Con là Nợ?

 Có chị bạn rên, con tui trên 30 tuổi, vẫn ở với tui, không trả đồng bạc nào cả, mượn tiền của tui cũng không trả. Mình kêu thì con là nợ thì chị phải trả đến khi nào hết rồi khi chị chết thì của cải của chị để lại là nó hốt hụi chót.

 

Hôm trước, mình có kể có nên chuyển tài sản qua cho con hay không. Mình có nợ với con nên chuyển giao tài sản, xem như con mình hốt hụi chót rồi biến mình vô sản, vào viện dưỡng lão công.

 

Người Mỹ cũng rên là thế hệ trẻ ngày nay không hăng say, ra đời sớm như họ khi xưa. Theo thống kê thì 30% giới trẻ đi làm vẫn còn sống với bố mẹ, còn gia đình á đông thì chắc nhiều hơn tỷ lệ này.

 

2 đứa con mình ra trường, đại dịch đến nên chúng làm việc ở nhà. Con gái được Hilton mướn trước khi ra trường rồi xoá hợp đồng khi luật cách giãn xã hội, khiến nó phải tìm 2 công việc bán thời gian; 1 làm ở nhà, 1 lấy xe mình đi làm từ sáng sớm, và cuối tuần. Nay nó được làm toàn thời gian nên nghỉ một hãng và làm ở nhà.

 

Thằng con cũng làm ở nhà, mụ vợ cũng làm việc ở nhà biến mình thành ô sin nhân dân vừa đảm trách chức vụ người chồng nhân dân và người cha ô sin ưu tú. Nấu cơm cho 3 mẹ con, trưa, chiều, đi chợ vì ai cũng sợ bị lây lan. Nấu cơm xong lại phải rữa chén bát. Vậy mà mỗi tuần lên truyền hình, bô bô cái mõm. Chán Mớ Đời 

 

Tuần trước, mình đi chơi với đồng chí gái ở công viên quốc gia ở tiểu bang Utah, thằng con căn dặn là phải bắt mẹ nó đeo khẩu trang vì có nhiều người điên điên ở ngoài. Nó thương mẹ, sợ bị lây nên căn dặn mình mà nó chưa hiểu là mẹ không bao giờ nghe lời bố. Chán Mớ Đời 

 

Nếu gọi con là nợ thì thấy có lý, nhất là người mẹ. Phải mang nặng đẻ đau rồi sinh con ra, phải thức khuya dậy sớm, cho bú, thay tả,… con có đau ốm thì phải bò dậy để cho uống thuốc,…

 

Mình nhớ khi xưa, thi tú tài, mẹ mình lén lấy thẻ thí sinh, trời mưa gió vẫn đem thẻ thí sinh đến các am ở Đàlạt như am Sohier và am Mệ Cai Thỏ, nơi vía mình được bán từ bé, để khấn vái chi đó nên mình mới đậu và được đi du học và từ đó hết nợ với mình.

 

Mình thấy nhiều gia đình quen. Bà mẹ chăm sóc đứa này nhưng không lo cho mấy đứa kia. Xin tiền đứa này để dành cho đứa nọ, người ta kêu mang tội. Có người con yêu mến, cho tiền, đem thức ăn đến chăm sóc thì không để ý, lại hay la, chê dỡ đủ trò nhưng lại lo cho những đứa con không đến thăm. Bò đến thăm thì chúng kêu bận, đi làm chi, đường xá xa xôi. Chán Mớ Đời 

 

Mình có anh bạn kể đứa con học ở San Diego. Một hôm về nhà vợ kêu nhớ con quá, chạy đi mua đồ, nấu thức ăn rồi hai vợ chồng, 10 giờ đêm, lái xe xuống thăm con. Bò đến phòng của thằng con, gõ cửa, hai vợ chồng hồ hởi chờ đợi khuôn mặt thân thương. Thằng con mở cửa, hỏi “đến đây làm gì?”. Bà vợ nói sợ con thiếu ăn nên nấu đồ ăn đem xuống, thằng con lấy thức ăn rồi đuổi hai vợ chồng về. Trên đường về, hai vợ chồng không nói câu nào. Sau này thằng con ra trường rồi đi chơi đâu đó, bị tai nạn xe, qua đời. Hết nợ.

 

Lâu lâu, thấy báo chí Việt Nam đăng tin, con đánh mẹ đánh bố rồi thiên hạ nhảy vào còm đủ thứ. Nghiệp chướng. Phật giáo có nói đến 3 loại con: ưu sanh, tuỳ sanh và liệt sanh. Mình thì thuộc loại dạng Liệt sanh vì khi xưa, không bao giờ nghe lời bố mẹ, tiêu tiền của mẹ mình. Cứ đi chơi, phá làng phá xóm bị người ta đến mắng vốn. Có lần mẹ mình hỏi sao không thấy mình học thì Tú tài gì cả, thấy con mấy người bạn học chết bỏ. 

 

Qua tây, mình đi làm bồi cuối tuần cho một bà việt, có thằng con đánh bài nên làm bao nhiêu thằng con phá hết. Cuối tuần nó không chịu phụ mẹ nó, đi chơi, đánh bài nên đành mướn mình chạy bàn. Đó là hình ảnh con là nợ nên nhiều người không có con lại buồn, mình kêu không có nợ ai, nên mừng là phải. 

 

Mình có quen một bác kia nay đã qua đời, có mấy người con. Cứ lo cho thằng con đầu và con út ăn trợ cấp. Mấy người con kia thì ghé lại thăm hàng tuần, đem trái cây, thức ăn thì bác ấy để dành kêu hai thằng con đến lấy rồi cho tiền lãnh hàng tháng của chính phủ, thậm chí xin tiền mấy đứa khác để cho mấy người con ăn trợ cấp. Xem ra vừa ăn trợ cấp chính phủ vừa ăn trợ cấp mẹ già. Lâu lâu rên mấy đứa con khá giả, xin tiền để cho hai đứa con kia. Kêu tội chúng nghèo! Chán Mớ Đời 

 

Có cô con gái, nhà ở xa nhất nhưng nghe kể là mỗi chủ nhật, mưa gió đều đến với hai đứa con thăm mẹ và ăn cơm chiều với bà ngoại. Còn mấy người ở gần thì lâu lâu mới ghé lại. Nhiều khi chạy ngang, mót tè nên chạy vào tè rồi kêu bận phải chạy. Xong om.

 

Nhìn lại thì mẹ mình nợ mình nhiều nhất trong 10 người con. Ngày xưa, cho học trường tây nên tốn học phí khá bộn rồi đi du học, mới hết nợ. 18 năm trời, tốn biết bao nhiêu tiền về mình. Mình hốt hụi chót khi đi tây. Mấy người em thì học trường công, chương trình Việt nên chả đóng đồng nào. Nếu Sàigòn không mất thì chắc mẹ mình còn nợ mình dài dài. Việt Cộng vào nên 20 năm sau mình mới gặp mặt lại. Lúc này thì hết nợ.

 

Trong Phật giáo, có nói đến 4 dạng về con cái: báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ như câu “Nhi nữ thời bứt trái, khảo trái, hoàn trái, hữu trái phương lai”.

 

  • Báo ân: con cháu làm mình hạnh phúc
  • Báo oán: làm khổ cái tâm, anh em cãi nhau, lục đục hoài
  • Trả nợ: con mình đem bánh trái, tiền bạc đến phụng dưỡng mình. Mình lại lấy tiền này để đưa cho đứa khác mà mình nghĩ cần hơn.
  • Đòi nợ: mình tốn tiền với chúng, chúng cứ rên nghèo khổ, mượn tiền như con của chị bạn.

 

Mình quan sát các gia đình quen đều tương tự. Mấy người con về thăm hỏi, cho tiền tươi, chăm sóc khi đau ốm thì cứ chửi chúng trong khi mấy đứa con không về thăm thì lại sợ chúng. Con cái thấy vậy lại kêu này nọ, anh em chị em cãi nhau đủ trò.

 

Người lo cho bố mẹ thì trách những người không lo, lại vớt tiền của bố mẹ, kêu bố mẹ thương con cháu không đồng đều với những câu “cháu bà nội tội bà ngoại” rồi kiện nhau ra toà đủ trò. Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

 

Nếu mình chấp nhận thuyết “con là nợ” thì đành chấp nhận, thi hành phận sự ô sin cho con, chỉ mong chúng sớm lập gia đình. Nhiều khi bố mẹ muốn con cái lập gia đình để bớt trả nợ cũng có. Nước mắt lúc nào cũng chảy xuống.

 

Mình nói với con gái là hệ thống xã hội chủ nghĩa phải chấm dứt thì nó cười. Nó muốn độc lập về tài chánh sớm nhưng nay vẫn phải dựa vào bố mẹ. May là nó để dành tiền, tính ra cuối năm nay sẽ trả $10,000 tiền nợ mượn học đại học. Cũng bỏ vào Roth-IRA được $6,000 cho năm nay nên cũng mừng.

 

Mình đang dự định mua nông trại trồng chà là rồi tập cho thằng con và con gái chăm sóc, bán buôn, rồi năm sau khi chúng quen rồi để chúng tự lo, có thêm lợi nhuận, để dành cho mai sau.

 

Trong cuộc đời, mọi chuyện xoay quần. Tiền nhận được từ người thuê nhà thì phải trả cho ngân hàng, các tiền thuế, đủ trò,… cho nên tiền con cháu đưa cho bố mẹ, ông bà xài thì bố mẹ, ông bà lại không xài, lại đưa lại cho những đứa nghèo khổ hơn.

 

Chấp nhận sự việc thì khi mình mua món ăn cho bố mẹ hay tặng tiền bố mẹ đi chơi,…thì cứ xem là mình có nợ nên phải trả, không nên xét nét, phân bì với người anh, người em của mình được bố mẹ chăm lo. Nợ ai nấy trả.

 

Mình phải mừng là bố mẹ không chăm sóc, lo lắng cho mình vì bố mẹ đã trả nợ hết cho mình. Nay mình cảm ơn công ơn dưỡng dục thì giúp bố mẹ về già có cuộc sống thoải mái, còn chuyện bố mẹ còn nợ với người anh, người em của mình thì không dính dáng gì đến mình. Có vậy thì anh em mới hoà thuận, không cành nanh, không cãi nhau.

 

Mình thấy nhiều gia đình anh em xào xáo với nhau, làm bố mẹ khổ tâm lại rơi vào loại con liệt sanh. Nếu thương bố mẹ thì nên ngưng cãi nhau vì con là nợ vì trên thực tế, không có gì quan trọng lắm.

 

Có người quen, anh chị em đưa nhau ra toà, kêu là cô em ở chung với bố mẹ, lấy tiền của bố mẹ. Ai nấy đều khá giả cả, lại tốn luật sư để cãi trước toà để chứng minh cái gì? Chỉ tổ làm bố mẹ buồn chán mà chết sớm. Cái bản ngã của chúng ta quá cao để cãi nhau vì chút tiền bạc. Chán Mớ Đời 

 

Có vợ có con thì chắc chắn kiếp trước có nợ với họ. Chơi bài thiếu nợ rồi xù nên kiếp phải trả. Phải vui vẻ trả nợ để kiếp sau, hết nợ.

 


Thôi em lên vườn.

Chán Mớ Đời

Nhs