Đường Yersin Đàlạt xưa

 Thấy mấy tấm hình do Nguyễn Kính chuyển tới khiến mình nhớ đến trường học ngày xưa trên đường Yersin mà sau 75 thì Việt Cộng dẹp hết để xoá tan tàn tích của chế độ cũ nên mình ghi lại để sau này khỏi quên.

 

Theo mình hiểu thì đường Hùng Vương được khởi đầu từ đường Huyền Trân Công Chúa (trường Couvent des oiseaux ) và đường vào Cam Ly, chạy đến ngã 3 Lê Quý Đôn, và từ đó con đường được tiếp nối bởi đường Yersin, chạy thẳng đến Dinh Bảo Đại, góc cây xăng Kim Cúc.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, góc Lê quý Đôn và Yersin, khởi đầu chỗ trường tiểu học Yersin.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Nhìn trên cao, có lẻ chụp từ tháp chuông nhà thờ Con Gà, vì thấy nóc nhà của ty Cảnh Sát, bên phải là trường bà sơ Nazareth. Bên tay phải có một khoảng đất trống mà người ta sử dụng để làm các hội chợ trước Mậu Thân. Hồi nhỏ bố mẹ mình hay dẫn đến đây để xem mô tô bay, thảy vòng vào đầu vịt,...



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Chụp từ thư viện Đàlạt đi lại phía tiểu khu và trường tiểu học Yersin. Bên tay trái, thấy một phần của trường trung học kỹ thuật La-san.  Chỗ trạm biến điện bên tay trái là tiểu khu của Đàlạt Tuyên đức, nơi có mấy thùng phui xăng, được sơn màu trắng và viền đỏ. Việt Cộng có đánh một lần dù có hàng rào chống B40. Đối diện tiểu khu là nhà của cô Ngô Thị Liên, ngày ngã 3 Bà Triệu và Yersin.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, bên tay trái là thư viện Đàlạt mà mình vào lần đầu khi chơi với Ngô Văn Thuỷ, hắn dẫn mình vào mượn sách đọc. Bên phải là trung tâm văn hoá mỹ, mà mình đi học hội Việt-Mỹ, phải bò lại đây để đóng tiền cho mỗi khoá mới. Có mẹ của Tú-Anh Long làm tại đây. Dạo ấy nghe mình cô nàng nói tiếng mỹ khiến mình phục lăn. Phần đầu là văn phòng còn phía sau là nơi để triển lãm hay tổ chức các buổi nói chuyện.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, đi về hướng nhà thờ COn Gà, bên tay phải có vạt đất Trống mà sử dụng cho các hội chợ Tết, rao lô tô khá vui. Sau Mậu Thân thì bỏ luôn vì giới nghiêm. Thấy xa xa nóc nhà thờ Con Gà và khách sạn Hotel du Parc, còn bên trái là khuôn viên của trường Nazareth . Hàng rào dây kẽm có lẻ họ làm để tránh thương phế binh cắm dùi vì sau Mậu Thân, thương phế binh, cắm dùi, chiếm đất thiên hạ để làm nhà cho vợ con ở khiến chính phủ không dám làm gì cả vì họ đã hy sinh một phần thân thể của họ để chóng trả Việt Cộng.



Cổng vào trường Nazareth .


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Nhìn từ trên cao phía sau Hotel du parc . Có 1 phần ty bưu điện bên trái, trạm xăng Shell phái sau khách sạn Palace.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương,Khách sạn Hotel du parc.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, cây xăng Shell, phía sau lưng của khách sạn Palace.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Chụp từ cầu thang phía sau khách sạn Palace, thấy cây xăng và khách sạn du Parc.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, thời tây Chưa xây khách sạn du Parc, tây thực dân cưỡi ngựa và mấy ông Mọi Hay người Chàm. Phía sau là ty bưu điện.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, ty bưu điện Đàlạt xưa thời tây. Mình nhớ năm 1974, có chở 2 anh em Phạm Thành Nguyên đến đây để gọi điện thoại cho anh của 2 tên này ở Gia Nã Đại, lo giấy tờ cho thằng Nguyên đi du học. Hai anh em cứ hét trong máy, mình ở ngoài nghe như chửi lộn. Về nhà mẹ 2 ông thần này cứ hỏi đi hỏi lại giọng thằng Nam có thay đổi không, còn nói được tiếng Việt,... Trong khi thằng Nguyên thì suốt nguyên tuần lễ, cứ kể là nghe giọng anh nó như ngồi trước mặt khiến mình phục nó như điên vì chưa bao giờ cầm Điện thoại trong đời còn nó đã cầm và còn nói chuyện bên Gia Nã Đại. Phục lăn.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Ty bưu điện khi xưa. Nhớ là khi 2 anh em thằng Nguyên vào đây, phải đưa số điện thoại rồi cô ngồi quầy, gọi về tổng đài ở Sàigòn rồi mới móc nối ra sao đó rồi ngồi đợi đến khi họ gọi tên, kêu vào buồng số 2, nghe điện thoại. Mình phục lăn chiêng hai anh em tên này. Văn mình đại chúng quá.

Từ khúc này chạy về Nguyễn Tri phương thì mình không nhớ nhiều, chỉ biết có Kho Bạc rồi một số dinh thự,... Ai nhớ thì bổ túc dùm. Cảm ơn trước.

Nhs