Tấm không ảnh của Đà Lạt

 Có anh nào dân Đà Lạt tên Phú, cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo, gửi cho mình tấm không ảnh, lại khiến mình bay về miền quá khứ, nói như người Mỹ “back to the future”. Mình định không viết về Đà Lạt xưa vì toàn kể những kỷ niệm cá nhân, thấy bơ vơ quá nhưng lại có người liên lạc, gửi hình như thầm nói; viết tiếp. Có ông thần nào, người Sàigòn, yêu thích Đà Lạt nên cứ hỏi mình, rồi lượt gọt những từ phản động, rồi tải lên cho bà con ở Việt Nam đọc. Người Sàigòn còn chú ý đến sự tàn phá của Đà Lạt xưa nên mình kể tiếp.

Mình có tấm ảnh này nhưng thiên hạ gửi lại xem kỹ hơn thì thấy có nhiều điểm khác chưa kể. 

Tấm không ảnh này cho thấy 3 con đường: bên trái là đường Hàm Nghi trên đồi, bị cây che khá nhiều, ở giữa là đường Phan Đình Phùng mà khi xưa, thời Tây được người Việt gọi là Đường Cầu Quẹo và bên phải có một đoạn đường Hai Bà Trưng, từ trường Thăng Long (Hiếu Học) đến dốc Hai Bà Trưng. Sau khi giải ngủ, ông cụ mình đi học trường này ban đêm, lấy bằng tiểu học để vô ngạch công chức của ty Công Chánh Đà Lạt, được thêm lương mua sữa cho con. Tối mình hay đi đón ông cụ đi học ra. 

Trường này, nếu mình không lầm có lần do thầy Chử BÁ Anh làm giám đốc, sau này, dọn về đường Hoàng Diệu, đổi tên thành trường tư thục Văn Học mà mình có học tại đây hai năm cuối trung học đệ nhị cấp, được thầy Chử Bá ANh cho học miễn phí. Như có huông nên sau đó, được học bổng đi tây.

Mình đoán tấm ảnh được chụp từ trên máy bay, trước khi mình ra đời, vì thấy nhiều nơi khi mình lớn lên biến mất và những khu được xây cất thời mình còn nhỏ chưa được xây và sau Mậu Thân khi dân tình chạy giặc Việt Cộng, ở quê vào Đà Lạt.

 Nếu nhìn đường Hai Bà trưng từ bên tay phải sang thì thấy ít nhà cửa. Xa xa thấy dãy nhà của trường Thăng Long (Hiếu Học) xưa. Mình nhớ có học chung lớp hè với một cô nữ sinh trường Bùi Thị Xuân, ở khu chung cư này, tên Hoàng Lan thì phải. Khá xinh. Đối diện, trên đồi, có nhà của Hạnh, học chung khi xưa ở Yersin, mình có gặp lại một lần khi về Đà Lạt với con gái ga-ra STT, tên Phượng, chị của ca sĩ Lệ Thu bên Tây, có đến nhà mình một lần với Tú Anh, tại nhà con gái thầy Tạ Tất Thắng, thêm 1 trong hai chị em sinh đôi ở khu Nhà Chung. Cô chị thì nay ở Úc Đại Lợi.

Có con suối chảy song song đường Hai Bà Trưng, chảy về suối Cam Ly. Thật ra con suối này có chỗ được chia làm hai nhánh, 1 gần đường Hai Bà Trưng và một gần đường Phan Đình Phùng. Khu nhà thầy Thành Bắp Sú, chú Hồng dưới đồi lên nhà thương Đà Lạt, chưa được xây cất, ngay cả mấy nhà gỗ, nơi ông người Tàu, bán xắp xắp ở bên hông rạp Ngọc Hiệp ở.

Nói chung là phân nữa tấm ảnh bên phải là đất đai và nhà cửa của gia đình ông bà Võ Đình Dung. Ông này là thầu khoá có tiếng tại Đà Lạt khi xưa, người thầu xây cất nhà ga xe lửa Đà Lạt, và khu phố Hoà Bình (dãy nhà hàng Mekong, Việt Hoa và phía bên kia từ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đến phòng răng ông Trình). Theo mình đọc hay hỏi thiên hạ còn sống tại Đà Lạt thì từ Mã Thánh đến trường Việt Anh, toàn là đất và nhà của ông bà Võ Đình Dung. Như vườn ông Ba Đà, gần xóm mình.

Có chị bạn, nhà ở đầu đường Hai Bà Trưng, nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, hay đạp xe đạp chở người em trai mà bạn bè hay gọi Vinh Kennedy đến thăm cô sinh viên đại học Đà Lạt, từ Sàigòn lên ở trọ sau này cưới nhau, cho hay là bố mẹ mướn nhà của ông bà Võ Đình Dung.

Chính ông bà Võ Đình Dung, đã hiến đất để xây chùa Linh Sơn và Linh Phong cho các phật tử Đà Lạt. Gia đình này có công xây dựng lên Đà Lạt khi xưa. Ông ta làm thầu khoán và nghị viên thành phố Đà Lạt dạo ấy nên biết rõ các khu vực được thiết kế, dành cho người Việt nên bỏ tiền ra mua hết đất đai và xây cất nên được xem là người giàu có nhất Đà Lạt.

Đây là rạp hát LangBian (Lâm Viên), sau này bị đập phá, biến thành cây xăng Ngọc Hiệp. Bên tay phải là tiệm Đức Lập, có cái hẻm đi vào, có tiệm mì quảng Thanh Bình thì phải của ông bắc kỳ nấu đồ ăn miền Trung, ngon có tiếng tại Đà Lạt. Mình có ăn 2 lần.

(Cảm ơn Sơn có nhắc đến rạp hát Langbian, hồi đó mình gọi là rạp Long Biên, là của ông bà nội chị là ông  Cai Sớm làm chủ. Sau vì thất bại trong việc xây dựng cơ ngơi nhà La Faro không được thanh toán sòng phẳng,  bà nội chị phải bán rạp hát lấy tiền trả công thợ. Lúc đó rạp Long Biên chiếu phim Việt Nam và phim Ấn Độ. Tụi chị vô xem khỏi mua vé. Lâu lâu cũng có hát cải lương.)

Nổi bật nhất là rạp xi-nê Ngọc Hiệp và rạp xi-nê LangBian. Giữa 2 rạp chiếu bóng nay là hai tiệm ăn của người Tàu tên Kim Linh và Như Ý. Sau này, rạp Xi-nê Lang Bian được phá bỏ để xây cây xăng Ngọc Hiệp, và dãy quán bên hông dãy phố Đức Tín, có quán mỹ quảng của ông bắc kỳ tên Thanh Bình thì phải.

Mình nghe một chị nữ sinh Yersin cho biết là con trai của rạp Xi-nê Ngọc Hiệp và Ngọc Lan, mới qua đời. Mình có nhắn tin cho Võ Hoàng Đa, bạn rất thân với anh chàng này từ bé nhưng không thấy trả lời.

Chỗ này, sau này họ xây một số nhà cửa trong hẻm này, đưa đến chiếc cầu nhỏ, băng qua vườn thiên hạ rồi đến đường Hai Bà Trưng, khúc trường Nữ Công Gia Chánh, không thấy trong ảnh. Hẻm này mình có học chung với Nguyễn Đình Tài, Lê NAm Sơn, Lê HÙng Sơn và Nguyễn Hùng. Mình có gặp lại Nguyễn Đình Tài, Lê HÙng Sơn và NGuyễn HÙng, còn Lê NAm Sơn thì nghe nói sau 75, làm CM30 nên bạn bè xa lánh, nay nghe nói ở Bảo Lộc, có tiệm mì rất nổi tiếng. 

Khu vực bên đường Hai Bà Trưng thì sau Mậu Thân thì thiên hạ cắm dùi xây nhà cửa nên khó nhận ra. Còn nay về thì chỉ biết tôi đi trong mưa sa.

Theo tấm ảnh thì khách sạn và tiệm ăn Cẩm Đô chưa được xây cất vì cao 2-3 tầng nhưng không thấy bóng dáng. Tương tự phía Hai Bà Trưng chưa thấy khu nhà của tên học chung khi xưa Vy Nhật Tảo. Ngược lại thì thấy tiệm bi-da Hồng Ngọc, nhà của bác sĩ Đào HUy Hách. Khu Dốc Nhà Làng hình như chưa được xây cất luôn. Có thấy mấy căn nhà gỗ mà anh bạn học chung khi xưa ở đó, cho thiên hạ thuê làm tiệm hớt tóc Như Ý, chưa thấy tiệm giầy Hồ Út.

Hôm trước, có đọc một bài viết của anh nào ở khu vực rạp Ngọc Hiệp, kể rất chi tiết các quán ăn, tiệm xung quanh. Ai tò mò thì lên tìm nhóm thân hữu Đà Lạt bắc Cali mà tìm đọc.

Bên phải đường phan đình PHùng, cận cảnh, sau dãy tiệm Đức Tín thì có dãy phố có tiệm sách Minh Thu. Mình gần như mướn và đọc hết sách của tiệm này vào mùa hè. Mình nghe nói con gái của tiệm này, học chung hay quen với Chử Nhất ANh tại Virginia, Hoa Kỳ.

Sau đó có tiệm Luồng Điện, của ông nội tên bạn học chung khi xưa tên Trần Trọng Ân. Mình có đến nhà hắn chơi bắn bi, xem hắn làm Sauce Mayonnaise. Phía sau có một con hẻm và vài căn nhà và đường đi ra ;hía sau vườn trồng rau. Hình như có một cô tên Bạch Tuyết, học trường Thành NGọc với mình. Lâu quá không nhớ rõ. Chán Mớ Đời 

Tên Ân này, nghe kể sau 75, làm công an, chửi bới bạn học khi lên văn phòng hắn, xin giấy đi đường chi đó rồi chết vì say rượu chi đó. Mình chỉ nhớ đi xem phim Độc Thủ Đại HIệp, Bambi với tên này. Hắn mê phim tàu lắm. Mình thì thích phim tây hơn. Sau này lên Grand Lycee thì hết chơi vì hắn học M1 còn mình học M2. Lâu lâu gặp mặt nhau thì cười một cái.

Kế bên tiệm Luồng Điện là tiệm sửa xe đạp và Honda, tên gì mà bổng nhiên quên tên. À Công Thành. Ông chủ là em của bác Cháu, có tiệm bán xe Honda ở đường Phan Bội Châu, bà con chi đó với mẹ mình. Chị em bạn dì chi đó nên mỗi lần gặp là phải chào. Hình gia đình này có một người em có tiệm sửa và bán xe Honda ở đường Mình Mạng, chỗ gần Photo Đại Việt, gần dốc Nhà Làng. Có nhà cậu Lan, từng làm trưởng ty cảnh sát Đà Lạt. Hình như là nằm vùng cho Việt Cộng.

Đại khái là khi xưa, bà cụ mình quen cả chợ Đà Lạt nên đi đâu cũng chào hỏi mà mình thì theo tục lệ xưa, phải cúi đầu chào đủ trò khi ra phố. Kể ra đây chắc ít ai còn nhớ những nhân vật này như bà Tư Bổ, bà Giáo Trình,…

Lâu lâu, đi ngang qua đây, mình hay đứng lại nghe thiên hạ chửi nhau bằng giọng Bắc và giọng Huế. Số là đối diện tiệm Công Thành có một tiệm khác, cũng sửa chửa và bán xe đạp, xe Honda. Thường thiên hạ đi hỏi giá tiệm này rồi qua tiệm kia hỏi gía, ai mất khách thì chửi thề rồi cãi nhau như mổ lợn. Thiên hạ bu lại xem rất đông. Mình nhớ cô gái tiệm Tân Tiến, chửi giọng Bắc kỳ mê luôn. Mình học để khi chửi lộn thì sử dụng. Mình học tiếng Việt nhờ nghe thiên hạ chửi lộn ngoài chợ và ngoài đường. Mình rất mê nghe thiên hạ chửi nhau nhất là phụ nữ. Họ chửi rất bài bản, có vần có điệu nên mình phục phụ nữ từ bé đến nay. Họ làm thơ qua những câu chửi. Ai buồn đời thì tìm mấy bài chửi của mình ghi lại, giọng bắc, giọng Huế đủ thứ. Chán Mớ Đời 

Có tên bạn học, con tiệm vàng Kim Thịnh, chửi tiếng Huế nghe cực đỉnh. Hắn hay đọc bài của mình nên kể lại đây để hắn tưởng niệm lại những ngày tháng năm cũ đã khiến nhiều tên trong lớp  nghe điếc con ráy. Nghe nói, sau này hai tiệm này, chuyên gia chửi ở đường Phan Đình Phùng làm sui gia, ký kết hiệp định tiệm sửa xe Honda, sinh đàn cháu mang tên Romeo và Juliet. Hôm nào buồn đời, mình kể chuyện tình của hai anh chị Romeo và Juliet đường Phan ĐÌnh Phùng. Kinh

Dãy phố cuối bên tay phải có tiệm may của ông Ba Hoà, chuyên may liểng đám ma, nay con ông ta nối nghiệp. Khi xưa, lính ra trận chết nhiều nên ông này giàu có vì Đà Lạt ít ai may liểng đám ma. Bên cạnh tiệm ông này là tiệm bán gạo, tạp hoá chi đó của gia đình một nữ sinh Bùi Thị Xuân, tên Liên, tập Thái Cực Đạo ở Thao Trường. Con trai Đà Lạt dạo đó hay gọi Liên Thái Cực Đạo, rất Tom Boy. Mình có gặp lại cô này tại Virginia, khi cô nàng chở vợ chồng Chử Nhị Anh đi xem nhà để mua. Mình không nhớ cô này có đẹp hay không chỉ nhớ là khá đẩy đà khi mình gặp lại.

Cạnh tiệm may của ông Ba Hoà, có con hẻm nhỏ mà người dân hay họp cho, thường được gọi là Chợ Nhỏ Phan Đình Phùng. Mình hay đi qua để về đường Hai Bà Trưng. Trong khu này có một tên học chung khi xưa ở Lycee tên Đào thì phải. Tên này lớn tuổi hơn mình, chở gái đi chơi khiến mình phục nức nở. Bố tên này có bồ hay sao ở Sàigòn. Mẹ hắn nhờ bà Dì mình, ở Sàigòn 20 năm, đi với bà ta xuống Sàigòn đánh ghen. Dạo ấy, dì mình, thợ may áo dài, từ Sàigòn lên, mướn chỗ may ở tiệm ông Ba Hoà. Kinh

Đặc điểm ở khu xóm này là nhà nào cũng xây một cái tường nhỏ trước cửa nhà để khi mùa mưa đến, bị lụt thì nước không tràn vào nhà. Phía sau khu nhà này có con suối. Dân xóm này, cứ đem rác ra đổ dưới suối, làm nghẹt nên mùa mưa là nước không thoát được, tràn lên bờ. Chuyện rất dễ hiểu, chỉ cần mọi người đồng ý đừng đổ rác xuống suối thì không bị lụt khi trời mưa nhưng dân khu đó theo chủ nghĩa mackeno. 

Đối diện tiệm may ông Ba Hoà thì mình không để ý lắm vì ít khi đi phía bên đó. Chỉ nhớ có tiệm giò chả An Lộc, tiệm Tân Tiến, tiệm gì làm nệm ghế Salon của một tên học Yersin khi xưa tên Châu. Nhà của ông thầy Tường dạy mình Thái Cực Đạo. Ngoài ra có tiệm bán vật liệu xây cất, tên gì có chữ Ký phía sau, bổng nhiêu quên tên. Không biết có phải Lưu Hội Ký, tiệm này hình như ở đường Minh Mạng, đối diện tiệm vàng Kim Thịnh. Cứ ghi xuống rồi khi nào tìm ra sẽ bổ sung. Cạnh tranh với tiệm Đức Lập bên kia đường.

Đối diện tiệm ăn Kim Linh và Như Ý thì chưa thấy dãy nhà phía sau có nhà Chú Cương, an ninh quân đội, bạn ông cụ mình. Thiên hạ hay gọi chú là Cương Đen, có lần chú được bổ sang Nhật Bản học về an ninh quân đội mấy tháng. Sau 75, đi tù rồi đi mỹ rồi về lại Đà Lạt và qua đời tại đây.

Đây là tấm ảnh nghe nói được chụp năm 1936, vị trí rạp Ngọc Hiệp, chỗ đường Mình Mạng quẹo xuống đường Cầu Quẹo, sau được đổi lại thành Phan Đình Phùng. Có chú thích bằng tiếng tây “quartier indigène “  mình có kể theo tấm ảnh này rồi.

Có anh nào, cựu học sinh Trần Hưng đạo, có kể rất chi tiết khu rạp Ngọc Hiệp nhưng không nói đến tiệm bảo hiểm Rồng Vàng của bác Nguyễn Đình Hoè, hay họ Võ thì phải, tay vợt số một bóng bàn của Đà Lạt khi xưa, nằm ngay góc con hẻm đi lên đường HÀm Nghi, chỗ tiệm phở Tùng. Mình có chơi với con trai của bác hồi nhỏ nhưng lớn lên thì quên. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn