Nghề trồng bơ tại Cali

Hôm nay, đúng 10 năm, mình mua cái vườn bơ rộng hơn 20 mẩu ở thành phố Riverside, cách đại học Cali Riverside độ 2 dặm. Lý do là để phân lô để xây nhà bán, chớ không phải muốn về quê, làm vườn ở ẩn theo trường phái lãng mạn như thời thi sĩ Alphonse de Lamartine mà ông tây bà đầm khi xưa bắt mình học thuộc lòng rồi chả nhớ gì cả. Xung quanh toàn là nhà cửa và có cả sân cù nữa. Mấy căn nhà tư xung quanh đều giá trên 1 triệu. Chủ trước là người đã xây tất cả các nhà và chung cư xung quanh, chỉ để lại 20 mẫu trồng bơ cho vui. Vườn không có cổng nên người mướn nhà xung quanh cứ đi bộ dẫn chó trong vườn và đến mùa hái bơ thì ăn trộm nên chủ trước phải mướn bảo vệ đi xem trong ngày. Sau khi mua thì em làm cái cổng rào lại khiến dân tình chửi em quá cở. Họ phải đi ngõ khác khó khăn hơn nhưng ít lại.

Cây lâu đời mấy chục năm cao độ 3, 4 tầng nhà, cần được chặt rằm này. Theo ông thợ thì chặt cây phải đợi đến rằm thì cây mới vươn lên sống mạnh 

Vườn bơ của mình thuộc vùng thổ cư R-1, được phép xây nhà riêng với lô đất là 8,500 square feet, tính ra thì có thể xây được 80 căn nhà, còn tham thì làm đơn xin thành phố cho xây 240 căn hộ. Vì giá hời nên mình mua chớ đâu muốn làm nhà nông. Lười như mình, ăn bám vợ với tinh thần làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu thì Chán Mớ Đời. Xem như hết đại hạn làm thợ hồ, vận làm vườn đến, đi theo con đường khác với nghiệp khác. Từ làm thợ vẽ lên đến thợ hồ đến thợ làm vườn. Cũng nhờ vậy, khỏe chân, khoẻ tay mới leo lên đỉnh Kilimanjaro. Năm nay ghi danh đi lại đỉnh Whitney và căn cứ số 1 của hành trình lên núi Everest.


Mua xong thì bổng nhiên chả muốn xây nhà nữa, bỏ nghề thầu khoán. Chạy đi học trồng bơ, phân bón hệ thống hóa tưới nước. Ngày ngày chạy vào vườn sửa chửa ống nước bị sóc và coyote cắn phá. Gần vườn có con suối nhỏ nhưng hạn hán nên coyote không có nước uống nên bò lại vườn tìm sóc bắt ăn và cắn mấy ống nước tưới bằng nhựa nên khi mở hệ thống nước tưới là ống nước bị bể, phải đi sửa mệt thở và ngày hôm sau cũng vậy nên chả có thì giờ làm gì ngoài đi sửa ống nước mất cả buổi.

Cây chặt ngắn lại ra nhánh mới , một hay hai năm sau là ra trái nhưng phải đợi đến năm thứ hai mới có trái nhiều.


Nghe ông nuôi ong kể thì căn vườn bơ được thành lập đâu 35, 40 năm về trước, sau khi ông chủ cũ xây hết mấy trăm căn hộ và nhà xung quanh. Ông chủ giàu nên trồng cho vui nhất là mấy cây dừa để từ nhà ông ta bên kia đồi có thể nhìn sang thấy. Mình cho đốn gần hết mấy cây dừa vì lá khô, rơi tùm lum, lại chả có dừa gì cả, toàn là mấy trái nhỏ như chà là, rớt đầy nơi, hút hết các chất dinh dưỡng của cây bơ mọc xung quanh.


Cây cắt ngắn lại, mọc nhánh mới 

Khi mình mua thì hệ thống ống nước khá cũ, làm từ khi vườn mới được thành lập, loại drip irrigation do người do thái sáng chế. Ông làm vườn của chủ cũ, sáng bò lại mở van nước bằng tay rồi sáng hôm sau, đến đóng lại và mở khu vực khác. Xem như tưới 24/24 nên tiền nước lên đến gần $8,000/ tháng.


Sau khi mình mua thì kêu thợ đến gắn đồng hồ tự động chạy bằng pin. Tùy theo thời tiết mình mở nước tưới 3 tiếng hay 9 tiếng một tuần, giúp giảm tốn nước. Vấn đề là em ở xa nên khi muốn tắt nước hay mở nước khẩn cấp vì ống nước bể thì em phải chạy lại vườn. Hàng xóm gọi kêu bể ống nước là phải chạy xe đến mất 40 phút. Sửa chửa rồi chạy về lại mất thêm 1 tiếng vì giao thông. Gặp giờ giao điểm chỉ biết ngọng.

Cây chặt ngắn lại và bắt đầu ra hoa năm nay. Thấy một thân cây bị chặt ngắn, từ thân mọc ra các chánh khác và từ từ vươn lên cao, che luôn thân cây cũ.

Em dọ hỏi và chính phủ Cali cho tiền sửa lại hệ thống nước. Khám phá ra ông thợ gắn hệ thống nước ở vườn khi xưa cho chủ cũ, nằm trong hội đồng quản trị cho phép, cho tiền để thay thế. Em chửi thề trong bụng vì tên này hà tiện nên gắn hệ thống ống nước loại mỏng nên áp suất của nước mạnh 100 PSI hay làm bể ống nước hoài nhất là hà tiện nên thay vì gắn đồ nối ống nước 45 độ hay 30 độ, ông ta gắn 90 độ nên áp suất mạnh khiến mấy chỗ nối ông nước bị bể hoài. Rẻ không bao nhiêu mà làm chủ khổ, sửa chửa hoài.


Hội đồng cho tiền nhưng em không mướn ông này, ông ta ngồi xe lăn rồi kêu thợ làm. Em kêu thợ của Em lại làm trong mùa covid. Họ không có việc nên bò đến vườn làm ngày đêm nên xong ngay.


Dùng ống nước dầy loại schedule 40 nên mấy con sóc và coyote không cắn phá nữa. Sau đó em xin chính phủ thêm tiền để gắn mấy cái sensor để đo độ ẩm của đất để biết có nên tưới hay ngưng tưới nước. Giúp giảm bớt 50% tiền nước.

Khu vực cây được chặt ngắn và mọc nhánh mới lên lại. Năm nay ra hoa rất nhiều. Sáng nay ông kỹ sư chỉ cho cách tỉa mấy cây này vì nếu không thì lại trở về vấn nạn cũ. Phải chạy ra mua cái máy cưa dài chạy bằng điện cho nhẹ tay cũng 5 ký lô rồi. Tiểu bang Cali bắt buộc đâu 5 năm nữa là các xe ủi đất, dựng cụ đều bằng điện hết nên dân Mễ đi mua máy cày cũ rẻ, chở về Mễ bán cho nông dân bên đó.


Vấn đề là các valve tưới nước chạy bằng pin thì em chạy lên vườn nên xin được thêm tiền để thay mấy cái này, dùng hệ thống wifi của Hãng điện thoại. Mỗi năm trả độ $30 vì ít sử dụng data. Hôm qua em gặp đại diện của chính phủ cali, để xin thêm tiền đắp cái đê để chứa nước từ trên đồi cao chảy xuống vườn em thay vì để nước chảy xuống ống cống. Nếu họ cho tiền thì sẽ nuôi cá tại mấy cái ao này. Cuối tuần rủ các bác đến câu cá rồi nướng ăn.


Xong xuôi phần nước thì em bắt đầu chặt ngắn cây lại. Lý do là cây già trên 30 năm nên thân cây to lớn. Chất dinh dưỡng được cây sử dụng nuôi mấy thân cây nên trái ra ít và nhỏ. Thêm khi miền nam cali bị gió santa ana thổi từ sa mạc về thì cây cao sẽ bị rung mạnh hơn và rớt trái khá nhiều. Một mặt hái trái trên cao rất khó phải bắt thang nên phải tốn thêm tiền trả cho thợ hái.

Hoa vàng mấy độ. Có cây được chặt ngắn ra hoa đầy 

Em chạy xuống xem mấy cái vườn trồng bơ để học nghề ở Fallbrook, thủ đô bơ của Cali. Tham gia các hiệp hội các tay nông dân trồng bơ để học nghề. Có một ông mỹ trong nghề được 60 năm, mới qua đời năm ngoái. Ông ta chỉ em là phải chặt ngắn cây lại để cành mới ra. Với bao nhiêu là rể từ mấy chục năm qua, sẽ nuôi trái thay vì thân cây như hiện nay. Nếu chặt một lúc thì em hết vốn nên mỗi năm chặt một khu vực của vườn. Năm nay là năm thứ 4 em chặt nên hy vọng sang năm là hoàn tất chương trình. Hy vọng sẽ ra trái nhiều và to. Năm nay thì thấy trái của mấy cây chặt ngắn ra trái to nhất, hoa cho mùa tới rất nhiều. Hy vọng, trời thương cứ tiếp tục mưa nhiều vào mùa đông để em tiết kiệm $4,000/ tháng tiền nước.

Đây là tổ ong của ông nuôi ong mới để giúp phấn hoa đậu trái và ông ta lấy mật ong. Vấn đề là ông này bán đắt hơn ông cũ gần gấp đôi. Hôm kia mình đi lấy hết mấy thùng của ông về hưu để dành xài. Thấy phía xa nhà cửa cạnh vườn nhà em, có cả sân cù.

Sáng nay, em gặp ông kỹ sư canh nông từ Chí Lợi của công ty mua sỉ mướn hàng năm 6 tuần để xem các vườn bơ, để ông ta hướng dẫn nên làm gì trong năm nay như phân bón, tỉa bớt nhánh cao,… Chính phủ Hoa Kỳ giúp nông dân nên họ cho mua bảo hiểm. Nếu thất mùa thì được trả tiền nước, phân bón,… không lời nhưng cũng đỡ nếu không là bỏ vườn từ lâu.

Đây là đồ hái hứng trái bơ. Công ty mua sỉ không muốn bơ chạm đất, sợ bị nhiễm vi khuẩn nên thợ hái phải dùng cái cần loại này. Có cái túi và cái lưỡi kéo cột vào sợi dây. Thợ kéo cái dây thì sẽ cắt cuống của trái bơ vì nếu mất cuống thì vi khuẩn có thể len lỏi vào từ chỗ này. Bơ chở đến packing house mà không có cuống thì họ không nhận. Không trả tiền nên tiền mướn thợ hái đắt. Vườn em ở xa nên thợ không muốn đi vì đa số là không có giấy tờ, sợ bị cảnh sát chận hỏi giấy tờ nên thường hái trễ hay hái sớm khi các khu vườn ở vùng Fallbrook đã hái hết.

Điểm mà em thích nhất từ khi có vườn là đi học về trồng bơ,…thì khám phá ra các chất hóa học họ sử dụng để ngâm thuốc, giữ cho tươi lâu,… làm thế nào để không có hột như quýt mua ở chợ hay trái nho,… em sợ ăn mấy loại đó lắm. Các bác biết mấy loại nho và quýt trong siêu thị bán không có hột vì sợ con nít nuốt nghẹn họng được xịt thuốc khi hoa nở để chúng đậu trái mà không có hột. Không cần ong, có lẻ vì vậy mà ngày nay giới tính không rõ ràng khi ăn từ bé các loại rau quả, trái cây kiểu này. Cần có nghiên cứu vụ này. Họ kêu là xịt loại thuốc này thì trái đậu nhiều lắm nhưng khi gió mạnh thì sẽ làm gãy cây nhất là em sợ hóa chất. Em đang xem có thể xin chuyển qua vườn hữu cơ có chứng nhận của tiểu bang vì từ khi mua vườn, không sử dụng chất sát trùng,… chất độc như để diệt cỏ dại,… Hy vọng bà kỹ sư của chính phủ gặp hôm qua sẽ có chương trình để Em nộp đơn.

Trái của cây chặt rồi, to hơn loại cây cao phía dưới phải đợi thêm 1, 2 tháng nữa mới bán được.
Lá bắt đầu khô để rụng để các nụ bông nở và các lá mới sẽ mọc ra để che các trái mới đậu. Khi lá rụng hoa nở thì sẽ hái trái năm nay vì nếu không mặt trời sẽ làm cháy da cảu trái bơ như Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Từ khi có cái vườn thì bắt đầu đọc tài liệu về các chất dinh dưỡng, ăn uống kỹ lưỡng lại vì hiểu về sản xuất nông nghiệp tại Hoa Kỳ và nên tránh ăn những gì đã được thấy và học.


Nếu em chặt xong hết các cây to thì có thể nói đến lợi nhuận. Trung bình cứ hái độ 360,000 cân anh mỗi năm là thoải mái con gà mái. Nếu được như vậy sẽ mướn thêm thợ làm cả tuần thì thu hoạch cao hơn, có thể lên 450,000 cân anh mỗi năm vì cây nhánh cần tỉa rất nhiều để trái ra nhiều và có ánh sáng mặt trời để to lớn.


Vài hàng để trả lời cho các bác tò mò hỏi em vụ trồng bơ. Bơ ở Việt Nam loại giống Zutano có khắp thế giới. Ăn lạt lắm nên người ta bỏ đường và sữa ông địa để ăn. Bơ Cali đa số thuộc loại Hass, rất được ưa chuộng khắp thế giới. Nghịch lý là bơ của Cali trồng thường được đem xuất cảng bán bên Nhật Bản,… giá $8 một trái, còn dân cali thì mua bơ của Mễ trồng ăn. Rẻ và được hái lâu ngày bỏ tủ lạnh, ngâm chất bảo quản.


Khi thợ hái bơ xong thì công ty mua sỉ cho xe lại chở về. Điều trước tiên họ ngâm trái bơ vào thùng nước có chất hóa học để sát trùng để tránh bệnh salmonella và các loại khác nhất là giữ được trái tươi óng ánh. Sau đó sẽ cho vào nhà máy để thành lọc qua máy scanner để xem loại nào hơi bị hư thì loại ra rồi cho chạy lên dàn để loại theo sức nặng và tự động dân các ticker ucp vào mỗi trái rồi chạy vào các bịch lưới như ở Costco hay đóng thùng. Sau đó bỏ lên palette và được chở vào nhà kho lạnh để giữ lâu ngày. Khi nào khách hàng mua thì 24 tiếng trước khi giao cho các nhà hàng thì họ thải khí vÀo nhà kho để làm chín trái để khách hàng nhà hàng có thể ăn ngay. https://fb.watch/r8l1YHdNr2/?mibextid=SphRi8&startTimeMs=5000


Dạo này em rất bận tỉa nhánh cây để cây không lên cao. Khi thiếu ánh mặt trời thì các nhánh sẽ mọc lên trên trời để tìm ánh nắng khiến cây cao. Do Đó phải tỉa nhánh ở giữa, đang che nắng hết các nhánh khác khiến mấy nhánh này chết khô nên em không có thời gian hái bơ. Bác nào muốn ăn bơ thì vào vườn em hái về mà ăn, không tính tiền. Còn lười thì gọi cháu em hay con em mà mua. Vợ chồng cô cháu cuối tuần vào vườn hái bán. Đừng có réo em vì không có thời gian hái.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn