Mình định viết về tấm ảnh này từ lâu, về căn nhà đối diện hồ Xuân Hương của bà dược sĩ, kiêm dân biểu Nguyễn Thị Hai khi xưa. Không biết tác giả của tấm ảnh là ai, có thể chụp lén một cặp trai gái đang ngồi cạnh hồ Xuân Hương, nơi bệ xi-măng, xây tròn xung quanh những cây tùng, nhìn qua biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai, mang tên Trang Hai.
Biệt thự, mình ước mơ một ngày được ở trong đó khi còn bé. Nay thì thất kinh vì họ đã cho dẹp bỏ, xoá hết tàn dư của chế độ cũ. Chắc để xây khách sạn cao cấp tại đây. Chắc sẽ dện cả chục tầng cao hơn mấy cây thông. Có người cho biết là để nới rộng đường Trần Quốc Toản vì giao thông Đà Lạt bị banh-ta-lông. Dần dần đồi núi Đà Lạt sẽ bị xén đất hết, trở thành đồng bằng. Chán Mớ Đời
Khi xưa, đường Hai Bà Trưng, khúc lên đồi bệnh viện Nhi đồng, cư xá viện Pasteur là đồi. Nay về thấy họ xắn đất, để xây nhà nên mình hơi lo là một ngày nào đó, đất sẽ bị trùi vì nước mưa đọng lại, bao nhiêu đất trên đồi sẽ phủ hết phía dưới đường Hai Bà Trưng tương tự như khu vực mới bị lỡ đất ở xóm Bà Thái khi xưa. Đất Đà Lạt toàn là đất sét thêm hệ thống dẫn thoát nước mưa khá thô sơ. Lâu ngày, nước tụ sẽ đẩy đất ở dưới vì bị đọng nước.
Gần nhà mình ở Cali, cách đây độ 15 năm có một cái tường talus xây cao độ 3 tầng lầu để chống giữ đất đồi bị trùi. Một năm bị El Nino đến thăm, mưa liên tu ti mấy ngày khiến đất bị trùi, kéo theo bức tường xi-măng dầy độ 30 cm và nhà cửa trên cao.
Hồi nhỏ, mình mơ có một ngày sẽ làm chủ căn biệt thự của ông bác sĩ Sohier và căn nhà này. Không hiểu tại sao, dạo học Văn Học, mình hay chạy xe lòng vòng Đà Lạt, xem các biệt thự thay vì đi ngắm gái, đánh bi-da như xưa với mấy tên bạn. Bên cạnh biệt thự này, phía tay phải, ngay cầu Ông Đạo đi qua, có căn biệt thự của gia đình một cô bạn học chung năm xưa 11B tên Hà, và một cô khác tên Vy Thị Thu Thuỷ ở trọ. Mình có đến nhà vì muốn xem bên trong nhưng không được cho vô nhà, chắc họ sợ mình chôm đồ. Mặt mình rất là gian gian từ xưa đến nay. Ít ai mời vào nhà họ.
Theo mình, kiến trúc biệt thự này không đẹp như các căn khác tại Đà Lạt ở đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương hay Huỳnh Thúc Kháng,… chắc không phải do ông kiến trúc sư tây vẽ. Cũng có thể chỉ là nhà nghỉ mát cho gia đình ở Sàigòn, lâu lâu lên Đà Lạt chơi nên không xây cất to lớn. Hình như mình có kể về ông tây này, đã thiết kế những căn biệt thự tại Đà Lạt xưa, rất đẹp.
Sau này, thời đệ nhất Cộng Hoà, bổng nhiên có một thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam xuất hiện, thiết kế các công trình ở Đà Lạt rất đẹp, khá tân tiến và hiện đại cho vùng Đông Nam-Á thời ấy như chợ Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện, trường Võ Bị Quốc Gia, viện đại học Đà Lạt,…
Thường thì văn học và nghệ thuật nói lên tư duy của người dân, trí thức trong hoàn cảnh hiện tại và những viễn kiến cho tương lai. Việt Nam Cộng Hoà, thời ông Diệm như một thời đại khai phóng, mở đường cho một Việt Nam mới hiện đại, sau khi dành lại độc lập. Nhờ đó mà kiến trúc và nghệ thuật thời ấy khá mới mẻ, đầy sáng tạo. Cộng thêm các nhà trí thức và văn nghệ từ Bắc di cư vào nam, tạo ra một nguồn lửa văn học và nghệ thuật rất đặc biệt và còn ảnh hưởng đến ngày nay, vẫn tồn tại trong người Việt.
