nạn “học tài thi lý lịch” đã dẹp bỏ đi biết bao nhất nhân tài của Việt Nam. Điển hình là ông Đào Duy Từ, vì lý lịch bị tước bỏ văn bằng, về quê chăn trâu. Sau ông ta là người trí thức vượt biên xuống miền nam, được CHúa Nguyễn trọng dụng, nghe theo kế sách mà trị vị mấy trăm năm. 

Bù lại họ sử dụng các nhân vật không có khả năng, chạy bằng cấp, được người thân cơ cấu vào các vai trò lãnh đạo như một cán bộ nào gọi là “hồng phúc dân tộc”. Tinh thần “1 người làm quan cả họ được nhờ” đã  khiến Việt Nam không thoát tâm lý, văn hoá ao làng để vươn ra xa để bắt kịp thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ @. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn