Thiên tài Việt Nam ở đâu?

 Tuần lễ này, được tin học trò của nhạc sĩ Đặng Thái sơn, đoạt giải dương cầm nhạc Chopin, được tổ chức tại Ba Lan mỗi 5 năm, khiến mọi người nức nở. Hai người có chút gốc gác việt được tham dự giải âm nhạc này đều ở hải ngoại, còn Việt Nam dù có trên 100 triệu người vẫn không cử được một thí sinh sau ông Đặng Thái Sơn. Nghe nói vào giờ chót, một người học trò của ông ta đã đoạt giải quán quân. Thầy giỏi đào tạo ra học trò giỏi.

Trên thực tế, Hà Nội không muốn gửi ông Đặng Thái Sơn đi thi khi xưa, tốn tiền cho con tên phản động, chỉ khi ông ta thắng giải, mới kêu hãnh diện quá Việt Nam ơi. Theo mình đọc tài liệu của Việt Nam, thì được biết bố ông ĐTS, được quy vào thành phần phản động nên khi được ông thầy người Nga, đề cử đi du học tại Mạc Tư Khoa, cũng bị bác đơn vì lý lịch. Đến khi ông thầy người Nga doạ, không cho các người được Đảng tuyển, những “hạt giống đỏ” đi, ĐTS mới được chấp thuận cho du học.

Người ngoại quốc khi phát hiện ra nhân tài thì họ tìm cách giúp đỡ dù không thân thích, khác chủng tộc. Mình thấy tấm ảnh, các bạn đồng môn người Pháp của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, công kênh ông ta trên vai, khi ông đoạt giải khôi nguyên Grand Prix de Rome. Dạo ấy sau Điện Biên Phủ, người Pháp rất ghét người Việt tại Pháp quốc. Mình nghe kể người Việt đi ngoài đường hay bị tây con chận đánh. 

Người Việt mình thấy ai giỏi hơn mình là tìm cách vùi dập nên ít khi có nhân tài vì mới lộ trong trứng đã bị bóp nát. Nghe nói mấy người đoạt giải quán quân Olympia đều ở lại nước ngoài khi có cơ hội.

Nga Sô dạo ấy như một đế chế, cần tìm kiếm các tài năng của đế chế để đào tạo. Khi ông ĐTS đi thi, toà đại sứ của Việt Nam cũng không màng đến, ông ta phải đi tự túc từ Nga Sô đến Ba-Lan, được ông thầy giúp đỡ. Sau này, thành danh, ông ta có trở về Việt Nam, Hà Nội phát nhà ở cho bố sống được một thời gian ngắn trước khi qua đời. Bố ông ta được chế độ bớt hà khắc lại. Phản động thường sinh ra nhân tài.

Có một anh bạn kể; một người đậu đầu miền nam, có danh sách đi du học tại Nga Sô, đến khi các ông từ ngoài bắc vào, loại tên ra để con họ, những hạt giống đỏ, đi thế. Người bạn thủ khoa, tự tử chết. Anh ta xuống tàu vượt biển. Mình nhớ dạo đi dạy ở đại học bách khoa Lausanne, bà thư ký cho biết, phải cẩn thận vì có nhiều học trò từ phi châu ghi danh học cao học, lại có bằng cấp hữu nghị của Liên Xô cấp. Bà ta cho biết các sinh viên ngoại quốc sang Liên Xô học, đều được cấp bằng cả dù học dốt. Gọi là bằng hữu nghị.

Đọc trong cuốn “bên thắng cuộc” của Huy Đức, kể có anh chàng nào đậu thủ khoa tại miền nam, không được vào đại học, đổi tên, đổi thành phố cũng vậy, vẫn bị đánh rớt. Mình có cô em đậu vào trường kiến trúc Sàigòn nhưng vì lý lịch gia đình, không được đi học, ở nhà đan áo len nay bán cà phê. Mình còn bận cái áo len của cô ta đan cho lần đầu tiên về thăm nhà.

Không biết bao nhiêu nhân tài của Việt Nam, bị loại bỏ vì chế độ lý lịch. Mình nói chuyện với một bác, khi xưa có giúp các sinh viên việt du học tại Hoa Kỳ. Bác nói mình nghĩ giúp chúng sang đây, dù con mấy ông lớn đảng viên. Chúng sẽ học điều hay, sau này có thể thay đổi đất nước. 20 năm sau, bác về thăm Việt Nam, gặp lại mấy người này. Bác kêu chúng học được sự khôn ngoan của người Mỹ , nay chúng còn ăn chận nhiều, tham nhũng hơn thế hệ bố của chúng. Chúng còn dã man hơn bố chúng vì có học. Chán Mớ Đời 

Tuần này thấy báo chí Việt Nam đánh ông bác sĩ nào, của bệnh viện Bạch Mai, đôn giá tiền mua máy móc trợ tim gì đó. Trí thức, có học ở hải ngoại về, còn ăn hơn những kẻ không ra hải ngoại. Chán Mớ Đời 

Nói cho ngay, chế độ lý lịch đã khởi mầm từ thời phong kiến xưa. Điển hình, ông Đào Duy Từ, con của các nghệ nhân, mà chế độ phong kiến cho là phường xướng ca vô loại. Ông ta giỏi nhưng không được đi thi. Nghe kể, đi thi, phải được làng xóm đề xuất mới được ghi danh đi thi. Bà mẹ, nhờ tên chủ làng phường xóm chi đó, nhận làm con nuôi, để lấy tên họ của ông ta đi thi. Ông Duy Từ đậu thủ khoa, bà mẹ xù ông cán bộ trong làng nên ông này đi thưa. Ông Đào Duy Từ bị tước bằng cấp dù đã đậu, khác với các cán bộ ngày nay, có bằng tiến sĩ ma. Đọc báo Việt Nam, cho biết có trường học nào mà đến 23 giáo viên có bằng giả, chưa học qua được bậc tiểu học.

Ông Đào Duy Từ, vượt biên, xuống miền nam được Chúa Nguyễn trọng dụng, đã giúp Nhà Nguyễn tại vị đến 274 năm, với những Luỹ Thầy, để chống bọn phương bắc đánh phá, chiếm đóng, ăn cướp.

Ông Đặng Thái Sơn, ở lại Gia-nã-đại, tiếp tục sự nghiệp âm nhạc quốc tế, không dám về Việt Nam ở, nay có học trò đoạt giải dương cầm quốc tế.

Nếu khi xưa, không có ông thầy người Nga, có lẻ thế giới đã mất đi một Đặng Thái Sơn.


Bao nhiêu người ở Việt Nam không may mắn như Đặng Thái Sơn, được người thầy can thiệp, đã phải bỏ ngang tài năng đi cấy lúa, lao động. 

Hình ảnh khi gặp lại một anh bạn học cũ khi xưa tại Sàigòn khiến mình không bao giờ quên được. Anh ta kể đang học đại học y khoa tại Huế, công an vào lớp, gọi tên anh ta, đem sách vở đi theo. Anh ta không bao giờ được trở lại lớp học. Mộng làm y sĩ để chữa bệnh cho người Việt tại các làng quê nghèo của Huế tan theo mây khói. Phải đi lao động nuôi thân. Nghe anh ta kể với sự luyến tiếc, bao nhiêu ấp ủ của một người thanh niên, muốn vào đại học để thay đổi, xã hội cộng đồng, biến theo mây khói. Chỉ vì hai chữ Lý-Lịch. Anh ta đâu có tội tình gì. Chỉ sinh ra tại miền nam. Cũng như tại miền bắc, bố phải đi quân dịch, đánh nhau cho Mỹ, tương tự ngoài bắc, thanh niên lao ra chiến trường, để đánh cho tàu cho liên sô. Chán Mớ Đời 

Nghe nói có ai đi học, thi đại học được 30 điểm mà vẫn không được học tỏng khi những thí sinh khác ít điểm hơn lại đậu.


Nguyễn Hoàng Sơn