Hàng Nhái Thổ Nhĩ Kỳ

Xứ Thổ Nhĩ Kỳ được xem là nước thứ 2 trên thế giới sau Trung Cộng, sản xuất hàng nhái, từ quần áo, ví da, giày dép, thực phẩm,… họ có đến 2 triệu người tỵ nạn từ Syria, đang sinh sống ở các vùng xung quanh biên giới với nước Syria. Hình như họ có đến 900 cây số biên giới với xứ Syria đang đánh nhau um xùm. Đọc ở đâu lâu rồi nên không nhớ chính xác. Con nít, phụ nữ gì cũng phải lao đầu vô các hãng xưởng sản xuất đồ nhái có số lượng 83 tỷ đô la hàng năm.


Mấy công ty tây phương ước tính bị mất lợi nhuận đến trên 83 tỷ đô la vào năm 2022. Vấn đề là mụ vợ muốn mua hàng nhái, kêu đây là thiên đường. Nhớ năm nào, đi Pháp, mụ vợ được cô bạn dẫn ra Louis Vuiton trên đại lộ Champs Elysees để mua cái ví khiến mình muốn đứng tim khi trả tiền. Về Hoa Kỳ, bạn bè chê kêu đồ nhái nên không thấy đeo, bỏ trong tủ. Chán Mớ Đời 

Đây ở Dubai, cò hướng dẫn viên dẫn đến đây, cả nhà ngay bà cụ cũng được họ kêu bận áo rồi lên catwalk, đi tới đi lui.
Cả gia đình vui hò hét với nhau, nghĩ lại cũng vui trong mấy ngày bên nhau.

Tại Việt Nam, đồng chí gái có bạn dẫn đi mua một cái ví LV giá $100, về để bên cạnh cái ví của cô bạn bên tây, ai cũng nói cái ví mụ vợ là thiệt còn ví kia là hàng nhái vì quá giống nhau, khác cái màu da một tí. Chơi đồ thiệt cũng bị chửi là xài hàng nhái. Chán Mớ Đời 

Chúng ta đang sống ở thời đại mà hàng thật và hàng nhái không biết được. Qua Ý Đại Lợi, thăm con gái, hai mẹ con chạy vào Gucci mua cái ví khiến mình muốn tắt thở khi trả tiền, rồi cũng không đeo, con gái thấy vậy lấy luôn.


Kỳ này, mụ vợ đi mua hàng nhái, vấn đề không phải là một cái ví mà rất nhiều cái ví nên rốt cuộc vẫn hơn số tiền mua một cái chính gốc. Cứ mua xong là mụ vợ kêu sướng quá, sướng quá. Chán Mớ Đời 

Đi với đồng chí gái, đi vòng vòng đợi mụ vợ thì thiên hạ hỏi mình có cần gì không, mình kêu là nông dân, chỉ cần mua áo quần cũ để làm vườn, không cần hàng hiệu. Từ ngày rời Việt Nam đến nay mình ít khi mua quần áo, chỉ xin đồ phát chẩn bận, sau này đi làm thì mua đồ chợ trời cũ, áo sơ mi $1 / cái bận. Nay làm vườn thì càng bận quần áo cũ nữa. Lâu lâu đồng chí gái mua cho một bộ, kêu bận nhưng mình cũng lười.

Có lẻ chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thứ thay đổi quá nhanh. Khi xưa, người ta mua một món đồ, áo quần, lựa đồ tốt để bận lâu dài vài năm nhưng nay, thời trang thay đổi quá nhanh. Chỉ một hai tháng là đã có hàng khác ra. Con người phải chạy theo để không bị chê cười mà không có khả năng mua hết , đành chơi đồ nhái, rẻ làm giàu cho anh ba tàu, chuyên gia hàng nhái.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Liên Hiệp Âu Châu mà với những tư tưởng làm hàng nhái thì chắc còn lâu. Nếu xét về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì theo dân tình rất te tua. Họ sống nhờ 3 tháng hè với số lượng 13 triệu du khách, trong đó có 50% đến từ Nga, 2.1 triệu đến từ Ukraine, ngoài ra là từ Đức hay Anh quốc.

3 năm vừa qua, với covid khiến dân tình chới với, nay thì bị vụ chiến tranh Nga Sô và Ukraine. Mình thấy khá đông người Nga ở trong khách sạn nhưng nghe nói ít hơn trước đây rất nhiều. Có lẻ vì vậy mà Thổ Nhĩ Kỳ không cấm vận Nga mà còn gặp Putin và bắt ông thần chiến tranh đợi 40 giây.

Các nhà xã hội học cho rằng các người thích dùng hàng nhái được chia thành 4 loại người:

1/ dreamitator: do chữ dreamer và chữ imitator. Loại người trẻ nhưng thích tạo dáng, muốn khẳng định mình là người thành đạt. Vấn đề là mấy ông nhà giàu như Bill Gates, Steve Jobs, đâu bao giờ cần phải bận đồ sang trọng, mình đoán là các công ty thời trang có thể cho họ quần áo miễn phí để bận, để quảng cáo không công.

2/ Face Saver: thường là nhóm trẻ, mới đi làm ít lợi tức, muốn tạo dáng để người đời biết mình là thành đạt.

3/ smart Faker: nhóm này tuy biết xài hàng xịn nhưng không có tiền, tìm kiếm loại nhái nhưng tốt để xài.

4/ frauster: loại này có khả năng để mua nhưng lại thích đồ nhái, rẻ tiền và qua mặt thiên hạ. Mình có ông anh cột chèo kể, có một người anh bà con hỏi cái đồng hồ Rolex của anh ta là hàng nhái hay hàng thiệt. Anh ta nói hàng thiệt. Anh bà con là bác sĩ, có khả năng mua hàng thiệt, kêu anh cũng đeo Rolex nhưng hàng nhái. Không ai biết là hàng nhái cả. Ngoài xã hội, ai cũng biết anh ta thành đạt nên không nghĩ là chơi hàng nhái. Nhớ có lần tên chủ của mình, đi Thái Lan, về mua cho mình cái đồng hồ không người lái ROlex, giá đâu $5 thời đó. Mình đeo vào thiên hạ nhìn lắt mắt. Đeo được vài tuần thì chết luôn.

Chạy xe thấy có nhiều tiệm bán đồ da, nhiều tiệm nằm ngay bên cạnh mà bãi đậu xe vắng như chùa Bà Đanh. Hướng dẫn viên du lịch cho xe vào một tiệm theo lời yêu cầu của đồng chí gái. Họ cho làm mẫu thời trang, đi trên catwalk, nhạc úm bà là. 

Mình tưởng họ làm thời trang nội y, nên đợi trong bóng tối ai dè có một cô to kinh khủng, đi muốn bể sàn nhà. Sau đó họ cũng dụ đồng chí gái mua được cái áo da. Đồng chí gái kêu tội nghiệp họ nên mua giúp. 4 hay 5 người bán hàng xúm vào phụ vụ đồng chí gái. Họ hỏi mình thì mình nói nông dân không cần bận áo da. Nếu bận thì coyote thấy tưởng mình là cừu nên chạy lại cắn thì rách việc.

Chạy xe thì thấy hai bên dường nhà cửa 2, 3 tầng đều có mấy thùng nước trên mái nhà với mấy tấm năng lượng mặt trời, rất phản cảm thêm mỗi nhà mỗi cái vệ tinh để xem truyền hình. Không biết đâu là bên bờ.

Ngoài ra các nhà trùm nylon để trồng cây rau quả như chuối, rau quả cũng rất phản cảm không thua gì Đà Lạt ngày nay. Nếu không trên đồi toàn là cây olive, đầy nơi, đến mùa chủ đến hái đem bán. Xong om

Dân quê, bỏ quê ra thành phố kiếm ăn nên dần dần nghề nông cũng bỏ hẳn, chỉ còn lại nhưng công ty thực phẩm đóng vai trò làm nông sản. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn