DS Citroen của Pháp

 Hôm trước, thấy trên mạng tấm ảnh của chiếc xe DS của công ty xe hơi Citroen của pháp khiến mình nhớ đến ông bà chủ rạp xi-nê Ngọc Lan, và Ngọc Hiệp của Đà Lạt xưa. Nếu mình không lầm, họ có chiếc xe này, hay đậu trước rạp xi-nê Ngọc Lan hay chở con đi học trường Yersin Đà Lạt.

Hình như ở Đà Lạt dạo ấy chỉ có họ làm chủ một chiếc xe cực sang này. Nếu mình không lầm thì tiệm thuốc tây Mình Tâm, có một chiếc xe Peugeot 504, cũng thuộc hạng chiến đấu ở Đà Lạt. Cô bạn học từ Sàigòn lên học, tên MInh Trang cũng có một chiếc Peugeot 504 này.


Đà Lạt nhỏ nên ai giàu có, đi xe hơi loại nào là biết đẳng cấp ngay. Nếu mình không lầm thì chiếc xe này, loại đầu tiên có độ nhíp được đưa lên xuống khi chạy. Đi đường trường thì hạ thấp xuống còn đi đường xình lầy, thì nâng lên để khỏi cạ vào đá trên đường, làm hư xe.

Hồi nhỏ xem phim Fantomas do vua hề Louis de Funes và Jean Marais, đóng thấy chiếc xe này xoè cánh ra rồi bay lên trời.

Chiếc xe này ra đời năm 1955, do một một người gốc Ý Đại Lợi thiết kế tên Flaminio Bertoni. Thật ra công ty Citroen đã bắt đầu nghiên cứu loại xe này từ những năm 1930, đến 20 năm sau mới ra đời.

Chiếc xe rất đẹp, chỉ trong một ngày, tại hội chợ xe ở Anh quốc, có đến 12,000 đặt cọc để mua chiếc xe này, dù người Anh quốc không thích người Pháp lắm.

Chiếc xe này sau này nổi tiếng khi tổng thống pháp De Gaulle ngồi trong xe, bị đám quân nhân thuộc OAS ám sát, ông và vợ, tuỳ tùng ngồi trong không bị thương tích dù đạn bắn xuyên,… sau vụ ám sát hụt này thì cả thế giới, ai có tiền đều mua xe này cả.

DS viết tắt đọc thành Déesse, tiếng pháp nghĩa là nữ thần.

Nghe kể có 12 quân nhân cầm súng chận đường bắn chiếc xe nhưng chỉ có 2 cảnh sát công lộ, chạy dẫn đường bị bắn chết còn tổng thống và vợ ở trong xe không bị gì cả. Tên tài xế quá giỏi vì 4 bánh xe bị bắn lũng nhưng vẫn chạy xe đến nơi an toàn.

Nói đến OAS , viết tắt của Organisation de l’armée secrète, một tổ chức do các cựu quân nhân pháp từng tham gia tại Đông Dương và Algerie, thành lập. Tổng thống De Gaulle muốn trao trả lại độc lập cho các thuộc địa cũ như Algerie sau Điện Biên Phủ. Các quân nhân chưa thức thời, vẫn ngoan cố muốn giữ đế quốc Pháp. Họ muốn ám sát tổng thống de Gaulle để làm một cuộc đảo chánh. May thay, ông De Gaulle không bị hề hấn gì cả, sau đó ra lệnh bắt giam các chủ mưu và có xử tử một người đầu não của vụ này.

Mình có ăn cơm hai lần với ông tướng Raoul Salan, và vài ông tá khác từng bị De Gaulle giam mấy năm tù tại Paris nên mới biết vụ này. Có một thiểu số người Pháp rất thù ông de Gaulle, cho rằng chính ông ta đã làm tan rã đế quốc pháp. Họ muốn tiếp tục chiếm đóng Algerie và các nước khác tại phi châu nhưng ông De Gaulle ra lệnh trao trả lại độc lập cho các xứ này. Lý do chính là sau đệ nhị thế chiến Pháp quốc te tua, không đủ sức kinh tế để đánh nhau. Tương tự Anh quốc cũng phải trao trả lại các thuộc địa của họ. Có thể chương trình Marshall, giúp phục hồi kinh tế âu châu có điều khoản này.

Công ty xe hơi Citroen do ông André Citroën thành lập. Khởi đầu là sản xuất súng đạn cho thế chiến thứ nhất, gần hết chiến tranh thì ông ta lo lắng, sẽ ra sao với những nhà máy to đùng mà không có đồ sản xuất. Ông ta bắt chước công ty xe hơi Ford, sản xuất xe hơi mà mình hay thấy trong mấy tấm ảnh của ở Đà Lạt vào thời tây thuộc địa.

Chiếc xe Traction Avant, khá thông dụng vào những năm 1940, xem phim tây, hay thấy mật vụ của tây hay chạy xe này. Khi xưa, ty công quản nước có cấp cho ông cụ mình chiếc xe loại này, màu đen. Tiệm hủ tiếu Nam Vang và lữ quán Sàigòn cũng có một chiếc tương tự.
Chiếc Citroen CX vào những năm 1970-80 khi mình còn đi học tại Paris, có ngồi trên xe này vài lần của gia đình tên bạn học.
Xe con cóc 2 CV hay thấy mấy bà sơ chạy xe này ở Đà Lạt khi xưa.

Có hai loại xe Citroen khá thông dụng tại Đà Lạt khi xưa là xe con cóc 2CV, hai mã lực và xe Traction gọi tắt từ Traction Avant, chạy bằng hai bánh trước. Sau này, khi mình đi học tại Paris thì lâu lâu đi chơi với gia đình tên bạn tây. Bố nó có chiếc xe Citroen CX, to hơn chiếc DS, ngồi êm kinh hoàng. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn