Phim “Im Westen nichts Neues”


Mình hay xem YouTube, để tránh quảng cáo, phải trả tiền hàng tháng thì khám phá ra có nhiều phim rất hay trên kênh này, không bị quảng cáo, xem thẳng tuồn tuộc luôn. Mấy hôm nay, mình xem lại một trong những phim mình rất thích, xem đi xem lại nhiều lần từ khi rời Đàlạt đến nay. Phim phỏng theo cuốn truyện của nhà văn đức Erich Maria Remarque, “ Im westen nichts neues“ (không có gì mới tại mặt trận miền Tây), không nhớ tiếng Việt dịch ra sao vì mình đọc cuốn này tại Đàlạt, cánh đây 50 năm do một chị hàng xóm cho mượn. Sau này ra hải ngoại có đọc lại đủ thứ tiếng để học ngoại ngữ, đọc lại những sách mình đã đọc qua một ngôn ngữ khác dễ thấm hơn.

Câu chuyện này, khởi đầu được đăng trên báo như khi xưa mình đọc truyện Kim Dung thường nhật đến năm 1929, mới được in thành sách. Sách bán trên 2.5 triệu cuốn trên 22 quốc gia trong vòng 18 tháng đầu tiên. Dạo ấy là chuyện phi thường. Năm 1930, cuốn sách được Hồ Ly Vọng dựng thành phim trắng đen và đoạt giải Oscar. Mình có xem cuốn này và năm 1979 được quay lại bằng phim màu. Mình xem cả hai. Cuốn phim màu thì cảm động hơn.

Năm 1930, khi Hitler lên nắm quyền hành thì cấm cuốn sách này. Chế độ độc tài nào cũng cấm đoán những tư tưởng cá nhân, thay vào đó là những ngôn ngữ dao to búa lớn, để xua đẩy thanh niên ra trận chết cho họ, dưới các cụm từ danh dự, chúa Phật, tổ quốc, bú xua la mua.

Cuốn sách này nói lên vấn đề chiến tranh, chém giết nhau. Nhân danh tổ quốc, nhân danh đảng, nhân danh Chúa,…để giết người. Có cảnh diễn viên diễn tả rất hay, rất thật với cuốn truyện; khi anh ta nhảy vào giao thông hào núp, thì có một người lính đối phương nhảy vào sau, để tránh pháo kích. Chưa kịp tỉnh hồn đã bị anh lính người đức dùng dao găm đâm vài nhát. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, người lính đức nhìn người lính pháp hấp hối, bị anh ta đâm vài nhát. Quá thương tâm cho kiếp người, cứ bị ma lực của chủ nghĩa, của quyền lực, thúc đẩy họ ra trận giết người để những ông quan mặt lớn ở hậu phương vui chơi.


Chuyện khởi đầu trong lớp học, ông thầy giáo giảng về tình yêu tổ quốc, trung thành với hoàng đế (Kaiser), yêu quê hương, chùm khế ngọt bú xua la mua. Rồi các nam sinh được tuyển mộ quân dịch, ra trận. Trước khi lên xe lửa, bà mẹ người bạn của nhân vật chính, dặn anh ta phải chăm sóc người bạn, đừng để chuyện gì xảy ra cho con bà ta. Vào quân trường, có một hạ sĩ huấn luyện. Tên này có tính thù vặt, đì tân binh chết bỏ. Ngày cuối cùng, tân binh trùm bao bố, đánh một trận, trả thù.

Ra trận, gặp thượng sĩ Già, cho biết những gì học ở quân trường, hãy quên đi khiến mấy tên tân binh ngố như bò đội nón. Chỉ là lý thuyết do mấy thằng không ra trận bú xua la mua. Ông thượng sĩ già dẫn đi tuần tối hôm đó, kêu là khi nào nghe xì xì xì là nhảy xuống đất, tránh mảnh đạn. Vừa nói xong là nghe tiếng đại bác rót tới, cả đám nhảy xuống đất, đạn rơi tùm lum, lửa cháy khắp nơi, người chết, tiếng la hét đau thương vang dội khắp trời.

Một hôm, đám Tân bình thấy sự hiện diện của tên hạ sĩ huấn luyện quân trường. Hết lính nên họ tuyển lính già, lính trẻ tuổi hơn. Trong lần tấn công, Paul, tên của nhân vật chính, thấy ông hạ sĩ huấn luyện viên nằm núp, sợ bom đạn, thay vì xung phong như ông ta huấn luyện các tân binh, phải kéo ông này chạy. Cuối cùng ông vua đến trao huy chương cho tên hạ sĩ hèn nhát, không dám tấn công, còn những chiến sĩ gan dạ chỉ đứng nhìn. Chán Mớ Đời 

Cảnh tội nhất là khi đến dòng sông, ngăn đôi chiến tuyến, bên là pháp, bên là đức. Mấy tên tân binh đang tắm ở dòng sông, mình đoán là vùng Alsace hay Lorraine vì hai vùng này khi xưa là của Đức quốc, sau 1918, Đức quốc thua trận phải trao cho Pháp quốc. Vùng ngày, khi xưa mình có đi thăm viếng, thiên hạ nói thổ ngữ tương tự đức ngữ. Mấy tên tân binh đang tắm, bổng thấy bên bờ sông 3 cô đầm. Họ reo hò mấy cô chả chú ý đến khi một tên tân binh đem bánh mì và xúc xích ra thì gây chú ý cho 3 cô đầm ngay. Ba cô đầm thấy đồ ăn thì hẹn tối nay ở nhà họ bên dòng sông. Nhớ đem theo đồ ăn.

Tối đó, họ lội dòng sông qua nhà 3 cô gái. 3 cô đầm ăn bánh mì và xúc xích như đói lâu năm, rồi kéo mấy tên tân binh vào buồng. Khi đói thì bán thân, không có gì sai cả. Không có chủ nghĩa, không có hận thù, không chiến tuyến khi đói khổ.

Thượng sĩ già nói chết cho ai, cho mấy tên tướng ăn chơi vừa đúng lúc tên hạ sĩ nhát gan vừa được gắn huy chương bước vào. Có cảnh nhân vật chính nhìn người bạn chết, rất tội nghiệp, nhớ lại bà mẹ của người bạn, dặn dò hắn là coi chừng con trai bà, đừng để tai hoạ xẩy ro cho nó. Anh chàng này bị cụt giò, mấy thằng bạn, xin đôi giày, nói mày không cần nữa. Anh ta không chịu, nói là kỷ vật của mẹ hắn tặng rồi sau đó cũng chết. Đôi giày được trao lại cho anh bạn muốn xin. 

Sau này về phép, anh ta có ghé lại thăm hỏi bà mẹ của anh bạn đã qua đời. Bà ta trách móc anh ta, không cứu con mình và bắt anh ta hứa là nếu nói dối thì sẽ không trở lại quê hương. Chiến tranh khiến mấy ông bố hãnh diện còn đau khổ chỉ là các bà mẹ lãnh.

Paul bị thương, điều trị tại bệnh viện công giáo, rồi được về phép. Gặp lại chị gái không chồng vì đàn ông đi lính hết, bà mẹ đau ung thư. Anh ta bận đồ dân sự đi thăm viếng người quen với ông bố. Ông bố hỏi sao không bận quân phục vì ông ta hãnh diện có người con ra trận, anh ta kêu thích đồ dân sự hơn khiến ông bố buồn 5 phút.

Trước nhất anh ta đi viếng ông thầy, đã giảng dạy về tình yêu quê hương, dân tộc, hoàng đế, đủ trò. Ông thầy kêu thế hệ của anh do tôi đào tạo rất tốt, có tinh thần yêu nước còn thế hệ sau này đều theo chủ nghĩa bại chiến luận. Khi ra quán uống bia với mấy người bạn của bố thì nghe họ huynh hoan, nói về chính trị, tham mưu, đánh giặc, tiến vào Paris đủ trò.

Paul về lại quê hương nhưng không cảm nhận được mình thuộc về đây, chỉ muốn bỏ đi ra trận để cùng với các chiến hữu. Người duy nhất anh ta có thể nói chuyện là người mẹ đau bệnh, anh lên đường, lại rời xa mẹ như khi mới chào đời, phải bị cắt cuống rún một lần nữa.

Bạn học, cùng tỉnh từ từ chết trận, đếm không xuể trong cuộc chiến tranh thế giới năm 1914-1918, nhà văn Eric Maria Remarque viết rất hay, diễn đạt quá hay, mình không có khả năng kể lại cảm xúc của ông ta. Mình đọc cuốn này nhiều lần rất thấm thía. Tuổi trẻ ra trận, không còn muốn chinh phục thế giới, chỉ muốn yêu đời thay vì bắn giết những người đồng lứa bên kia giao thông hào.

Ra trận, anh ta lại hăng say đánh nhau nhưng quân Đức quốc yếu thế, bắt đầu rút lui rồi anh ta chết một cách bình thản. Dạo ấy người ta không có máy ảnh nên muốn ghi lại hình ảnh nào, anh ta lấy cuốn sổ nhỏ để vẽ lại. Hôm ấy, trong giao thông hào, bổng nhiên anh ta nghe tiếng chim hót, nên tò mò tìm kiếm, thấy con chim đậu trên cành cây trơ lụi một mình, hát vang trong ánh nắng bình minh nên lấy sổ ra vẽ, ghi lại khoảng khắc ấy. Say sưa vẽ, anh ta quên cảnh giác việc lính địch bắn sẻ, đứng lên đi theo con chim. 

Khi xưa, mình luôn luôn có sổ tay bên cạnh, ở đâu mình cũng vẽ, ghi lại khoảng khắc ấy. Lấy vợ rồi thì hết một thời ung dung, không cần tiền.

Đùng, một tiếng súng nổ và anh ta gục ngã trong chiến hào. Khuôn mặt nằm chết như mơ. Xem phim khiến mình nhớ đến ban nhạc Sao Băng, họ có một bản nhạc kể người lính về thành phố, cảm thấy xa lạ, rồi bỏ đi. Y chang cảm nhận của Paul, người lính trẻ chưa bao giờ biết yêu. Được huấn luyện trở thành cái máy giết ngươi rồi tới phiên mình bị giết.

Họ kêu gọi vì tổ quốc lâm nguy, vì nghĩa vụ quốc tế,…đẩy con cháu kẻ khác ra mặt trận, để rồi họ như tên hạ sĩ hèn hạ, thù dai, lãnh tất cả các huy chương, danh dự nhờ sự hy sinh của kẻ khác. Mỗi lần mình ra biển chơi, thấy bên đường, treo các hình ảnh lính mỹ chết trận tại Iraq khiến mình căm phẩn. Tập đoàn dầu lửa muốn chiếm đóng xứ này để bán dầu hỏa rẻ, kêu gọi đủ trò sau vụ 9/11 để rồi 20 năm sau, bỏ chạy mất dép. Số tiền bỏ trong 20 năm qua, có thể giúp Hoa Kỳ giàu mạnh hơn, người dân có cơm no áo ấm, thay vì vô gia cư đầy rẫy tại các thành phố lớn.

Cách hay nhất là tạo thành một quốc gia mà người dân sống hạnh phúc, no ấm. Một xã hội mà các nước khác phải khâm phục và học hỏi thay vì các khẩu hiệu vớ vẩn.

Nói lên sự chém giết của những người trẻ không cùng chiến tuyến. Họ chiến đấu, hy sinh để cho các ông to mặt lớn vui chơi ở hậu phương. Các người không ra trận như bạn của bố của anh Paul, ông thầy giáo,… chỉ nói về lý thuyết. Họ không đối diện cái chết từng giờ từng phút nên có thể kêu gào tinh thần ái quốc, hy sinh cho giống nòi,...

Nếu nhìn lại lịch sử, chung ta thấy tất cả các cuộc chiến tranh đều khởi phát từ những mưu đồ xâm chiến, cướp bóc của các cá nhân hay tập đoàn rồi họ sử dụng các cụm từ đao to búa lớn như bảo vệ quê hương, đất mẹ đủ trò, để đẩy thanh niên ra trận trong khi con cháu của họ thì ở nhà hay đi vệ binh tại nơi bình yên.

Nguyễn Hoàng Sơn