Mình thấy tấm ảnh rất đẹp. Chụp trên đường Nguyễn Thái Học, gần đường lên Nhà Lao, nơi mẹ mình bị nhốt tại đây gần 6 tháng thời Tây. Cặp trai gái Đà Lạt trong tấm ảnh, chắc đang bàn về tương lai, sở hữu một căn nhà như biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai, nằm trên đường Trần Quốc Toản mà khi xưa đi học, mỗi ngày đều chạy qua đây. Nhưng muốn đến căn nhà, phải làm sao qua hồ nước. Một thử thách của đời người. Bơi qua hồ hay đi vòng cầu Ông Đạo Trần Văn Lý. Có người cho biết là biệt thự mang tên “Trang Hai”, chắc mang tên tiệm dược khoa mang tên Trang Hai Dược Cuộc của bà Nguyễn Thị Hai.Nhìn từ bên kia hồ sang (đường Nguyễn Thái Học). Phía sau căn nhà này là đường chạy lên bưu điện. Vấn đề là nới rộng ra nhưng xe chạy vào chợ vẫn phải đi qua cầu Ông Đạo nhỏ bé, vẫn gây ùn tắc. Chán Mớ Đời Xong om
Bùng binh hồ Xuân Hương ngày nay. Chắc chụp trước rạp xi-nê Ngọc Lan, chỗ quán phở ngày xưa, bãi đậu xe Honda cho khán giả xem xi-nê. Mình nhớ có leo lên đây với ông cụ một lần khi về thăm Đà Lạt. Đó là lần cuối mình đi chơi với ông cụ. Lần sau về thì ông cụ yếu. Xong om
Năm 1995, khi mình thiết kế một dự án du lịch của tập đoàn Tân Gia Ba, phát triển khu Dankia. Tập đoàn này mướn công ty mình thiết kế khách sạn Equatorial ở Sàigòn. Mình có nghĩ về sự phát triển Đà Lạt trong tương lai. Theo mình thì Đà Lạt nên dời hệ thống hành chánh và kinh tế về Bảo Lộc, cũng thuộc tỉnh Lâm Đồng, cận Sàigòn, Long Khánh hơn là phải chạy thêm 150 cây số. Long Khánh, khi về Sàigòn, mình có chạy qua khi lên Đà Lạt, xa Sàigòn một tị, nên xây phi trường quốc tế để không gây kẹt xe tại sân bay trong Sàigòn.
Du khách quốc tế hay nội địa từ phi trường ở Long Khánh, có thể lên Bảo Lộc nhanh. Phi trường Liên Khương nhiều khi bị mây mù nên khó đáp xuống, làm trễ nải du lịch. Trong khi đó, cho phát triển các trung tâm du lịch và khách sạn cho du khách đến Đà Lạt về phía Đức Trọng, Tùng NGhĩa hay Đơn Dương vì du khách có thể đi tắm biển ở Ninh Chữ, Cà Ná, Phan Thiết hay Nhà Trang. Sáng đi chiều về, hay ngược lại vẫn hưởng được cái lạnh của Đà Lạt. Rau cải trồng xung quanh Đà Lạt như ở Tùng Nghĩa,..
Du khách đến Đà Lạt bằng xe buýt điện từ Đức Trọng, Trại MÁt, Đơn Dương lên trong ngày rồi chiều về lại. Biến Đà Lạt thành một thành phố như ở Thuỵ Sĩ với những phong cảnh, kiến trúc như ở Thuỵ Sĩ, sẽ làm du khách mê và trở lại. Tha hồ mà cho mướn phong cảnh Đà Lạt để các hãng phim quốc tế ở Á Châu mướn, khỏi đi qua Thuỵ Sĩ. Mình làm việc hai năm tại Thuỵ Sĩ, thấy hao hao Đà Lạt nên nghĩ sau này, có về Đà Lạt, sẽ thiết kế theo khung cảnh Thuỵ Sĩ nhưng vẫn giữ tâm hồn của Đà Lạt.
Các khách sạn sẵn có tại Đà Lạt thì trùng tu lại, nâng cấp lên, giá cao hơn. Ở Hoa Kỳ, muốn ngủ qua đêm các trung tâm du lịch, người ta phải đặt phòng trước cả năm hay 2 năm vì giới hạn phòng và giá rất cao, ít tiện nghi.
Các trung tâm du lịch trên núi tại Hoa Kỳ hay âu châu, thường họ không cho xe cộ vào nhiều quá. Đậu phía ngoài rồi đi xe buýt chở vào. Chỉ có những người sinh sống ở trong thì có thể vào hay các khách sạn sang trọng, đắc tiền. Dùng tiền du khách để tu bổ lại Đà Lạt. Đà Lạt sẽ thu hút du khách ngoại quốc nhiều hơn như Hội An. Nếu mình không lầm, ngày nay chỉ có đường Minh Mạng là còn chút gì của Đà Lạt xưa, từ khúc Nguyễn Biểu đi xuống chỗ quẹo. Không gian vẫn còn chút gì của Đà Lạt khi xưa.
Mai mốt, họ đập phá khu dinh tỉnh trưởng xong thì sẽ làm thịt luôn các khu phố xung quanh. Mình không rõ dự án xây khách sạn trên đồi dinh tỉnh trưởng, có thiết kế thêm về chỗ đậu xe cho du khách hay không. Mình chỉ nhớ là có lần ở Sàigòn, một anh bạn học cũ với đồng chí gái, dẫn mình đi ăn cưới con của một người bạn học cũ. Đến một nơi có đến 10 sảnh để tổ chức một lúc 10 đám cưới thì không có bãi đậu xe dưới hầm hay đâu cả. Phải chạy qua khu nhà dân, nhờ họ coi xe, trả tiền họ. Dưới hầm thì khó vì nước. Mình đọc tài liệu thì nước sông Sàigòn dâng mỗi năm mấy cm.
Khi xưa, mỗi lần có chợ Tết, mình thấy kẹt xe hơi rất nhiều ở dưới chợ. Nay dân đông gấp 3, 4 lần và thêm xe cộ nhiều thì Chán Mớ Đời.
Thật ra, người tây phương cũng lầm lẫn rất nhiều khi kiến thiết lại đô thị của họ sau đệ nhị thế chiến. Sau này, họ khám phá ra những lỗi lầm của họ nên đã thay đổi. Mình đi khắp âu châu khi xưa, nên có dịp viếng các trung tâm đô thị bị bom, chiến tranh tàn phá để xem thành phố nào đã tái thiết lại. Có lẻ chúng ta nên rút kinh nghiệm của họ để phát triển Đà Lạt thay vì đọc mấy cuốn sách cũ mèm từ 100 năm qua về thiết kế đô thị, để áp dụng kiến trúc xã hội chủ nghĩa sai lầm của thế giới vào Đà Lạt. Chán Mớ Đời
Mình nghe nói là họ sẽ đóng cửa đèo Prenn để nới rộng con đường lên Đà Lạt để khỏi bị kẹt xe. Con đường đèo này, được xem là đẹp nhất Việt Nam. Adieu Đà Lạt.
Làm như vậy để không phát triển Đà Lạt quá tải sẽ hết thu hút du khách. Du khách ngoại quốc đến Việt Nam, họ thích biển hơn là núi rừng vì xứ họ đã lạnh rồi. Hè chỉ muốn ra biển tắm nắng. Do đó muốn thu hút du khách thì Đà Lạt phải có đặc trưng về nét gì đó tương tự Hội An được thế giới biết đến vì Phố Cổ. Du khách nội địa thì chỉ đến vào các dịp Tết,… sau đó thì dân cư Đà Lạt ngáp ruồi, hay bị nhiễm Covid như mấy tuần lễ sau Tết nên chặt chém, làm 3 tháng sống 1 năm như các trung tâm du lịch gần biển ở âu châu.
Các tỉnh ở Đức quốc, bị bom đạn trong thời đệ nhị thế chiến. Ngày nay, người đức họ cho xây lại như xưa với kỹ thuật ngày nay. Đi viếng mấy chỗ này rất đẹp. Ngay Luân Đôn bị Đức quốc Xã dội bom, mình làm việc ở Luân Đôn được hai năm, đi đến những nơi được xem bị bỏ bom thì thấy vẫn như xưa, không có gì thay đổi cả.
Đà Lạt chỉ có xe buýt chạy bằng điện hay đi bộ trong thành phố. Trồng thêm hoa Anh Đào như ở Nhật Bản. Mấy phố như đường Minh Mạng, Hàm Nghi, Tăng Bạt Hổ sẽ như các thành phố nhỏ của Thuỵ Sĩ trên núi. Du khách trả tiền trước ở khách sạn nên không cần bán vé hay soát vé gì cả. Nay thì xong om. Chán Mớ Đời
Đây là một thí dụ: thành phố Dresden của Đức quốc, khi xưa, quân đội đồng minh, dội bom gần như nát bấy nhưng họ vẫn xây lại như xưa thay vì huỷ bỏ, xây cái mới, rẻ hơn. Phố xá cho đi bộ, không có xe hơi chạy qua.Hình ảnh thành phố Dresden năm 1968 và sau khi thống nhất được Tây đức bơm tiền để sửa chửa lại hết để người đức trở về. Khi tường Bá Linh sụp đỗ thì người Đông đức bỏ chạy hết qua Tây đức. Hình ảnh năm 1983, đông Đức (cộng sản) đói không có tiền tu sửa lại đến khi thống nhất, Tây đức bỏ tiền kiến thiết lại. May là bọn tư bản không dãy chết nếu không thì những ngôi nhà cũ khi xưa của Đức quốc sẽ không bao giờ được xây sửa lại, làm viện bảo tàn tội ác tư bản.Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét