Thầy Chử Bá Anh

 Có lẻ những người sinh sống tại Đà Lạt khi xưa, thầy Chử Bá Anh có rất nhiều ảnh hưởng trong cuộc đời mình. Thầy cho mình học miễn phí hai năm, đỡ biết bao nhiêu tiền cho bà cụ mình. Để trả ơn, mình phải làm trưởng lớp hai năm, học cách tổ chức văn nghệ, lạc quyên, trại hè,..với nhóm cùng tuổi, giúp mình có kinh nghiệm làm hành trang trên đường đời sau này.

Mình biết đến thầy trước khi vào học trường Văn Học. Thầy và vợ thầy quen biết ông bà cụ mình lâu lắm, khi mới vào Đà Lạt lập nghiệp. Ông cụ mình, gốc Bắc như thầy, mẹ mình thì gốc Huế như cô Vi Khuê, vào Đà Lạt năm 1948 nên có lẻ vì vậy thân nhau từ xưa. Cô mua gạo của bà cụ mình. Cuộc đời đưa đẩy sau này mình sang Văn Học, ra hải ngoại gặp lại gia đình thầy ở Hoa Kỳ.

Chính thầy viết thư hỏi thăm mình sau 75, khi thấy mình đăng tin tìm người thân trên báo chí việt ngữ. Mình đang học tại Paris, sau 75 thì mất tin tức gia đình, không biết sống chết ra sao nên thấy có tờ báo việt ngữ hỏi thăm tin tức nhau. Thư từ qua lại đến 10 năm sau mới có dịp sang Hoa Kỳ thăm gia đình thầy. Nhớ lần chót gặp thầy. Thầy đưa ra phi trường để bay về New York, thầy buồn kêu chia tay chiều phi trường. Không ngờ đó là lần chót gặp lại thầy.

Thầy Chử Bá Anh, hình đăng trên trang nhà cựu học sinh Văn Học Đà Lạt.
Khi ông cụ mình giải ngủ, theo học lớp đêm tại trường Thăng Long hay trường Hiếu Học ở đường Hai Bà Trưng, do thầy làm hiệu trưởng, trước khi sang Hoàng Diệu, mở trường Văn Học. Đêm đêm mình hay đi đón ông cụ tan lớp ra. Thường người ta đi đón con tan trường, mình thì đi đón bố đi học về. Cuộc đời có nhiều cái lạ. Nhìn lại thì mình chịu ảnh hưởng rất nhiều của ông cụ. Có gia đình rồi mới chịu học. Học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm.

Mình nghe Chử Nhất Anh kể, khi xưa thầy phát hiện ra mối tình hữu nghị với cô Vi Khuê ở Huế. Ngày nào, cũng mang một đóa hoa hồng đến tặng cô, đang làm phát ngôn viên cho đài phát thanh Huế. Mẹ mình tên Thương, nhưng khi đi làm ô sin cho nhà ông cậu họ, em của bà Võ Quang Tiềm, có người con gái tên Thương nên phải đổi tên mẹ thành Thuận, để tránh lộn tên trong nhà. Do đó, ngoài chợ Đà Lạt gọi mẹ mình là Bà Thuận, còn trong xóm gọi Bà Đoài, tên ông cụ mình. Có sự trùng hợp vì tên cô Vi Khuê cũng là Thuận. Chỉ tiếc khi mẹ mình sang Hoa Kỳ, mình đưa xuống Virginia đến thăm cô, trên đường đi, Chử Nhất Anh báo tin cô qua đời. Chỉ gặp lại Đinh Anh quốc và gia đình.

Mấy thang cấp lên trường Văn Học Đà Lạt xưa. Nay về thì không thấy gì nữa, ngoài nhà và nhà.

Cuộc đời đưa đẩy thầy cô vào Đà Lạt, lập nghiệp, mở trường dạy học đến 75, di tản sang Hoa Kỳ. Mình phục cô Vi Khuê, có 4 người con và vẫn tiếp tục học đại học, tốt nghiệp cử nhân văn chương. Sau này, làm hiệu trưởng trường Văn Khoa, dưới Chi Lăng. Mình có con xong thì chữ nghĩa đều trả hết về người, về thầy cô ngày xưa. 

Mình nhớ lần đầu tiên, gặp thầy ở nhà mình. Dạo ấy, mình chưa qua học Văn Học. Thầy gõ cửa nhà mình, hỏi ông cụ mình đâu. Mình nói đi làm, chưa về. Thầy hỏi mình biết lái xe không, nói biết. Thầy nhờ kéo xe của thầy bị dính xình trên đường Thi Sách, chỗ nhà ông Ba Tây, đúng hơn là trước nhà ông Hành, bố thằng Nhân. 

Chiếc xe Jeep cua rông cụ mình ngày xưa

Dạo ấy, ông cụ mình được ty công quản nước cấp cho một công xa Chevolet, xe bán tải và bà cụ có mua một chiếc xe Jeep. Chiếc xe Jeep mình đoán là của ai thua bài, bán rẻ nên bà cụ mua và sơn màu xanh da trời, cho biết là xe dân sự vì sơn màu quân xe, sợ Việt Cộng cho ăn b40. Xe Jeep màu xanh này chỉ có một chiếc tại Đà Lạt. Hôm ấy ông cụ dùng công xa chở thợ đi làm ở đâu nên có chiếc xe Jeep ở nhà. Mình lấy xe Jeep, chạy lên đường Thi Sách. Hoá ra ông thần Chử Nhị Anh, lái chiếc xe Mercedes trắng của thầy, chạy ngang đây dính xình nên kẹt.

Thiên hạ gốc Đà Lạt không nên gặp lại mình vì nhiều khi mình đột suất nhớ vớ vẩn chi tiết gì đến họ ngày xưa lại khiến họ điên đầu. Sáng nay mới thức giấc, có ông thần nào bên tây, gửi cho hình ảnh Đà Lạt rất nhiều. Có vài tấm mình chưa có. Tự nhủ sẽ không kể chuyện Đà Lạt nữa, thiên hạ cứ gửi hình ảnh xưa cho mình nên chắc phải làm con tằm nhả tơ Đà Lạt xưa. Chán Mớ Đời 

Mình lấy xe Jeep, cột dây xích phía sau, kéo xe Mercedes ra khỏi đường xình. Sau này, gặp ông thần Chử Nhị Anh, kể lại thì hắn như người về từ đỉnh gió hú, ngơ ngác, ú ớ như nghe chuyện kinh dị. Mình có kể vụ tổ chức văn nghệ, nấu chè bán kiếm tiền đi picnic ở thác Datanla, hôm ấy hắn và Chử Tam Anh đánh đàn cho ban nhạc của lớp. Hùng Con Của đánh trống, Hắn tuyệt nhiên không nhớ, nhìn mình như bò đội nón. Chán Mớ Đời 

Mình kể thêm thầy Nguyễn Minh Diễm được học trò mời lên giúp vui văn nghệ, thầy đứng tại chỗ kể chuyện ngày xưa, thầy có xung phong hát trong lớp. Hát vừa xong, thầy chủ nhiệm nói với cả lớp, anh Diễm sợ các em không hiểu bài hát nên cố ý đọc trước khi hát khiến bà con cười như cái chợ. Hắn lại nhìn mình như người về từ cỏi âm. Buồn đời mình kể tiếp.

Mình kể Đinh Anh quốc, nhà đường Phan Đình Phùng gần bên tiệm giày Hồ Út, người Quảng, đánh guitar cổ điển khiến mấy cô mê như chết đuối. Sau được thầy Nguyễn Thạc chỉ thêm vài đường thì tên này nhớ cực. Sau này gặp bạn học cũ, tên nào ngơ ngơ ngác ngác về quá khứ thì mình không gợi chuyện Đà Lạt xưa, còn gặp những tên như Đinh Anh quốc thì kể chuyện Đà Lạt xưa sướng mồm. Hắn được dịp kể về 5 năm đi kinh tế mới, dạy học sinh CHu-ru, học tiếng CHu Ru. Tên này thuộc dạng nhớ dai, chưa trả nhớ về không. Có lẻ hắn hay đi chùa. 

Ông thần Nhị Anh, một hôm, hỏi mình có tấm ảnh nào ngày xưa ở Đà Lạt, gửi cho hắn. Một tuần sau hắn gửi cho bản thảo kỷ yếu Văn Học #2, mang tựa đề “mực tím Sơn đen”. Anh chàng này ra kỷ yếu số 1 cho lần hội ngộ đầu tiên của học sinh và giáo sư tại San Jose. Có nhiều người viết lắm, đến cuốn thứ 2 thì các ngòi viết của trường Văn Học tịt ngòi, chỉ còn mình viết. Sau này có hai ông thần đọc bài mình trên mạng, kêu khó tìm bài cũ của mình, nên họ thành lập một Bờ-lốc mang danh mực tím sơn đen, rồi tải bao nhiêu bài của mình viết và quên. Ai buồn đời nhớ Đà Lạt, vào đó đọc.  

Chử Nhị Anh, người lựa 100 bài tiêu biểu về Đà Lạt, và những năm tháng sau 75 của mình, in thành cuốn Mực Tím Sơn Đen, bán trên Amazon. Biên tập, sửa chính tả nên đọc dễ hiểu hơn. Có mấy người bạn học của đồng chí gái ở Việt Nam, gửi mua từ Amazon về.

Năm sau, ông cụ nói mình sang học Văn Học vì thầy Chử Bá Anh cho học bổng. Thế là mình bò qua Văn Học, khỏi đóng tiền. Có lẻ sợ cúp học bổng nên mình bắt đầu chịu khó học rồi cuộc đời đưa đẩy mình gặp bạn học Ngô Văn Thuỷ, dẫn đến nhà thầy Lưu Văn Nguyên chơi, khuyên mình ráng học đi Tây,…từ đó cuộc đời mình bước sang một trang sử mới, không đánh bi-da, ngắm gái vớ vẩn, chỉ mơ đến Paris có gì lạ không em.

Thầy Chử Bá Anh phong mình làm trưởng lớp mà dạo ấy, chương trình quân sự hóa học đường kêu cái tên rất oai: Liên Đoàn Trưởng, còn tên phó là Vũ Văn Tùng, nay mất tích, không ai nhớ hắn cả. Mình hỏi mấy ông thần học chung khi xưa thì họ đều ú ớ. Về Việt Nam, gặp lại bạn bè, tưởng họ nhớ, giúp tìm lại bạn học khi xưa. Hoá ra trí óc họ trả nhớ về không khá nhiều nên sau này mình cũng không hỏi thêm về những người học chung khi xưa. Chỉ cần Cái Bớt Một Thời nhớ mình là vui rồi.

Có lần mình đến ăn nhà hàng với mấy người học trò cũ của Văn Học, được một cô lịch sự ra phết, bận quần không đáy, bắt tay như đầm, tự giới thiệu: “mình là Kim Anh” khiến mình chới với, đứng hình như ngỗng ị, không nhớ trong lớp có cô nào tên Kim Anh cả. Đang chơi vơi thì ca sĩ ngân hàng kêu, Phạm Thị Gái ngày xưa đó khiến mình như người mất trí. Gặp lại nhau sau 45 năm đã không nhận ra, còn đổi tên thì bố thằng tây nào biết. Chán Mớ Đời  

Lúc này mình mới nhận ra cô gái có nước da bánh mật khi xưa trong lớp, đám con trai hay gọi Gái Đen, tên cúng cơm là Phạm Thị Gái. Có lẻ sau 75, cô ta đột phá tư duy, tên cúng cơm không phải là mỹ từ, tương xứng với nét đẹp của mình nên chọn cho mình một cái tên đầy truyền thống cách mạng hơn. Mình nhớ cô này nên kể chuyện ngày xưa, năm lớp 11 đi Nha Trang, Phan Rang cắm trại với trường thì có cô này và Trần Văn Tiến đi chung. Cô nàng nhìn mình như bò đội nón về quê, không nhớ gì cả. Chán Mớ Đời 

Mình nhắc đến Võ Hoàng Đa, vì nghe tên này kể là sau 75, có thời đưa cô này đi về dưới mưa, nhà ở đâu  ở gần Mả Thánh, sau đó chạy mất dép về lại đường Phan đình Phùng vì sợ ma. Cô nàng lại lắc đầu nên mình đành quay sang nói chuyện với thầy Phạm Văn An cho chắc ăn.

Làm trưởng lớp, mình được thầy giao phó nhiệm vụ thành lập ban nhạc để tham gia đại hội nhạc trẻ ở trường Trí Đức sau Tết. Mình giác ngộ cách mạng là muốn mấy tên con trai trong lớp nghe mình thì đi kiếm mấy cô, nhờ họ kêu gọi mấy tên tham gia tổ chức văn nghệ hát cho nhau nghe, để tập dợt văn nghệ, tuyển lựa tài năng thêm bán chè gây quỹ. Kiếm mấy tên chơi đàn, chơi trống và ca sĩ ở các lớp khác, tập dợt rồi tuyển lựa để đi thi đấu.

Mình nhát gái nên nhờ Vũ Văn Tùng hỏi mấy cô lớp khác, làm ca sĩ cho chương trình. Cứ nhờ mấy cô kêu gọi mấy tên và mấy tên kêu gọi mấy cô. Không cãi vã gì cả, ai nấy đều vui như tết, hăng say tham gia, đóng góp công sức vào chương trình.

Mình thì không rành văn nghệ lắm nhưng bán chè thấy có lời khá nhiều thì rất thích, phụ giúp mấy cô phần này. Cuối cùng cả lớp đồng ý dùng tiền ấy để mua thức ăn cho picnic ở Datanla.

Mỗi tuần phải xuống nhà Thầy ở đường Nguyễn Du để ban nhạc dợt đàn với hai ông thần Nhị Anh và Tam Anh. Nhà mấy ông thần này có đủ máy móc, đàn để dợt. Sau đó, mấy ca sĩ hát để thâu âm và băng nhựa, ra chơi thầy bỏ cho thiên hạ nghe. 

Đến ngày hát hò ở trường Trí Đức thì bị bể. Lý do Trần Thiện Tân, chơi Bass. Khi tập thì nó chơi đàn 6 dây nhưng đến nơi thì ban tổ chức đưa đàn 4 dây mà hắn không biết chơi loại 4 dây thế là ngọng. Mình không nhớ cái bớt một thời hát bản gì hôm ấy, chỉ nhớ chi Hường hát bản tủ Tóc mai sợi vắn sợ dài chi đó. Mình đứng dưới sân trường, nghe thiên hạ bàn tán về trường Văn Học khi mấy ông thần chơi bài Mustafa. Chán Mớ Đời 

Sau này, sang New York làm việc, thầy có nhờ mình mua sách báo ngoại quốc ở New York. Có tin tức gì về Việt Nam thì gửi cho thầy. Dạo ấy thầy đi làm cho công ty nhưng có đam mê làm báo nên có làm CBA News. Dạo ấy được xem là tin tức đàng hoàng nhất tại hải ngoại, tin tức lúc nào cũng được kiểm chứng kỹ lưỡng, không tung tin giật gân, câu Like. Thầy gửi báo Phụ Nữ diễn Đàn cho mình hàng tháng để học tiếng Việt. Từ ngày đi tây, mình đâu có đọc báo việt ngữ, ít gặp người Việt nên nói tiếng Việt khá lọng ngọng. Nhờ báo Phụ nữ Diễn Đàn, giúp mình học tiếng Việt lại.

Nhớ dạo thầy mới làm báo tại Đà Lạt. Thầy hay vào lớp, trong khi mấy thầy dạy trường Trần Hưng Đạo chạy xe đến, đọc những bài thầy viết kể về tin tức Đà Lạt. Có lần thầy đọc bài về chuyện cặp trai gái nào đi xuống thác Prenn, chơi rồi bị cướp. Thầy kể như đang chứng kiến, hiển thị mọi việc khiến mấy tên trong lớp há mồm kêu u chau, u châu hay hè. Không nhớ tờ báo nào thầy cộng tác, hình như Đông Phương. 

Cũng dạo ấy, ông cụ mình với mấy người bạn như ông Việt Quang ở khu Hoà Bình, bên cạnh tiệm kính Anh Lân, cũng làm đặc phái viên cho tờ báo nào ở Sàigòn. Hình như tờ Sóng Thần, lâu lâu thấy ông cụ đem tờ báo về, kêu đọc tin tức về Đà Lạt. Có vài tin xe cán chó ở Đà Lạt. Chán Mớ Đời 

Cuối tháng là có màn phát bảng danh dự và học bạ. Sau đó, những học sinh tiên tiến, hậu lùi được phong trong sổ phong thần, nghĩa là ăn số không, trứng vịt tháng đó, lần lượt xếp hàng vào văn phòng, để được trao quà lưu niệm, mấy roi mây vào mông để khắc ghi lại tuổi học trò. Có lần tên Đa bị ăn roi mây, chạy về kêu người đẹp mày bị ăn mấy roi. Chán Mớ Đời 

Gặp lại học trò cũ Văn Học, ai nấy đều nhớ đến món roi mây của thầy. Mình thì nhớ mấy hôm chào cờ. Cứ sáng thứ 2, trước khi vào học, có màn chào cờ. Năm đầu tiên, không biết vụ này nên đứng sớ rớ trên sân trường trong khi thiên hạ trốn, núp phía sau bạn học. Thầy kêu tên mình lên, lớ ngớ đi lên bục xi măng, thầy kêu mình hô chào cờ. Thế là mình ngọng.

Quay lại thì thấy hàng nghìn con mắt như viên đạn đồng AK, khiến mình muốn trốn, độn thổ. Cuối cùng thì cũng thu hết can đảm, hô hét thượng kỳ như ở võ đường khiến tên Nguyễn Mơ, nhà ở dưới Cô Giang, vào lớp hỏi thằng nào hô chào cờ. Tên Mơ này, và vài tên khác, không thích chào cờ, đứng ở dưới đường, chỗ quán bà Cai, không biết hắn có phải nằm vùng hay không, không thích chào cờ Việt Nam Cộng Hoà. Hắn có người anh tên Nguyễn Ước, lớn tuổi hơn nhưng học chung với mình rồi mất tích, không biết đi lính hay vào bưng.

Về Đà Lạt, Ngô Văn Thuỷ lấy điện thoại gọi hắn, bảo có mình về thì hắn lại mắc cái bệnh trả nhớ về không của dân Đà Lạt, lắc đầu không nhớ. Mình nhắc những buổi chiều đá banh với nhau ở sân vận động Đà Lạt với đám kho bạc lại làm hắn tịt nữa. Được biết anh chàng, làm hướng dẫn viên du lịch, dẫn Tây ba lô đi phược.

Nhớ có lần đi lạc quyên, cứu trợ miền trung. Mình, trưởng lớp, bàn với đám bạn, rủ mấy cô đi chung. Có thời gian để đả thông tư tưởng. Mình mượn xe ông cụ chạy xuống Tùng Nghĩa. Mình lý giải là ai cũng đi khắp Đà Lạt hôm ấy, nếu mình ra ngoại ô thì độc quyền ở vùng đó, một mình một cỏi, tha hồ xin tiền của bá tánh. Thiên hạ chắc không quỳ cúng tiền cho đồng bào miền trung.

Thất bại hoàn toàn vì trên thực tế dân Tùng nghĩa đói hơn dân Đà Lạt nên đi xin ở chợ Đức Trọng, chả ai cho. Cả đám, ai nấy như người mất sổ gạo, bao nhiêu nhiệt huyết của thanh niên, đi xin tiền giúp đồng bào nạn nhân lũ lụt miền trung đều tiêu tan. Thêm chiếc xe của ông cụ bị cục đá bắn trên đường làm một lỗ nơi cái bình nước, làm hạ nhiệt.

May thay nhà Trần Thiện Tân ở Tùng Nghĩa nên chạy lại nhà nó, kêu ông bố cầu cứu. Bố nó có nhà thuốc tây, không biết có bị mấy ông kẹ ra thăm hỏi, kêu đóng góp cho Cách mạng hay không. Bố nó kêu ngồi đây ăn cơm rồi từ từ ông ta kiếm chỗ hàn cái bình nước lại. Đi khắp Tùng Nghĩa mới có một chỗ chịu hàn hay đúng hơn là biết hàn. 

Hàn xong thì chạy về Đà Lạt, trời đã về chiều. Mình sợ quá giờ người ta không cho lên Đà Lạt vì khúc đèo Prenn, có một lô cốt. Đến chiều là họ đóng không cho ai lên Đà Lạt nữa. May quá, kịp giờ, chạy về nhà thầy Chử Bá Anh ở Nguyễn Du. Gặp tụi này về, thầy mừng mệt thở luôn vì các thầy cô đóng đô, bố mẹ mấy cô đi kiếm con. Trong lớp 12 B có một cô gái độc nhất, tên Song Kim, đi một mình quyên được nhiều tiền nhất toàn trường. Nhóm mình tốn tiền xăng, tiền sửa xe, xin đâu có mấy trăm bạc. Vụ này giúp mình sau này phải điều nghiên kỹ lưỡng trước khi làm việc gì, không theo ý mình mà hỏi rõ mọi việc.

Nhớ lần đầu tiên gặp lại gia đình thầy cô ở vùng đông Bắc khá vui, được cô cho ăn cá kho với trà nhớ đời. Cô giải thích trà làm giảm mùi tanh của cá. Cô Vi Khuê tặng mình cuốn tập thơ Cát Vàng, có nhiều bài thơ rất hay. Có mấy bài được Phan Ni Tấn, Chử Tam Anh phổ nhạc rất hay.

Mấy chị em họ Chử chụp hình kỷ niệm tại Đà Lạt trước khi đi du học. Mình có gặp lại hai chị em Mai Thanh và Phi Nga. Hai chị em cô này được thầy cô Chử Bá Anh chấm để làm dâu sau này nhưng 75 đến nên tan hàng.

Năm ấy Văn Học có mình đi du học đầu tiên, sau đó thì đến Hùng Con Cua, thằng Nguyên, đi Gia-nã-đại, rồi đến 4 chị em họ Chử đi Hoa Kỳ. Cả đám đều có nghị định được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho đi du học cùn một lúc nhưng mình thì giấy tờ đi Pháp nhanh hơn. Sau này, mình đều gặp lại mấy người này tại Hoa Kỳ và Gia-nã-đại.

Gặp bạn học cũ, ai cũng kể là rất sợ thầy Chử Bá Anh nhưng lại thương thầy, dù khi xưa hay bị ăn roi mây nhớ đời. Có người kể, cúp cua, đi đánh bi da, thầy lái xe, chạy vòng vòng phố, kiếm được rồi chở về trường, kêu ráng học, khiến nhiều người đậu Tú tài, có người đậu Bình và ưu, đã thay đổi cuộc đời họ.

Khi tin thầy qua đời, Chử Tam Anh viết cho mình, cho rằng ba tôi sống một cuộc đời Mỹ mãn. Sau này Tam Anh qua đời, Nhất Anh kêu đừng qua Virginia đi đám tang, sau đó mấy ngày thì một anh bạn thân khác ở Văn Học cũng qua đời vì ung thư. Hai người bạn học cũ thân nhất thời Văn Học, ở Hải ngoại giả từ cuộc chơi sớm.

Mình định không kể về Đà Lạt nữa nhưng thiên hạ cứ gửi thêm hình ảnh xưa Đà Lạt. Bao nhiêu kỷ niệm một thời trẻ trâu lại từ đâu kéo về, phải viết xuống để đầu óc bớt lùng bùng như cảm ơn những người quen, bạn, thầy cô, đã đi qua đời mình, để lại một chút gì đó trên con đường đời của mình đã đi qua.

Có lẻ hai năm học Văn Học, để lại cho mình nhiều dấu ấn hơn 10 năm tình cũ với Yersin. Mình ít nhớ về về bạn học Yersin hơn là Văn Học. Có lẻ Văn Học là khoảng thời gian mình lớn hơn, để ý đến gái gú cũng có thể mình được cử làm trưởng lớp nên có tham gia các sinh hoạt của trường nên bắt buộc phải nhớ.

Hai năm Văn Học có lẻ là hai năm hạnh phúc nhất thời gian ở Đà Lạt, có nhiều kỷ niệm của một thời thanh mai trúc mã. Mình đã gặp những người thầy, đã cấy vào đầu mình những hạt mầm, giúp mình vững niềm tin hơn trên đường đời sau này. Mình học được từ thầy Chử Bá Anh lối sống đam mê. Thầy thích làm báo vì đam mê, dù không tiền. Sau này sang Cali lập nghiệp thì mới hiểu nghề làm báo của thầy có trách nhiệm, khác với báo biếu, báo chửi mà người Việt lượm ở cửa ra vào các chợ. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn