Du xuân với Mẹ sau 50 năm

 Du xuân với gia đình


Kỳ này về ăn Tết, cô em út kêu anh và chị Trinh cho cả nhà đi Nha Trang chơi. Mọi lần thì đi Đà Nẵng hay Hội An nhưng nay bà cụ hơi yếu nên đi Nha Trang cho gần. Răng mẹ mình ở tuổi 93 bắt đầu lộn xộn, nha sĩ kêu nhổ đeo răng giả nên người bắt đầu yếu. Ăn uống khó nhai. Cô em đặt phòng ở Hòn Tré, 3 nhà trong khu nghỉ dưỡng Mariotts. Thuê xe buýt to đùng chở đại gia đình xuống Nha Trang.

Ăn cơm xong, thay vì gọi xe đưa về nhà thì hai vợ chồng dẫn mẹ đi bộ cho tiêu cơm. Nhìn hình thì cảm thấy may mắn vì bằng tuổi này vẫn còn mẹ, được mẹ nắm tay dẫn đi như ngày xưa. Đi với hai người đàn bà quan trọng nhất đời mình.

Cô em ở phila, người gầy như con mắm, tuyên bố đến đây ăn cho mập. Khi xưa mình về lần đầu tiên, thấy bự con nhưng không hiểu sao qua Mỹ lại gầy như con mắm. Sáng hôm sau, cô em than, tối qua ăn nhiều lắm lên được 2 cân, sáng ra đi vệ sinh, hoàn lại số cân hàng ngày. Cô em kêu Chán Mớ Đời 


Mấy đứa cháu đi chơi ở thuỷ cung, khu giải trí VinPearl, đồng chí gái và cô em bên pháp về, đi tham quan khu nghỉ dưỡng, mình đợi mẹ ngủ dậy, dẫn bà cụ đi bộ ra biển. Tay nắm tay bà cụ đi ra biển, cảm thấy vui khó tả. Khi xưa, bà cụ dẫn mình đi qua đường, nhiều khi mình vùng vằng, không muốn bị nắm tay. Nay mình lại dẫn bà cụ đi bộ xem có chướng ngại trước mặt để tránh. Hạnh phúc đời người thật ra rất đơn sơ, như nắm tay mẹ già đi bộ, kể chuyện đời xưa. Cô em nói anh lấy xe lăn, đẩy đi cả Má mệt. Mình suy nghĩ khác, cứ cho bà cụ đi bộ, vì chân bà cụ dạo này teo lại, mất cơ bắp, không như xưa, khi đi chơi với mình ở Nhật Bản.


 Dạo sau này, bà cụ không đi tập dưỡng sinh hàng ngày nữa vì đêm tối, không có hàng xóm đến dẫn đi trong tối. 5 giờ sáng thì Đà Lạt còn tối mù mà không có đèn đường, lại cầm đèn pin rọi đường mà đi nhất là các hôm trời mưa, có thể ngã. Mình hỏi có tập ở nhà không, bà cụ kêu có nhưng mình đoán là không vì thấy chân mẹ teo nhỏ lại. Chắc mai mình sẽ hướng dẫn bà cụ tập Trạm Trang Công trong nhà cũng giúp khoẻ chân và đẩy hàn khí trong người ra. Thấy bà cụ hay ho nên mình nắm tay để xem.


Dạo sống với mình ở cali, ngày nào mình cũng bắt đi bộ, 2 cây số, chiều lại đưa đến Đông Phương Hội tập dưỡng sinh 2 tiếng. Khi mưa gió, bà cụ kêu thôi không đi, mình bận áo mưa vào rồi dẫn đi 2 dặm rồi về nên khi đi Nhật Bản, mỗi ngày lội bộ leo núi với mình đến 7, 8 dặm.


Sáng qua, trong khi cả nhà còn an giấc mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức được 63 phút. Mừng quá vì chương trình là đến cuối năm 2025 mà mồng 3 tết đã thực hiện được, vậy thì cuối năm, mục tiêu là 2 tiếng đồng hồ. Khoa đi được 3 tiếng đồng hồ, hôm trước, Khoa chỉ sơ sơ cách chuyển động trọng lực và thể lực, thấy chới với. Cái khó là mài hơi thở nên khá mệt, mồ hôi đổ như suối. Hôm nào mình kể lý do phải đi bài Thái Cực Quyền càng lâu càng tốt cho sức khoẻ.


Mẹ mình vui lắm khi thấy con cháu từ xa bay về ăn tết. Mẹ nói làm mẹ, ai cũng nhớ thương con cháu ở xa mà không biết làm sao. May ngày nay có điện thoại, internet nên gọi cho nhau mỗi tuần cũng đở nhớ. Gặp nhau thì quý hơn. Thấy mẹ ngồi nhìn con cháu sum vầy, chơi lotto, ăn uống, chọc nhau, mẹ kêu may quá khi xưa, sinh cả đàn con nay ngồi nhìn con cháu vui quá.

Ký ức mình là những điểm tích cực, còn mẹ thì nghĩ đến những tiêu cực ngày xưa. Mình khuyên mẹ không nên nhìn về quá khứ, hãy nhìn hiện tại mà sống. Mẹ không giàu nhưng được đi du lịch ở Pháp, bên mỹ mấy lần, thêm có thẻ xanh di trú ở Hoa Kỳ nhưng buồn nên bỏ về. Đi chơi ở xứ Cộng Hoà Dominique, ở Hoa Kỳ thì đi viếng thăm đến 12 tiểu bang. Mấy người em ruột của mẹ, di dân sang Hoa Kỳ, 30 năm rồi mà chỉ biết có Cali hay Bolsa. Còn á châu thì đi Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Mã LAi, Tân Gia BA, NAm dương, Thái Lan, Cam Bốt còn Việt Nam thì khắp 4 vùng chiến thuật, ngoài bắc khắp nơi. Mấy bà dì họ khi xưa, giàu có ở Đà Lạt như bà Tiềm đâu có được đi chơi như Má, ở khách sạn 5 sao, ăn đồ ngon vật lạ. Đừng có nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ mình có phước, được con chăm sóc khi về già, vui chơi với con cháu. Nhiều người có tiền mà không được con cháu chăm sóc. Mẹ có dâu nhất là con rể chăm lo cho mẹ là tốt rồi.

Mẹ ở sảnh Mariotts

Mai lại xa mẹ như 51 năm về trước. Cả nhà trở về Đà Lạt trong khi mình và đồng chí gái ra Quy Nhơn, nơi mình có sinh sống vài tháng khi còn bé. Mẹ mình bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt, nên đem mình vào nhà lao vì mới sinh ra mấy ngày, đến khi ông cụ đi phép về, bảo lãnh ra và đem về Quy Nhơn, nơi ông cụ đóng quân. Cho yên một tí, vụ lùng bắt thì bà cụ vào lại Đà Lạt. Sau Quy Nhơn, hai vợ chồng về Hội An, phố Cổ, nơi đồng chí gái sinh sống 13 năm trước khi vào Sàigòn. Mình sẽ ra Huế, viếng thăm bên ngoại và bên vợ. Sau đó bay vào Sàigòn. Rồi đi Úc và Tân Tây Lan, thăm mấy người cậu dì bà con khi xưa ở Đà Lạt.

50 cái Tết xa nhà, năm nay mới được về ăn Tết với gia đình. Mình cảm thấy hạnh phúc, có mẹ bên cạnh và các em. Không khí lại như xưa thêm mấy đứa cháu thêm đồng chí gái đi bên cạnh cuộc đời trên 30 năm.


Con đi đâu, con về đâu

Cuộc đời của Mẹ là câu trả lời.


Mình may mắn có hai người phụ nữ tuyệt vời bên đời. Một người đã nêu gương cho mình đi suốt 51 năm qua xa nhà và người bạn đời, luôn luôn bên cạnh, không nề hà việc mình báo hiếu cha mẹ, đưa gia đình đi chơi xa. Có lần đồng chí gái nhìn mấy tấm ảnh khi đại gia đình đi Dubai. Kêu không tiếc tiền vì những hình ảnh này khó thực hiện lại. Nhớ lại thì thất kinh vì họ bố trí 3 hướng dẫn viên, có cả người thông dịch từ tiếng Việt qua anh ngữ cho mấy đứa con và cháu hải ngoại. Đúng là chuyến đi để đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Mùa xuân bên mẹ sau 50 cái Tết

 Mùa xuân có mẹ


Sau 50 năm, mình mới ăn tết lần đầu tiên cùng gia đình tại Đà Lạt. Có nhiều cảm xúc khó tả. Vui nhất là còn bà cụ. Thấy con cháu tụ họp ăn uống, bà cụ kêu khi xưa đẻ con ra nhiều nên nay mới có nhiều niềm vui như ri. Vui quá. Nay mai, nhiều khi anh em ly tán trên thế giới cũng không sum họp như nay vì sức khoẻ vì nhiều lý do không biết trước. Sau này gia đình chỉ có hai con theo chính sách trai hay gái chỉ 2 mà thôi thì khi sum họp rất lẻ loi. Một trong hai đứa không về được là buồn, nhiều khi cả hai không về được vì công ăn việc làm. Đón xuân trơ trọi.

Cháu chơi lô tô, không còn đánh xì lác như thế hệ mình khi xưa. Còn thế hệ đổ sâm hường, chơi bài tới thì chết hết, còn mỗi mẹ mình.

Có người hỏi tại sao phải đợi 50 năm. Mình có về sau Tết nhưng khi tết thì ở Cali, có con, có cháu bên vợ. Thêm tết ta thì con cái đi học, vợ đi làm. Con mình, chúng nó ở xa cũng cố bay về dù đang ở âu châu hay á châu để tụ họp với anh chị cô cậu ăn 3 ngày Tết rồi đi lại. Cũng có không khí gia đình. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Năm nay thì ăn tết sớm nên thiếu con gái và vài đứa cháu, vì chúng ở xa muốn về đúng ngày tết. Thôi thì về ăn tết với mẹ vì đâu biết ngày mai nên hai vợ chồng vác vali đi nữa. Vì mai đây nhiều khi không có sức khoẻ để về. Ở tuổi gần 70 rất khó đoán trước. Trước khi đi đã nghe tin một ông thần học chung khi xưa qua đời. Năm nay, vợ về hưu nên có thể khăn gói về Đà Lạt ăn tết.


Vui nhất là về bên mẹ, nhưng gặp lại họ hàng ở quê cũng rất cảm động. Thấy bà thím năm liệt giường, cô em dâu họ bồng bế tắm rữa trong khi ông chú ngồi ăn cực chất. Vẽ lên hình ảnh của văn hoá gia trưởng thôn làng ở quê nội. Thấy căn nhà thờ tổ được cô em xây lại rất khang trang, thoáng. Mình phục cô em, đơn thân độc mã về quê để xây nhà. Cô em này giỏi như bà cụ mình.


Nghe mẹ mình kể là khi mẹ mình về thăm quê chồng, trong khi ông cụ còn ở trong trại cải tạo. Mấy bà trong họ kêu đợi con miền nam ra đây, bà tẩn cho một trận. Bà cụ về quê, nấu ăn cho bà nội rồi làm đông sương, khiến cả làng ăn lần đầu tiên trong đời. Kêu cái bọn miền nam, cơ bản là xấu mà sao chúng nấu ăn ngon thế. Sau này mình có gửi tiền về để bà cụ cúng cho làng để xây cái cổng làng lại, bà cụ biếu tiền để trùng tu giếng Bồ Đề và làng có cấp đất nghĩa trang để mang hài cốt ông bà về một nơi. Khi xưa, họ chôn người thân trong ruộng, bò đi ngang đạp bể hết. 

Thiếu 7 đứa cháu ở hải ngoại và 2 rể

Mình nhớ chỉ gặp được 5 ông chú họ, 3 ông bên ngoại và 2 ông bên nội. Hai ông bên nội thì có mấy người con đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng. Có người em họ, kể đi lao động ở Đài Loan nhưng họ đuổi về vì lớn tuổi, dù thua mình 10 tuổi. Nay có 5 đứa cháu nội nên ở nhà trông cháu, vợ thì trông bà mẹ, nấu ăn cho ông bố, con đầu thì đi lao động quốc tế bên Nhật Bản. Thấy cũng thương vì tư duy nuôi con lớn để đi lao động quốc tế gửi tiền về nuôi gia đình, xây nhà cửa. Có lẻ vì vậy mà người ta khi xưa hay nói “thêm người thêm của”. Lần đầu gặp nghe hai vợ chồng kể mỗi ngày đi đổ bê tông cho thiên hạ. Khiến cô em mình kêu may quá, nếu bố không bị du kích truy lùng, chạy vào nam thì chắc số phận anh em mình cũng đi đổ bê tông. Có vấn nạn là đánh bài, hay cá độ ở làng quê nên cũng khổ cho dân. Cắm sổ đỏ mượn tiền bạc khắp nơi.


Mình có người em cô cậu, con trai của bà cô ruột, chưa bao giờ gặp mặt, chỉ có gặp cô em dâu, gốc Thanh Hoá, nghe nói đi lao động xây đường cao tốc bên Lào. Cũng tội lắm, lấy vợ để nhà chăm sóc cho mẹ rồi đi lao động quốc tế. Còn trẻ mới qua đời, chắc những năm tháng lao động ở rừng thiêng nước độc, gây bệnh tật. Về quê thì mới hiểu lý do người ta muốn cho con đi học. Nghe người khác kể học tới cấp 3 thì hết tiền, ở nhà đi may vá, cấy lúa hay cửu vạn rồi lấy chồng sớm. Sinh con, nay con cũng theo bước chân của mẹ, mới 50 tuổi đầu đã có 3 cháu ngoại. Kinh

Mấy cô cháu cực xinh, chưa đứa nào lấy vợ lấy chồng khiến bà cụ hơi lo

Khi ông cụ mình mất, về quê, gặp hai ông chú này thì chới với. Hai ông kêu nay bố mày qua đời thì tao thay thế bố mày làm cho sáng dạ sáng lòng khiến mình thất kinh vì phép vua thua lệ làng. Về kỳ này thì một ông chú họ nằm viện, nghe nói nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Một ông thì khoẻ nhưng đầu bắt đầu lẫn. Chú kể là mỗi ngày đạp xe đạp hay lên xe buýt khắp Hà Nội khiến mình hơi lo. Có ngày chú đạp đi đâu không nhớ nhà về hay đi xe buýt không nhớ đường về thì con cháu đi tìm khó khăn. Thật ra ở thành thị thì họ hàng có thể không quan trọng lắm vì bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhưng ở quê thì rất gần, gốc gác ai đều nhớ cả. Vẫn thân nhau như anh em ruột thịt. Gần tết là con cháu đưa nhau về nhà thờ họ, dâng mâm quả, thắp hương. Máu đào còn hơn ao nước lã.


Bên ngoại thì có ông chú mới qua đời. Bị thương khi vào nam đánh mỹ cứu nước, nhắc đến sự hãi hùng của chiến tranh. Con chú thì vào Lâm Đồng làm ăn khá lắm. Được biết 60% dân vùng Lâm đồng ngày nay là gốc gác ngoài bắc vào sau 75. Một chú khác thì nhà bên cạnh, trẻ hơn nên tư duy khác với mấy ông chú họ bên nội. Con chú học hành khá hết, làm việc cho công ty nước ngoài. Xem như hy sinh đời bố củng cố đời con nên con cháu nay khá lắm, xây nhà to như cái đình. Không cần phải đi lao động quốc tế. Tháng vừa rồi có bay qua mỹ làm việc, họp hành, nhưng bận quá nên anh em không gặp nhau được. Mình về quê thì chú em lấy xe ô tô chở đi xem chợ hoa, chợ Tạm vì họ đang xây lại chợ Quốc Oai. Ông chú này giúp mình tìm được thầu khoán, cũng bà con bên ngoại để xây nhà thờ tổ. Cũng trông coi dùm khi thợ thi công. Cô em họ thì được trả công. Thay vì đi làm xa thì ở nhà nấu ăn cho thợ làm nhà. Hình như bên ngoại có vẻ khá hơn bên nội, mình đoán là tư duy bên ngoại đi lấy chồng khác với thủ cựu bên nội. Về như cơn lốc nhưng qua những nhận xét, nói chuyện thì mình cảm nhận những gì người ta nói về tư duy ao làng.


Hôm qua mình nói chuyện người em rể, gốc Hà Nội. Người em kể là về quê, thì đụng độ với ông chú họ bên nội. Mời mấy chú lại ăn cơm. Buồn đời ông chú họ kêu đáng ra các cháu ngồi mâm dưới. Người em rể không đi đâu, nói nhà này là của bố mẹ cháu, cháu mời các chú đến dùng cơm thì nhà của gia đình cháu thì chúng cháu muốn ngồi đâu thì ngồi. Mình hy vọng tư duy ở làng thay đổi để theo kịp thế giới A Còng chớ cứ ngồi đó, kêu mâm trên mâm dưới thì con cháu không bao giờ khá được. Sinh con để đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng.


Cô em họ này khi xưa đi lao động ở Liên Xô được ba năm thì lạnh quá xin về để cậu em qua thế, xây nhà cho bố mẹ hoành tráng lắm. Sau đó vào nam, phụ buôn bán với cậu em mình. Về Đà Lạt mình hỏi muốn về bắc hay ở trong này. Cô em kêu ở trong này, mình nói để mình nhờ bà cụ kiếm cái sập cho cô ta buôn bán, sau này khá lên thì trả lại tiền sang sập lại cho mình. Mình nghĩ nếu cô ta buôn bán ở Đà Lạt thì sẽ nuôi được gia đình ở quê như mẹ mình khi xưa, nuôi em ăn học, và ông bà ngoại ở hUế. Đùng một cái cô ta về quê. Hỏi ra ông chú muốn gã cho ông già nào đó nhưng cô em không chịu. Nay ốm đau đủ trò vì hệ quả những năm tháng lạnh ở Liên Xô nhưng nay chắc đỡ rồi vì được giải phẫu nên khoẻ hơn lần trước mình gặp ở quê. Cô em trông cháu sáng sớm vì vợ chồng người em đi làm sớm, sau đó đi làm. Em mình nhờ cô em giữ chìa khoá, lo hương khói bàn thờ ông bà.

Cô em mang thịt bò filet mignon từ Hoa Kỳ về nấu phở cho đại gia đình ăn

Khi xưa, cứ nhận thư nhà là thấy xin tiền nên mình bàn với đồng chí gái nên để dành một số tiền rồi gửi cho bà cụ, mua sập mua bán cho mấy người em. Lý lịch ông cụ mình là phản động nên mấy người em đầu không được đi học đại học, dù đủ điểm hay dư điểm khi thi tuyển. Mấy người em có sập buôn bán nên mình hết nhận thư xin tiền, nay sung túc, có của ăn của để. Ông chú kêu cô em họ về quê, mất đi một cơ hội đầu tư thay vì cứ gửi con cháu đi cửu vạn ở ngoại quốc. Nay đến đời cháu.

Về Đà Lạt thì thấy mấy cô cháu đều cực xinh. Cô em từ Hoa Kỳ về cành nanh, kêu em về không ai qua hết, anh về là mọi người chạy qua. Cô em về sớm hơn nên mấy người kia còn lo mấy ngày cuối năm buôn bán. Còn mình về thì cận tết nên ai cũng nghỉ bán, đợi cúng ông bà. Một cô em ở pháp về thì cũng chịu khó đem bánh, đem rượu, sô-cô-la về cho mẹ và các em ăn Tết. Chúng lại nói bên này thiếu gì. Cho tiền mua khoẻ nhất. Khỏi phải qua hải quan, khiêng nặng. Mình về chả đem gì cả, hai lọ thuốc bổ và hộp sâm cho bà cụ. 

Cô em lặt bánh phở

Hôm mình về thì ăn tất niên ở nhà. Mình đâu biết là năm nay, ngày đầu năm là 29 tháng 1, không có 30 như mọi khi tính toán hơi lộn xộn. Mấy người em đặt các món ăn như chả ram về ăn thì mình không thấy ngon lắm vì dầu hơi nhiều nên ăn vài miếng chả ram rồi ngưng. Ngược lại hôm sau Ăn bánh tét, dưa món, chả thủ, giò với dưa cải mới làm cực ngon. Không như bánh tét gói ở Cali, làm từ lâu rồi bỏ đông lạnh, đợi gần bán, đem ra bán trong khi đây nấu trước 1 hay hai ngày nên ăn rất mềm, họ gói với lá dứa nên nếp đổi màu xanh lá dứa. Cô em kết nghĩa với cô em út mình có khiếu nấu ăn, gia đình cô ta làm rồi đem qua. Phải công nhận 50 năm rồi mới ăn lại hương vị bánh tét ngày xưa. Quá đỉnh. Ngoài quê thì họ ăn bánh chưng còn trong nam, Đà Lạt gia đình mình ăn bánh tét. Lần trước mình về quê sau tết, ông chú họ có cho ăn bánh chưng do nhà gói, ăn rất ngon. Ở cali mua về phải chiên mới ăn được.


Tối thì cô em ở phila nấu phở filet mignon. Tội, chịu khó mua thịt bên mỹ về nấu phở cho cả đại gia đình ăn. Lần đầu về thăm, cô em đem thịt bò steak Costco về nấu phở, cả nhà mê thịt bò của đế quốc, thích ăn bơ thừa sữa cặn. Nên sau này về thì đều đem thịt bò về nấu cho mẹ và gia đình ăn.

Chiều mọi người đến đông đủ, bận áo dài chụp hình với bà cụ. Thấy mẹ vui nên mình mừng lây. Thấy nụ cười của mẹ trên môi, sau một đời vất vả, vào Đà Lạt năm 15 tuổi, đi làm cho người bà con để giúp mệ ngoại nuôi em ăn học, rồi lập gia đình, sau 75 đi thăm nuôi chồng đến 15 năm. Nay mới có thời gian êm ấm ở tuổi hoàng hôn đời mẹ.

Đồng chí gái về nhà chồng tạo dáng

Mình may mắn là khi lo cho con cái xong xuôi thì còn mẹ để lo. Hôm trước nói chuyện với ông cậu họ, cậu tiếc là khi thành đạt thì người mẹ đã vắn số. Cho thấy phải có phước mới có cơ hội trả hiếu cho cha mẹ. Tương tự cha mẹ phải có phước lớn mới được con cháu báo hiếu khi còn sống. Vấn đề làm sao để tự tạo phước cho mình.


Mình về lại quê như tìm lại cái gốc cây đã sinh ra cái nhánh của mình. Như ông cụ chạy vào nam, như cây bị ai chiết đi một nhánh đem vào nam trồng rồi đến phiên mình được chiết nhánh đem qua Tây rồi Hoa Kỳ trồng. Nay mình trở về làng quê để xem cái gốc cây đã sinh ra mình. Mình thấy có nhiều nhánh tốt vì có ánh sáng mặt trời, cây lá xum xuê, được cắt tỉa theo phương thức khoa học. Có nhiều nhánh bị ánh sáng mặt trời che nên ò ẹp lắm. Thêm phân bón kiểu xưa nên khó thay đổi. Cho thấy cùng gốc rễ nhưng được ánh sáng mặt trời thường xuyên sẽ khiến nhánh đó mọc lên nhánh khá tốt, đâm trái tốt hay nếu được chiết đến phong thổ khác thì lại khác, bị ảnh hưởng phong tục tập quán, phân bón, lại tạo trái tốt hay xấu tuỳ phong thổ.

Mồng Một thì chỉ có vài người trong đạo Tổ Tiên Chính Giáo ghé lại chúc tết bà cụ, thắp hương. Mình thấy một anh chàng nhỏ tuổi hơn nhớ mại mại con của bác Tế ở ấp Xuân An. Chiều cả đại gia đình ăn Tân niên, phở do cô em nấu. Rồi màn lì xì cho các cháu đánh loto.

Cơm lam ở vùng người Rắc-lây mà nhạc sĩ Trần Tiến có nói đến trong bài Giấc Mơ Chapi. Gạo nếp được nấu trong ống tre, sau đó họ nướng một bên cho cháy cháy. Dùng một cây tre nhỏ như khi xưa, người ta ăn bánh bèo, để nạy cơm lam ra đĩa hay chén. Họ kêu ăn với gà nướng nhưng mình thấy ngon hơn với muối vừng. Ăn vì tò mò chớ cũng thấy không có gì ngon lắm.


Sáng nay thì đại gia đình mướn xe buýt to đùng, chở nhau xuống Nha Trang ở 3 đêm rồi mình chia tay gia đình chạy ra Huế. Về thăm quê ngoại.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

58 năm gặp lại ông cậu


Hôm qua, mình ghé thăm một ông cậu họ. Ông cậu này mình gặp lần đầu 58 năm trước, khi ông cụ dẫn mình vào nhà thăm cậu vì nghe tin cậu sắp đi pháp du học. Cậu sang pháp học và tốt nghiệp bác sĩ về mỗ tim, nay hưu trí về Đà Lạt ở. Gặp lần này là lần thứ hai nên không biết chừng nào gặp lại.

Món này sau 50 năm mới được ăn lại

Cậu là một trong những người bà con xa đã gây mầm du học trong đầu mình từ bé khi ông cụ dẫn mình vào thăm cậu, nói cậu học giỏi, ráng bắt chước cậu. Mình đoán là ông cụ, thấy mình học cực ngu nên tìm cách động viên tinh thần ngu lâu dốt bền của mình. Sau này ông cụ Chán Mớ Đời nên quên vụ này. Đến khi bà cụ dẫn mình vào thăm bác Cháu, nhà ở trong ấp Ánh Sáng gần nhà mình khi xưa. Bác Cháu bán mắm ngoài chợ gần đồn cảnh sát. Bác này giỏi buôn bán, một tay làm nên sự nghiệp. Một hôm mẹ mình nhắn đi học về ra chợ. Sau đó mẹ mình dẫn vào nhà bác Cháu, đúng lúc anh Phú, đang chuẩn bị ra bến xe Đà Lạt ngay đầu ấp Ánh Sáng, đi Sàigòn du học bên Nhật Bản. Lúc đó thì trong đầu mình mới loé lên hy vọng đi tây.

Mình toàn ăn bánh tét do người quen nấu. Khi xưa thì bác Tám đường Tăng Bạt Hổ nấu dùm mỗi năm. Sau 75 thì ông cụ và bà cụ nấu nay về thì lại có cô em kết nghĩa với cô em út nấu. Cô này nấu ăn cực ngon. Dưa món nhất là dưa hành để ăn với chả thủ và giò cực đỉnh.

Lý do là cậu N mà ông cụ mình dẫn vào nhà khi xưa thì giàu có nên mình nghĩ như Út Trà Ôn, là khó đến phiên mình. Trong khi, anh Phú, con bác Cháu thì có biết mặt, gặp vài lần, nhà bé lụp xụp ở ấp Ánh Sáng, giúp mình nuôi được hy vọng. Mẹ mình gọi mấy người bà con xa bằng dì dượng như ông bà Võ Quang Tiềm, khu Hoà Bình, ông bà Long Hưng, và Hiệp Thạnh ở đường Duy Tân. Mấy người này có con du học từ thời Bảo Đại nên khi xưa hay nghe kể về mấy ông cậu bà dì họ hàng xa. Vào nhà bà Phúng thì thấy mấy album hình ảnh của cậu Mạnh gửi về. Nào là hình ảnh mùa đông với tuyết rơi như Adamo rên rĩ.


Sau này lớn lên một tí vào nhà Hùng Con Cua và nhà thằng Nguyên có anh đi du học, mới được xem hình bên Gia-nã-đại với tuyết rơi nhưng hình màu khiến hạt mầm giấc mơ khi xưa du học lại nở rộ thêm. Đến khi Ngô Văn Thuỷ rủ đi chúc Tết thầy Nguyên năm 1972, thầy kêu tên mình trong đám học sinh đi chúc tết thầy. Em ráng đi du học. Thầy thấy em có khả năng. Thế là ngọn đuốc du học được đốt cháy. Mình bắt đầu học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, bỏ đánh bi-da, mượn sách đọc rồi trời ị trúng đầu mình có tên trong nghị định danh sách của bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hoà cho phép đi du học. Thế là 10 ngày sau mình lên máy bay đi tây đến 20 năm sau mới trở lại Việt Nam.


Có lần mình nhận tin nhắn trên mạng, thấy tên quen quen nên tò mò xem profile ra sao thì mới biết là cậu N. Có lẻ cậu liên lạc với cậu Tri, con ông Võ Quang Tiềm nên chắc nghe kể về mình. Cách đây mấy năm, cậu Tri liên lạc với mình qua tin nhắn. Cậu cháu hay nhắn tin cho nhau để hỏi thêm tin tức về Đà Lạt xưa, họ hàng ra sao. Mình có gặp cậu một lần năm 1978, ở Paris khi cậu về pháp nghỉ hè khi làm việc cho Liên Hiệp Quốc, hình như cơ quan FAO. Mình nhờ cậu về Việt Nam, thăm ông bà Tiềm và đưa lại cho mẹ mình một lượng vàng khi đi tây, mẹ mình đưa để phòng hờ, lỡ hết tiền thì bán. Nhờ cây vàng đó mà một người em khác vượt biên được. Năm ngoái mình về Paris, có liên lạc với cậu nhưng không thấy trả lời, đến khi nói chuyện với một người mợ đầm thì mới khám phá ra cậu đã qua đời trong mùa đaị dịch.


Năm ngoái, mình về Việt Nam, có liên lạc với cậu N nhưng cậu nói đang ở pháp, thăm con cháu. Cậu N sang pháp học y khoa về ngành giải phẫu tim ở phía bắc xứ Pháp, gần Lille. Mình nhớ ơn cậu vì khi làm thủ tục đi tây thì cậu là người được cậu Mạnh, con bà Phúng liên lạc, nhờ nộp đơn đại học Roubaix về ngành kỹ sư dệt cho mình.


Qua pháp gần cuối năm thì trễ niên học nên mình tính ở Paris đến hết hè thì lên Roubaix học thì ai ngờ 30/4 đến nên nghe lời cậu Miên, con ông bà Võ Quang Tiềm, ở lại Paris nên không có dịp gặp lại cậu N. Đến 58 năm sau mới gặp lại được để nói lời cảm ơn cậu, đã giúp cho vụ du học của mình thành tựu. Nay về hưu nên cậu về Đà Lạt sinh sống, mỗi năm về Pháp, đóng thuế thăm con và cháu. Cậu kể là thích cuộc sống thanh bình ở Đà Lạt hơn là bên pháp.


Cậu tâm sự là khi thành đạt rồi thì bà mất nên không có dịp báo Hiếu. Sau 75 thì cũng khó mà về Việt Nam đến 1992 đổi mới mới có người Việt Hải ngoại về nhưng lúc đó cậu bận công ăn việc làm. Có về thăm gia đình nhưng cũng không ở lại Đà Lạt như ngày nay. 


Hai cậu cháu ngồi nói chuyện gần 3 tiếng đồng hồ. Cậu muốn mời đi ăn nhưng mình có hẹn với vợ chồng anh bạn học chung khi xưa, Phước Lâm Viên, nhà in Lâm Viên cạnh cà phê Tùng. Hai vợ chồng này, khi xưa đi học không thân lắm nhưng không hiểu sao, mỗi lần họ về Đà Lạt là ghé lại nhà mình, chụp vài tấm ảnh bà cụ, gửi cho mình, báo cáo tình hình sức khoẻ của mẹ mình. Ơn này không biết chừng nào trả nổi. Lâu lâu có nhiều người bạn học xưa còn ở Đà Lạt, gặp bà cụ mình thì chụp hình gửi sang cho mình. Xin cảm ơn các bạn. Nhân dịp đầu năm, về ăn tết với gia đình sau 50 năm, mình xin chúc các bạn cùng gia quyến được nhiều sức khoẻ. Vào tuổi này chỉ cần sức khoẻ.


Từ nhà mình đi bộ đến nhà cậu độ 10 phút. Đi ngang đường Calmette, có chị nào tự xưng ở cạnh nhà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, căn thứ 2 ở ngay dốc nhỏ nối liền 3 con đường. Mình hỏi cạnh nhà tên Thạch, nhà tên này có cây lựu ngay sân, ngay dốc Calmette, chết sau 75, bị đâm chết. Chị ta kêu Thạch nào. Mình dừng lại, chụp tấm nhà căn nhà ấy, gửi cho chị ta. Chị ta không nhận ra nhà của chị ta khi xưa. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đả thông tư tưởng với hắn?


Lâu lâu mình hay đọc tin tức vớ vẩn của cộng đồng người ấn độ thì khám phá được một câu chuyện khá nhân văn nên kể lại đây. Câu chuyện kể một anh học trò nghèo, phải đi bộ mỗi ngày đến đại học vì không có khả năng mua được một chiếc xe đạp. Đó là một gương sáng giúp con người quên sự đau khổ. Và chí thú làm ăn, học hành để vươn lên trong tương lai. Mình muốn kể vì nếu ai đã có viếng thăm xứ này thì hiểu lý do nước này, đông dân và xã hội được chia thành nhiều giai cấp nên nếu vô phước sinh ra tỏng một giai cấp thấp trong xã hội thì khó mà vượt lên. Ngày nay nhờ có chút dân chủ nên người thuộc giai cấp cùng đinh có thể vươn lên nhưng phải đối mặt với rất nhiều thử thách.

Hoa Mai Anh đào nở tại nghĩa trang Trại Hầm Đà Lạt.

“Tại sao mày không muốn đi chơi với hắn?” Một người bạn chung quen hỏi một cô gái. Câu hỏi khiến cô gái bật lên tiếng cười và trả lời: “đi chơi với hắn? Hắn, ngay cả chiếc xe đạp còn chưa có được”. Đó là một câu chuyện xảy ra trong năm 2011. Một sinh viên nghèo chọn đại học CEPT vì anh ta chỉ có khả năng trả học phí cho trường đào tạo kỹ sư này. Anh ta cho biết là có rất nhiều sinh viên con nhà giàu, đi học với xe Audi, BMW. Vào độ năm 2011, có được một chiếc xe xịn rất là khó khăn, nhất là đối sinh viên.


Anh ta kể là sở hữu một chiếc xe hơi thì ngoài sức tưởng tượng cũng như một chiếc xe đạp. Anh ta thường đi bộ đến trường. May thay có một anh bạn có một chiếc xe gắn máy và hay cho anh ta đi quá giang.

Dạo ấy anh ta rất yêu thích một cô sinh viên. Một hôm, một người bạn chung hỏi cô ta, Aditya, (tên anh ta) rất hiền, tại sao mày không muốn đả thông tư tưởng với hắn? Cô ta trả lời: “hắn không có nổi một chiếc xe đạp” và cười rộ lên. Anh sinh viên nghe được nên chới với. Cô ta nói đúng sự thật, không thể chối cãi. Đành bắt chước Trường Vũ hát khi tôi sinh ra mang kiếp con nhà nghèo.


Năm tháng qua mau, anh sinh viên quên khoảng khắc ấy. Cuộc đời vẫn trôi như mây ngàn phương, gần đây người bạn khi xưa, nhắc lại sự việc và kêu: “nhớ những gì cô ta nói không? Một tên không có được một chiếc xe đạp đi học, ngày nay là chủ một công ty danh tiếng sản xuất xe đạp điện”.


Năm 2024, công ty của anh chàng sinh viển nghèo là một trong những công ty sản xuất xe đạp điện nổi tiếng nhất ấn Độ.


Điểm hay là anh ta cho biết là kể lại đây câu chuyên không phải để đánh bóng cá nhân anh ta mà để nhắn nhủ với thiên hạ; với sự chịu khó làm việc thì sẽ không có những giấc mơ nào to lớn cả đối với người ấn độ bình thường.


Chúng ta phải tin vào sức mạnh của giấc mơ, dù có thể không tưởng ngay lúc đầu. Ai buồn đời thì xem đường dẫn của công ty

 https://www.emotorad.com/


— Aditya Oza, CMO & Co-Founder, EMotorad

Quảng cáo sai sự thật

Trong đời sống thường ngày, chúng ta sống với những điều được xem là hiển nhiên vì văn hoá lâu đời hay những tin tức mà chúng ta nghe trên đài hay đọc báo chí, hoặc ai  đó nói mà chúng ta không đặt lại câu hỏi có đúng hay không. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối và cho đó là sự thật. Trở thành kim chỉ nam của cuộc sống và nếu người khác, không có chung lối suy nghĩ cũng như trải nghiệm thì lại cho là không đúng.


Điển hình khi mới sang Hoa Kỳ, mình nghe nói không nên ăn trứng gà vì cholesterol nên nghe theo và không hiểu nguyên nhân. Để rồi 30 năm sau đọc tài liệu thậm chí các bác sĩ ngày nay còn tuyên bố là họ ăn mỗi ngày 4 quả trứng gà vì có nhiều sinh tố cần thiết cho cơ thể. Hoá ra mình sống suốt 30 năm qua với tư duy không ăn trứng. Buồn đời mình tìm tài liệu thêm để xem mình đã sai ra sao từ 30 năm qua.


Có dạo tại Hoa Kỳ họ quảng cáo sữa. Cứ chạy trên xa lộ là thấy hình ảnh con bò hay câu châm ngôn: “không uống thì ăn sữa” với những hình ảnh phô mát là sản phẩm của sữa. Hay khi bạn bè gặp nhau, ăn uống thì có người nói không nên ăn cái này vì gây ung thư nên ăn đông trùng hạ thảo để trị bệnh ung thư. Hôm trước đọc bài của chị nào rên là ông bố 81 tuổi bị tai biến, nằm nhà nghe radio quảng cáo tùm lum nên cứ gọi hỏi mua dù chả biết là có tốt thật sự hay không. Ngày nay chúng ta bị định hướng, điều kiện hoá bởi các quảng cáo. Do đó chúng ta sống cuộc sống bởi những tin tức thu nhặt không do chúng ta tự chọn mà chọn bởi quảng cáo và ảnh hưởng của mạng xã hội,…

Lấy thí dụ, từ ngày sang mỹ nhất là khi có con, mình tin tưởng vào tư duy: “ bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày” nên mua thức ăn mà họ quảng cáo để tọng cho hai đứa con mỗi sáng. Sau này đọc tài liệu thì mình khám phá ra chúng ta bị điều kiện hoá, tin rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Sau này đọc tin tức về thực phẩm thì khám phá ra từ “breakfast” trong anh ngữ là chữ được ghép bởi hai chữ “break” và “fast”, nghĩa là “gián đoạn” và “vô thất”. Là bữa ăn gián đoạn thời gian nhịn ăn. Chúng ta có thể nhịn ăn vài giờ, vài ngày và khi bắt đầu ăn lại, bữa cơm đầu tiên ấy được gọi là Breakfast. Do đó chúng ta có thể ăn bữa cơm đầu tiên sau khi nhịn ăn một thời gian, có thể là 11 giờ, 4 giờ chiều hay 12 giờ đêm như các theo hồi giáo, ăn sau khi mặt trời lặn khi họ tuân theo lễ Ramadan.


Trên thực tế chúng ta bị tuyên truyền, tiếp thị. Cứ mở đài truyền hình, thấy họ tiếp tục bắn các quảng cáo liên tục, từ từ chúng ta tin là đúng, không cần đặt lại câu hỏi nhất là nghe một người nào nổi tiếng lên tiếng. Như câu chuyện của Tăng Sâm khi xưa.


Nhất là ngày nay tin tức bố láo rất nhiều, người ta dùng kỹ thuật để chỉnh sữa hình ảnh, video tiếng nói để làm. 4 năm qua nghe tin tức chống tổng thống Biden, nay thì nghe tin tức chống tổng thống Trump đến 4 năm tới. Chán Mớ Đời nhưng đó là trò chơi dân chủ, còn không thì phải chấp nhận chế độ đi tù nếu chửi lãnh đạo. Chúng ta có thể tin vào một niềm tin tôn giáo nào đó hay một đảng phái nào cũng như tổng thống để ca tụng đó là quyền riêng tư cá nhân. Không nên chửi người không đồng ý với mình.

Edward Bernays, thường được gọi là “cha đẻ của quan hệ công chúng,” đã sử dụng các kỹ thuật tiếp thị và quan hệ công chúng sáng tạo để gây ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng và tăng doanh số bán hàng. Ông kết hợp tâm lý học, xã hội học và tuyên truyền để tạo ra các chiến lược định hình ngành quảng cáo hiện đại. Dưới đây là một số chiến dịch và kỹ thuật nổi bật của Bernays nhằm thúc đẩy doanh số:


1. Tạo kết nối cảm xúc

Bernays nhấn mạnh việc đánh vào cảm xúc thay vì lý trí để thúc đẩy doanh số. Ông tin rằng sản phẩm nên được liên kết với khát vọng, mong muốn và bản sắc hơn là chỉ chức năng của chúng. Đây là cách tiếp thị giúp phụ nữ mua sắm nhiều hơn xưa.

Ví dụ: Ông đã hợp tác với hãng sản xuất xà phòng Procter & Gamble và quảng bá sản phẩm xà phòng Ivory Soap bằng cách liên kết nó với sắc đẹp và sức khỏe. Ông tổ chức các cuộc thi điêu khắc xà phòng quốc gia, tạo nên sự kết nối cảm xúc và văn hóa với sản phẩm.


2. Chiến dịch “Ngọn đuốc tự do”
Năm 1929, Bernays giúp tăng doanh số thuốc lá ở phụ nữ cho American Tobacco Company bằng cách phá bỏ định kiến phụ nữ không được hút thuốc nơi công cộng. Ông biến việc hút thuốc trở thành biểu tượng của sự tự do và độc lập của phụ nữ. Bernays thuê các nhân vật nữ nổi tiếng hút thuốc nơi công cộng trong cuộc diễu hành Lễ Phục Sinh ở New York, biến thuốc lá thành “ngọn đuốc tự do.” Đúng lúc người ta hổ trợ và đẩy mạnh nữ quyền để bán thêm các sản phẩm.

3. Người nổi tiếng chứng thực

Bernays hiểu được sức ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng và sử dụng họ để quảng bá sản phẩm, khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn nhờ liên kết với họ.

Ví dụ: Để quảng bá sách, ông tổ chức các sự kiện nơi người nổi tiếng, trí thức và lãnh đạo giới thiệu ý tưởng về việc sở hữu thư viện cá nhân. Khi xưa, người Mỹ chỉ vào thư viện mượn sách về đọc, nay thì cứ mua sách về nhưng lại không đọc nhưng giúp nhà xuất bản bán thêm sách. Cứ cuốn phim nào nổi tiếng được trình chiếu là có cuốn sách về cuốn phim được gầy dựng, người ta mua về để làm kiểng, ít ai đọc.


4. Tận dụng xu hướng xã hội

Bernays liên kết sản phẩm với các phong trào văn hóa hoặc xu hướng rộng lớn hơn để khiến sản phẩm trở thành yếu tố cần thiết trong lối sống hiện đại.

Ví dụ: Để quảng bá thịt xông khói cho Beech-Nut Packing Company, Bernays tham vấn các bác sĩ, những người khuyến nghị một bữa sáng “đầy đủ” là tốt cho sức khỏe hơn. Ông công khai các khuyến nghị này, giúp thịt xông khói và trứng trở thành tiêu chuẩn bữa sáng tại Mỹ.

Sau này hãng Kellogg đã sản xuất các loại oatmeal cho bệnh nhân danh tiếng của họ dùng trong khu nghỉ dưỡng của họ và từ đó đẩy mạnh bán oatmeal vào bữa ăn sáng, khiến thiên hạ như mình nghĩ là tốt cho con nên mua đủ thứ loại để cho chúng ăn. Để rồi sau này được biết là chả có giá trị về dinh dưỡng ngoài đường và đường khiến trẻ em Hoa Kỳ béo phì. Ngày nay, 60% người Mỹ bị bệnh béo phì vì các quảng cáo oatmeal, cho con nít ăn từ bé nên chúng nghiện đường và ăn toàn những thức ăn có nhiều đường.


5. Đặt sản phẩm trong phim và sự kiện

Ông giới thiệu khái niệm tích hợp sản phẩm vào văn hóa đại chúng thông qua các sự kiện, bài viết trên báo chí và phim ảnh. Ví dụ: Bernays đã giúp tái định vị ballet như một hoạt động sang trọng dành cho giới thượng lưu bằng cách tài trợ cho các buổi biểu diễn và liên kết chúng với phong cách sống xa hoa. Khi mình sang Hoa Kỳ, đi nghe nhạc thính phòng hay xem ballet, giá dắt không tưởng tượng được. Khi xưa, ở Paris, mình mua thẻ xem kịch hàng năm với giá sinh viên rất rẻ. Qua Anh quốc, mua vé hàng năm xem Opera, giá rất rẻ nhưng khi sang Hoa Kỳ thì hết dám đi vì quá đắt. Ở nhà mở BBC xem các opera hay nhạc rồi ngủ đỡ tốn tiền.

Khi xưa người ta chống ăn trứng, nay thì bác sĩ kêu ăn rất tốt 

6. Tạo nhu cầu

Bernays không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán các lối sống và ý tưởng khiến sản phẩm trở nên không thể thiếu. Ví dụ: Để quảng bá cốc giấy dùng một lần của Dixie, ông nhấn mạnh đến nguy cơ sức khỏe khi uống từ cốc chung, liên kết sản phẩm của khách hàng với vệ sinh và an toàn công cộng. Ngày nay khắp thế giới sử dụng ly bằng nhựa hay giấy để ăn uống, thay vì bằng thuỷ tinh, gây nên vấn nạn tàn phá môi trường.


Các phương pháp của Bernays đã cách mạng hóa tiếp thị và quan hệ công chúng, cho thấy sức mạnh của việc định hình nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. Mặc dù các chiến lược của ông rất hiệu quả, chúng cũng gây ra nhiều tranh cãi về đạo đức trong việc thao túng dư luận. Ngày nay, các nguyên tắc của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến quảng cáo, xây dựng thương hiệu và các chiến dịch chính trị như bầu cử, định hướng cử tri.


Mình đưa thêm những thí dụ khác như chủng ngừa mà gần đây người ta lên án vụ ép buộc người Mỹ chích ngừa trong giai đoạn đại dịch Covid. Chủng ngừa có thể đúng để phòng ngừa các bệnh tật lan ra nhưng họ cho rằng việc kiểm soát, áp buộc quá đáng nhất là để làm giàu cho các công ty dược phẩm bán thuốc chích ngừa mà ngày nay người ta khám phá ra có nhiều hệ quả. Như bệnh tự kỷ, tỷ lệ con nít Hoa Kỳ bị bệnh tự kỷ lên đến 20%. Họ cho biết là vì bị bắt buộc chích ngừa. Nhớ mấy đứa con hồi bé đi bác sĩ chích ngừa có nguyên một cuốn sổ dầy cộm. Hình như chính phủ Trump đã huỷ bỏ luật bắt buộc chích ngừa này.

Các dữ liệu của người tiêu dùng là một loại tiền tệ mới. Khi người ta cho chúng ta sử dụng miễn phí các ứng dụng của họ, tạo cho chúng ta ảo tưởng là miễn phí, hiệu lá Bồ đề nhưng trên thực tế họ dùng kỹ thuật toán thâu dụng tất cả các hành vi của chúng ta khi nhấn Like, không thích hay vào các trang nhà được họ gợi mời để bán lại cho các công ty khác. Nay có luật bắt họ phải hỏi người tiêu dùng trước khi thâu thập dữ liệu cá nhân. Nếu chúng ta không chấp thuận để họ sử dụng các dữ liệu cá nhân thì sẽ không được đọc tiếp này nọ.


Khí hậu toàn cầu thay đổi không khí. Khi về âu châu năm vừa rồi thì mình thất kinh vì tôn giáo mới về quả địa vầu được hâm nóng lên đến cao đỉnh vì người dân đi xe đạp, và trở nên bạo lực khi thấy ai đi xe hơi lớn, họ cho biết không dùng máy bay vì thải khí độc nhiều. Trong khi đó một trận cháy ở Cali là huỷ diệt mấy năm trời người dân đi xe đạp. 

Thật sự chúng ta cần để ý đến phá hoại môi trường và tìm cách giảm thiểu sự phá rừng, tàn phá môi trường với những độc tố. Nhưng từ đó để khai thác thêm về mặt chính trị và kinh tế thì hơi quá. Ngày nay các xứ được xem là ô nhiễm môi trường nhiều nhất như Pakistan, ấn Độ, Trung Cộng,… nếu âu châu và Hoa Kỳ tìm cách giảm thiểu sự ô nhiễm không khí môi trường mà các nước nói trên không thực thi thì bù trớt vì không khí ô nhiễm từ các xứ này sẽ được gió thổi qua các nước lân cận hay xa hơn. Dạo cháy rừng ở Nam Dương, khói bay đến Tân Gia Ba, MÃ Lai, thậm chí đến Việt Nam. Đi chơi ở Phi lUật Tân, thì khám phá ra rác như mấy chai nhựa trôi dạt đến Phi Luật tân rất nhiều từ Trung Cộng, Việt Nam, thậm chí Nam Dương. Mình đoán rác từ các xứ nói trên cũng trôi dạt vào bờ biển Việt Nam.


 Chất Fluoride được cấm sử dụng tại âu châu nhưng tại Hoa Kỳ thi vô tư. Họ quảng cáo fluoride cho nước uống và các sản phẩm nha khoa, không phải vì họ chăm sóc hay lo cho sức khoẻ của người dân mà vì lợi nhuận. Họ tiếp thị, tạo dựng sẽ làm răng của chúng ta đẹp như hàm răng của anh Bảy chà da đen Hynos. Nay thì các khoa học gia lên tiếng nên họ bắt đầu cấm sử dụng chất fluoride. Về Đà Lạt, thấy nước máy hôi mùi javel rất nhiều.


Đi Ba Vì mình thấy quảng cáo về sữa và tốt da chắt xương. Y chang như họ đã làm tại âu châu cũng như Hoa Kỳ. Họ cho rằng muốn có xương chắt, to cao thì phải uống sữa. Nhưng họ không nói đến người Mỹ già đều bị bệnh loãng xương. Mình có kể về cuốn sách của một y sĩ người Nhật. Có phòng mạch tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, kể về nghiên cứu của ông ta về các bệnh nhân người Nhật tại Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông nhận thấy bệnh nhân tại Hoa Kỳ bị bệnh loãng xương trong khi tại Nhật Bản thì rất ít. Buồn đời ông ta nghiên cứu thêm về dinh dưỡng của họ thì khám phá người Nhật tại Nhật Bản ít uống sữa trong khi tại Hoa Kỳ thì họ bị ảnh hưởng của quảng cáo tiếp thị của công ty bán sữa nên uống rất nhiều sữa.

Qua nghiên cứu của ông ta thì khi uống hay ăn thực phẩm được biến chế bởi sữa, có rất nhiều acid vào thì cơ thể tự động tìm kiếm chất calcium để bảo hoà pH của cơ thể. Và nơi dễ tìm calcium nhất là xương do đó lâu ngày người Mỹ bị loãng xương vì cơ thể rút chất vôi để bảo hoà pH. Trong khi tại Nhật Bản, người Nhật ít tiêu thụ sản phẩm của sữa. Do đó không có vấn đề loảng xương khi về già.


Hay chúng ta thường chấp nhận sự việc ánh mặt trời tạo nên ung thư mà không hỏi lý do tại sao. Lý do chính là các công ty dược phẩm đưa ra các tin tức này để bán mỹ phẩm chống da ăn nắng. Có chị bạn bác sĩ kể, người Mỹ ở các vùng lạnh nên mặt trời rất ít, nhưng lại cần ánh sáng mặt trời để tạo dựng chất vôi trong cơ thể. Ngược lại người Mỹ ở các tiểu bang như Cali có nhiều ánh sáng mặt trời, nhưng lại vẫn thiếu Calcium. Lý do là tại họ bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời. Do đó vẫn bị ung thư hay thiếu chất vôi.

Mình đi chơi với đại gia đình thì khám phá ra em hay cháu đều đeo mặt nạ khi ra nắng vì sợ da ăn nắng. Không biết vì muốn có làn da trắng như tây hay bị điều kiện hoá bởi quảng cáo.

Mình dang nắng nhiều nhưng được cái là xương mình rất chắc nếu không khi mình bị ngã trên núi 7 năm về trước chắc bị gãy chân thay vì bị nức nên hay lành. Trong đông y họ cũng nói đến dưỡng khí bằng cách phơi nắng xương sống để mùa thu và đông đến, giúp khí lực trong cơ thể. Ngày nay ở á châu họ quảng cáo các mặt nạ để chống nắng, có làn da đẹp này nọ, che nắng hết khiến đau ốm nhiều hơn trước.


Thống kê cho biết 70% người Mỹ trên 65 tuổi chết vì bị ngã nhiều hơn bệnh ung thư. Lý do là xương họ bị loãng nên đi đứng lộn lộn là ngã và thường là gãy đĩa đệm hay xương bánh chè. Hay ngã xuống đầu đập vào sàn nhà, gây lộn xộn cho não bộ rồi qua đời. Mình thà đen và chắt xương còn hơn trắng mà ngồi ghế xe lăn.


Hồi nhỏ phải học nhị thập tứ hiếu thì khám phá ra 24 người được mệnh danh là có hiếu với cha mẹ đều nghèo. Nên thiên hạ cứ tự than mình là nghèo, cho có vẻ theo thời đạo hiếu làm con. Qua Tây thì lại khám phá giàu không mang lại hạnh phúc, vấn đề bao nhiêu năm sinh viên nghèo em chả thấy hạnh phúc ở đâu cả. Không có tiền thì không mời đầm đi ăn hay uống cà phê. Nên đến gần 40 tuổi mới có người yêu.

Từ bé em hay cắc cớ hỏi thầy cô khi nghe giảng bài nên thường được xem là ngu lâu dốt thêm nhưng về già cái tính vẫn ngu lâu dốt sớm khiến em đặt lại câu hỏi tại sao, lý do nhưng may mắn là có Internet nên mò khá nhiều tin tức để trả lời cái ngu của em.


Chúng ta sống trong các nền văn hoá nơi mình cư ngụ nên nhiều khi cứ chấp nhận những gì được cộng đồng chấp thuận, được xem là đúng không cần chỉnh. Tư duy này rất nguy hiểm vì sẽ cản trở sự tiến bộ, không giúp chúng ta trở nên một người tốt. Nếu chúng ta trở thành người tốt thì cộng đồng sẽ tốt hơn và quốc gia sẽ tốt hơn.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn