Giai đoạn cuối của chủ nghĩa tân thực dân

 Giai đoạn cuối của chủ nghĩa tân thực dân


Mấy hôm rày thiên hạ bàn tán, chửi bới đủ trò về vụ chính phủ Trump muốn kết thúc chiến tranh Ukraine khiến mình nhớ đến Việt Nam Cộng Hoà ở hiệp định Paris. Khi ông Thiệu được tin qua điệp viên X92, cho biết Hoa Kỳ và Hà Nội thoả thuận không màn đến sự sống chết của Việt Nam Cộng Hoà. Tương tự ngoại trưởng Trần Văn Đổ, có kể là khi hiệp định Geneva thì nhóm ông Phạm Văn Đồng có liên lạc, kêu họ ( những người đại diện cho Hoa Kỳ, pháp, Trung Cộng và Liên Xô đã đồng ý chia đôi đất nước, không tham khảo các phái đoàn người Việt tham dự). Việt Nam được chia đôi tại vỹ tuyến 17, khơi khơi mà người Việt chả có ý kiến gì cả. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến cảnh Việt Nam Cộng Hoà phiên bản thứ 102.0. Đúng 50 năm sau.

Khi chúng ta là nước nhược tiểu thì không có quyền gì cả. Người Mỹ đến Việt Nam kêu chủ nghĩa tự do, nền dân chủ là tốt trong khi Liên Xô kêu xã hội chủ nghĩa là tốt. Trí thức Việt Nam tin tưởng vào các lý thuyết trên để canh tân đất nước, chia ra hai phe đánh nhau dùm cho ngoại bang. Tương tự ngày nay, phe ủng hộ Trump và phe chống đối Trump. Chúng ta người Việt, bị ảnh hưởng của người ngoại quốc, rồi choảng nhau khơi khơi. Là công dân mỹ thì mình thấy đúng, tại sao đóng thuế để giúp thiên hạ đánh nhau ở xứ xa xôi, còn đứng trên phương diện người Việt xưa, thì sẽ trách móc người Mỹ tại sao kêu tôi đánh cho tự do rồi không viện trợ nữa. Mà viện trợ đa số là súng ống.


Đến khi Trung Cộng bắt tay vối Hoa Kỳ, để mua coca cola cho người Tàu uống và ăn Hamburger, người Mỹ phủi tay miền Nam. Mình có quen vài người bạn, họ cho biết là đã sang Hoa Kỳ từ năm 1973, sau hiệp định Paris, gia đình họ được người Mỹ cho phép ra đi trước. Bố mẹ họ làm việc cho những chương trình của người Mỹ tại Việt Nam. Họ đi trước những ngày Việt Nam Cộng Hoà sụp đỗ.


Mình nghe cậu mình làm quan sát viên cho máy bay bà già, theo dõi đâu có quân Việt Cộng để thả ống khói cho phản lực cơ oanh tạc, kể là sau hiệp định Paris thì mỹ bớt viện trợ nên có máy bay nhưng không có xăng dầu để bay, thì chỉ có thua thôi.


Mình có kể nhiều vụ về chủ nghĩa tân thực dân mà người tây phương sử dụng sau thế chiến thứ 2. Thay vì đóng quân tại thuộc địa, phải ngày đêm đánh nhau với người bản địa muốn được độc lập, được dấy lên khắp nơi. Họ trao trả lại độc lập cho các nước này và tìm cách lũng đoạn nến chính trị tại các thuộc địa cũ bằng cách mua chuộc hay giúp những người dễ bảo lên cầm quyền.

Cựu tổng thống Ghana Kwame Nkrumah bị lật đỗ bởi CIA vì có ý chốgn lại tân thực dân

Có cuốn sách của ông Kwame Nkrumah, cựu tổng thống của xứ Ghana, Phi Châu “Chủ nghĩa Tân Thực Dân: Giai Đoạn Cuối Cùng của Chủ Nghĩa Đế Quốc” khá hay. Ông này thi rớt vào đại học Luân Đôn, Anh quốc nên chạy qua Hoa Kỳ, ghi danh vào đại học Lincoln. Sau trở nước, bắt đầu tham gia vào chính trị, thành lập đảng và kêu gọi Anh quốc trả lại độc lập cho xứ ông ta. Ghana được xem là quốc gia phi châu đầu tiên được Anh quốc trao trả lại nền độc lập. Nếu ông ta đậu vào trường đại học Luân Đôn, thì về nước chắc là ủng hộ Anh quốc đến hơi thở cuối cùng. Tương tự nếu ông Võ Nguyên Giáp và ông Hồ được học bổng đi Tây thì có lẻ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 có kết cuộc khác.


Có một tổng thống phi châu tuyên bố; tôi cho sinh viên xứ tôi du học ở Liên Xô, khi về nước, họ sẽ không muốn trở thành người cộng sản nhưng nếu cho du học ở Paris thì chắc chắn họ sẽ trở thành người cộng sản. Do đó khi mình ở Pháp, người Việt mà Hà Nội gọi Việt kiều yêu nước rất đông vì họ sống trong môi trường thiên cộng nên sớm muộn gì cũng thân cộng. Tương tự ngày này sống ở mỹ, có người theo đảng Dân Chủ và có người theo Cộng Hoà. Nên choảng nhau mệt thở. Mình mới hiểu trong chiến tranh Việt Nam, tại sao người Việt giết nhau một cách dã man như chôn sống tại Huế năm Mậu Thân. Nguy hiểm nhất là người Việt chửi nhau bò đỏ bò vàng bò xanh. 


Ông Kwame Khrumah tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ trong thời gian có sự kỳ thị, người da đen và người da trắng không chung đụng, nên trở về nước, trở thành một người chống da trắng. Đúng hơn là một người hiểu chút gì về người da trắng vì được tiếp cận tại Hoa Kỳ. Ông ta muốn độc lập và phát triển xứ ông ta như bao người bản địa trên thế giới. 


Ngày nay, cuốn sách của ông ta vẫn mang tính thời sự cao, vì nhiều cơ chế mà ông mô tả vẫn đang ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị toàn cầu. Dưới đây là phân tích sâu hơn về một số chủ đề chính. Mình xin tóm tắc lại đây:


1. Sự phụ thuộc kinh tế: Ảo tưởng về độc lập


Sau khi giành được độc lập, nhiều quốc gia châu Phi vẫn bị ràng buộc về kinh tế với các cường quốc thực dân cũ. Trường hợp Ấn Độ, khi xưa người dân gồm nhiều loại bộ tộc, tôn giáo sống chung hoà bình. Trước khi trao trả độc lập người Anh quốc chơi khăm, khiến xứ này chia đôi thành hai nước, Pakistan và Ấn Độ đánh nhau từ đó đến giờ. Lâu lâu coi phim ấn độ mới khám phá ra mấy vụ như đánh bom ở Mumbai, này nọ. Thay vì kiểm soát chính trị trực tiếp, các nước phương Tây duy trì quyền thống trị qua:


    Các hiệp định thương mại bất công – Các quốc gia châu Phi tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô (như dầu, khoáng sản, cacao) với giá rẻ nhưng phải nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ phương Tây với giá cao. Điều này làm suy yếu nền kinh tế châu Phi. Nếu chúng ta xem thì người tây phương mua cacao của phi châu rẻ, rồi làm cacao, hay chocolat, bỏ hộp rồi bán với giá đắt cho người phi châu. Về Việt Nam, mình thấy họ trồng cacao và làm chocolat, phẩm chất cũng như đóng gói không thua gì thuỵ sĩ. Đó là điểm tốt, hy vọng sẽ bán được giá cao cho thế giới thay vì bán cà phê rẻ để mỹ, tây đóng gói bán lại cho Việt Nam. Vụ này người Việt cần những người biết bán hàng cho người ngoại quốc, thay vì chỉ bán cho Trung Cộng. Mình nghe nói cà phê của dãy cà phê nổi tiếng ở Việt Nam, chỉ có 1% cà phê còn là hoá chất.


 Ai buồn đời tìm đọc mấy bài mình kể về sát thủ kinh tế và các cuộc ám sát các nguyên thủ quốc gia khơi khơi nếu không nghe lời. Ông tổng thống Panama cũ muốn sử dụng con kênh để làm dân giàu nước mạnh thì khơi khơi máy bay bị rớt. Nên khi ngoại trưởng Rubio đến thăm, là ông tổng thống xứ này tuyên bố rút khỏi chương trình Vành Đai và Con Đường vì không muốn máy bay rớt nữa.


    Các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) – Các công ty từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng như khai thác mỏ, dầu mỏ và nông nghiệp, thu lợi nhuận mà không tái đầu tư vào phát triển địa phương.


    Kiểm soát tiền tệ – Các thuộc địa cũ của Pháp vẫn sử dụng đồng franc CFA, một loại tiền tệ do Pháp kiểm soát, hạn chế sự độc lập kinh tế của họ. Tương tự ngày nay mua bán trên thế giới đều bắt buộc dùng Mỹ Kim. 


Ví dụ hiện đại:

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) rất giàu khoáng sản như cobalt (dùng trong điện thoại thông minh và xe điện), nhưng vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới do sự kiểm soát của các công ty nước ngoài. Hay Ukraine được xem là vựa lúa của Liên Xô, nay họ khám phá ra có nhiều khoáng sản hiếm mà công ty Monsanto (chủ là Bayer Đức quốc) đã mua đất đai rất nhiều. Nga sợ NATO chiếm nên nhảy vào tấn công khiến NATO phải tiếp viện. Lừng khừng hơn 3 năm nay chưa đi đến đâu. Nên Hoa Kỳ ngày nay muốn trao đổi, tui đưa anh vũ khí thì ký giấy tờ, sau này cho tôi khai thác khoáng sản. Các anh tây âu châu sợ mất phần vì bỏ tiền cũng khá nhiều nên họp khẩn cấp, tìm cách kéo dài chiến tranh khiến thủ tướng Anh quốc đòi đem quân qua Ukraine này nọ. Vụ này còn kéo dài vì âu châu sẽ tìm cách đòi chia chác. Chớ chả có dân chủ tự do gì cả. Truyền thông rao giảng này nọ chớ chủ yếu là khoáng sản làm giàu.

IMF và Ngân hàng Thế giới áp đặt các chương trình điều chỉnh cơ cấu (SAPs) buộc các chính phủ châu Phi phải cắt giảm dịch vụ xã hội và tư nhân hóa các ngành công nghiệp, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư phương Tây thay vì người dân địa phương.

Điển hình vụ thủ tướng Ba Tư Mosadegh quốc hữu hoá các giếng dầu của British Petrolum, để dùng tiền bán dầu hoả canh tân đất nước, là bị CIA lật đỗ ngay, thế vào ông Shah, tha hồ mà sử dụng. Nay mấy ông ayatollah đem bán nên bị cấm vận. Họ làm vậy để lấy lại quyền kiểm soát các giếng dầu Ba Tư chớ chả có gì cả.



2. Viện trợ nước ngoài: Công cụ kiểm soát chính trị


Nkrumah lập luận rằng viện trợ nước ngoài thường là một công cụ giả tạo. Thay vì thực sự giúp châu Phi phát triển, viện trợ thường có lợi cho các nước viện trợ bằng cách:

Tạo ra sự phụ thuộc vào nợ – Các khoản vay phải được trả lại với lãi suất cao, khiến các quốc gia mắc kẹt trong bẫy tài chính.

Áp đặt điều kiện chính sách – Các chính phủ châu Phi phải tuân theo các chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn phương Tây (như tư nhân hóa và giảm thuế quan).

Thúc đẩy lòng trung thành chính trị – Các nước châu Phi ủng hộ phương Tây thường nhận được nhiều viện trợ hơn, trong khi những nước phản đối có thể bị trừng phạt hoặc cấm vận.


Điển hình ở Châu Mỹ La tinh hay á châu, phi châu. Tây phương cho các sát thủ kinh tế đến các quốc gia mới dành lại độc lập. Họ đưa ra các dự án kiến thiết như xây dựng một cái đập thuỷ điện, để cung cấp điện cho người dân. Các tên lãnh đạo bù nhìn thấy hay thêm được tiền mấy chục phần trăm lại quả. Thế là ký giấy tờ nhưng phải vay mượn của IMF hay Ngân Hàng Thế Giới. Họ kêu không tin tưởng người bản địa nên phải sử dụng các công ty của tây phương. Thế là phải trả giá cao cho người Mỹ hay người Pháp đến làm việc, giá gấp mấy chục lần kỹ sư bản địa. Lãnh đạo bỏ túi, đàn em cũng lấy nên phải đội vốn. Nhớ khi xưa, các chương trình viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà, thường là các công trình đều được hãng RMK của Hoa Kỳ thực hiện, cho nên tiền không vào Việt Nam. Họ chỉ mướn cu li người Việt dọn rác này nọ. Chớ nếu được cho kỹ sư Việt Nam thì vẫn thực hiện được. Thêm rẻ và tiền dư sẽ dùng vào những việc khác nhưng nói cho cùng thì cũng có tham nhũng khi xưa.


Trường hợp như Kinh Suez, mình có dịp viếng 2 năm trước đây. Ông Nasser cướp chính quyền, lật đỗ ông vua, muốn xây dựng một cái đập thuỷ điện nhưng Hoa Kỳ cho giá cao nên ông Liên Xô đến kêu tao làm rẻ hơn, chỉ lấy thóc thay vì trả tiền lời bằng mỹ kim. Thế là cái đập được xây dựng bởi kỹ sư Liên Xô, có thêm cái đài chiến thắng hữu nghị gì đó.


Vấn đề là con sông Nile từ mấy ngàn năm qua, đem phù sa từ châu phi ở miền nam chảy về ai cập, và đỗ ra Địa Trung Hải, làm giàu đất đai nên khi họ trồng lúa hay cây trái là hái thoải mái làm giàu cho xứ sở và người dân như kiểu miền Nam Việt Nam khi xưa, phù sa sông Cửu Long chảy về bồi đắp hàng năm, cá lúa khắp nơi, giàu có. Nay Trung Cộng cho xây những đập thuỷ điện ở thượng nguồn với Ai Lao,.. hình như Việt Nam cũng nhảy vào xây thuỷ điện thế là chận phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Thế là ngọng. Cuộc cách mạng của ông Nasser đem lại hậu quả tai hại cho xứ sở ông ta. Nghe người ai cập chửi lãnh tụ mệt thở. Ngày nay, người ai cập phải mua phân bón hoá chất để làm ruộng nên không giàu có như xưa lại gây nhiễm môi trường. Chán Mớ Đời 


Ví dụ hiện đại:

Gói cứu trợ IMF của Ghana (2022) – Ghana chấp nhận một khoản vay từ IMF nhưng phải cắt giảm trợ cấp và việc làm trong khu vực công, làm tăng khó khăn kinh tế cho người dân.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho cơ sở hạ tầng, nhưng nếu các quốc gia châu Phi không thể trả nợ, Trung Quốc có thể tiếp quản các tài sản quan trọng như cảng và đường sắt, gây lo ngại về một hình thức thống trị kinh tế mới. Điển hình vụ xây hải cảng ở Shri Lanka, Trung Cộng cũng bắt chước tây phương, cũng dụ vào vành đai và con đường, kêu nên xây hải cảng để phát triển xứ này. Muốn phát triển thì phải xây hạ tầng cơ sở từ phía tây để kết nối, biết bao nhiêu tiền. Xây xong tốn gấp mấy lần lúc đầu rồi không có tàu nào cập bến nên Trung Cộng vớt cái hải cảng này, dưới dạng thuê 99 năm để tàu quân sự của họ có thể vào như chơi. Đi ai Cập, georgia, uzbekistan,…mình thấy sự hiện diện của người Tàu rất đông với các chương trình xây cất hạ tầng cơ sở. Họ đem người họ qua, nên trả tiền ở Trung Cộng. Máy móc cũng đem từ Trung Cộng qua. Thế là ngọng, chả có giúp gì cho mấy xứ này phát triển. Nếu họ đem tiền qua tiêu xài, mướn người bản xứ làm việc thì có thể trao đổi công nghệ, người bản địa có thêm tiền để phát triển xứ sở. Anh tàu còn gian ác hơn Tây phương. 


3. Can thiệp chính trị và thay đổi chế độ


Bản thân Nkrumah đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn vào năm 1966, minh chứng cho lập luận của ông rằng các cường quốc phương Tây loại bỏ những nhà lãnh đạo châu Phi chống lại chủ nghĩa tân thực dân.

Mấy năm trước đây, họ tuyên truyền ông Zelinsky là anh hùng này nọ, nay họ muốn dẹp nên thông tin đưa ra rất tiêu cực, kêu tham nhũng này nọ. Kiểu khi xưa, họ rao là chế độ Ngô Đình Trị để rào đón dư luận trước khi hạ sát ông Diệm và bào đệ.


Các chiến thuật được sử dụng:

Hỗ trợ phe đối lập và các cuộc đảo chính – Mỹ và các cường quốc thực dân cũ hậu thuẫn các nhà lãnh đạo có lợi cho họ.

Tuyên truyền qua truyền thông – Truyền thông phương Tây thường miêu tả các nhà lãnh đạo châu Phi độc lập là tham nhũng hoặc độc tài để biện minh cho việc lật đổ họ. 

Cấm vận kinh tế – Áp lực tài chính buộc các chính phủ phải tuân theo chính sách phương Tây.


Ví dụ hiện đại:

Thomas Sankara (Burkina Faso, 1987) – Bị ám sát trong một cuộc đảo chính do Pháp hậu thuẫn vì ông thúc đẩy sự tự lực cánh sinh và từ chối viện trợ nước ngoài.

Muammar Gaddafi (Libya, 2011) – Bị NATO lật đổ sau khi thúc đẩy một loại tiền tệ châu Phi độc lập với hệ thống ngân hàng phương Tây.


4. Khai thác tài nguyên: Trọng tâm của chủ nghĩa tân thực dân


Châu Phi sở hữu 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới, nhưng người dân vẫn nghèo. Nkrumah coi đây là hậu quả trực tiếp của chủ nghĩa tân thực dân.


Cách thức hoạt động:

Các công ty nước ngoài khai thác tài nguyên mà không tái đầu tư vào nền kinh tế địa phương.

Các chính phủ châu Phi chỉ nhận được một phần nhỏ tiền bản quyền, trong khi các tập đoàn lấy phần lớn lợi nhuận. Nghe nói Nam Phi chỉ nhận được 5% số hột soàn do người Hoà Lan khai thác các mỏ kim cương.

Dòng tiền bất hợp pháp – Lợi nhuận từ tài nguyên châu Phi thường được chuyển đến các thiên đường thuế thay vì tái đầu tư vào phát triển địa phương.


Ví dụ hiện đại:

Ngành dầu mỏ của Nigeria – Shell, ExxonMobil và các công ty nước ngoài kiểm soát việc khai thác dầu. Dù doanh thu hàng tỷ USD, phần lớn người dân Nigeria vẫn sống trong nghèo đói và môi trường bị tàn phá. Về Việt Nam thấy giá xăng dầu rất cao dù Việt Nam có mỏ dầu hoả. Mình đoán chắc không có nhà máy lọc dầu, bán rẻ dầu thô cho người ngoại quốc rồi phải nhập cảng lại.

Cobalt và Coltan ở Congo – Sử dụng trong điện thoại thông minh và xe điện, nhưng công nhân địa phương làm việc trong điều kiện tồi tệ, bao gồm cả lao động trẻ em, trong khi các công ty công nghệ phương Tây thu lợi nhuận khổng lồ.


5. Chủ nghĩa Phi châu: Giải pháp cho chủ nghĩa tân thực dân


Nkrumah tin rằng cách duy nhất để châu Phi thoát khỏi sự thống trị là hợp tác kinh tế và chính trị. Ông kêu gọi:

Liên bang châu Phi – Một chính phủ chung cho toàn bộ châu lục để chống lại sự kiểm soát từ bên ngoài.

Ngân hàng Trung ương và Tiền tệ châu Phi – Để ngăn chặn sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây.

Công nghiệp hóa – Thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, châu Phi nên sản xuất hàng hóa hoàn chỉnh.


Thách thức hiện nay:

Các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn bị chia rẽ, một số ủng hộ phương Tây hoặc Trung Quốc.

Các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU) chưa có quyền lực thực thi mạnh mẽ.

Các khối kinh tế như ECOWAS và Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) là những bước tiến triển vọng nhưng vẫn gặp khó khăn.


Chủ nghĩa tân thực dân không chỉ là một khái niệm lịch sử, nó vẫn tiếp tục tồn tại qua sự phụ thuộc vào nợ, khai thác kinh tế, can thiệp chính trị và kiểm soát tài nguyên. Ngày nay, khi tây phương và Hoa Kỳ thấy cuộc chiến Ukraine quá lâu nên đổi thế. Mấy năm trước, truyền thông tây phương kêu ông Zelinsky là anh hùng này nọ, bây giờ họ bắt đầu đánh ông ta tới tấp.


Những bài học quan trọng:

Châu Phi vẫn bị kiểm soát bởi các cường quốc nước ngoài thông qua chính sách kinh tế, tập đoàn đa quốc gia và sự mất cân bằng thương mại.

Sự thao túng chính trị vẫn diễn ra, với các nhà lãnh đạo chống phương Tây thường bị loại bỏ.

Viện trợ nước ngoài và các khoản vay không phải là trung lập, chúng đi kèm với điều kiện có lợi cho nước viện trợ hơn là nước nhận.

Chủ nghĩa Phi châu vẫn cần thiết, nhưng sự chia rẽ nội bộ và áp lực từ bên ngoài cản trở tiến trình. Rất khó để hợp tác vì đa số các lãnh đạo được bầu do tây phương hổ trợ.


Vấn đề là muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của tây phương thì họ lại dính vào anh ba tàu. Anh ba tàu lại càng điếm đàng hơn. Mình coi một phim tài liệu về phi châu thì ngày nay có 1 triệu người Tàu sinh sống, làm ruộng ở phi châu. Họ mua đất ở phi châu và mướn dân bản địa làm cho họ, không khác chi thực dân tây ngày xưa. Họ sống biệt lập. Không trả tiền thì họ đòi mướn khu đất 99 năm rồi đem người Tàu sang ở. 99 năm sau, đố mà lấy lại đất khi người Tàu sang sinh đẻ líp ba ga.

Cho nên khi mình nghe mấy ông thần bà thánh kêu gọi dân chủ bú xua la mua tại Việt Nam khiến mình Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyến đi tìm lại những ân tình


Kỳ này đi chơi rất vui vì ăn tết với gia đình sau 51 năm, nhất là đã có duyên gặp họ hàng mà từ bao nhiêu năm không gặp. Vui là sau 51 cái tết ở hải ngoại, mình được ăn Tết cùng gia đình tại Việt Nam. Tưởng Tết là đi thăm viếng họ hàng, chúc Tết như xưa nhưng thời gian đã thay đổi. 

Tết ngày nay thiên hạ đi chơi xa thay vì thăm viếng hàng xóm, thân hữu như xưa. Nhớ xưa là lấy xe đò đi Tùng Nghĩa thăm người làng của ông cụ và Bảo Lộc để thăm mấy người bà con bên ngoại. Hàng xóm không biết ai là ai vì nhà nào có cũng có cái cổng to đùng hơn cả căn nhà. Không còn nghe tiếng đổ sâm hưởng hay tiếng reo hò bầu cua cá cọp hay xì lác trong các nhà gần bên. Đúng là vật đổi sao dời. Kinh tế khá lên thì người ta có những nhu cầu khác, từ bỏ tục lệ cũ để thay vào những nếp sống, nhu cầu mới của đời sống ở thế kỷ 21. Có người từ xa đến Đà Lạt làm ăn thì về quê, xứ sở của họ. Đi xe thấy nhiều người chở vợ con trên xe máy về quê.


Các cô em từ Pháp và Hoa Kỳ cũng rủ nhau về ăn Tết với đại gia đình. Gia đình mình kéo nhau chạy xuống Nha Trang để ăn mừng Xuân sum họp sau 51 năm. Ăn Tết tại khách sạn trong ba ngày Tết với nhau. Rồi những ngày vui cũng trôi qua, ai về nhà nấy. Có hợp rồi có tan. Có người kêu sao không ở với bà cụ nhiều ngày hơn. Vấn đề mình có vợ đi theo, cũng phải về quê vợ ăn Tết, rồi trên đường về Hoa Kỳ, thì ghé lại vài nơi. Cùng giá tiền máy bay.


Kỳ này về mình may mắn gặp lại một người cậu họ, một ân nhân đã giúp mình đi Tây mà lần chót mình gặp cách đây 58 năm, trước khi cậu đi du học bên Tây. Tương tự mình cũng nhớ ơn một người cậu họ khác, khi xưa mẹ mình, 15 tuổi từ Huế vào Đà Lạt, giúp việc cho gia đình cậu. Cậu thương mẹ mình khi xưa nên khi về thăm Việt Nam năm 1973, cậu nói sẽ giúp du học và tìm học bổng cho mình. Cậu xin học bổng cho mình còn cậu mình gặp tại Đà Lạt, nộp đơn cho mình và được nhận vào đại học Roubaix, ngành kỹ sư dệt. 

Ở tuổi gần 7 bó, mình đã đi qua bên này sườn dốc của cuộc đời, nhìn lại thì không biết bao nhiêu người đã giúp mình trên quãng đường đời đã đi qua. Những ân nhân đã cho mình ăn bữa cơm khi đói thời sinh viên, cho cái áo cái quần cũ ngày xưa, hay những lời khuyên của người lớn để giúp mình lấy quyết định nên vẫn nhớ ơn của họ. Mình giúp những sinh viên nghèo khó ngày nay như để trả ơn những người đã giúp mình khi xưa. Những gia đình Tây đã mời mình ăn cơm vào những dịp Tết hay giáng sinh để mình không cảm thấy cô đơn vì xa nhà. Vì nếu không có sự giúp đỡ của họ, có lẻ mình không được như ngày nay. 


Năm ngoái mình về Paris để cảm ơn bà Cayla 100 tuổi, bà mẹ nuôi anh hùng, đã giúp đỡ mình và các em những ngày đầu đến xứ pháp. Và may mắn gặp lại bà Marco, đã cưu mang tìm việc làm và chỗ ở 3 tháng hè đầu tiên ở xứ người. Rồi qua Ý Đại Lợi gặp lại mấy người bạn sinh viên du học quen khi mình làm việc tại Torino, để cảm ơn họ đã giúp đỡ những ngày tháng xa Paris. Cùng một lứa bên trời lận đận. Đói khát thời sinh viên, chia nhau chút canh, chút cơm, chút gà xào xã ớt,… để cùng nhau nhìn lại quãng đời sinh viên với cây đàn guitar với nổi niềm mất quê hương, mất giấc mơ của tuổi trẻ. Hy vọng năm này sẽ có dịp về lại pháp để gặp lại những ân nhân khác đã về tỉnh nhỏ hưu trí. 

Gặp lại bạn học xưa, con tiệm may Văn Gừng Đà Lạt 
Gặp ông cậu họ cùng tuổi 

Ở Melbourne gặp lại người cậu họ. Mình biết cậu khi ở Đà Lạt nhưng cậu không biết mình, cùng tuổi. Mình học chung với hai người chị của cậu. Cậu kể là rất quý mẹ mình vì khi xưa ở Đà Lạt mẹ mình đều vào nhà bất cứ có chuyện gì như cúng giỗ hay đám tang của ôn mệ. Có lẻ mình hưởng được cái đức của mẹ mình nên về già có cuộc sống thoải mái. 


Hôm qua mình có gặp lại một người dì họ chưa gặp lại từ ngày mình đi Tây. Khi 15 tuổi mẹ mình được mẹ của dì đưa vào Đà Lạt, giúp việc rồi sau này gả chồng, con như con cháu trong nhà. Anh của dì là người tìm học bổng cho mình đi học ở pháp. Dì kể là nhờ mẹ mình mà gia đình dì được sum họp tại Úc châu. Ông dượng là dược sĩ làm trong bệnh viện của trường võ bị. Sau 75 đi học tập, không có hộ khẩu nên cù bơ cù Bấc ở Sàigòn. Vượt biên bị lừa nhiều lần đến khi em mình đi thì mẹ mình báo. Lúc đầu cũng sợ nhưng tin mẹ mình nên đến bờ mới đánh điện để nhà trả vàng cho chủ tàu. 

 kể may là anh của dì ở pháp hưởng dương sớm nếu không đi pháp, chắc nay khổ, không sung túc như cuộc sống ở Úc Đại Lợi. Nhớ hồi nhỏ, có hè dì dạy hè mình. Dì kể người quen hỏi thằng Sơn đen là ai mà biết nhiều về Đà Lạt. Dì kêu cháu tui đó. Gặp nhau có mấy tiếng đồng hồ sau 51 năm xa cách nay cả hai dì cháu đều già. Dì kêu răng mi cao hơn dì. Dì nhớ thời mình học hè năm 8 ème. Dì cũng hay gọi điện thoại về Đà Lạt hỏi thăm mẹ mình kể chuyện đời xưa. Sau 75 gia đình ai cũng ly tán khắp nơi trên địa cầu. Về già chỉ nói chuyện qua Internet. 


Có hình ảnh khác như mỗi lần về Việt Nam. Đó là viếng thăm nhà thờ ở quê và viếng mộ ông cụ và mấy người em vắn số. Cả gia đình họp mặt ở mộ chung gia đình, hương khói bốc lên. Có ghé thăm mộ bạn nối khố của ông cụ để thắp hương. Người đã cùng ông cụ vào sinh ra tử trong quân đội, sau này đi tù cải tạo cùng ngày và về cùng ngày. 


Ra Huế thì được viếng nhà thờ tộc bên ông ngoại mình ở làng Dưỡng Mong, bên mệ ngoại mình ở làng An Lưu. Rồi ghé về Ao Hồ quê ngoại của vợ. Về Sàigòn gặp được mấy người em họ bên ông ngoại mà chưa bao giờ biết mặt. Mình chỉ nhớ bố mẹ của họ khi xưa về Bảo Lộc. Sau 75 thì đồn điền trà bị tịch thu nên ai cũng về Sàigòn kiếm sống. Mấy lần trước về mình có gặp một vài người nay thì gần như cả họ. Gặp nhau thấy có gì rất gần gũi dù lần đầu gặp nhau như mẹ mình nói giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Hy vọng những lần tới sẽ gặp lại họ hàng đông hơn. 

Đến Úc đại lợi chơi, may mắn lại gặp những người qua mạng xã hội. Họ chở đi chơi viếng các bơi chỉ có thổ công biết. Chụp với nhau vài tấm ảnh kỷ niệm của những ân tình của người Việt xa cố hương gặp nhau trên xứ người. 

Chuyến đi rất may mắn và vui. Như đồng chí gái kêu; đầu năm được đi chơi và ăn ngon. Hy vọng cả năm đều được như vậy. 


Máy bay sắp hạ cánh, trở về cuộc đời nông dân. Hái bơ trả nợ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Tư duy bánh mì thịt

Đi chuyến này, gặp lại tất cả em út, mình nhận thấy có nhiều điểm hay. Anh em như 10 ngón tay, ngón dài ngón ngắn, mỗi người mỗi ý, suy nghĩ khác nhau nên hậu vận khác nhau tuỳ theo tư duy mỗi người. Họ hàng gặp lại, ai nếu đều khen bà cụ mình, hiền lành, được họ nể phục. Khi xưa, mình thường nghe nói người con đầu là đầu toa xe lửa, nếu đầu xe lửa đi đúng đường thì sẽ kéo các toa xe sau đi đúng đường. Mình cố gắng đi du học để kéo các em theo nhưng 30/4 đến, gia đình ly tán. Cha ở trại cải tạo, con ở trại tỵ nạn, kinh tế mới hay nông trường… nắng mưa nông trường không sợ, chỉ sợ về nhà đói bo bo.



Sau 75, gia đình Việt Nam ly tán khắp nơi, vượt biển định cư tại âu châu, Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi,.. hay vẫn ở Việt Nam hoặc đi lao động quốc tế. Sau 50 năm, gia đình sum vầy anh em đều thay đổi cá tính tuỳ theo môi trường sinh sống. Cho nên khi gặp nhau lại, có sự không đồng nhất về suy nghĩ, nhân sinh quan khác nhau vì quen phong thổ nơi mình định cư.

Mình đọc đâu đó cho rằng, chúng ta là kiến trúc sư của tương lai chúng ta. Tuỳ theo mục đích, ước mơ lớn hay nhỏ, tuỳ môi trường sinh sống, chúng ta sống để thực hiện giấc mơ như mua một căn nhà, xe hơi, đi du lịch,…tuỳ theo mục đích của chúng ta về tương lai và cuộc đời và khả năng thực hiện. Nói chung thì em út đều có của ăn của để. Đó là sự thành công của mẹ mình dù phải thăm nuôi ông cụ 15 năm, cho con vượt biên,…


Em mình ở Việt Nam, sống khép kín, che dấu lý lịch 3 đời để tránh thiên hạ dòm ngó. Xem giấy tờ của ông cụ ra trại, đề thành phần phản động. Có người làm cán bộ cho nhà nước thì cũng lọc cọc, không lên chức, dù được ông thủ tướng tuyên dương cán bộ nhân dân ưu tú của Việt Nam. Học hành, tu nghiệp chuyên ngành đều được cơ quan bổ đi học vì các người có đảng tịch, không có khả năng tiếp thu, bồi dưỡng chức năng. Mấy người em ở hải ngoại thì cũng bị ảnh hưởng theo tư duy, lối sống địa phương nơi định cư. Mình buồn cười khi cô em ở Philadelphia, ngồi thuyết minh cho mình về football của mỹ. Đội cô ta The Eagles vào chung kết và vô địch năm nay. Kêu về đến Phila, kịp giờ đi bão, ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Mình nói là cả đời chưa bao giờ xem trận banh của mỹ.

Nhớ lần trước về Sàigòn, có cô cháu giới thiệu bạn trai. Mình hỏi cậu bé người gốc ở đâu, kêu là Bến Tre, quê hương đồng khởi. Cò Giao Đà Lạt khi xưa, gốc Bến Tre, gặp thiếu tá Phong Đà Lạt, kêu đi nơi khác kiếm đường vượt biên, đây anh em đi vượt biên, chúng còn bắt và đánh đập. Mình nói cậu ta phải điều nghiên cẩn thận lý lịch trích dọc trích ngang ba đời vì ông ngoại của bạn gái cháu thuộc thành phần phản động. Sẽ là chướng ngại cho con đường hoan lộ của cháu sau này. Đúng 2 tháng sau là bỏ nhau, cháu về Bến Tre, nghe gia đình quê hương đồng khởi, phải chia tay sớm bớt đau khổ. Cũng là kinh nghiệm cho cháu mình hiểu sự thật về cuộc đời, sống trong một thể chế kỳ thị lý lịch. 


Hy vọng một ngày nào, cô cháu sẽ hiểu về cuộc đời ông Đào Duy Từ, vì chế độ lý lịch, cha mẹ là đào hát, được chính quyền cho là xướng ca vô loại nên không được đi thi. Sau làm giấy tờ giả đi thi vì bà mẹ hứa sẽ lấy ông cán bộ ở làng, nhận làm con nuôi, cho lấy họ ông ta. Sau thi đỗ thì bà mẹ quên mất lời hứa nên bị tên cán bộ tố giác. Triều đình Chúa Trịnh, lột  danh vị, đuổi về làng chăn trâu. Cuối cùng ông ta vượt biên xuống miền nam, được giới thiệu với Chúa Nguyễn, và đưa ra chương trình phát triển đất nước giúp nhà Nguyễn trị vị đến 400 năm. Ông ta chính là ông tổ của hát bộ Việt Nam. Ngày nay, biết bao nhiêu Đào Duy từ của Việt Nam, vượt biên như ông Đào thị, ra hải ngoại, làm việc cho nước người ta.


Ông chủ tịch nước nói 50 năm về trước, người Tân Gia Ba khát khao sự phát triển của Sàigòn, cho dù có chiến tranh. Ở Biên Hoà có rất nhiều nhà máy sản xuất cho Việt Nam Cộng Hoà. Dân họ sang Việt Nam để được chữa trị tại nhà thương Chợ Rẫy. 50 năm sau, người Việt Nam sang Tân Gia Ba đứng đường.

Hôm trước, mình có gặp hai du học sinh Việt Nam ở Sydney, một người đã tốt nghiệp tiến sĩ, người kia thạc sĩ, đang học thêm lên. Mình khuyên không nên về Việt Nam vì uổng phí năng lực, học tập của mình. Mình có chọn lựa thì nên ở lại. Nước người ta khôn, không muốn nhận di dân ăn bám nhưng nếu mình có thực lực, đóng góp cho xứ sở họ thì họ nhận và đối xử mình như công dân của xứ họ.

Con Koola trong sở thú


Chính phủ Trump đang tìm cách giải quyết chế độ DEI trong chính sách dùng người. Thay vì dùng người theo chế độ xét về lý lịch, chủng tốc, giới tính như da đen, thiểu số, đồng tính, chuyển giới này nọ, họ chỉ chọn người tài vì năng lực để lèo lái guồng máy hành chánh trong thế kỷ 21 như các công ty tư nhân. Mấy tổng giám đốc của các công ty lớn của Hoa Kỳ đều người ngoại quốc như ấn độ,.. Bộ trưởng tài chánh được bổ nhiệm là một người đồng tính. Cho thấy đồng tính mà tài giỏi thì vẫn được bổ nhiệm thay vì lựa chọn những ai dựa trên những điều kiện DEI. Hình ảnh tiêu biểu nhất là trong vụ ám sát ông Trump, thấy mấy cận vệ an ninh chạy tán loạn, có một bà to béo chạy không nổi, lại thấp lí nhí, làm sao che chắn, đỡ đạn cho ông trump được. Nguy hiểm hơn là bà ta rút súng ra, gắn vào bao súng, lúng túng, rồi hỏi phải làm cái gì, phải làm cái gì. Người ta cho biết bà ta khi nộp đơn kêu là rất khoẻ mạnh. Đó là kết quả của vụ tuyển người theo DEI.


Thật ra người Mỹ gốc da vàng tuy là thiểu số, nhưng bị hạn chế khi ghi danh vào đại học. Mình lấy thí dụ khi mấy đứa con đi học, học chết bỏ để được điểm A mỗi tam cá nguyệt. Nếu được 4 điểm A cho 4 tam cá nguyệt thì được phần thưởng khen tặng, một cái cúp. Trong khi đó một học sinh da đen hay gốc Mễ, chỉ cần được 2 điểm C, được phát bằng khen thưởng và cúp như con mình, học sinh da trắng, da vàng nào được 4 điểm A. Mấy đứa nhỏ không hiểu tại sao có sự khác biệt. Nhưng từ từ lớn lên chúng bị tư duy thức tĩnh được giảng dạy trong trường, bắt đầu kêu mình là kỳ thị chủng tộc hay bực tức khi mình gọi người da đen, da mễ,.. 

Một học sinh da vàng đậu SAT hoàn toàn, không được nhận vào đại học Princeton, trong khi anh da trắng ít điểm hơn lại được nhận, hay da đen hoặc mễ, được học bổng dù điểm thấp hơn. Có dạo một cô học sinh gốc mễ thi học kỳ rớt mấy lần nên không được tốt nghiệp trung học, đâm đơn kiện nhà trường, kỳ thị đủ thứ nên để tránh tốn tiền, nhà trường xí cô hồn cho cái bằng trung học. Đó là một ví dụ của chủ nghĩa DEI. Học không được thì kêu là thầy cô kỳ thị. Tại sao một đứa không chịu học hành lại được tốt nghiệp như những đứa khác. Hàng năm có đến 3 triệu nam sinh không tốt nghiệp trung học tại Hoa Kỳ. Đó là điểm báo động cho nền giáo dục phổ thông Hoa Kỳ. Có dịp mình sẽ kể vụ này, hậu quả của học đường mỹ ngày nay mà chính phủ Trump tìm cách xoá bỏ bộ giáo dục. Để mỗi tiểu bang tự lo lấy như xưa. Mỗi tiểu bang, đông dân hay ít dân, khí hậu, phong tục khác nhau, nên để họ tự quyết, giải quyết tốt hơn là các khẩu hiệu như No Child Left Behind, race To the top mà mình có kể khiến học sinh Hoa Kỳ tự tử khá nhiều. Trong khi ở cấp đại học, giáo dục Hoa Kỳ là số một thế giới vì được tự do không bị chính phủ chi phối hay theo lệnh của bộ giáo dục. Đại học có quyền giảng dạy những gì cảm thấy nhu cầu cho xã hội, ngành công nghệ hay đòi hỏi của thị trường.


Hôm trước, có ông thần còm trên bài của mình kể vụ nhân sự là chính. Ông thần này là người có ý định làm bờ lốc Mực Tím Sơn Đen, sau đó nhờ bạn của ông Thần ở Việt Nam thực hiện. Ông thần này là tín đồ, Fan cứng của bà Kamala, đóng góp và khuyên thân hữu cúng dường vào quỹ bầu cử cho bà Kamala. Nghe nói trong vòng mấy tháng, từ tháng 6 đến tháng 11, uỷ ban bầu cử của bà ta ngốn hết hơn 1 tỷ đô la và nay còn mắc nợ thiên hạ. Chắc bà ta phải liên lạc với ông thần này để xin thêm tiền trả nợ.


Mình thấy nhiều người việt tỵ nạn, lên án các đồng hương, những người bầu cho đảng Dân Chủ hay ngược lại. Một người Việt tỵ nạn như một cái cây được bứng từ Việt Nam đem qua trồng tại một xứ khác. Khí hậu, phong thổ khác Việt Nam nên từ từ họ sẽ lớn lên và hít thở không khí tự do, văn hoá của nơi họ sinh sống, và từ từ tư duy họ bị ảnh hưởng theo xã hội họ đang sinh sống. Cho nên có người theo dân chủ , có người theo cộng hoà. Vô hình trung họ bị kéo vào cuộc chiến do truyền thông rao giảng để bán quảng cáo.

Trước 75, kiều bào cũng như sinh viên Việt Nam Cộng Hoà du học tại Hoa Kỳ cũng như âu châu. Rất đông chống chiến tranh và chống chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Lý do là thông tin về cuộc chiến, họ không biết rõ chỉ nghe qua báo chí ở tây phương, chống chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Mấy người này được Hà Nội sử dụng tuyên truyền cho chế độ của họ, được gọi là Việt kiều yêu nước. Mình sống thời gian đó rất bực tức vì những gì tây phương vẽ, nói về Việt Nam Cộng Hoà rất sai. Đến khi thế giới bàng hoàng khi khám phá ra những người họ ủng hộ là những tội đồ, giết người cả triệu dân của họ như Pol Pot của Khờ me đỏ. Hay hàng triệu người Việt liều chết, vượt biển ra đi tìm tự do. Lúc đó, người ngoại quốc và Việt kiều yêu nước bắt đầu bừng tĩnh. Có người còn lương tâm thì xin lỗi hay ra tay cứu giúp người tỵ nạn còn lại xem như một trò chơi.


 Năm ngoái, đi Ý Đại Lợi, gặp lại mấy anh bạn du học sinh, chống cộng. Có anh quyết không về thăm Việt Nam khi còn cộng sản nên chuyến đi vừa qua, mình có ghé lại làng Thanh Quýt của anh ta, nơi khi xưa gia đình anh ta trồng cây thuốc để bán cho người ta làm thuốc Cẩm Lệ. Chụp tấm ảnh quê anh ta để gửi chút gì từ làng anh ta. Mình có hỏi về mấy tên sinh viên thân cộng ra sao. Họ nói chả ra gì, được Hà Nội sử dụng một thời gian rồi vắt chanh bỏ vỏ. Nay cũng ôm đầu máu về lại Ý Đại Lợi.


Nhớ mỗi lần tết ở Paris, cứ ngày nào tổng hội sinh viên Paris tổ chức thì nhóm Đoàn Kết kéo lại Maubert phá đám rồi tuần sau Đoàn Kết tổ chức thì tổng hội ghé lại phá đám, đập nhau bú xua la mua.


Do đó ngày nay mình không ngạc nhiên khi người Mỹ gốc việt đả kích chính phủ Trump hay chính phủ Biden này nọ vì họ đã là người Mỹ gốc việt với tư duy của người Mỹ nói chung. Họ có quyền chọn Dân Chủ hay Cộng Hoà tuỳ theo quan niệm sống của họ như một người Mỹ sinh sống tại Hoa Kỳ. Không thể chửi nhau là Bò Đỏ hay Bò xanh.

Trong ga xe lửa, ai cần sạc điện cho điện thoại thì đến dùng miễn phí

Vấn đề ngày nay, ủng hộ Trump hay chống Trump không còn là vấn đề của Hoa Kỳ. Thế giới mặt phẳng nên ai cũng bị ảnh hưởng về chính sách DEI, hay Nhân Sự Là Chính. Bên theo DEI thì chửi Trump, bên theo chế độ trọng dụng nhân tài (Meritocracy) thì chửi đảng Dân chủ. Đi Việt Nam, Úc đại Lợi, Tân Tây Lan, mình thấy đâu đâu thiên hạ gốc việt hay người địa phương cũng bàn tán, chửi bới nhau. Có ông thần gặp ở Melbourne, kể thằng em tui ngu dốt, chống Trump nên hai anh em không nhìn mặt nhau.


Câu chuyện làm mình nhớ đến chiến tranh Việt Nam, anh em trong nhà cũng đối choại nhau, người theo Việt Cộng, người theo cộng hoà. Tội nhất là câu chuyện thật người anh bắn chết người tại tiền tuyến, sau ăn năn đi tu. Người kêu chủ nghĩa cộng sản là hay, người kêu tự do là tốt nhất nên đánh nhau, chết bao nhiêu người. Để rồi sau 75 lại kêu đả đảo Thiệu Kỳ, mua cái gì cũng có, hoan hô hồ chí mình mua cái đinh cũng xếp hàng. Trong khi đó các nước nghèo như Tân Gia Ba đã phát triển nhanh chóng.


Mình có đọc sách báo cũ của các nhóm như Sáng Tạo, Phạm Công Thiện,… người thì khen Jean Paul Sartre, người khen Heidegger đủ thứ hết. Vấn đề là chúng ta học hỏi ở người tây phương thì có rút được kinh nghiệm gì cho chính mình. Như con tằm ăn dâu để nhả tơ. Tơ của chúng ta nhả ra sau khi học các học thuyết của người ngoại quốc là gì hay chỉ lập lại như con két những chủ nghĩa của người ngoại quốc áp dụng tại xứ họ. Chúng ta vẫn giữ tinh thần nô lệ, thuần phục người tây phương. Người tây phương vẫn tiếp tục đô hộ chúng ta qua cách ăn mặc, thời trang, tư duy của chúng ta. Vì chúng ta lúc nào cũng muốn mua ví Louis Vuitton, áo Polo, Quần Lacoste,… sản phẩm của người tây phương. Về Việt Nam mình thấy có nhiều nhà thiết kế thời trang việt, tạo những áo dài rất đẹp. Đó là điểm đáng mừng. Thay vì chửi nhau, đánh nhau về các chủ nghĩa ngoại lai không thích hợp với văn hoá người Việt. 

Họ làm ống hút bằng giấy để bảo vệ môi trường nhưng lại dùng bao nhựa để bọc lại. Chán Mớ Đời 


Đi úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, có điểm rất ngạc nhiên. Đó là bánh mì kiểu Việt Nam rất được ưa chuộng bởi người ngoại quốc. Đâu đâu cũng thấy tiệm ăn, quán bán bánh mì Việt Nam. Nhất là ở các phi trường quốc tế. Nào là baguette hay bánh mì tròn, bỏ thịt heo quay, thịt nướng, thịt gà ướp, bỏ thêm cà rốt, hành ngò, dưa leo, pâte gan, mayonnaise, xì dầu,… đó là những món người Việt học được từ người tây phương, tàu rồi chế lại cho của mình. Đó là bánh mì do người Việt nhả tơ sau khi ăn lá dâu thức ăn của tây Tàu.

Điểm hay là người Việt khi ăn bánh mì thì không có sự kỳ thị quốc cộng, bắc kỳ 54 hay 75, Việt kiều hay Việt Cộng hay tín đồ Kamala hay Trump. Ai cũng cho đó là món thuần tuý Việt Nam. Đó là sản phẩm của người Việt lấy từ các tinh hoa của tây phương và tàu. Ngoại quốc công nhận là món ăn Việt Nam. Ngồi máy bay về Hoa Kỳ nên buồn đời kể chuyện phiếm.


Mình tạm gọi là chủ nghĩa bánh mì thịt, “the banhmiism”. Ngày nào mà chúng ta có sự đồng thuận như bánh mì thịt, may ra chúng ta bắt đầu nhìn nhau là người Việt thay vì là đối thủ hay kẻ thù như trong cuộc chiến quốc cộng khi xưa. Ngày đó Việt Nam có hy vọng thăng hoa, vượt khỏi tinh thần nô lệ thật sự để tạo dựng một đất nước dân giàu nước mạnh. Biết đâu 50 năm sau, người tân gia ba sẽ mong muốn đến Sàigòn lại. Mình có theo dõi mấy buổi hội thảo  đại học Tân gia Ba. Họ thảo kế hoạch để phát triển nước họ trong 50 năm tới. Còn chúng ta thì cứ chửi nhau bò đỏ bò vàng hay bò xanh. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đến Sydney 2025

 


Thành phố Sydney là nơi mình mơ ước viếng từ khi học kiến trúc. Lúc đó có hai tòa nhà ấn tượng nhất là nhà hát opera ở Sydney và trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris. Phải đến 50 năm sau mới dám nói bất đáo Sydney phi kiến trúc sư. Vấn đề là ngày nay mình bỏ nghề kiến trúc, làm nông dân bất đắc dĩ. 

Chuyến đi Úc này, mình chỉ đi viếng hai thành phố tiêu biểu và lớn nhất nhì của xứ kangooroo. Không ai chịu nhường ai nên cuối cùng họ bầu Canberra là thủ đô của xứ này nhưng về kinh tế thì hai thành phố này rất mạnh. Nhất là Sydney. 

Nói đúng hơn thì mình thích Sydney hơn vì văn hóa ở đây tương tự tiểu bang Cali. Dân chúng bận quần short, đi skateboard kiểu nam Cali. Phụ nữ Úc trung bình mình thấy cao hơn mỹ. Dân gốc Á châu cũng cao. Có người béo nhưng ít hơn người Mỹ. Giá cả thì đắt hơn bên Mỹ. 

Xuống phi trường xong, lấy Uber về khách sạn. Rất nhanh vì Uber nằm sẵn ngay phi trường. Họ nhắn tin, gửi mình cái mật mã để đưa cho người lái xe Uber. Họ bấm số mật mã của mình vào máy của họ để được trả tiền. Xe vào trung tâm thành phố, nhận thấy tính sinh động của thành phố to lớn không thua gì các thành phố như New York, Los Angeles, Seattle,..nhưng sạch sẽ hơn, kiến trúc của họ khá đẹp, cũng ảnh hưởng deconstruction nhưng với phong cách khác.


Có người địa phương quen đến khách sạn dẫn đi chụp hình bên ngoài nhà hát opera. Còn phía trong thì phải mua vé để hướng dẫn viên đưa đi xem, phải mua vé. Đợi hôm nào thư thả mua vé vào xem. Sau đó đi vòng vòng đến khu Việt Nam ăn cơm. Đi đâu rồi cũng phải ghé khu người Việt sinh sống để xem cho biết hoạt động của người Việt tại địa phương. Nghe nói có 3 khu vực người Việt sinh sống. Một chỗ là Cabramatta và một chỗ là Bankstown mà mình đã viếng còn khu đông người Việt đến từ miền bắc Marrickville không có thì giờ. Chỗ Bankstown thì cách sinh hoạt chợ búa như tại Việt Nam, khác với Cali. Có ghé lại tượng đài thuyền nhân có treo cờ Việt Nam Cộng Hoà. Chắc phiá khu vực người bắc di dân thì chắc không có vụ này.

Hôm sau theo chương trình, do người bạn xếp đặt trước đi viếng sở thú xem kangooroo và koola thêm viếng khu rừng núi xanh và ba chị em. Xe đón gần khách sạn, chạy đứ đừ từ 7:30 sáng đến 6 giờ chiều mới về lại Sydney. Nói chung thì đẹp nhưng nếu so sánh với các công viên quốc gia tại Hoa Kỳ thì khó so sánh vì quang cảnh Hoa Kỳ quá hùng vĩ. Đồng chí gái được dịp cho kangooroo và Koola ăn. Cô nàng tiếc là không thấy kangooroo lớn hơn. Phải công nhận hệ thống vệ sinh của xứ này quá hay, chỗ nào cũng có nhà vệ sinh.


Hôm sau hai vợ chồng bò ra nhà hát opera và xem bên trong. Họ đưa cho ống nghe và cái máy để nghe phát âm, chỉ dẫn. Khám phá ra mái nhà có trên 1 triệu tấm gạch men được lót để che nắng mưa. Hàng năm họ cho người leo lên để xem xét từng miếng gạch để xem hư hay không để thay. Cấu trúc rất hay bằng bê tông. Có đâu 4 phòng để nghe nhạc kịch và một phòng nghe nhạc âm hưởng. Đẹp nhất là khi vãn hát thì có thể ra ngồi uống nước hay ăn nhìn ra hải cảng. Có lẻ nhà hát opera đẹp nhất mà mình có dịp vào. Nếu ai đi Sydney thì nên đặt trước xem kịch hay nghe nhạc. Hàng năm có đến 2,000 vỡ kịch và chơi nhạc. Hệ thống âm thanh được dùng gỗ quý của Úc đại lợi mới được trùng tu cách đây 3 năm. 


Sau đó ghé sang khu mới được trùng tu Barangaroo rất đẹp và thành công trong thiết kế đô thị. Buồn đời hai vợ chạy vào casino Crown Sydney thấy có tiệm ăn. Họ cho biết có buffet nên hai vợ chồng bò vào. May quá có chỗ nên ăn mệt thở. Rất ngon. Có lẻ ngon hơn cả las Vegas. Tối về mụ vợ vẫn thèm nên đặt chỗ cho tối mai. Nhưng phải trả tiền trước. Xứ này cái gì cũng trả tiền trước. 

Lần đầu tiên mình thấy họ làm cái đồ chống rác xuống mương để hứng nước mưa rất đẹp và phụ nữ không bị lọt gót giày cao gót. 

Sáng hôm sau ghé khu Queen Victoria, tương tự như Harrods’ ở Luân đôn, các gian hàng sang trọng cũng như các phòng uống trà cực sang trọng. Hai vợ chồng chỉ chụp hình rồi lấy xe lửa đi Bankstown, để thăm người dì bà con mà trên 51 năm từ ngày đi tây đến giờ không gặp, chỉ liên lạc qua điện thoại và nhắn tin.


Mình thấy hệ thống xe lửa và xe điện của thành phố này rất hay. Muốn vào bến tàu của xe lửa thì từ ngoài đi vào, lấy thẻ tín dụng hay applepay rà một cái thì cửa tự động mở để đi qua. Khi đi ra thì lấy thẻ tín dụng đã rà khi vào để rà thì cửa tự động mở và đi qua. Lúc đó họ mới tính tiền cuốc xe. Mình dùng Rio2me.com để xem đi xe lửa ra sao. Rất tiện. Lên xe hai vợ chồng lo lướt mạng nên quên xuống trạm để đổi nên phải chạy lại mất thêm 30 phút. Ngoài ra có cô du học sinh hổ trợ, nhắn tin đổi bến nào. Lúc về thì hết dám xem mạng. Ngồi xem quang cảnh bên đường. Tương tự như Anh quốc, chỉ khác là có ánh nắng thay vì mưa hoài. Có người cho biết hệ thống này đã được Hongkong sử dụng từ lâu. Mình đến Hongkong chỉ đi taxi nên không biết. Năm ngoái về Paris mới đi Métro lại, so sánh hai hệ thống.

Đồng chí gái kêu đầu năm được đi chơi ăn uống ngon lành nên hy vọng cả năm sẽ được như vậy. Thế là hai vợ chồng bò vào tiệm ăn Epicurean ăn lần chót vì mai sáng đã phải ra phi trường bay về Hoa Kỳ. Chấm dứt 4 tuần lễ lang bạt kỳ hồ. Phải bán bơ để tiếp tục đi chơi. 


Thế là mình đã thỏa mãn giấc mơ viếng Sydney opera, một công trình rất đẹp và thành công về văn hóa và kinh tế. Hình ảnh khi nghe nói đến xứ kangooroo và gặp lại người dì bà con khi xưa ở Đà Lạt. 


Tháng 6 này thì cả gia đình đi chơi hàng năm tại Tajikistan. 


Có ai hỏi mình là bờ lốc đạt trên 1 triệu lượt đọc, gú gồ có trả tiền không. Gú Gồ có hỏi mình muốn quảng cáo để kiếm tiền khi họ quảng cáo. Mỗi lần mình đọc trên mạng hay bị dính quảng cáo nên thôi, không muốn những ai theo dõi phải bị bắn quảng cáo. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn