Trung tâm luyện thi tú tài Đà Lạt xưa

 “Có căn bản đâu mà lấy lại căn bản”. Đó là lời thầy Tạ Tất Thắng, dạy mình anh văn đâu 1, 2 tháng tại trường Văn Học, thầy Hoàng Trọng Hàn dạy đến cuối năm. Thầy dạy anh văn chính ở trường Trần Hưng Đạo, buổi chiều thầy có dạy thêm ở Hội Việt Mỹ. Dạo ấy, các trường thi nhau mở các lớp luyện thi tú tài, hay các lớp toán lý hoá lấy căn bản, nên thầy buồn đời kêu đã dốt thì làm sao có căn bản mà lấy lại căn bản như các quảng cáo, biểu ngữ dán hay căng đầy đường phố Đà Lạt thủa xưa.

Nói cho ngay, thời đó, chiến tranh, học hành mà lộn xộn, con trai phải đi lính thêm có vụ đôn quân. Do đó có trò nhảy lớp cho kịp tuổi. Nhiều khi có người học trễ 1, 2 năm nhưng sợ đi lính nên phải nhảy lớp thì chới với vì học lớp dưới đã kém mà còn nhảy lớp thì sức Phù Đổng khó tiến xa nên không có căn bản, bơi lội trong vũng lầy vô biên. Do đó thầy Thắng kêu có căn bản đâu mà lấy lại.

Lần trước về Đà Lạt, mình có dịp gặp lại thầy Thắng. Có anh bạn vẫn liên lạc với thầy thường xuyên, dẫn đến thăm thầy. Nhà thầy gần viện đại học Đà Lạt. Thầy chỉ cây Hồng hay mận mà anh bạn đã đem lại trồng tại nhà thầy mấy chục năm về trước. Cô Thắng phải ngồi bên để thuyết minh vì thầy bắt đầu lộn chỗ này xọ chỗ kia. Thầy cô kể chuyện khi xưa đi tán nhau ra sao. Khá vui.

Đường Hải Thượng, ngay cổng vào trường Việt Anh, đi chút xíu thì đến ngã tư Hoàng Diệu và Hai Bà Trưng. Rẽ tay trái vào đường Hoàng Diệu thì sẽ thấy trường Văn Học bên tay phải. 

Sau 75, thầy Thắng có sang Hoa Kỳ dạy đại học ở Hoa Kỳ, một thời gian, không nhớ tiểu bang nào, hình như Alabama.

Cứ đầu niên học là thấy một đám học chung mất tích, hoá ra chúng nhảy qua trường Việt, nhảy lớp để học cho kịp tuổi. Trường hợp này lại gây ra một vấn nạn khác là “hệ thống làm chứng chỉ giả”. Muốn vô học lớp 11 thì phải có chứng chỉ, học bạ của lớp 10, chứng nhận đã học xong chương trình lớp 10. Mà đã nhảy lớp theo kiểu thần đồng theo tinh thần Phù Đổng của người Việt thì phải chạy chứng chỉ giả để nộp cho trường mới. Do đó không có căn bản nên phải đi học luyện thi để lại căn bản. Đúng hơn là tìm căn bản.

Sau này, mình gặp lại mấy người bạn học chung, mới nghe họ kể mới hiểu. Có người lấy tên và chứng chỉ của người em đi học trường khác. Người kể mua chứng chỉ ở Sàigòn, người kể mua chứng chỉ từ thầy nọ, cô kia đủ trò, hoá ra giáo dục thời đó có một kỹ nghệ “tiên chứng chỉ hậu học văn”. Vào nhà, hỏi cho gặp tên học chung lớp thì cậu em hắn đi ra, hỏi mình là ai. Chán Mớ Đời 

Mình gặp lại một anh bạn thân, học giỏi, kể là có tên trong lớp học cực dốt, rớt tú tài nhưng bố mẹ hắn năn nỉ bố mẹ anh bạn, cho mượn giấy tờ của anh ta để nộp đơn du học. Kinh

Cầu thang lên trường Văn Học. Trung tâm luyện thi nổi tiếng Đà Lạt ngày xưa. Nghe nói là có lớp luyện thi đệ nhất cấp vào các trường công Đà Lạt. Học trường công thì miễn phí nên phải qua một kỳ thi tuyển. Do đó các học sinh trường này, thường là thành phần học giỏi từ tiểu học nên đa số đậu cao khi thi tú tài.

Ngoài chứng chỉ giả còn phải chạy thêm giấy khai sinh. Nhiều người lớn tuổi, mình nhớ trong lớp có nhiều tên lớn hơn mình cả 4 tuổi mà trong giấy khái sinh lại thua mình đến 2 tuổi. Từ đó đưa đến vấn nạn tham nhũng. Công chức thì ký giấy tờ, giấy khai sinh giả, thầy cô trong trường ký chứng chỉ, học bạ giả cho học sinh, tạo ra một nền kinh tế học đường bên lề khiến nhiều người trở nên giàu có.

Thời đó, con trai đi học là để khỏi đi lính, ra chiến trường chớ không phải để trở thành một chuyên gia tốt, giúp đất nước,… giấc mơ của mình ngày xưa là đừng đi lính vì sợ chết. Trong xóm có nhiều tên quen, đi lính chết hết, có tên đào ngủ. Học ra đại học thì cũng phải nhập ngũ, nhưng ít ra còn sống thêm được vài năm đại học. Ra trường nếu hên thì được biệt phái về dạy một trường trung học nào đó thay vì ra chiến trường.

Giấy khai sinh thì mình đoán là lên toà án hay khu phố. Mình chỉ nhớ là khi nộp đơn du học đi tây thì phải lên toà án, nhờ họ dịch giấy khai sinh, bằng Tú tài, học bạ, thị thực chữa ký để gửi nộp đơn đại học bên tây.

Lại thêm cái vụ thẻ Nhân Dân Tự Vệ. Hình như từ 16 tuổi trở lên, con trai phải gia nhập đoàn Nhân Dân Tự Vệ, được phát súng rồi chia phiên đi gác ở trụ sở. Mình nhớ ở bên đường Phan Đình Phùng thì có đồn Nhân Dân Tự Vệ, ngay hợp tác Xã rau, ngay dốc Ngã Ba Chùa, trước cầu thang của chùa Linh Sơn. Còn Khu Phố II, nơi mình ở thì có cái đồn Nhân Dân Tự Vệ, trên đường Thi Sách, phía sau trường Đa Nghĩa, gần nhà Tuấn Cao, nay ở Củ Chi. 

Nhớ có lần Việt Cộng nằm vùng tấn công cái đồn đó, bắn nhau bú xua la mua. Ở nhà mình, ông cụ và mình nghe tiếng súng, đứng nhìn qua cửa sổ về phía trường Đa Nghĩa, đạn đỏ bay tá lả, hơi lo lo. Phía trên Số 4 là coi như để cho nằm vùng ban đêm. Trước đó, ban đêm họ về, bắn trưởng ấp và bắt con trai đi theo cách mạng, cướp chính quyền rồi củng cố quyền lực.

Có lần, nằm vùng ở ấp An Lạc, hay Hoà Lạc, chỗ kho bạc đi vào, cạnh trường Adran, tấn công trung tâm thẩm vấn Đà Lạt, ở đường Bá Đa Lộc. Ban đêm nghe súng nổ liên tu ti. Hôm sau, mình chạy xe vào, thấy xác chết Việt Cộng nằm vùng, nằm la liệt ở đường BÁ đa Lộc. Ruồi bu, đen nghiệt. Hình như họ cố ý để đó để làm gương hay sao đó hay để các người con trong gia đình nuôi thêm hận thù.

Ra đường, cảnh sát xét giấy tờ. Có 4 thẻ cần thiết: thẻ căn cước, thẻ học sinh hay sinh viên, thẻ hoãn dịch và thẻ nhân dân tự vệ. Mình nhớ tối thứ 5 mỗi tuần, trên đài phát thanh Đà Lạt, có chương trình Nhân Dân Tự Vệ, với bài hát đầu tiên: “giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, vận nước ta gặp hồi gian nguy, anh em ta ơi cũng nhau kết đoàn, cùng nhau chống giặc không gì hay hơn. Nhân dân tự vệ, nhân dân tự vệ, cầm súng cầm dao, gậy gộc Xuống đường,…”. Nhớ tới đó, bác nào nhớ thêm xin cho em biết.

Mình thì ở khu phố II nhưng thẻ Nhân Dân Tự Vệ thì do ông Ngô La, chủ tịch khu phố I ký, khỏi phải đi gác đêm. Ông Ngô La quen ông bà cụ mình nên dễ dãi. Chớ mình mà ghi danh ở khu phố II là đi gác tuần 3 lần thì hết học hành gì cả. Trong xóm mình hình như chả có tên nào đi gác nhân dân tự vệ. Mấy tên trong lớp nhất là ở khu Du Sinh, chúng đi gác mỗi đêm. Lâu lâu thì lại nghe tin mấy tên nhân dân tự vệ bắn nhau. Cứ ra đường kênh sì po là chạy về nhà, vác súng ra bắn nhau.

Mình nhớ có lần đi cắm trại với trường Văn Học ở hồ Than Thở, có mấy tên nào ở khu đó, bò lại kênh xì po thằng Hùng, hình như họ Cao. Lộn khu hắn ở có tên Cao Minh Đức, nhà có tiệm thuốc tây ở dốc Ngã Ba Chùa, còn hắn là Phan Thế Hùng thì phải. Nghe nói sau 75 là Cách Mạng 30, chết rồi. Hắn học Yersin trước kia với mình, sau qua Văn Học trước mình. Nó kêu mình chở về nhà. Ai ngờ ông thần, nhân dân tự vệ ngã ba chùa, đàn em ông Phấn hợp tác xã rau, vác cây súng Carbin M1, chạy lên kiếm mấy tên kia. Mình thiếu điều lạy nó, kêu đừng nóng.

Đó là hậu quả của chiến tranh, con người không muốn chết. Kẻ có tiền thì chạy chọt để con họ không đi lính, còn ai không có tiền thì phải lên đường tòng quân, anh Dũng đền nợ nước.

Mình nhớ có lần, ông thầy hỏi anh bạn học chung lớp, năm ngoái em học trường nào. Anh bạn đâu biết, ông bố chạy chứng chỉ giả ở trường nào dưới Cà Mau nên thật tình kêu Dạ em không biết khiến cả lớp cười toé phở hôm đó.

Thường thì đi học trường tư hay trường công nhưng đến năm thi tú tài thì phải đi học thêm các lớp luyện thi tú tài 1 và tú tài 2.  Trong các lớp luyện thi tú tài tại Đà Lạt thì các lớp luyện thi của trường Văn Học được khá nhiều học sinh Đà Lạt theo học.

Thầy Phạm Kế Viêm và thầy Hoàng Trọng Hàn

Mình không rõ lắm nhưng đoán là nhờ có 3 ông thầy dạy, nổi tiếng là dạy hay, nhiều người đậu. Nhất là đậu cao. Có nhiều học sinh giỏi của trường khác đến học luyện thi như các trường công Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân. Khi đậu là xem như học sinh của mấy trường kia nhưng trung tâm luyện thi Văn Học lại được tiếng lây.

Dạo ấy mình mới sang Văn Học, đúng lúc mấy ông thầy dạy ở đây, không được phép dạy ở trường này nữa. Không kể vì dính tới nhiều người bạn thân. Đa số mấy thầy là giảng viên trường Võ BỊ Quốc gia Đà Lạt, xem như thầy giỏi của Việt Nam Cộng Hoà. Học sinh bỏ trường Văn Học, chạy theo bộ Tam Sư: thầy Phạm Kế Viêm, dạy toán, mình có bà dì là em dâu của cô Viêm, thầy Thân Trọng Bình dạy Vật lý và thầy Bào, dạy hoá học.

Trường Việt Anh, đi vào cổng thấy lớp nơi mình học tiếng Nhật Bản buổi chiều. Một trong những trung tâm luyện thi tú tài.

Bộ Tam sư này qua trường Việt Anh dạy nên mấy người học chung lớp bỏ chạy sang đó rất nhiều. Theo mình là do mình học chớ thầy giỏi mà mình không chịu học thì bù trớt. Hè trước khi qua Văn Học, mình có đi học lớp hè ở trường Việt Anh. Có thầy Viêm, thầy Bình dạy toán lý hoá. Cũng ít người lắm, độ 20 người, trong đó có ca sĩ Anh Dũng ngày nay. 

Gặp anh chàng này mình không dám nhận, sợ người ta kêu mình cứ thấy sang thì chạy lại nhận họ. Anh chàng này là em rể của Nguyễn Minh Dũng, đánh bóng bàn cho Adran khi xưa, con của hai bác Nguyễn Đình Thừa, bạn bố mẹ mình, hay đi tổ đình ở đường Cường Để, thợ mộc ở đường Phan Đình Phùng. Lâu lâu có nhắn tin  với Dũng nhưng chưa bao giờ gặp lại dù anh ta ở vùng này. Đánh bóng bàn lão tướng, mình có đến trung tâm bóng bàn ở góc đường Euclid và Westminster nhưng không gặp anh chàng.

Đậu tú tài, mình về Sàigòn lo giấy tờ đi du học, thấy biểu ngữ quảng cáo luyện thi toán lý hoá đủ trò. Nhìn lại thì công nhận giáo dục thời xưa có bề trái là vụ con trai sợ đi lính nên có phần tiêu cực, chạy giấy tờ giả để được học thêm, khỏi ra tiền tuyến.

Đọc tài liệu thì miền bắc, họ định hướng người dân là tất cả cho tiền tuyến, giải phóng miền nam còn Việt Nam Cộng Hoà không có định hướng gì cả để động viên người dân ra trận. Ông nội mình sợ hàng xóm chê cười nên dục ông chú mình đi bộ đội vào nam, bị B 52 dập chết trên đường mòn Trường Sơn. Thanh niên như mình khi xưa, ít ai muốn ra trận. Mình tìm đường đi tây, trốn lính, trốn nghĩa vụ, để rồi ngày nay làm kẻ vô tổ quốc, nhận các nước khác làm tổ quốc thứ 2.

Nếu dạo ấy, người miền nam mà hiểu được đời sống như sau 75 thì bảo đảm chả có ai muốn hoãn dịch cả hay nằm vùng. Ai nấy đều xung phong ra trận. Cuộc chiến chỉ kết thúc trong vòng 3 tháng. Có bác kia ở Cần Thơ, miền quê kể. Nếu quốc gia trở lại, nó núp trong quần tui thì tui cũng lột quần, rũ nó ra để quốc gia bắt nó. Đả đảo Thiệu Kỳ, mua cái gì cũng có. Hoan hô hồ chí minh, mua cái đinh cũng xếp hàng. Chán Mớ Đời 

Cuối tuần rồi, có anh bạn học chung ở Văn Học khi xưa, nay ở Houston, gọi điện nói chuyện. Anh ta hỏi mày nhớ ông thầy Bấc không. Nói không biết vì chắc dạy lớp đệ nhất cấp. Anh ta kêu ông thầy vô lớp chửi mỹ tùm lum, đem hình ảnh Mỹ Lai vô lớp rồi chửi mỹ. Mình có kể vụ này rồi. Có một đại uý mỹ ra lệnh cho binh sĩ tàn sát nguyên một làng người Việt tên Mỹ Lai, xác chết nằm la liệt, do một nhà báo chụp được. Từ đó khi binh sĩ mỹ tham chiến ở Việt Nam về nước thì bị gọi giết trẻ em. Một trong những biến cố trong chiến tranh Việt Nam làm người Mỹ bừng tỉnh về cuộc chiến, khiến họ đem quân về. Từ đó, các tin tức chiến trường ở Á pHủ Hãn, Iraq,…đều bị thanh lọc hết. Mình nghe một anh bạn khác kể là ông thầy này nằm vùng.

 Anh ta kể sau 75, về Sàigòn thấy ông thầy ngồi bán bánh ú. Ông thầy cũng ngợ ngợ nhìn anh ta, sợ làm mất mặt thầy nên không dám đến chào. Anh bạn lại hỏi biết thầy Trần Đại không, mình lại tịt nữa. Anh bạn học Trần Hưng Đạo 2 năm rồi chạy qua Văn Học, vì sợ đi lính. Anh này hơn mình một tuổi nhưng học trễ đến 2 năm, cuối cùng bị đôn quân, đi học gỡ mìn. Anh ta kêu ông thầy hay tự giới thiệu, tôi tên Trần Đại, không phải du đảng như tiểu thuyết như Điệu Ru Nước mẮt mà chính hiệu Trần Đại. Anh ta nói được biết ông thầy chết trên đường vượt biển, đi chung với một cô học chung, hàng xóm ở đường Hai Bà Trưng khi xưa. Anh ta nghe đài phát thanh ở Houston kể về mấy người chết ở đảo này, có nói tên của thầy.

Nói đến người chết trên đường vượt biển, cuối tuần rồi, mình đến nhà người bạn ăn cơm. Anh ta kể là có lần đi theo phái đoàn người Việt về thăm các mộ bia của người tỵ nạn ở Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan. Anh ta đem máy ảnh để chụp các thẻ bài của những người chết trên đảo hay vượt biển. Khi thấy mộ tập thể của mấy người chết, trong số đó có vợ con một nhà văn nổi tiếng, đã viết kể về chuyến đi hãi hùng này. 

Anh ta thấy mấy cái thánh giá, chữ Vạn,… trên cái mộ chung tập thể. Anh ta cố chụp một tấm nhưng không được. Cuối cùng thì anh lấy một bó nhang rồi khấn, xin cho chụp một tấm ảnh. Tách! Anh chụp được nhưng chỉ có một cái. Sau đó máy không sử dụng được nữa. Anh ta nói “tôi vô chùa vô chúa, nhưng gặp cảnh này thì không tin không được.”

Anh ta còn kể trước khi đi, có một người bạn nhờ đến một địa điểm nào, chụp cho tấm ảnh cái mộ của gia đình anh ta. Đến nơi đi thăm viếng, chụp hình hết mấy mộ nhưng không thấy mộ đề tên mẹ anh ta. Gần chiều, tàu sắp đi vì không dám ở lại, người hồi giáo ra cắt cổ. Anh ta hỏi người hướng dẫn viên bản địa, có còn chỗ nào nữa không , ông ta kêu còn, chỉ lên đồi nên xin phép 5 phút chạy lên đồi xem. Vừa lên thì có tấm bảng đề tên mẹ của anh bạn. Vô Phật vô Chúa nhưng hỏi có tin không?


Anh ta kể, đi theo đoàn có một chị kia, cứ khóc bù lu bù loa nhưng vì quen đời sống bên mỹ nên cũng không hỏi. Đến cuối ngày, chịu không được anh ta hỏi thì được trả lời, gia đình tôi 7 người chết hết, chôn trong nấm mồ tập thể đó. Đó không phải là trường hợp duy nhất mà còn rất nhiều cảnh như vậy như bài hát đứa bé và viên sỏi của nhạc sĩ Phan văn Hưng, thơ của Trần Trung Đạo.

 https://youtu.be/VltsSNsY4Kc

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn