Oktoberfest 2021

 Tuần này, mình làm Toastmaster nên chọn đề tài Oktoberfest 2021. Lý do vào thu và tháng 10. Mình ngạc nhiên là người Mỹ không biết về lễ hội lớn nhất thế giới này, dù 40% người Mỹ tự xưng là gốc Đức quốc. Cho thấy người Mỹ ít biết nhiều về văn hóa trên thế giới nhất là 46 triệu người Mỹ tự nhận là hậu duệ của người Đức. Họ cảm ơn đã chia sẻ, nói về lễ hội này. Lễ hội này, được tổ chức hàng năm, có trên 7 triệu người tham dự, diễn ra trong hai tuần lễ thêm hai lần cuối tuần, có thể lên đến 16 đến 18 ngày. Đặc biệt, tên gọi là lễ hội tháng 10 nhưng lại bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Năm ngoái và năm nay không có tổ chức vì Covid-19. Lễ hội này khởi đầu từ 210 năm qua, chỉ không tổ chức đâu 28 lần vì chiến tranh, bệnh dịch. Tính ra một người Mỹ đi dự lễ hội này, phải chi $5,000, tiền vé, tiền khách sạn vì trong lễ hội này, khách sạn cháy vé, giá lên gấp 3 ngày thường. Một ly cối bia giá $15 thay vì $6 như mọi ngày. Mình nói họ không cần đi xa, tốn tiền chỉ cần ra Huntington Beach, có khu người Đức, hàng năm họ tổ chức Oktoberfest, cả tháng.

Cô phục vụ viên này, một tay cầm mấy ly cối bia, đem đến mỗi bàn để khỏi mất thì giờ. Chụp hình nên kiếm cô đẹp, thường là thấy mấy bà to béo lắm.

Nhưng không thể nào bằng tham dự tại thành phố Munich cả. Đông như ngày hội. Dân tứ xứ đến, nói chung thì độ 60% người tham dự là dân địa phương. Họ cho biết là những ngày lễ hội này, vợ chồng ngoại tình nhiều lắm vì say sưa rồi đi theo ai về nhà họ. Mình có tham dự lễ hội bia nổi tiếng ở thành phố Colmar, ở Pháp quốc nhưng nhỏ hơn nhiều. Ở đây thì gấp 10 lần như vậy.

Nhiều nước có những ngày lễ hội giúp người dân vui chơi và bỏ bớt buồn phiền như ở Ấn Độ, có một ngày, người vợ có thể đánh tên chồng nhưng tên này không được làm gì cả. Bao nhiêu uất ức trong năm, mụ vợ khệnh tên chồng rồi qua ngày hôm sau, tên chồng lại khệnh lại. Lễ hội này được gọi “lath mar holi”. Tương truyền, thần Krishna, khi còn trẻ hay đến cái làng này để thăm người yêu. Có lần trong mùa lễ hội màu sắc (Holi), người dân quăn bột màu cho nhau. Mình chưa bao viếng xứ cà ri nị cả nhưng xem mấy phim tài liệu du lịch, văn hoá xứ này.

Trong hình thấy phụ nữ che mặt để đàn ông không nhớ mặt, trả thù nhất là mấy ông chồng

Ông thần Krishna và mấy người bạn trẻ hay chọc mấy cô mấy bà khiến họ nổi khùng, lấy cây rượt đánh mấy ông, ngay cả thần Krishna. Cho thấy phụ nữ Ấn Độ không sợ ai cả. Cũng từ đó, người ta làm lễ hội này hàng năm. Đàn ông bị đánh không được đánh lại, chỉ lấy khiên đỡ.

Ở Việt Nam, mình đọc trong cuốn sử thời vua Tự Đức, có kể những hội lễ làng như ở đình, trong  vòng mấy phút, người ta dập tắt các ngọn đuốc, dân làng leo lên đình để đánh mấy tên cai trị làng,…. Hay ở Bắc NInh, có lễ hội mà trai gái tìm nhau đứng gần nhau, rồi khi họ tắt đuốc thì mò mẫn nhau, có cả hình vẽ cảnh xưa, khá vui. Mình có giữ tấm ảnh tranh này nhưng chắc phải xem để ở đâu. Có lẻ vì vậy mà có dân ca quan họ Bắc NInh “yêu nhau cởi áo ơi à cho nhau,..”

Trở lại Oktoberfest, lễ hội này khởi đầu từ đám cưới của hoàng tử vùng Bavarian, tên Ludwig và bà vợ tên Therese chi không nhớ vì tên khá dài. Họ cho dân dã tham dự, ăn uống no say, hát hò, nhảy múa. Thích quá người dân hay đúng hơn các tay bán bia, cho rằng cơ hội bán bia nên đứng ra tổ chức lễ hội này hàng năm và trở thành tập tục của thành phố Munich.

Trên Netflix, năm ngoái, có chiếu bộ phim nói về tranh dành thị trường bia ở vùng này, nói đến lịch sử các bia của Đức quốc. Ai tò mò thì nên xem. Mình có thời gian ở âu châu và Thuỵ Sĩ củng như Đức quốc một thời gian ngắn nên tò mò, muốn hiểu thêm.

Lễ hội được gọi là lễ hội tháng 10 (Oktoberfest) nhưng lại tổ chức vào tháng 9, và kết thúc đầu tháng 10. Lý do là tháng 9, trời còn đẹp, tháng 10 bắt đầu lạnh và mưa nhiều. Các tay buôn chỉ cần đổi lại trước đó 2 tuần là vui. Chỉ có bia sản xuất từ Munich được bán tại lễ hội, còn bia các vùng khác hay trên thế giới thì bó tay. Chỉ có 6 công ty bia ở Munich được bán thôi. Mình không nhớ tên vì dài lắm, nhất là mình không uống bia. Độ cồn của bia tại đây rất mạnh 6%, có 14 cái lều để thiên hạ vào ăn và uống bia và nhảy múa.

Có một lễ hội mình muốn tham dự ở Tây Ban Nha là Pamplona ở San Firmin, nơi họ chạy vì bò rừng rượt trong thành phố và La Tomatina ở gần Valencia mà khi xưa, mình hụt mất 1 tuần lễ, nơi họ chọi cà chua vui lắm. Bạn bè kể. Chắc sang năm. Hy vọng.

Tuần này, không có vợ mình bò lại mấy tiệm ăn gốc đức, ăn đồ của họ để nhớ lại chút dư âm của thời còn trẻ, giang hồ tứ xứ. Mình sẽ dẫn mụ vợ tuần tới đi ăn ở Oktoberfest ở Huntington Beach.

Nguyễn Hoàng Sơn