Tại sao tham gia Toastmasters International

 Có anh bạn học xưa ở Việt Nam thắc mắc Toastmasters là gì. Mình đoán ở Việt Nam không có loại hội này nên viết lên đây để giải thích. Mình có nhiệm vụ phó chủ tịch của hội toastmasters nên phải chụp ảnh và tải hình ảnh sinh hoạt của hội lên facebook và trang nhà. Mất công chuyển tài khoản nên mình tải lên trang cá nhân rồi chia sẻ với trang Toastmasters của thành phố Orange. Do đó có vài người bạn trên facebook thắc mắc.

Hội quốc tế này được thành lập bởi ông Ralph C. Smedley vào năm 1924 tại YMCA của thành phố Santa Ana, Quận Cam, California. Mục đích ban đầu giúp các giới trẻ tập luyện kỷ năng về truyền thông. Hiện nay hội này có trên 364,000 hội viên trên 145 quốc gia, độ 16,200 câu lạc bộ.

Mình gia nhập hội toastmaster cách đây 25 năm. Khi mấy đứa con đến tuổi đi học thì ngưng, chỉ tham gia lại từ 3 năm nay. Hội này thường được thành lập tại các thành phố trên đất Mỹ. Thành phố có nhiều hội, sinh hoạt khác nhau và thời gian trong tuần. Hội được quản trị theo đường lối trung ương nhưng hội có thể làm việc, tổ chức theo quy định riêng của mỗi hội.

Muốn làm hội viên thì chỉ làm đơn xin gia nhập và đóng niên liễm cho trung ương và nguyệt liễm cho hội để có thể mướn chỗ sinh hoạt. Hội của mình mướn một chỗ sinh hoạt của một nhà thờ trong thành phố để sinh hoạt từ 7:00 sáng đến 8:30 sáng.

Dạo còn đi làm, ông chủ nói mình gia nhập hội toastmasters để tập nói chuyện, hầu có thể trình bày các dự án trước khách hàng. Lý do mình nói rất tồi khi trình bày ý tưởng. Mấy hội này thường họp mặt vào buổi sáng. Dạo ấy mình ở Bolsa nên tham gia hội ở nhà thờ Kính đến khi dọn nhà đi thành phố khác thì kẹt xe vào buổi sáng nên bỏ luôn.

Hội viên toastmasters tại Doha

Khi xưa, đi học thì hàng tháng nộp đồ án, mình phải trình bày ý tưởng và trả lời mấy câu hỏi của mấy ông thầy trong ban giám khảo. Lúc đầu, thì khá run nhưng dần dần cũng quen vì có chuẩn bị ý tưởng để giải thích về đồ án.

Mình thấy khó nhất là khi đi làm ở Ý Đại Lợi và Thuỵ Sĩ vì phải trình bày cho khách hàng hay chủ bằng tiếng ý hay tiếng đức mà mình không thạo bằng tiếng tây. Qua Anh quốc làm việc thì cũng bị lộn xộn vì anh ngữ nhất là giọng phát âm khiến người anh cứ nhìn mình như bò đội nón. Đến khi sang Hoa Kỳ thì tên sếp mới đề nghị mình tham gia hội này ở Cali.

Khi giao tiếp, có một cản lực làm sao nói ngắn và gọn để đối tác hiểu ý của mình. Đa số chúng ta hay có khuynh hướng lập lại những gì đã nói trước đó 15 giây. Mình nhớ có xem video cảnh hội ngộ học sinh Văn Học cũ Đà Lạt. Có một anh lên cầm micro, phát biểu cảm tưởng, nói dài cả nữa tiếng, và lập lại “không biết nói gì hơn” đến 12 lần.

Đi các buổi sinh hoạt cộng đồng người Việt, nghe mấy ông chủ tịch đọc diễn văn bú xua la mua, không hiểu họ muốn gì. Kiểu như mình viết, cứ nghĩ đến cái gì viết cái đó, không sắp đặt thứ tự gì cả. Dài dòng mất thì giờ thiên hạ. Thiên hạ hay chửi mình viết tùm lum. Mình chỉ viết để cho cái đầu mình bớt lộn xộn chớ không phải để câu like nên thông cảm dùm.

Lý do mà người Mỹ tham gia hội Toastmasters là khi họ được bạn bè nhờ nói vài câu trong bữa tiệc hay đám cưới. Người Mỹ gọi “make a toast”. Điển hình đám cưới người cháu vừa qua, người phụ rể chính, kêu gọi mọi người nâng ly chúc mừng cô dâu chú rể. Trước đó thì anh ta phải nói vài lời về chú rể,…. Rồi kêu mọi người nâng ly. Có lẻ vì vậy mà cụm từ Toastmaster đến từ sự việc này.

Cách đây mấy năm trước Covid, có một bà tham gia, kêu được giải gì đó của công ty, phải nói vài lời cảm ơn trước đồng nghiệp ở Hoa Thịnh Đốn. Đùng một cái Covid xây ra thế là bà ta nghỉ luôn. Trong thời gian Covid, hội mình sinh hoạt qua Zoom, GoMeeting. Nếu không sinh hoạt như vậy thì có lẻ hội đã tan rã. Trên thực tế thì đến phòng họp, mới học được cách nói chuyện trước công chúng. Nhìn mấy cặp mắt của thiên hạ như lột trần quần áo của mình thì mới quen nói chuyện trước công chúng.

Mấy hội viên tham gia hội từ bao nhiêu năm thì họ nói hay lắm, giúp mình học hỏi thêm. Ngoài ra trên trang nhà của Toastmaters Quốc tế cũng có những video để mình xem. Thường niên họ có tổ chức giải đấu tài hùng biện từng trình độ, từ địa phương lên đến quốc gia.

Ngoài học cách nói chuyện trước công chúng, hội còn giúp chúng ta về tài lãnh đạo, tổ chức,… mình thích nhất là phần phê bình. Khi nói chuyện, các hội viên khác sẽ nghe và để ý đến các khuyết điểm, ưu điểm của mình trước đám đông và viết những ý kiến đóng góp vô danh để không gây thù hận.

Mỗi tuần đều có thời khoá biểu, phân công các hội viên. Điển hình, hôm qua ông Mark làm Toastmaster. Ông ta gửi điện thư tuần trước cho mọi người, báo chủ đề ông chọn “những thông lệ của Giáng sinh” và mọi người hồi âm cho biết có tham dự hay không để kiếm người khác thay thế vai trò của họ.

Mình được chỉ định làm TableTopic Master nên phải dựa theo đề tài của ông Mark chọn để hỏi các hội viên khác theo chủ đề do ông Mark đưa ra.

Buổi họp thường được xẩy ra như sau: mọi người đến độ 6:45 sáng để giúp đem bàn ghế, trải khăn bàn cho lịch sự, đem cờ và cái bục đứng nói. Cà phê cà pháo trước khi sinh hoạt.


Khởi đầu, người chủ tịch lên tiếng khai mạc buổi sinh hoạt, mời người được chỉ định Invocation & Pledge, đọc “pledge of allegiance”, tuyên thệ trung thành với toor quốc, nói vài câu xin Chúa ban phép lành rồi mọi người đi một vòng chào hỏi. Đến Joke Master lên kể chuyện tếu giúp không khí vui vẻ lên. Kể chuyện tếu cũng phải tập cách diễn đạt để thiên hạ cười. Đồng chí gái thích kể chuyện tếu lắm nhưng nữa chừng thì quên, phải hỏi mình. Chán Mớ Đời 

Kể chuyện tếu lâm như đóng kịch, phải kể sao cho thiên hạ theo dõi mình,…

Sau đó thì vị chủ tịch toastmaster của buổi sinh hoạt là ông Mark. Ông Mark tuần tự mời các người nói về nhiệm vụ của họ. Ai cũng có phần cả.

Trước tiên là người giữ vai trò Ah Counter/ Grammarian, đứng lên nói về nhiệm vụ của mình. Đếm những từ thừa của người nói. Khi chúng ta phát biểu, khi tìm kiếm ý tưởng hay chữ thì có tật hay đệm vào khoảng trống như a, ờ, you know, you know what i mean, and, but,…. Người có nhiệm vụ này phải ghi lại và có cái bấm nghe cái tách để diễn giã biết. Khi chưa tìm ra chữ thì cứ giữ im lặng để tìm chữ, lúc mình im lặng thì khiến người ta chú ý hơn thay vì cứ nói ào ào, sử dụng các cụm từ thừa. Đến cuối buổi sinh hoạt thì sẽ cho mọi người biết nhất là ai không sử dụng từ trong ngày (word of the day) thì sẽ bị loại. Anh nói say sưa mà không sử dụng cụm từ này thì bù trớt.

Vấn đề khi đã là hội viên của Toastmasters thì mình hay nhận xét thiên hạ phát biểu nhất là trên truyền hình,…

Sau đó người Timer, nói nhiệm vụ của mình là đo thời gian của diễn giả. Họ có cái đèn bên cạnh, có 3 màu, xanh, vàng và đỏ. Khi đèn được bật trên màu đỏ thì chỉ có 30 giây để kết thúc diễn văn của mình. Nếu ai nói quá thời gian hạn định sẽ bị loại.

Đến người đếm phiếu Vote Counter. Sau khi diễn giả nói xong thì mọi người có tờ giấy nhỏ để phê bình hay góp ý kiến. Thường thì người ta góp ý kiến rất nhẹ nhàng nhưng rất hay. Bầu ai là diễn giả số một rồi đưa qua cho người này cộng sổ để tuyên bố diễn giả số 1 của buổi sinh hoạt. Từ 3 năm nay, mình chỉ đoạt giải nhất đâu 3 lần. Chán Mớ Đời 

Cuối cùng là người cho cụm từ trong ngày và giải thích định nghĩa của từ và cho thí dụ để người ta hiểu rõ hơn để sử dụng.

Sau đó thì người toastmaster giới thiệu bình luận gia của diễn giả thứ nhất, giới thiệu về đề tài, mục đích và thời gian bao nhiêu phút. Mình đa phần là tìm cách khôi hài một tí. Diển giả #1 lên bục nói rồi đến diễn giả thứ 2. Sau đó trong khi chờ đợi hai nhà phê bình của bài diễn văn thứ 1, 2 thì đến phiên mình lên lo phần đặt câu hỏi trong chương trình tabletopic.

Mình phải nghiên cứu, tìm tòi những câu hỏi về thông lệ, truyền thống giáng sinh, đặt câu hỏi rồi gọi những người trong hội phát biểu. Mỗi người chỉ có 2 phút để trả lời. Mình phải xem giờ để có thể câu giờ hay rút ngắn thời gian, kể thêm chuyện vớ vẩn. Đến giờ thì mình nhường lại cho ông toastmaster, kêu các nhà phê bình các diễn giả lần lượt nói về cảm nghĩ của họ về bài phát biểu. Thường họ sử dụng cách phê bình kiểu sandwich, khởi đầu họ khen rồi phê bình và kết luận khen lại nên diễn giả cảm thấy ấm lòng, không bị tổn thương.

Gặp người Việt thì kêu nói như cứt. Bò đỏ, bò vàng cũng là bò. Người Việt mình sống theo cảm tính nhiều hơn duy lý nên thích chửi thay vì phê bình có xây dựng. Xong om

Phần kết luận cho biết ai được bầu làm diễn giả số một và giải an ủi. Sau đó, nhường lại cái bục cho toastmasters rồi toastmaster mời chủ tịch hội lên để bàn thêm cho buổi sinh hoạt tuần sau rồi dọn dẹp ra về. Họ dạy mình cách chuyển giao diễn đàn cho nhau cũng hay lắm. Đứng ra sao, bắt tay bú xua la mua.

Mình làm vườn, quanh năm chỉ thấy sóc, chim, rắn và coyote nên bò đi sinh hoạt mấy vụ này, giúp nói anh ngữ chuẩn hơn vì có người sửa văn phạm. Nói ít lại, bớt dùng các từ đệm ừ à ồ, nhưng hay,… trước đám đông mình không ngại phát biểu cũng như khi lên đài truyền hình, thiên hạ hỏi mình thì trả lời bình thản không run run như đứng trước mặt đồng chí gái. Chán Mớ Đời 

Ở Cali trên 30 năm, có lẻ mình nói tiếng Mễ hàng ngày nhiều hơn là anh ngữ.

Mình học khá nhiều điều ở các hội viên khác về lịch sử, về xã hội,.. mình không sinh ra tại đây nên có nhiều văn hoá Mỹ mình không biết hay trải nghiệm. Đa số đều đến từ các ngành khác nhau nên có trải nghiệm, hiểu biết khác với mình nên thích đi họp hàng tuần. Điểm hay nhất là mình học hỏi cách phê bình nhẹ nhàng, giúp các hội viên biết điểm họ cần sửa cho lần sau mà không mất lòng. Vấn đề là không áp dụng được với vợ vì đồng chí gái là đấng tối cao. Chỉ có vấn đề dạo này mình đi chơi hơi nhiều nên bớt sinh hoạt.

Hôm qua, mình dẫn đồng chí gái đi ăn giáng sinh ở hội Lions INternational mà mình tham gia từ 25 năm qua. Đồng chí gái muốn tham dự với mấy bà bạn, treo đèn kết hoa cho 3 chiếc xe hoa cho buổi diễn hành thường niên tại Pasadena. Họ cần đâu 100 thiện nguyện viên. Bác nào ở vùng nam Cali, muốn tham dự thì cho em hay, để báo cho họ biết. Mỗi buổi làm việc là 8 tiếng chớ không phải bò tới chơi chơi vài phút rồi chạy.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn