Tequila Mexico 2022


Sáng nay, ăn xong cả đám xuống tàu đi viếng nông trại làm rượu tequila cách Bến tàu độ 45 phút lái xe. Định lấy Uber nhưng thấy chiếc xe taxi 9 chỗ nên mình thương lượng. Theo Uber, xe nhỏ độ $20/ chiếc, nhóm cần 2 chiếc mà đi về thì khó tìm xe Uber về lại. Tài xế đòi $200, mình trả $180, cả đám nhất trí. Thế là lên xe. Xe chạy mà tài xế cứ bấm điện thoại coi Ma-rốc đá với Tây Ban Nha. Mình cũng xem nên bảo ông ta cứ lái để mình báo cáo tình hình. Ma-rốc thắng nên tài xế và hành khách đều thống nhất vui vẻ. 

Trên đường đi thấy mấy cái chuồng nhỏ rồi thấy gà trống nên tò mò hỏi. Hóa ra trại nuôi gà trống, họ để mấy chuồng gà cho mỗi gà trống cách nhau độ 5,6 thước và có hàng rào để mấy con gà trống không nhảy qua đá nhau. Khá lạ, thấy độ mấy trăm chuồng nhỏ như vậy để nuôi gà chọi. 
Chai Tequila làm theo tiểu công nghiệp

Đến nơi thì khám phá ra nông trại này lớn kinh hoàng gồm đồi, độ mấy trăm mẫu ta, trồng toàn là agave tequilana, một loại xương rồng nhưng rất độc. Mình có trồng xung quanh vườn để tránh thiên hạ ăn cắp bơ. Đồng chí gái mang về trồng, nó nhảy rất nhanh, Lạng quảng bị gai đâm nên mình nhổ đem vào vườn trồng làm hàng rào.
Loại cây xương rồng này, được trồng để làm rượu tequila. Người ta gọi là agave tequilana hay agave blue vì lá màu hơi xanh.

Đến nơi thì họ bắt đóng tiền $5/ người nhưng bù lại họ cho 3 vé uống ba cốc nhỏ tequila. 
Có ông Mễ giải thích bằng tiếng Mễ cho mình nhưng cả đám không hiểu nên phải nhờ ông ta nói tiếng Mỹ tạm tạm nhưng mấy bà ngại nghe nên cứ chụp hình cho qua thời gian. Chỉ có mình và anh bạn tò mò nghe ông ta giả thích.

Mình nghe đến người ta dùng loại cây này để làm rượu tequila nhưng nay mới biết là họ không dùng lá như long tu mà dùng cái thân để làm rượu này còn là thi nghiền nát để làm phân bón. 
Trước đây mình tưởng họ chặt lá để làm rượu, đến đây mới hiểu là họ dùng lá để làm phân còn cái thân mới được nấu làm rượu vì rất ngọt. Mình có nhai thử như bã mía, rất ngọt
Phải trồng ít nhất 7 năm trở lên mới đến mùa đốn xuống.

Họ chặt bỏ lá rồi bổ làm đôi cái thân cây để nấu. Sau đó đem thân ra ép nát ra nước rồi nấu lại 3 lần. Hơi nước nay qua mấy ống đồng theo quy trình đưa độ cồn lên đến 54-63 độ. Sau đó thì phải pha chế để còn lại 34 độ. 

Cứ như thời bao cấp người Việt nấu rượu với khoai mì. Vấn đề ở đây, họ có phòng thí nghiệm nên có thể khảo nghiệm độ còn và bỏ chất men bao nhiêu giúp rượu không độc lắm. Khi xưa người Việt tại Việt Nam nấu rượu không có cách để đeo độ cồn nên rất nguy hiểm. Mình có anh bạn kể uống rượu thời bao cấp khiến hư thận. Nay anh ta đi uống rượu với bạn bè và không uống bia vì thận quá yếu từ thời uống rượu khoai mì. Anh ta muốn rượu mạnh thay vì bia vì tiết chế chậm ra đường tiểu vì bia thì cứng hông, khó chịu. 


Đại khái hệ thống nấu rượu của họ đơn sơ nhưng phải có phòng thí nghiệm để đo đạt độ nồng khi nấu rượu.

Rượu lúc đầu màu trắng như rượu rum (nấu bằng mía) mà mình đi viếng ở Puerto Rico.  Họ mua mấy thùng rượu làm bằng cây sồi của Mỹ để ngâm rượu. Giúp rượu đổi màu. Xem như càng để lâu thì rượu càng đổi màu. Ngoài ra họ làm loại rượu nhẹ hơn độ 18 độ và cộng thêm quế hay vanilla cho phụ nữ. 

Cuối cùng là khâu đóng chai rồi bỏ thùng. Rồi đến khâu nếm rượu. 

Mình nếm chút để xem nhưng không uống trong khi đồng chí gái và mấy người bạn uống 3 shot. Một cô lên xe bắt đầu quay cuồng nên nhờ tài xế chở về tàu để nghỉ còn lại xe chở qua trung tâm thành phố rồi đến chợ như kiểu chợ Đông Ba cho mấy bà mua sắm. 


Tấm ảnh trên là máy nghiền nát các thân cây agave. Khi xưa họ dùng lừa hay ngựa để kéo đồ xay.

Xong xuôi lên xe về tàu, mình boa thêm $20 khiến tài xế vui vẻ. Hôm nay, viếng thăm trang trại Los Osuna, trồng và làm rượu tequila khá hay. Tại đây họ làm rượu theo công thức gia truyền, chưa được công nghệ hóa như Bacardi ở Puerto Rico. 

Thường ở Mexico thì rượu tequila vùng Guadalajara có tiếng hơn vùng này. Mình không uống rượu nên cũng không thiết mua đem về. Tháng trước đi Puerto Rico đã mua được 1 chai tặng bạn và mấy ông dạy lớp tặng cho một chai đem về. Cuối năm chắc khui cho bà con uống. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn