Bác sĩ đi dạy làm nail

 Hôm nay, mình được chương trình “khéo dùng Tiền” của đài truyền hình Little Sàigòn nhờ phỏng vấn bác sỹ Tâm Nguyễn về đề tài quản trị kinh doanh thương mại gia đình. Anh bác sĩ này sang Hoa Kỳ năm 1 tuổi mà nói tiếng Việt rất giỏi. Mình hỏi lý do không hành nghề y sỹ mà lại đi mở trường dạy thẩm mỹ.

Anh ta cho biết là học y khoa vì nguyện vọng của bố mẹ, không vì lý tưởng hay đam mê. Không có lý tưởng đam mê nên không chịu khó học và phải chạy qua xứ Trung Mỹ để học hai năm đầu y khoa, rồi trở về Hoa Kỳ học tiếp. Tốt nghiệp y khoa xong thì anh ta khóc, xin bố mẹ cho làm thương mại, phụ giúp gia đình để phát triển cơ sở trường dạy nghề nail của bố mẹ đã thành lập từ khi sang Hoa Kỳ đến giờ.

Hình chụp từ trang nhà của Advanced Beauty College

Trong khi hỏi chuyện anh ta khiến mình nhớ đến bản thân mình. Khi xin đi du học, mình được trường đại kỹ thuật nhận vào phân khoa kỹ sư dệt. Dạo ấy, mình thấy ở Biên Hoà, các công ty dệt ra đời nhiều, bắt đầu bắt kịp tơ sợi của Thái Lan. Cậu Nghị, trưởng nam của ông bà Đàng, tiệm Long Hưng, xin dùm mình. Đến Pháp, trễ niên khoá nên đợi qua hè năm sau thì Sàigòn mất.

Tại Paris, mình đi lòng vòng thấy kiến trúc đẹp nên thi vào trường quốc gia mỹ thuật, bà rá được nhận. Gửi thư về cho gia đình thì bố mình thất vọng, ông cụ chỉ muốn mình trở thành kỹ sư còn bà cụ thì muốn mình học y khoa. Bao nhiêu kỳ vọng vào thằng con trai đầu biến theo mây khói.

Anh ta kể có anh bạn đồng môn người Ấn Độ, cha mẹ là bác sĩ, anh chị đều là bác sĩ nên bị áp lực của gia đình, phải nghe lời gia đình nên theo học y khoa nhưng vì không thích nên chán nản và cuối cùng đi đến quyết định; quyên sinh. 

Cách đây vài năm, có một sinh viên gốc việt, bị mẹ ép học y khoa, cuối cùng bóp cổ bà mẹ và đi tù. Giới trẻ này nay ở hải ngoại, họ đang đứng ở gạch nối Việt-Mỹ, đại loại là thịt ba chỉ, nữa nạc nữa mỡ. Được huấn luyện từ bé vâng lời bố mẹ theo Nho giáo, không cãi cha mẹ, trong khi đó lại sinh hoạt trong môi trường người Mỹ.

Mình nhớ khi đồng ý cho con gái học về thương mại thì nó nhắn tin, cảm ơn bố mẹ không bắt nó học y khoa hay nha khoa như bạn học gốc á châu của nó. Ngày nay, mình nghĩ nó đã thực hiện được phần nào giấc mơ của nó, sinh sống tại nhiều nơi, nói nhiều ngoại ngữ. Trong 4 năm đại học, nó ở, học và làm việc tại 4 quốc gia, đi chơi tổng cộng 14 nước khác. Nay qua Nữu Ước đi làm như bố nó 35 năm về trước.

Mình có cái may mắn những hoài bảo của mình từ bé đến nay đều thực hiện được nên mình không bắt con cái phải làm những gì mình chưa làm được.

Thật ra, nếu con cháu mình thích học y khoa thì nên khuyến khích vì là một nghề cao quý nhưng chỉ theo ngành đó vì lợi tức hay địa vị thì không nên. Con mình sẽ đau khổ cả một đời, khi làm việc ngành mà không thích thì Chán Mớ Đời. Cứ tưởng tượng 40 năm làm việc mà mình không thích nghành nghề thì khó tưởng tượng sẽ hạnh phúc, yêu đời. Nghe anh Tâm kể là dược sĩ ngày nay được trả $45/ giờ thay vì $60/ giờ như xưa. Lý do là đông người học ngành nghề này. Có cặp vợ chồng quen, có người con học dược khoá, nay ra trường kiếm được việc bên tiểu bang Nevada mừng hết lớn.

Thật ra ngay chính cá nhân mình, theo học kiến trúc vì nghĩ mai sau về lại Việt Nam, có thể đóng góp vào sự tái thiết Việt Nam sau chiến tranh. Ra trường, mình đi làm tại các quốc gia khác để học hỏi thêm, nhất là các công ty kiến trúc nổi tiếng như Suter und Suter tại Thuỵ Sĩ, Copernord ở Ý Đại Lợi, Norman Foster & Associates ở Luân Đôn, vẽ phi trường Stansted và I.M. Pei tại Nữu Ước, vẽ công trình cho thế vận hội Barcelona.

Năm 1993, 1994, mình được mời về Việt Nam dự hội thảo tái thiết lại Việt Nam thì khám phá ra khó làm việc ở Việt Nam. Về lại Hoa Kỳ, mình bỏ kiến trúc, đi thầu xây nhà rồi xây nhà bán hay cho thuê. 

Mình khám phá sự đam mê về đầu tư. Bỏ công đi học về đầu tư, thị trường chứng khoán, địa ốc,…

Anh Tâm và cô em tiếp tục cơ sở thương mại của bố mẹ lập ra, nhưng đi vào thị trường mỹ hơn nên đổi tên thành Advanced Beauty College thay vì “Tâm” rất là Việt Nam. Học viên gồm người Việt, Phi Luật Tân, người Tàu, Ấn Độ,… đó là cách đi vào dòng chính của Hoa Kỳ. 

Làm thương mại tại Hoa Kỳ, cần có một “Mission” như kim chỉ nam của thương hiệu, giúp họ đi theo đường lối này, như một hiến pháp của công ty.

Nếu muốn khuếch trương thương hiệu rộng lớn thì phải đi vào dòng chính, mở vòng tay với các cộng đồng khác. Anh Tâm cho biết tại Hoa Kỳ có trên 60% thương hiệu do các gia đình quản trị. Từ Wal-Mart đến Amazon, In-N-Out, Hilton,… quan trọng  nhất là tham gia các tổ chức tiểu thương, phòng thương mại,… mà bố mẹ của anh Tâm không bao giờ tham gia. Có tham gia thì họ mới được các chuyên gia khác huấn luyện. Giúp họ phát triển thương hiệu của mình.

Bác sỹ dạy làm nail, Nguyễn Thành Tâm

Văn hoá á đông có khuynh hướng làm thương mại trong gia đình, do đó khó phát triển lớn vì kiểu cha truyền con nối. Thường người anh cả thừa hưởng chức vụ nhưng không may gặp một người con trai đầu không giỏi làm ăn sẽ đưa đến phá sản. Điển hình ông cố ngoại mình, gia đình giàu có, ruộng nương nhiều nhưng rồi đến tay ông thì mất hết vì thích đánh bài, và gái gú.

Mình có đọc cuốn sách của một ông luật sư, chuyên gia về thừa kế, giúp các đại gia đình, tiếp tục giữ tài sản của họ từ mấy đời qua. Họ có Mission Statement, như hiến pháp của gia đình, có hội đồng quản trị, họp mặt đều đặn, đi nghỉ hè chung với nhau và quyết định ai sẽ lãnh trách nhiệm để lèo lái tài sản của gia đình. Chọn ai đi học thêm, sau này giúp cơ sở thương mại của gia đình. Còn nếu không có hiến pháp, hoạt động như một công ty thì sớm muộn gì cũng cãi nhau, sinh chuyện. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn